Thiếu máu là bệnh lý thường gặp ở trẻ nhỏ với nhiều triệu chứng như: da xanh xao, thể trạng suy dinh dưỡng, chậm tăng cân,… Vậy, trẻ bị thiếu máu có nguy hiểm không? Cha mẹ cần biết những gì về trẻ bị thiếu máu? Tìm hiểu ngay cùng bác sĩ YouMed nhé!
Thiếu máu là gì?
Thiếu máu là tình trạng lượng hồng cầu trong cơ thể giảm xuống dưới mức bình thường ở trẻ. Các tế bào hồng cầu chứa đầy hemoglobin, một loại protein có sắc tố đặc biệt giúp mang và cung cấp oxy cho các tế bào khác trong cơ thể. Các tế bào trong cơ và các cơ quan của con bạn cần oxy để tồn tại, và số lượng tế bào hồng cầu giảm có thể gây căng thẳng cho cơ thể.
Con bạn có thể trông nhợt nhạt, hay cáu kỉnh, mệt mỏi hoặc yếu ớt. Mặc dù những triệu chứng này có thể khiến bạn lo lắng, nhưng những nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh thiếu máu – chẳng hạn như thiếu sắt – thường dễ điều trị, đặc biệt là khi nó được phát hiện sớm. Ngoài ra, cha mẹ cần lưu ý các bước cần làm để ngăn ngừa tình trạng này.
Dấu hiệu trẻ bị thiếu máu
Một vài trẻ sẽ không biểu hiện triệu chứng nào khi trẻ bị thiếu máu. Tuy nhiên, dưới đây là các dấu hiệu cơ bản bạn có thể để ý con bạn:
- Da nhợt nhạt hoặc vàng;
- Má và môi nhợt nhạt;
- Lớp lót của mí mắt và móng tay có thể trông kém hồng hơn bình thường;
- Cáu gắt;
- Dễ mệt mỏi, ngủ trưa thường xuyên hơn.
Ngoài ra, trẻ em bị thiếu máu nặng có thể có thêm các triệu chứng:
- Khó thở;
- Nhịp tim nhanh;
- Bàn tay và bàn chân bị sưng;
- Nhức đầu;
- Chóng mặt và ngất xỉu;
- Hội chứng chân không yên;
Một dấu hiệu đặc biệt khác, đó là trẻ ăn những thứ không phải thức ăn. Chúng có thể ăn: nước đá, đất, đất sét, giấy, bìa cứng và bột ngô. Hành vi này được gọi là “Hội chứng Pica”. Tuy nhiên, hội chứng này thường hết sau khi điều trị thiếu máu bằng chất bổ sung sắt.
Nguyên nhân trẻ bị thiếu máu
Trẻ có thể bị thiếu máu nhiều hơn giới hạn sinh lý vì những nguyên nhân sau:
- Mất máu: đôi khi trẻ có thể bị mất máu trong khi sinh hoặc qua những lần xét nghiệm.
- Sự phá vỡ nhanh chóng của các tế bào hồng cầu: do mẹ và trẻ không có cùng nhóm máu, các chất trong máu mẹ và trẻ sẽ chống lại nhau làm vỡ các tế bào hồng cầu.
- Quá trình sản xuất hồng cầu diễn ra chậm. Một số trẻ có thể mất nhiều thời gian hơn để bắt đầu tạo hồng cầu. Điều này có thể do thiếu chất sắt hoặc các chất dinh dưỡng khác trong máu trẻ, nhiễm trùng hoặc bệnh lí bất thường của các tế bào máu.
- Sinh non: Trẻ sinh non có ít tế bào hồng cầu hơn trẻ được sinh đủ tháng, ngoài ra đời sống hồng cầu cũng ngắn hơn.
Thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em
Thiếu máu thiếu sắt là gì?
Sắt là chất cần thiết cho cơ thể trẻ để tổng hợp các tế bào hồng cầu. Sắt cũng ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển trí tuệ ở trẻ nhỏ. Trẻ bị thiếu máu thiếu sắt là do trẻ không được cung cấp đủ chất sắt từ chế độ ăn uống.
Độ tuổi thường gặp nhất của thiếu máu thiếu sắt là từ 1 đến 3 tuổi, lúc trẻ mới biết đi. Tình trạng thiếu máu có thể được chẩn đoán dễ dàng bằng xét nghiệm máu.
Trẻ bị thiếu máu phải làm sao?
-
Bổ sung thuốc sắt
Trẻ có thể cần bổ sung thêm thuốc sắt. Thời gian và liều lượng sẽ tùy theo mức độ thiếu máu do bác sĩ đánh giá. Thông thường sẽ mất khoảng từ 2 đến 3 tháng để giúp điều chỉnh số lượng các tế bào hồng cầu của trẻ trở về giới hạn bình thường.
Thuốc sắt đôi khi có thể gây khó chịu cho dạ dày, do đó nên cho trẻ uống sau bữa ăn. Bạn có thể dùng chúng cùng với nước ép giàu vitamin C (nước cam, nước chanh). Điều này sẽ cải thiện quá trình hấp thụ sắt.
Không uống thuốc sắt với các loại sữa vì chúng làm giảm sự hấp thụ sắt.
Sắt có thể làm thay đổi màu sắc của phân trẻ thành màu xanh đen. Bạn không cần lo lắng quá mức vì đây là tình trạng hoàn toàn bình thường.
Sử dụng quá nhiều chất sắt có thể gây nguy hiểm và gây ngộ độc nghiêm trọng cho trẻ. Vậy nên, không tự ý cho trẻ uống thuốc, cần tuân thủ thời gian cũng như liều lượng dùng thuốc, đặc biệt để thuốc xa tầm tay trẻ em.
-
Chế độ ăn giàu chất sắt
Trẻ bị thiếu máu nên ăn gì? Nếu chế độ ăn uống của trẻ được bổ sung đầy đủ các chất, trẻ sẽ không bị thiếu máu. Sau đây là những thực phẩm giàu chất sắt:
- Thịt, cá và gia cầm có chứa chất sắt dễ hấp thu hơn nguồn sắt có từ thực vật.
- Trái cây sấy khô, khoai lang, các loại đậu như đậu xanh, đậu đỏ, bơ đậu phộng, ngũ cốc giàu vitamin và bánh mì,…
- Rau bina và lòng đỏ trứng cũng chứa nhiều sắt, nhưng nó lại ở dạng mà cơ thể không hấp thu được.
- Không nên cho trẻ uống quá hơn 3 ly sữa mỗi ngày vì sữa không chứa nhiều sắt. Hơn nữa là để tạo cho trẻ có cảm giác thèm ăn, trẻ sẽ được bổ sung đầy đủ thực phẩm chứa chất sắt.
-
Trẻ cần tái khám khi nào?
Thông thường, bác sĩ hẹn tái khám cho trẻ sau 1 đến 2 tuần điều trị và một lần nữa sau 2 tháng để chắc chắn số lượng hồng cầu trong máu của trẻ đã trở về bình thường.
Thiếu máu sơ sinh
Tại sao trẻ sơ sinh bị thiếu máu?
Trong suốt cuộc đời của mỗi người, đời sống của các tế bào hồng cầu kết thúc bằng cách già đi và bị phá vỡ. Khi đó cơ thể chúng ta sẽ tạo ra các tế bào hồng cầu mới để thay thế chúng. Nhưng trẻ sơ sinh không thể bắt đầu quá trình sản xuất ra các tế bào hồng cầu mới cho đến khi trẻ được khoảng 1 tháng tuổi.
Do đó, đối với mỗi trẻ sơ sinh, đây được xem là tình trạng thiếu máu nhẹ, là tình trạng thiếu máu sinh lý hoặc bình thường.
Các triệu chứng như thế nào?
Hầu hết trẻ sơ sinh không có bất kỳ triệu chứng nào rõ ràng như trẻ lớn. Tuy nhiên, thường khi đã thiếu máu nhiều hơn mức sinh lý, trẻ thường có triệu chứng như dễ buồn ngủ, da nhợt nhạt, nhịp tim tăng, thở nhanh.
Trẻ sơ sinh bị thiếu máu có nguy hiểm không?
Thiếu máu ở độ tuổi sơ sinh thường không cần phải điều trị, trừ khi nó gây ra vấn đề nghiêm trọng cho trẻ hoặc số lượng tế bào hồng cầu giảm quá thấp.
Sắt là cần thiết để tạo ra các tế bào hồng cầu. Nếu thiếu máu mức độ nhẹ đến trung bình, trẻ cần được uống thuốc chứa sắt.
Trẻ sinh non có thể cần truyền máu nếu mức độ thiếu máu nặng, cần phẫu thuật hay đang có nhiều bệnh lí nặng đi kèm. Lúc này, trẻ cần được truyền hồng cầu từ người khác, là máu đã được kiểm tra an toàn.
Tóm lại, độ tuổi thường gặp của thiếu máu thiếu sắt là từ 1 đến 3 tuổi. Cho trẻ bổ sung thuốc sắt và các thực phẩm giàu chất sắt nếu trẻ được chẩn đoán thiếu máu thiếu sắt. Đối với trẻ sơ sinh, đa số thiếu máu là sinh lý nên không cần phải can thiệp.