Nhạc sĩ Phạm Tuyên: Viết nhạc cho thiếu nhi bây giờ không “bán” được
Đến bây giờ tôi vẫn trăn trở đó là trách nhiệm của người nghệ sĩ đối với đời sống.
Tôi nghĩ, chúng ta rất cần đào tạo một thế hệ nhạc sĩ quan tâm đến sáng tác cho trẻ con. Các nhạc sĩ bây giờ được đào tạo bài bản, giỏi giang, cập nhật các xu thế của thế giới hiện đại nhưng giờ không ai viết nhạc cho trẻ con.
Tôi gặp một số nghệ sĩ và hỏi họ rằng, trẻ con thiếu bài hát, sao mọi người không viết đi, được học hành, đào tạo cơ bản thế. Các em cười, nhạc thiếu nhi khó bán lắm, không ai chuộng cả. Vì ngày xưa, thời của tôi, Ủy ban Thiếu niên nhi đồng Trung ương rất quan tâm đến vấn đề này, tổ chức cho nhạc sĩ đi với trẻ con để viết, rồi giao cho nhà hát dàn dựng.
Ngay cả nhận thức của nhạc sĩ cũng khác nhau. Hồi còn ở Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ, tôi có đề nghị thành lập Ban sáng tác cho trẻ em. Nhưng từ khi tôi thôi không làm thì ban đó cũng giải tán. Cho nên, điều tôi trăn trở là thiếu các ca khúc hay cho thiếu nhi.
Tôi rất phản đối chuyện các chương trình game show đang dùng trẻ con mua vui cho người lớn. Nhiều trẻ em quằn quại hát những bài người lớn, tôi thấy phản cảm. Tôi từng phản đối việc này, gặp trực tiếp lãnh đạo Đài truyền hình để nói rằng, chúng ta đang dùng trẻ con làm trò đùa cho người lớn.
Ví dụ một đứa trẻ 7 tuổi hát “Thị Mầu lên chùa”, thử hỏi cô bé có thể hiểu gì về bài hát. Thế nhưng, ở dưới, giám khảo vỗ tay khen. Tôi đã góp ý nhưng họ cho đó là ý kiến lạc hậu rồi. Nhiều người hỏi tôi về âm nhạc thiếu nhi, tôi cho rằng phải thay đổi tư duy của những người làm văn hóa văn nghệ và đoàn thanh niên.
Trong cơ chế thị trường hiện nay, nhạc thiếu nhi không ai dựng, không ai mua. Tôi đã từng nói với các nhạc sĩ in lại những bài hát thiếu nhi vượt qua thời gian, hàng nghìn bài, anh An Thuyên khi còn sống ủng hộ nhiệt tình, in được 2 tập rồi. Nhưng in xong rồi phải làm việc với các cơ quan truyền thông, âm nhạc phải nghe chứ in xong để đó thì cũng không có ý nghĩa gì.
Tôi già rồi, chỉ làm được chừng ấy thôi. Tôi sợ trong thời gian tới, khó có thể tìm được bài hát thuần Việt; bắt chước Hàn Quốc, bắt chước Mỹ một tí, tôi sợ sẽ hỏng hết thị hiếu âm nhạc, hỏng từ thế hệ thiếu niên nhi đồng thì làm sao chúng ta mong chờ thế hệ trẻ có thái độ nghe nhạc tích cực được.
Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh: Tôi không cổ súy cho trẻ em hát nhạc người lớn
Có thể thấy hiện nay trẻ em có xu hướng thích nhạc ngoại hơn nhạc nội. Nhưng tôi nghĩ, chúng ta nên hiểu theo hướng tích cực khi nhìn nhận vấn đề này. Nếu đặt vào thời điểm hiện tại thì đây cũng là lẽ tất nhiên.
Cần phải nói rằng, nếu so với âm nhạc Việt Nam thì nước ngoài có nhiều thể loại nhạc để nghe và hát hơn, nhất là ở lứa tuổi của các em, thị trường âm nhạc trong nước hoàn toàn bị bỏ ngỏ.
Các em không thể nào nghe và hát những bài kiểu như “Bé bé bằng bông” hay “Hạt gạo làng ta”- những bài hát từ thuở vỡ lòng được. Những sáng tác dành cho lứa tuổi này đang thiếu, bản thân các nhạc sĩ cũng chưa chú ý đến mảng đề tài này.
Lý do vì độ tuổi này qua quá nhanh, tâm sinh lý khá bất ổn, không dễ nắm bắt cảm xúc, suy nghĩ để có những sáng tác phù hợp. Chúng ta lo rằng, nếu các em cứ hát mãi những bài hát quá già so với tuổi sẽ gần đến sự phát triển lệch lạc về tâm hồn, thị hiếu.
Nhưng tôi cho rằng, không có chuyện đó xảy ra. Tôi cũng không bao giờ cổ súy cho việc đó. Nhưng những đứa trẻ có năng khiếu và được dìu dắt, định hướng tốt sẽ tiếp tục phát triển và khẳng định bản thân trong thời gian tới.
Trong chương trình “Giọng hát Việt nhí”, xu hướng chọn bài hát Tiếng Anh tương đối nhiều, bởi thực tế trẻ nghe nhiều, thích những thể loại nhạc này nên phải chấp nhận. Dù sao đây cũng là sự thể hiện đúng khả năng của các em.
Nhưng vào vòng đối đầu, mọi người sẽ thấy những bài hát Tiếng Việt xuất hiện nhiều hơn, đó cũng là chủ ý của chúng tôi. Dù hiện tại chúng ta đang bỏ ngỏ sân âm nhạc dành cho lứa tuổi thiếu niên. Tuy nhiên, xã hội và bố mẹ cũng cần có cái nhìn cởi mở hơn về lứa tuổi này, bắt đầu những tình cảm yêu ghét ẩm ương.
Không thể đóng khung các em vào tuổi thơ của bố mẹ ngày xưa được. Âm nhạc, cũng cần một tư duy cởi mở hơn. Chính sự cởi mở đó từ phía bố mẹ, xã hội sẽ góp phần xóa bỏ những định kiến hạn hẹp về âm nhạc, nhất là âm nhạc dành cho lứa tuổi thiếu niên, khuyến khích các nhạc sĩ sáng tác.