Trẻ sơ sinh bị viêm kết mạc: Nguyên nhân và cách điều trị
Trẻ sơ sinh bị viêm kết mạc là căn bệnh thường gặp. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời viêm kết mạc có thể dẫn tới những biến chứng nghiêm trọng hơn, thậm chí là gây mù lòa. Vì vậy, trong bài viết bên dưới đây, chúng tôi sẽ chia sẻ với bố mẹ nguyên nhân và cách điều trị bệnh viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh.
1. 4 nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh
1.1. Do nhiễm vi khuẩn Chlamydia
Vi khuẩn Chlamydia Trachomatis có thể gây ra bệnh viêm kết mạc, nhiễm trùng đường sinh dục. Phụ nữ mang thai bị nhiễm vi khuẩn Chlamydia Trachomatis nếu không được điều trị triệt để có thể lây truyền sang bé khi sinh.
Những dấu hiệu của bệnh viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh bao gồm sưng mí mắt, đỏ mắt và dử mắt dạng mủ, có thể xuất hiện từ 5 – 12 ngày sau khi sinh bé. Một số trẻ sơ sinh bị bệnh viêm kết mạc do nhiễm vi khuẩn Chlamydia Trachomatis cũng nhiễm trùng ở những bộ phận khác của cơ thể. Bên cạnh đó, vi khuẩn Chlamydia Trachomatis còn có thể lây nhiễm sang vòm họng và phổi.
1.2. Do nhiễm vi khuẩn Neisseria Gonorrhoeae
Vi khuẩn Neisseria Gonorrhoeae gây ra bệnh viêm kết mạc lậu cầu và nhiễm trùng đường sinh dục còn được gọi là bệnh lậu. Những chị em phụ nữ bị bệnh lậu nếu không được điều trị triệt để có thể truyền vi khuẩn sang cho con khi sinh.
Những triệu chứng của bệnh viêm kết mạc do nhiễm vi khuẩn lậu cầu ở trẻ sơ sinh bao gồm dử mắt dạng mủ đóng dày, mắt đỏ và sưng mí mắt. Căn bệnh này thường xuất hiện từ 2 – 4 ngày sau khi sinh và có thể đi kèm với viêm màng não, nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh.
1.3. Do dị ứng với thuốc nhỏ mắt
Thuốc nhỏ mắt có thể gây ra phản ứng dị ứng cho trẻ sơ sinh. Một số trẻ bị dị ứng với thuốc nhỏ mắt thường có triệu chứng đỏ nhẹ, đôi khi là sưng mí mắt. Những dấu hiệu này có thể kéo dài từ 24 – 36 giờ.
1.4. Do nhiễm các loại virus và vi khuẩn khác
Ngoài vi khuẩn Neisseria Gonorrhoeae và Chlamydia Trachomatis, một số loại virus khác cũng có thể gây ra bệnh viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh. Chẳng hạn như những loại vi khuẩn, virus sống trong âm đạo của phụ nữ và lây nhiễm qua đường tình dục có thể gây ra bệnh viêm kết mạc.
Bên cạnh đó, một số loại virus gây ra mụn rộp sinh dục cũng có thể gây ra bệnh viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh và làm tổn thương mắt nghiêm trọng. Điểm đáng chú ý là người mẹ có thể truyền loại virus này sang cho con khi sinh thường.
Thông thường, bệnh viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh do virus herpes gây ra ít phổ biến hơn so với vi khuẩn Chlamydia Trachomatis và Neisseria Gonorrhoeae. Những triệu chứng thường gặp ở trẻ sơ sinh lúc này là mí mắt bị sưng, mắt đỏ, một số trường hợp còn đi kèm với tình trạng có mủ mắt.
2. Trẻ sơ sinh bị viêm kết mạc phải làm sao?
2.1. Viêm kết mạc do vi khuẩn Chlamydia gây ra
Với những trường hợp như vậy, bác sĩ thường kê thuốc kháng sinh uống phù hợp và thuốc tra mắt để điều trị viêm kết mạc cho trẻ sơ sinh. Đây là cách tốt nhất để điều trị căn bệnh này để đảm bảo sức khỏe đôi mắt cho trẻ.
2.2. Với trường hợp do vi khuẩn lậu cầu gây ra
Với trường hợp này, bác sĩ thường khuyên bố mẹ nên tra thuốc nhỏ mắt tích cực cho trẻ. Trong những trường hợp nặng, nên cân nhắc tới việc sử dụng thuốc kháng sinh tiêm tĩnh mạch để điều trị bệnh viêm kết mạc do lậu cầu cho trẻ sơ sinh. Nếu không được điều trị kịp thời, trẻ sơ sinh có thể sẽ bị loét giác mạc và dễ dẫn tới hiện tượng mù lòa.
2.3. Với trường hợp do dị ứng thuốc
Vì nguyên nhân của căn bệnh viêm kết mạc này là do dị ứng thuốc nhỏ nên bố mẹ nên ngưng tra thuốc nhỏ mắt đó hoặc hoặc đổi thuốc nhỏ mắt khác cho con. Thông thường, trẻ sơ sinh sẽ khỏe hơn sau 24 – 36 tiếng đồng hồ. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc chăm sóc mắt cho con.
2.4. Với trường hợp do nhiễm các vi khuẩn và virus khác
Với trường hợp này, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh phù hợp dạng thuốc mỡ hoặc thuốc nhỏ để điều trị cho trẻ sơ sinh. Những loại thuốc kháng sinh có tác dụng chống viêm và các loại thuốc bôi trơn có tác dụng bảo vệ nhãn cầu cũng như giảm bớt kích thích mắt.
Trẻ sơ sinh mắc bệnh viêm kết mạc do nhiễm các vi khuẩn và virus khác ngoài Neisseria Gonorrhoeae và Chlamydia Trachomatis thường không bú, quấy khóc, thậm chí là sốt cao. Lúc này, bố mẹ cần phải chăm sóc cẩn thận và thường xuyên vỗ về con.
Việc giữ gìn đôi mắt cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ vô cùng quan trọng, điều này có thể ảnh hưởng đến thị lực sau này của trẻ. Vì vậy, nếu phát hiện trẻ sơ sinh có bất cứ triệu chứng bất thường nào ở mắt thì phải đưa ngay tới cơ sở có chuyên khoa Mắt uy tín để được bác sĩ thăm khám và đưa ra những phương pháp điều trị kịp thời, dứt điểm. Bố mẹ tuyệt đối không tự ý mua thuốc về để nhỏ, tra mắt cho con khi chưa có chỉ định, hướng dẫn từ bác sĩ.