Sự phát triển của một đứa trẻ 5 tuổi đầy rẫy những mâu thuẫn trong hành vi và tâm lý. Ở độ tuổi này, nhiều trẻ vẫn đang trải qua giai đoạn không quá xa của thời thơ ấu và tiến tới giai đoạn phát triển của “đứa trẻ sắp lớn”. Nếu nói rằng giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi là giai đoạn kiến tạo những cấu trúc về mặt cơ thể và tâm lý thì giai đoạn từ 3-5 tuổi là giai đoạn tiếp nhận những kỹ năng và kiến thức làm nền tảng cho sự hình thành nhân cách và năng lực. Vì thế, khi trẻ được 5 tuổi thì bé đã có khả năng tiếp thu một lượng kiến thức không nhỏ. Theo A.X Macarenco, một nhà giáo dục nổi tiếng của Nga thì: “ Nền tảng của giáo dục chủ yếu được xây dựng từ khi trước 5 tuổi, nó chiếm đến 90% chất lượng của cả quá trình giáo dục” .
Một đứa trẻ 5 tuổi có thể thể hiện sự tự chủ hơn nhiều so với một đứa trẻ mới biết đi và hầu hết trẻ em ở độ tuổi này sẽ có thể ngồi trong lớp học trong một khoảng thời gian và lắng nghe hướng dẫn của giáo viên. Đồng thời, một đứa trẻ ở độ tuổi này vẫn đang học cách điều chỉnh cảm xúc của mình và vẫn sẽ dễ bị xao động vì một thứ gì đó nhỏ như một ly sữa bị đổ.
Vậy các mốc phát triển mà bé yêu 5 tuổi của bạn cần đạt là gì? Cách chăm sóc bé tốt nhất? Tất cả sẽ có trong bài viết dưới đây.
Xem thêm: Nuôi dạy trẻ mẫu giáo từ 3 – 5 tuổi: Lời khuyên cho các bậc cha mẹ!
Phát triển thể chất của trẻ 5 tuổi
Chiều cao:
- Bé trai: 98,2– 115cm; trung bình: 110cm
- Bé gái: 103,5 – 111cm; trung bình: 109,4cm
Cân nặng:
- Bé trai: 17,1 – 19,5kg; trung bình: 18,3kg
- Bé gái: 16,9 – 19,2kg, trung bình: 18,2 kg
Đây là thời điểm vàng tăng chiều cao nhanh cho bé gái. Nếu trước đó bé tăng chậm, hoặc biếng ăn dinh dưỡng không đủ thì cơ thể bé sẽ tăng bù vào thời điểm này, trung bình tăng 5-6 cm/năm. Nếu dinh dưỡng giai đoạn 1 tốt và chiều cao tăng ổn định thì bé gái sẽ tăng thêm 10-12 cm/2 năm này. Bé trai thời điểm này là tăng bình thường, cũng không bù cho giai đoạn trước.
Với các bé từ 4 tuổi đến 5 tuổi, các chuyên gia khuyên nên cho trẻ học bơi 2 buổi/tuần và 2 buổi cách nhau 3 ngày, mỗi buổi không quá 45 phút. Khi bé 8 tuổi, có thể tăng 3 buổi/tuần. Mỗi buổi không quá 60 phút. Cường độ như vậy sẽ phù hợp với phát triển xương cho bé và đủ cho thời gian kiến tạo xương mới.
Nếu bạn đánh dấu chiều cao của con mình lên cánh cửa và nhận thấy con mình cao chậm hơn 2cm trong 6 tháng thì hãy tìm đến những lời khuyên của các chuyên gia chăm sóc sức khỏe. Còn nếu bạn thấy quá lo lắng vì con mình hơi mũm mĩm thì hãy đo chỉ số BMI để kiểm tra xem con mình có bị béo phì hay không. Bạn cần lưu ý rằng chỉ số BMI tăng theo từng độ tuổi.
Phát triển vận động
Đứa trẻ 5 tuổi của bạn đang có những động tác phối hợp càng ngày càng chính xác hơn. Khi lên 5 tuổi, nhiều đứa trẻ sẽ không còn đôi má phúng phính như ngày còn bé. Đây là khi trẻ bắt đầu giảm mỡ và tăng cơ.
Những dấu mốc quan trọng trong giai đoạn này
- Kỹ năng vận động thô: Khả năng chạy và nhảy của trẻ thực sự bắt đầu phát triển ở độ tuổi này. Bé sẽ giữ thăng bằng và phối hợp tốt hơn.
- Kỹ năng vận động tinh: Khi các động tác trở nên thành thục và tinh tế hơn, một đứa trẻ 5 tuổi sẽ có thể tự mặc quần áo, xử lý các nút và khóa kéo và học cách buộc giày (mặc dù nhiều trẻ em phát triển kỹ năng này sau 5 tuổi).
- Điểm nổi bật chính: Bữa ăn sẽ là một trải nghiệm khác biệt khi trẻ 5 tuổi trở nên lão luyện hơn trong việc xử lý thìa và đũa, cần ít sự giúp đỡ hơn từ bố mẹ với những việc như cắt thức ăn.
Trí não
- Đếm tối thiểu 10 đồ vật.
- Có thể vẽ một người với tối thiểu 6 bộ phận.
- Có thể viết vài chữ cái hoặc số.
- Sao chép hình tam giác và các dạng hình học khác.
- Biết về những đồ vật được dùng hàng ngày
- Nhận biết được màu sắc, số đếm, biết phân biệt các đồng tiền xu và có một số trẻ còn biết tự học đọc.
- Làm những việc mà chúng nghĩ là có thể đạt được thành công, làm theo các chỉ dẫn và tuân theo sự giám sát, hướng dẫn.
Vận động
- Đứng trên một bàn chân tối thiểu 10 giây.
- Nhảy lò cò, có thể nhảy cách quãng.
- Có thể nhào lộn.
- Dùng muỗng và đôi khi dùng dao.
- Có thể tự đi vệ sinh.
- Đu đưa và leo trèo
- Tự mặc và cởi đồ
Mẹo nuôi dạy con
Ở độ tuổi lên 5, bạn đã có thể dạy bé học chữ, học toán nhằm nâng cao tư duy logic. Cũng trong độ tuổi này, trẻ luôn đặt ra những câu hỏi thắc mắc về thế giới xung quanh do tư duy logic đã dần phát triển.
Nhà di truyền học Albert Jacquard từng phát biểu: “Mọi trẻ, lúc chào đời, trừ một thiểu số bị bệnh tật, đều có tiềm năng thông minh, môi trường có cho phép những tiềm năng ấy thành thông minh thật sự hay không là chuyện khác”. Khi con bạn thành thạo từng kỹ năng mới, đây là thời điểm tuyệt vời để giới thiệu các kỹ năng mới để thử thác các bé. Ví dụ, khi khả năng sử dụng đồ dùng được cải thiện, hãy bắt đầu dạy cách cư xử trên bàn ăn tốt hơn.
Bạn có thể đưa con đi đây đi đó: đến các nhà hàng, cửa hiệu và tạo điều kiện để con tự viết ra tên những người con yêu quý và tên các đồ vật, đặc biệt là những người, vật có tên ngắn.
Khi trẻ 5 tuổi, cha mẹ hãy coi bé như một “người lớn”, để bé tự làm việc, học hỏi như một người lớn. Cha mẹ hãy ở bên để kịp thời hướng dẫn đúng cho bé chứ không nên bắt ép bé.
Sự phát triển cảm xúc
Lên 5 tuổi, trẻ em đang bước vào thế giới “tập làm người lớn”, bé có thể kiểm soát và điều tiết cảm xúc tốt hơn. Nhiều đứa trẻ 5 tuổi là rất hòa đồng, chúng chủ động muốn kết bạn và nhận được phản hồi tích cực từ người lớn.
Đồng thời, rất nhiều trẻ 5 tuổi vẫn còn trong “thế giới trẻ nhỏ” và có thể thể hiện những thái cực cảm xúc, giận dữ và mâu thuẫn.
Đây là độ tuổi mà nhiều trẻ em bắt đầu nói lên cảm xúc của mình một cách có ý nghĩa. Chẳng hạn, một đứa trẻ 5 tuổi có thể nói: “Con không thích phải đi ngủ sớm.”
Bé cũng có sự đồng cảm, chẳng hạn như khi nhìn thấy một người bạn gặp nạn bé có thể nói: “Mình cảm thấy buồn bã.” Nếu một đứa trẻ ở độ tuổi này buồn bã về điều gì đó, chúng có thể đơn giản là nói ra những gì chúng đang nghĩ và nói điều gì đó như: “Con đang tức mẹ.”
Những dấu mốc quan trọng
- Tách khỏi những người chăm sóc mà không buồn bã quá mức
- Chơi và chia sẻ đồ chơi với những đứa trẻ khác
- Trẻ muốn làm vui lòng bạn.
- Muốn giống bạn.
- Đồng ý với nội quy.
- Thích hát, múa và hành động.
- Nhận thức về giới tính.
- Có thể nói điều gì thật và điều gì giả vờ.
- Tỏ vẻ tự lập hơn (ví dụ, có thể tự đến thăm người hàng xóm nhưng vẫn cần người lớn giám sát).
- Đôi khi đòi hỏi và đôi khi rất hợp tác.
Mẹo nuôi dạy con
Ở lứa tuổi này trẻ thường bắt đầu có sự chính kiến riêng của mình nên thường đưa ra những câu hỏi thắc mắc thậm chí cả những lý luận riêng của mình để “cãi” người lớn. Gặp những tình huống như vậy, người lớn cần giải thích kỹ càng cho bé, nếu không trẻ sẽ tỏ ra bướng bĩnh, khó ưa. Trẻ thường cảm thấy bị tổn thương sâu sắc nếu không được cha mẹ thấu hiểu và chia sẻ những thắc mắc của mình.
Đây là thời điểm quan trọng để bắt đầu dạy con bạn những cách xử lý cảm xúc, như tức giận và thất vọng. Nói về cách vẽ một bức tranh, âm thầm đếm số hoặc hít thở sâu là những cách tốt để làm dịu cảm xúc.
Trẻ có thể sẽ hay nhõng nhẽo
Tính cách này thường xuất phát từ việc nuông chiều của cha mẹ, lâu ngày thành ra ương bướng, nhõng nhẽo và trở nên khó bảo khi ba mẹ không đáp ứng nhu cầu nào đó của trẻ. Tính nhõng nhẽo này nếu không được ba mẹ uốn nắn từ sớm rất dễ làm hư trẻ. Bạn cần có thái độ cứng rắn trước con trẻ, cho trẻ thấy đâu là giới hạn. Cái gì đáp ứng cho bé thì đáp ứng, nếu không được thì phải dứt khoát, không nên thỏa hiệp sẽ làm bé mè nheo mãi. Hãy đưa ra những hình thức kỉ luật dành cho bé nhưng bạn nhớ nên áp dụng hình thức kỉ luật nhẹ nhàng và mẹ cần kiên nhẫn áp dụng thì lâu dần trẻ sẽ ngoan ngoãn nghe lời.
Nếu bé tỏ ra ích kỷ
Trẻ 5 tuổi bắt đầu ý thức về bản thân mình, trẻ biết yêu bản thân mình và bắt đầu xuất hiện tính ích kỉ, không muốn chia sẻ mọi thứ với người xung quanh. Trẻ ý thức cái gì là sở hữu của mình, cái gì là của người khác và trẻ chỉ chăm chăm vào lợi ích của bản thân mà không cần biết những người xung quanh. Với tính ích kỉ trẻ sẽ tự cô lập mình, bị bạn bè, và mọi người xung quanh xa lánh. Vì vậy, trong trường hợp này, cha mẹ cần quan sát và uốn nắn bé ngay từ đầu, đặc biệt là với những đứa trẻ con một. Bạn hãy dạy trẻ cách chia sẻ đồ chơi với bạn bè với anh chị em trong nhà. Hãy cho bé thấy niềm vui của mình khi nhận được sự chia sẻ của người khác và ngược lại người khác sẽ vui như thế nào khi nhận được sự chia sẻ của mình. Cha mẹ có thể tập cho trẻ tính nhân ái, biết yêu thương và giúp đỡ người khác bằng những hành động cụ thể của mình như giúp đỡ người già, làm từ thiện,..
Tương tác xã hội
Con bạn sẽ bắt đầu kết bạn mới, trải nghiệm sự hình thành các mối quan hệ (bao gồm cả giáo viên và bạn bè) bên ngoài vòng tròn gia đình. Nhiều cột mốc xã hội và cảm xúc mà bạn sẽ thấy ở độ tuổi này sẽ giúp việc đến trường mẫu giáo của con bạn dễ dàng hơn nhiều. Bởi vì thế, tình bạn bắt đầu có tầm quan trọng hơn đối với trẻ 5 tuổi. Một đứa trẻ ở tuổi này có thể bắt đầu bị thu hút bởi một số người bạn được chọn nhất định và hình thành mối liên hệ mật thiết với hai hoặc ba đứa trẻ khác.
Những dấu mốc quan trọng
- Muốn làm hài lòng bạn bè
- Chấp nhận các quy tắc của cuộc chơi
- Muốn được như những đứa trẻ khác
- Bắt chước người lớn và thích được khen
- Chơi với cả bạn trai và bạn gái, luôn bình tĩnh và thân thiện, không quá đòi hỏi trong mọi mối quan hệ, có thể chơi với một bạn hoặc một nhóm bạn mặc dù thích chơi với bạn cùng giới hơn.
- Nói rất rõ.
- Kể một câu truyện đơn giản với những câu đầy đủ.
- Dùng thì tương lai, ví dụ “bà ngoại sẽ đến đây”.
- Nói họ tên và địa chỉ.
Mẹo nuôi dạy con
Đôi khi có thể hình thành sự tẩy chay hay chia bè kéo phải xảy ra ở trẻ 5 tuổi, vì vậy điều quan trọng là phải theo dõi chặt chẽ ứng xử của bé trong các lớp học và các nhóm chơi. Bắt nạt cũng có thể xảy ra ở mẫu giáo và ở độ tuổi này, trẻ thiếu kỹ năng ứng phó với kẻ bắt nạt nên sự can thiệp của người lớn là chìa khóa vàng.
Phần lớn các bé 5 tuổi đã trải qua thời gian hòa nhập vào môi trường mẫu giáo. Bé sẽ dần làm quen và hòa nhập nhiều hơn với các bạn đồng trang lứa và những người lớn như giáo viên, ba mẹ của các bạn, những người lớn ngoài xã hội… một cách chủ động. Cùng với quá trình này, bé sẽ thể hiện khả năng tự giải quyết các vấn đề, tự ra quyết định. Chỉ có một vấn đề nhỏ là bé đôi khi tỏ ra tự chủ quá mức cần thiết và có thể trở nên thô lỗ nếu bị góp ý hay can thiệp.
Đây là lứa tuổi phát triển khá hoàn chỉnh về khả năng giao tiếp, trẻ có thể nói những câu đầy đủ, đôi khi phức tạp cũng như hiểu được những câu nói dài của người khác. Điều này là cơ sở cho trẻ tiếp nhận những kiến thức của lớp 1 và các cấp học tiếp theo. Mặc dù vậy, khi giao tiếp với trẻ, chúng ta vẫn không nên sử dụng lối nói với những ý nghĩa ẩn dụ, nước đôi theo kiểu, nói vậy mà không phải vậy vì có thể gây ra những hiểu lầm, hay khiến cho trẻ có những nhận thức tiêu cực về bản thân và sự hiểu biết sai lệch về người khác.
Bên cạnh đó, cũng không ít các bậc cha mẹ, do thói quen hay vô ý, thường xuyên nói tục bên cạnh trẻ, đã khiến cho không ít bé bị “nhiễm độc” vì những lời lẽ tệ hại đó, đến khi phát hiện ra thì đã trở thành một thói quen khó bỏ. Vì thế trong lời ăn tiếng nói đối với trẻ, bạn cần phải thận trọng, một mặt quan tâm đến việc giúp cho trẻ phát triển được năng lực làm chủ ngôn ngữ, nhưng cũng cẩn thận không nói tục trước mặt trẻ.
Hoạt động vui chơi của bé 5 tuổi
Hầu hết trẻ 5 tuổi thích chơi với bạn bè ở trường mẫu giáo và hàng xóm. Bé cũng có thể bắt đầu một số quyền riêng tư với bạn bè, bằng cách đề nghị bé và bạn sẽ chơi ở phòng riêng của mình. Các bé thường có thể tự giải quyết xung đột nhỏ mà không cần sự can thiệp của người lớn vào trò chơi của bé.
Kỹ năng thể chất vừa chớm nở cũng có thể mở rộng cách chơi của bé. Con bạn có thể thích đi xe đạp với bánh xe phụ, nhảy dây hoặc chơi các trò chơi phức tạp hơn với bóng.
Những dấu mốc quan trọng
- Thích hát, chạy và nhảy
- Nhảy lò cò, có thể nhảy cách quãng
- Có thể nhào lộn
- Bắt đầu hiểu được những điều thiện, ác, thích những câu chuyện có cái kết có hậu, biết bất bình với những nhân vật xấu trong truyện, trẻ thích hóa thân vào những nhân vật cổ tích có tính cách tốt như thích làm công chúa, ghét nhân vật phù thủy.
Mẹo nuôi dạy con
- Cho con bạn trải nghiệm các trò chơi mới để giúp chúng học các kỹ năng mới và thực hành những kỹ năng chúng đã có. Những miếng ghép lego sẽ giúp trẻ có cảm giác về hình khối và màu sắc. Khi chơi lego, bé phải vận dụng tư duy để ghép theo những mô hình yêu thích: Hình ngôi nhà, khu vườn, trường học, công viên… Bộ não của bé sẽ được rèn luyện khả năng suy nghĩ logic, khả năng tập trung, ghi nhớ đồng thời tăng tính kiên nhẫn, kỹ năng xử lý khi tham gia bất kì một hoạt động nào.
- Bạn có thể dạy bé những phép tính cộng, tính trừ khi cùng chơi đồ hàng với con. Đối với bé lúc này, chơi là cách để học hỏi tốt nhất.
- Khả năng ghi nhớ của trẻ trong giai đoạn 5 tuổi đang dần hoàn thiện. Bạn có thể giúp bé nâng cao tốc độ ghi nhớ bằng trò chơi đọc tên đồ vật.
- Không chỉ có khả năng ghi nhớ, trẻ 5 tuổi còn biết phân loại đồ vật theo nhóm khi được bạn gợi ý. Bạn chỉ cần chuẩn bị tranh ảnh của các loài động, thực vật, đồ dùng trong nhà… Sau đó, yêu cầu bé sắp xếp chúng theo từng nhóm nhất định.
Các mốc quan trọng khác
Nhiều trẻ em 5 tuổi sẽ bắt đầu thay răng sữa bằng răng vĩnh viễn, quá trình này kéo dài trong vài năm tới. Đến thời kỳ thay răng, chân răng sữa sẽ tiêu, răng sữa lung lay và rụng để răng vĩnh viễn mọc lên. Răng nào mọc trước sẽ thay trước. Nếu răng không tự rụng nên đưa trẻ tới bác sĩ nha khoa khám và nhổ. Cần lưu ý rằng các nha sĩ không khuyên bạn nên nhổ răng sữa lỏng lẻo và thường khuyên bạn nên để răng tự rụng tự nhiên. Nhiều trẻ 5 tuổi có thể tự đánh răng, mặc dù dưới sự giám sát của cha mẹ thường vẫn tốt hơn.
Tránh la mắng hoặc trừng phạt con bạn vì bé chạm vào bộ phận sinh dục của mình. Bạn có thể muốn bắt đầu nói về những gì được xã hội chấp nhận và những gì không. Ví dụ, giải thích rằng không có người nào khác, ngoài bác sĩ hoặc cha mẹ, có thể chạm vào các bộ phận riêng tư của trẻ. Nếu bất cứ ai có ý định chạm vào nơi nhạy cảm, điều cần làm là nhanh chóng rời xa và hô cho mọi người biết. Hãy dạy trẻ cách tự bảo vệ bản thân cũng như luôn ở trong phạm vi mà người lớn có thể để mắt tới.
Khi nào cần đưa trẻ đi khám bác sĩ
Tất cả trẻ 5 tuổi phát triển với tốc độ hơi khác nhau. Đi học ở trường mầm non cũng sẽ đóng một vai trò lớn trong một số cột mốc mà bạn có thể thấy. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh khuyên bạn nên nói chuyện với bác sĩ nếu bạn nhận thấy bất kỳ điều nào sau đây ở trẻ 5 tuổi:
- Không thể hiện nhiều cảm xúc
- Thể hiện hành vi cực đoan (quá sợ hãi, hung hăng, nhút nhát hoặc buồn bã)
- Rút lui và không hoạt động cách bất thường.
- Dễ xao lãng, khó tập trung vào một sinh hoạt hơn 5 phút.
- Không đáp ứng với người khác, hoặc đáp ứng cách hời hợt.
- Không thể nói điều gì thật và giả vờ.
- Không chơi những trò chơi và sinh hoạt đa dạng.
- Không nói được họ tên.
- Không dùng số nhiều hoặc thì quá khứ cách phù hợp.
- Không nói về những sinh hoạt hoặc kinh nghiệm hàng ngày.
- Không vẽ hình.
- Không thể đánh răng, rửa và lau khô bàn tay, hoặc cởi quần áo không cần trợ giúp.
- Mất các kỹ năng đã đạt được.
Dinh dưỡng cho trẻ 5 tuổi
Bước vào tuổi lên 5, mặc dù sự phát triển của trẻ chậm hơn giai đoạn vừa mới sinh hay giai đoạn 3-4 tuổi, nhưng các bé vẫn cần một chế độ dinh dưỡng khoa học và hợp lý. Chế độ dinh dưỡng của trẻ trong giai đoạn này không những phải đáp ứng được nhu cầu về chất và lượng mà còn cần phải phù hợp với khẩu vị của trẻ. Chính vì vậy, việc bạn tập cho bé những sở thích ăn uống lành mạnh ở tuổi này là rất quan trọng.
Bên cạnh đó, khi xây dựng chế độ ăn uống cho bé 5 tuổi, bạn cần dựa vào các yếu tố như chiều cao, cân nặng hiện tại để tránh tình trạng béo phì hoặc suy dinh dưỡng. Một chế độ ăn uống hợp lý và khoa học cần phải có sự cân bằng giữa tiếp nhận và tiêu hao các chất dinh dưỡng cơ bản.
Một bữa ăn hợp lý bao gồm đầy đủ các chất như đạm, đường bột, vitamin và chất khoáng, chất béo.
- Mỗi ngày, cho trẻ ăn từ 2-3 bát cơm nát cùng các loại thức ăn chế biến từ thịt, tôm, cua, trứng, lạc, vừng, đỗ, rau xanh, dầu mỡ.
- Cho uống khoảng 200-250ml sữa
- Ngoài bữa chính hãy cho trẻ ăn từ 2-3 bữa phụ như cháo, súp, phở.
- Sau các bữa ăn, bạn có thể cho bé ăn hoa quả chín theo nhu cầu của trẻ.
Bé đang ở tuổi phát triển, nếu được cung cấp quá nhiều năng lượng cần thiết sẽ dẫn đến trẻ bị béo phì và thừa cân. Do đó, đối với những trẻ có dấu hiệu thừa cân, béo phì, cần tránh các loại thực phẩm như các loại bánh kẹo, nước ngọt,… vì đây là những loại thực phẩm chứa nhiều calores, chất béo, đường, làm chậm quá trình phân hóa. Bên cạnh đó, những thực phẩm có nhiều đường cũng là nguyên nhân gây sâu răng ở trẻ, bạn hãy chuyển sang cho bé dùng nước hoặc sữa là thích hợp nhất. Hãy nhớ hướng dẫn trẻ đánh răng, súc miệng ngay sau khi ăn nhé.
Bạn cũng nên chú ý, nếu trẻ bị suy dinh dưỡng, bạn không nên cho bé uống thuốc bổ, trừ khi có sự chỉ định của bác sĩ. Bởi trong độ tuổi này, cơ thể bé phát triển chưa hoàn chỉnh, một số chất trong thuốc bổ có thể gây chảy máu chân răng, táo bón, chướng bụng hay nhiều tác dụng phụ khác cho trẻ.
Những điều cần nhớ khi trẻ 5 tuổi
- Trẻ giai đoạn này rất dễ xúc động, dễ cười, dễ khóc. Tâm tư của trẻ được bộc lộ ra ngoài, chỉ cần nhìn là biết được ngay trẻ đang vui hay đang buồn. Tính tình của trẻ lúc này tương đối ổn định, dễ hướng dẫn, chỉ bảo. Đời sống tình cảm của trẻ ở lứa tuổi này phong phú và sâu sắc hơn rất nhiều so với lứa tuổi trước. Trẻ trải nghiệm nhiều trạng thái cảm xúc, tình cảm, hướng tình cảm của mình đến nhiều đối tượng khác nhau. Trẻ luôn thèm khát sự yêu thương, trìu mến của cha mẹ, dễ tủi thân nếu không được quan tâm.
- Dù cho bé có đang ở độ tuổi nào thì ba mẹ vẫn là người bạn và là người dẫn đường quan trọng nhất. Những việc bạn cần làm khi bé bước sang tuổi lên 5 là khuyến khích và hỗ trợ bé, dành thời gian để hiểu bé và đừng quên chơi cùng con.
- Bạn cũng đừng quên dành cho bé những khoảng thời gian đặc biệt để trò chuyện. Những lời khuyên của bạn sẽ là nguồn tham khảo quý báu tạo sự tự tin và sức mạnh cho bé.
- Đi học mẫu giáo là một bước tiến lớn đối với trẻ em và phụ huynh, vì vậy thật dễ hiểu nếu bạn lo lắng về việc liệu con bạn đã sẵn sàng để bắt đầu đi học. Vào những buổi đầu cho bé đi học, bạn nên trao đổi với thầy cô về đặc điểm của bé, những sở thích và những bước tiến mà bé đã đạt được. Nếu có một mối quan tâm về một kỹ năng cụ thể, hãy cố gắng trao đổi với con của bạn. Nếu bạn lo lắng về các mốc phát triển con bạn, hãy nói chuyện với bác sĩ nhi khoa.
Xem thêm: Sự phát triển của trẻ 6 tuổi và cách chăm sóc bé