Trẻ bị bệnh tay chân miệng kiêng ăn gì?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Ân – Bác sĩ Nhi – Sơ sinh – Khoa Nhi – Sơ sinh – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Tay chân miệng là bệnh lý khá phổ biến và có khả năng lây nhiễm, thường xuất hiện ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ không nên chủ quan vì nó có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị và chăm sóc cẩn thận. Vậy trẻ bị bệnh tay chân miệng kiêng ăn gì?

1. Biến chứng nguy hiểm của bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng do virus Coxsackie gây ra. Virus này có khả năng lây lan rất nhanh qua đường miệng, các chất tiết từ mũi, miệng, các nốt ban trên da và phân của trẻ bệnh. Dấu hiệu của bệnh chân tay miệng ở trẻ em thường thấy là sốt nhẹ, chán ăn, mệt mỏi, đau họng, ho, đau bụng, nổi ban đỏ trên da… Ban nổi trên da bé thường không đau, không ngứa và có thể kéo dài tới 10 ngày.

Bệnh tay chân miệng thường tự khỏi và không đe dọa tới sức khỏe của trẻ, tuy nhiên bệnh cũng có thể gây ra những biến chứng vô cùng nguy hiểm nếu trẻ không được chăm sóc cẩn thận.

Các biến chứng của bệnh tay chân miệng thường là:

  • Biến chứng tim mạch, thần kinh rất nguy hiểm như viêm não, viêm cơ tim, viêm màng não. Điều nguy hiểm hơn là các biến chứng này rất khó phát hiện sớm nếu bác sĩ và người nhà không chú ý.
  • Yếu hoặc liệt chi; liệt dây thần kinh sọ não.
  • Tăng huyết áp.
  • Trụy mạch.

Suy hô hấp sơ sinh

Khi trẻ có biến chứng nếu không điều trị đúng phác đồ và kịp thời thì có thể trẻ sẽ tử vong trong vài giờ.

Một số dấu hiệu gợi ý nguy cơ biến chứng bệnh tay chân miệng gồm: trẻ sốt cao khó hạ liên tục trên 2 ngày; ói nhiều, không kèm theo tiêu chảy; trẻ quấy khóc, hoảng hốt, nói lảm nhảm, chới với; huyết áp tăng lên; thở khó, thở rít thanh quản; lên cơn co giật.

2. Chăm sóc trẻ bị tay chân miệng

2.1. Chế độ dinh dưỡng

Chăm sóc trẻ nhỏ trong giai đoạn bị bệnh và phục hồi rất quan trọng, đặc biệt là dinh dưỡng để trẻ có sức đề kháng tốt chống lại vi-rút gây bệnh. Do vậy, khi bị tay chân miệng, phụ huynh nên:

  • Cho trẻ ăn những thức ăn mềm, loãng, nguội để dễ nuốt vì lúc này miệng của trẻ bị đau rát do các nốt ban. Chia nhỏ các bữa ăn và không cố gắng ép trẻ ăn.
  • Cho trẻ ăn uống đủ chất protein, kẽm để tạo kháng nguyên, kháng thể. Một số trứng phẩm giàu protein và kẽm gồm: trứng, thịt (cháo thịt nạc), sữa, sữa chua, mật ong, dưa hấu,…
  • Bổ sung vitamin C cho trẻ qua các loại thực phẩm như rau xanh, đu đủ, nước dừa,…
  • Khi thấy dấu hiệu mụn nước vỡ thì cần bổ sung thêm nhiều vitamin A cho trẻ qua các loại thực phẩm như cà rốt, ngô… để chống bội nhiễm.
  • Với trẻ sơ sinh hoặc bé 1 tuổi bị tay chân miệng còn bú mẹ cần cho bú như bình thường, có thể tăng số lần lên vì trẻ mỗi lần bú không được nhiều.

Chế độ ăn uống lành mạnh cho tim: 8 bước để ngăn ngừa bệnh tim

Vậy bệnh tay chân miệng kiêng ăn gì? Khi trẻ bị tay chân miệng, vấn đề kiêng khem trong ăn uống cũng rất quan trọng để giúp bé nhanh khỏi. Do đó, cha mẹ cần lưu ý:

  • Không cho trẻ ăn những thức ăn cứng, nóng vì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các vết loét, khiến trẻ đau đớn, khó ăn và khó nhai nuốt.
  • Không cho trẻ ăn những đồ ăn vặt mặn, cay, đồ nhiều dầu mỡ dù đó là món yêu thích của trẻ.
  • Đồng thời, tránh chọn những loại muỗng, thìa có cạnh sắc để đút cho trẻ; không đụng vào các vết loét ở đầu lưỡi và môi làm trẻ đau dẫn đến sợ hãi, không ăn.

2.2. Giữ gìn vệ sinh đúng cách

  • Cho trẻ súc miệng và để trẻ nghỉ ngơi sau khi ăn xong.
  • Rửa tay kỹ với xà phòng khi nấu ăn, trước và sau khi chăm sóc trẻ bị tay chân miệng.
  • Không cho trẻ chọc vỡ các mụn nước trên da.
  • Sát khuẩn đồ dùng và lau phòng ở của trẻ bị bệnh bằng các dung dịch sát khuẩn.
  • Không cần kiêng tắm, đây là quan niệm sai lầm bởi điều này sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, dễ dẫn đến những căn bệnh hoặc biến chứng nguy hiểm khác.
  • Nếu trẻ đang đi học, nên cho trẻ nghỉ học ngay để tránh lây lan cho những trẻ khác.

Rửa tay

3. Phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ

Vắc-xin phòng bệnh chân tay miệng hiện chưa có. Do vậy, biện pháp hữu hiệu nhất để khống chế bệnh gồm:

  • Hạn chế để trẻ tiếp xúc với bệnh nhân, không nên đưa trẻ đến chỗ đông người khi mùa dịch bùng phát.
  • Cho trẻ ăn uống đủ chất để tăng cường hệ miễn dịch nhằm hạn chế mắc bệnh. Tăng cường hệ miễn dịch ở trẻ sơ sinh bằng việc cho bú mẹ nhiều hơn; trẻ không còn bú mẹ thì tăng cường miễn dịch cho trẻ qua dinh dưỡng, vận động, thói quen sinh hoạt, lối sống lành mạnh.
  • Không mớm cơm, thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi.
  • Giữ vệ sinh thân thể và nơi ở, đồ dùng, vật dụng sạch sẽ để tiêu diệt nguồn vi khuẩn, virus lây bệnh.
  • Rửa tay, chân sạch bằng xà phòng dưới vòi nước sạch chảy mạnh, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước và sau khi cho trẻ ăn, bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi phát bệnh và không cho trẻ có dấu hiệu nghi ngờ bệnh tay chân miệng đến lớp, chơi với các trẻ khác để phòng lây lan bệnh

Thạc sĩ. Bác sĩ. Nguyễn Thị Ân nguyên là Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, là người rất tâm huyết với công tác chăm sóc sức khỏe cho trẻ em và điều trị thành công nhiều ca bệnh khó. Hiện tại, là Bác sĩ Nhi – Sơ sinh- Khoa Sơ sinh Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY. Tải ứng dụng độc quyền MyVinmec để đặt lịch nhanh hơn, theo dõi lịch tiện lợi hơn!

Rate this post

Viết một bình luận