Trẻ sơ sinh ăn gì khi sữa mẹ chưa về?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS.Nguyễn Thái Ngọc Châu – Bác sĩ Nhi sơ sinh – Khoa Nhi – Sơ sinh – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc

Sữa mẹ chưa về sau sinh là một tình trạng thường gặp phải ở các mẹ bầu. Việc hiểu được lợi ích của sữa mẹ, nắm được các nguyên nhân và cách xử lý sẽ giúp mẹ bầu cải thiện được khả năng tiết sữa cũng như trẻ sơ sinh có thể phát triển một cách khỏe mạnh và toàn diện.

1. Sữa mẹ được tiết ra như thế nào?

Sữa mẹ được sản xuất tự nhiên từ tuyến vú và cung cấp những chất dinh dưỡng cơ bản cho trẻ sơ sinh trong suốt những tháng đầu đời. Ngay sau sinh, bánh nhau sau khi được sổ ra ngoài dẫn đến một lượng lớn các hormone sinh dục là estrogenprogesterone sụt giảm đột ngột dẫn đến prolactin ở thùy sau tuyến yên được tiết ra. Prolactin là hormone có tác dụng kích thích các tuyến sữa sản xuất sữa.

Bên cạnh đó, oxytocin là một trong những hormone quan trọng có nhiệm vụ co bóp các ống dẫn sữa giúp tiết sữa khi trẻ bú. Oxytocin được tiết ra nhiều thông qua động tác bú của trẻ. Vì vậy, cho trẻ bú thường xuyên và liên tục sẽ giúp tuyến vú sản xuất sữa và tiết sữa nhiều hơn.

Cho con bú sữa mẹ khi đang mang thai

2. Tầm quan trọng của những giọt sữa non đầu đời đối với trẻ sơ sinh.

Sữa mẹ được chia làm ba loại bao gồm: Sữa non, sữa chuyển tiếp và sữa trưởng thành. Sữa non được tiết ra trong khoảng từ 2 đến 5 ngày sau đó được thay bằng sữa chuyển tiếp trong một vài tuần và dần trở thành sữa trưởng thành. Sữa mẹ thay đổi theo thời gian giúp cung cấp những chất dinh dưỡng cần thiết phù hợp với từng giai đoạn phát triển của trẻ.

Sữa non có tác dụng gì đặc biệt?

Sữa non là giai đoạn đầu tiên của sữa mẹ. Sữa được tiết ra trong vài ngày đầu tiên, có màu ánh vàng hoặc màu vàng kem. Và sữa cũng đặc hơn so với những giai đoạn sau đó. Sữa non có chứa hàm lượng protein cao, giàu vitamin tan trong dầu, chất khoáng và kháng thể. Kháng thể là thành phần quan trọng và không có loại sữa nào có thể có được. Những thành phần kháng thể này có nguồn gốc từ mẹ và giúp tạo cho trẻ miễn dịch thụ động với nhiều loại vi khuẩn và virus. Sữa non trong những giờ đầu tiên được tiết ra ít chỉ khoảng vài mL rất phù hợp với thể tích dạ dày (5-7 ml) của trẻ sơ sinh. Đây cũng là nguyên nhân hay gặp khiến các mẹ bầu lầm tưởng “sữa chưa về”. (Xem thêm: Sữa non có tác dụng gì đặc biệt ?)

Chính vì những giọt sữa đầu đời là vô cùng quan trọng đối với trẻ sơ sinh vừa chào đời. Năm 2014, tổ chức y tế thế giới (WHO) đưa ra khuyến cáo về chăm sóc thiết yếu bà mẹ và trẻ ngay sau sinh nhằm giúp tăng khả năng trẻ sơ sinh được bú sớm, giúp trẻ có thể tiếp nhận được những giọt sữa non quý giá đầu đời.

3. Những lý do sữa chưa về thường gặp?

3.1. Tâm lý lo lắng, căng thẳng ảnh hưởng đến sự tiết sữa mẹ

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng chưa có sữa sau sinh. Một trong những nguyên nhân thường gặp chính là tâm lý của mẹ bầu. Như đã đề cập đến ở trên, lượng sữa non trong những ngày đầu thường rất ít sẽ khiến mẹ bầu lầm tưởng sữa chưa về. Điều này dẫn đến tâm lý lo lắng, căng thẳng ảnh hưởng đến khả năng tiết sữa của mẹ. Những lo ngại về việc mẹ không có sữa còn làm giảm đi cơ hội bú của trẻ, giảm kích thích lên vú và từ đó gây tình trạng không tiết sữa thật sự ở mẹ.

Một số sản phụ có tình trạng rối loạn lo âu, trầm cảm sau sinh cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng kém tiết sữa.

3.2. Mất cân bằng nội tiết ảnh hưởng đến khả năng tiết sữa mẹ

  • Đái tháo đường: Insulin cũng đó một vai trò quan trọng trong việc sản xuất sữa. Vì vậy, tình thiếu hụt insulin (đái tháo đường type 1) hoặc tình trạng đề kháng insulin (đái tháo đường type 2) cũng có thể gây nên tình trạng sữa chưa về ở mẹ bầu. Kiểm soát đường huyết tốt ở những bệnh nhân có đái tháo đường sẽ giúp cải thiện khả năng tiết sữa hiệu quả.
  • Bệnh lý tuyến giáp: Những hormone tuyến giáp bao gồm thyroxine (T4) và triodithyronine (T3) cũng góp phần vào chức năng tiết sữa của tuyển vú. Việc tăng hoặc giảm hoạt động của những hormone này có thể gây nên tình trạng tăng hoặc giảm sản xuất sữa.
  • Các bệnh lý tại tuyến yên: Tuyến yên đảm nhận vai trò quan trọng trong việc sản xuất và tiết sữa thông qua hai hormone chính là prolactin và oxytocin. Trong trường hợp sản phụ mất máu quá nhiều sau sanh có thể gây nên suy giảm chức năng tuyến yên (hội chứng Sheehan) hoặc các nguyên nhân hiếm gặp hơn như xuất huyết não hoặc khối u cũng có thể là nguyên nhân suy giảm hoạt động tại tuyến yên.

3.3. Các nguyên nhân do thuốc ảnh hưởng đến sự tiết sữa mẹ

Một số thuốc có thể ảnh hưởng đến khả năng tạo sữa của tuyến vú. Vì vậy cần có sự tham vấn của bác sĩ khi sử dụng thuốc trong giai đoạn hậu sản.

Thuốc kháng viêm Corticoid

3.4. Các nguyên nhân sản khoa ảnh hưởng đến sự tiết sữa mẹ

Chuyển dạ kéo dài, sinh khó, can thiệp thủ thuật, mổ lấy thai cũng có thể làm tăng tình trạng stress ở mẹ và làm chậm tiết sữa.

4. Trẻ có thể ăn gì khi sữa mẹ chưa về?

Như đã đề cập ở trên, sữa mẹ luôn là nguồn dinh dưỡng vô cùng cần thiết cho trẻ sơ sinh. Đặc biệt là sữa non chứa nhiều loại kháng thể từ mẹ, giúp trẻ nâng cao sức đề kháng và bảo vệ trẻ khỏi các bệnh nhiễm trùng. Tuy nhiên trong những trường hợp chưa có sữa về, các mẹ bầu có thể lựa chọn trong những cách sau:

4.1. Ngân hàng sữa mẹ

Trong những trường hợp mẹ có bệnh lý không cho bú được hoặc mẹ không có sữa, trẻ sơ sinh có thể nhận sữa từ các ngân hàng sữa mẹ được các mẹ bầu hiến tặng. Tại Việt Nam, hiện đã có hai ngân hàng sữa mẹ được thành lập tại thành phố Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh

4.2. Sữa non công thức

Có rất nhiều loại sữa công thức trên thị thường, nhưng hầu hết các hãng sữa sẽ cố gắng tạo thành phần sữa công thức giống sữa mẹ. Trong giai đoạn đầu sau sinh, sữa mẹ có dạng là sữa non vì thế các mẹ bầu nên chọn các loại sữa có công thức giống với sữa non (colostrum milk).

Mặc dù có thể sử dụng sữa công thức thay thế tạm thời, mẹ bầu nên thư giãn và giải tỏa tâm lý căng thẳng, cố gắng mát-xa vú hàng ngày. Tiếp tục cho trẻ bú vú mẹ trực tiếp, động tác trẻ mút núm vú sẽ giúp cơ thể tăng tiết oxytocin và prolactin, những hormone này sẽ kích thích tuyến vú sản xuất và tiết sữa cho trẻ. Nếu tình trạng sau đó tiếp tục không cải thiện, các mẹ bầu nên tìm đến bác sĩ để được tư vấn và hướng dẫn kịp thời.

Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY. Tải ứng dụng độc quyền MyVinmec để đặt lịch nhanh hơn, theo dõi lịch tiện lợi hơn!

Rate this post

Viết một bình luận