Trẻ đang lớn, đặc biệt là những trẻ không có chế độ ăn uống đa dạng, đôi khi không nhận đủ vitamin thông qua thực phẩm. Do đó, tất cả trẻ em trong độ tuổi ăn dặm, từ 6 tháng đến 5 tuổi cần được uống bổ sung vitamin mỗi ngày.
1. Trẻ ăn dặm có cần thêm vitamin?
Sữa mẹ thường được coi là thức ăn “hoàn hảo” và lý tưởng cho trẻ sơ sinh vì nó chứa đầy đủ các loại vitamin và dưỡng chất mà trẻ cần. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, sữa mẹ hoặc sữa công thức chỉ cung cấp đủ thứ mà trẻ cần trong bốn đến sáu tháng đầu tiên. Trẻ từ sau 4 đến 6 tháng tuổi, khi chế độ ăn của bé dần thay đổi từ chế độ ăn toàn chất lỏng sang chế độ ăn ngày càng nhiều thức ăn đặc (ăn dặm), bác sĩ có thể khuyến nghị việc bổ sung vitamin cho trẻ.
Trẻ sơ sinh không cần phải ăn nhiều loại thức ăn khác nhau, nhưng việc bổ sung thêm vẫn có thể cần thiết đặc biệt đối với trẻ sinh non, trẻ nhẹ cân, trẻ thường xuyên uống ít sữa mẹ hoặc sữa công thức hơn những trẻ khác cùng tuổi hoặc có các vấn đề sức khỏe mãn tính ảnh hưởng đến khả năng ăn của trẻ.
Ngoài ra, nguồn dinh dưỡng từ sữa mẹ có thể bị ảnh hưởng nếu chế độ ăn uống của mẹ không đảm bảo và mặc dù khi trẻ đã bắt đầu ăn dặm thì lượng chất dinh dưỡng nhận được có thể chứa nhiều vitamin và khoáng chất hơn nhưng đôi khi vẫn chưa đủ so với nhu cầu của trẻ. Dưới đây là những chất bổ sung mà bác sĩ có thể đề xuất để bạn bổ sung thêm cho trẻ.
2. Sắt
Sắt là một khoáng chất cần thiết để các tế bào máu khỏe mạnh cũng như hỗ trợ sự phát triển não bộ. Trẻ sơ sinh cần sắt để ngăn ngừa tình trạng thiếu sắt và thiếu máu do thiếu sắt gây ra.
Sữa mẹ và sữa công thức đều chứa sắt, nhưng vào khoảng thời gian bé bắt đầu ăn dặm, nhu cầu về sắt sẽ tăng vọt từ 0,27mg mỗi ngày khi trẻ 6 tháng tuổi lên 11 mg mỗi ngày khi trẻ từ 7 đến 12 tháng tuổi. Tại thời điểm đó, điều quan trọng là bé cần có một nguồn chất sắt tốt từ thực phẩm. Các nguồn thực phẩm giàu sắt bao gồm thịt xay nhuyễn, ngũ cốc tăng cường chất sắt và các loại đậu xay nhuyễn như đậu lăng, đậu tây, đậu lima, đậu đen và đậu pinto.
Bác sĩ cũng có thể đề nghị bổ sung sắt nếu bé không ăn đủ thực phẩm giàu sắt. Trẻ sinh non có ít chất sắt dự trữ hơn khi mới sinh và thường phải uống bổ sung chất sắt.
3. Vitamin D
Vitamin D là vitamin thiết yếu để xây dựng xương chắc khỏe, vì sữa mẹ thiếu chất dinh dưỡng thiết yếu này nên các bác sĩ khuyên tất cả trẻ bú sữa mẹ nên bổ sung 400 IU vitamin D mỗi ngày dưới dạng thực phẩm bổ sung bắt đầu từ khi mới sinh ra. Trẻ bú sữa công thức hoàn toàn hoặc một phần nhưng uống ít hơn 32-ounce sữa công thức mỗi ngày cũng cần bổ sung 400 IU vitamin D hàng ngày.
Cơ thể chúng ta sản xuất vitamin D khi da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Nhưng trong sáu tháng đầu tiên, trẻ không nên tắm nắng, vì vậy khả năng để trẻ nhận đủ vitamin D rất khó. Bên cạnh đó, da của trẻ sơ sinh rất mỏng và mỏng manh và mỗi phút tiếp xúc với ánh nắng mặt sẽ làm tăng nguy cơ ung thư da và nhăn nheo sau này ngay cả khi da không bị bỏng. Kem chống nắng giúp giữ an toàn cho trẻ dưới ánh nắng mặt trời, nhưng nó cũng ngăn chặn các tia giúp cơ thể sản xuất vitamin D.
4. Vitamin B12
Vitamin B12 rất cần thiết cho sự phát triển của hệ thần kinh và ngăn ngừa bệnh thiếu máu. Vitamin này được tìm thấy tự nhiên trong cá, thịt, gia cầm, trứng, sữa và các sản phẩm từ sữa. Nếu bạn đang cho con bú và không ăn nhiều các protein động vật thì phải có hướng bổ sung vitamin B12 thường xuyên và đáng tin cậy, cho dù đó là từ thực phẩm bổ sung hay thực phẩm tăng cường để chế độ ăn của bé cũng sẽ chứa đầy đủ lượng vitamin.
5. Vitamin A
Vitamin A rất quan trọng đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ và chúng thường không được cung cấp đủ. Vitamin A tăng cường hệ thống miễn dịch, hỗ trợ sức khỏe của thị giác và giữ cho làn da khỏe mạnh. Trẻ sơ sinh và trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi nên được bổ sung vitamin A để tăng cường sự phát triển, trừ khi trẻ được uống 500ml sữa công thức mỗi ngày.
Các nguồn cung cấp vitamin A tốt bao gồm các sản phẩm từ sữa, chất béo tăng cường, cà rốt, khoai lang, rau xanh đậm, chẳng hạn như rau bina, bắp cải và bông cải xanh.
6. Vitamin C
Vitamin C rất quan trọng đối với sức khỏe nói chung và hệ thống miễn dịch của trẻ nói riêng. Nó cũng là yếu tố giúp cơ thể họ hấp thụ sắt. Các nguồn cung cấp vitamin C tốt bao gồm cam, kiwi, dâu tây, bông cải xanh cà chua ớt.vv…
Để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động.
Giai đoạn trẻ ăn dặm là giai đoạn vô cùng quan trọng giúp trẻ tăng trưởng toàn diện. Trẻ ăn không đúng cách có nguy cơ thiếu các vi khoáng chất gây ra tình trạng biếng ăn, chậm lớn, kém hấp thu,… Nếu nhận thấy các dấu hiệu kể trên, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.
Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:
Các dấu hiệu bé thiếu kẽm
Thiếu vi chất dinh dưỡng và tình trạng không tăng cân ở trẻ
Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.
Nguồn tham khảo: babycenter.com, whattoexpect.com, nhs.uk