(Lichngaytot.com)
Rất nhiều người Phật tử thắc mắc không biết trì Chú Đại Bi có bị vong theo không? Có thật là sẽ bị phần âm điều khiển một số hành động và suy nghĩ của bản thân? Và nếu rơi những trường hợp như vậy thì nên xử lý thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp cho bạn những câu hỏi này.
1. Chú Đại Bi là gì?
Chú Đại Bi được rút ra từ Kinh Đại Bi Tâm Đà La Ni của Phật Quán Thế Âm, gọi tắt là Chú Đại Bi. Chú Đại Bi có thảy là 84 câu, 415 chữ do chính Đức Phật Thích Ca thuyết diễn trong một pháp hội trước mặt đông đủ các vị Bồ Tát, Thinh văn, Thánh chúng, Trời, Thần, Thiên, Long, các Đại thánh tăng như Ma-Ha Ca-Diếp, A-Nan tại núi Bồ Đà Lạc Ca.
Trong pháp hội này, Bồ Tát Quán Thế Âm vì muốn cho chúng sinh được an vui, giải trừ bệnh tật, sống lâu giàu có, diệt trừ được tất cả các nghiệp ác tội nặng, gia tăng công đức của pháp lành, được thành tựu các thiện căn, tiêu tan tất cả sự sợ hãi, được đạt đầy đủ tất cả những nỗi mong cầu,… mà nói ra thần chú này.
Trong tất cả Kinh điển và Mật Chú của Phật giáo đều chia làm hai phần: Phần hiển (Phần Kinh) và Phần mật (phần câu Chú).
– Phần hiển: Là hiển bày ra ý nghĩa và chân lý trong Kinh để hành giả tụng niệm, hoặc nghiên cứu theo đó áp dụng tu tập, thì gọi là: “Tụng Kinh minh Phật chi lý”, để hiểu biết công năng của câu kinh và câu chú gọi là phần hiển.
– Phần mật: Là phần “câu Chú” từ câu chú “tâm đà la ni cho đến câu 84. Ta bà ha”. Phần câu Chú là phần ẩn nghĩa chỉ là phạn ngữ chỉ có chư Phật mới thấu hiểu còn hàng phàm phu không hiểu ý nghĩa, chỉ biết công năng và lợi ích để hành trì.
2. Trì Chú Đại Bi có bị vong theo không?
Nhiều người tìm đến với Chú Đại Bi với mong muốn được thoát khỏi những bế tắc, khổ não không lối thoát trong cuộc sống. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng khi trì Chú Đại Bi dễ bị “người âm” theo và điều khiển một số hành động.
Vậy có đúng là trì Chú Đại Bi có bị vong theo không? Và khi rơi vào trường hợp đó thì nên xử lý thế nào?
Về vấn đề này, Hòa Thượng Thích Giác Quang có đưa ra lời giải đáp như sau:
Theo Sư thì người cõi âm là chúng sanh ở thế giới không hình bóng, người không phải người, không có mang thân, cũng là thân trung ấm, họ có những cuộc sống rất ngắn ngủi (trong một sát na), lúc nào cũng chờ đợi một hành trình đi theo nghiệp duyên mà tái sanh vào thế giới khác.
Theo giáo sư Minh Chi (Học Viện Phật giáo Việt Nam tại TP.Hồ Chí Minh) thì người cõi âm có nhân duyên tiền kiếp đặc biệt khiến cho có sự giao cảm giữa người sống ở cõi người với những người đã chết, nhưng hiện đang sống ở một cõi sống khác, cao cấp hơn cõi người.
Vì là thuộc một cõi sống cao cấp hơn, có quyền năng hơn chúng ta rất nhiều, cho nên họ có thể đến với chúng ta nhưng chúng ta không thể đến với họ được. Họ có thể bày cho chúng ta cách thức làm như thế nào để họ giao tiếp với chúng ta. Nhưng đây là những trường hợp rất đặc biệt, giữa hai bên phải có những ân tình sâu sắc.
Sư cho rằng, không có một cõi sống đặc biệt dành riêng cho những người đã chết. Nghĩa là có các cõi sống khác nhau, nhưng không có một cõi nào của người đã chết cả.
Không thể có cõi sống dành cho những người chết, đó là một mâu thuẫn ngay trong bản thân từ ngữ, một chuyện tưởng tượng, hoang đường.
Đạo Phật công nhận có cõi sống trung ấm, nhưng đó là một cõi sống tạm thời, trung gian. Thân trung ấm cũng là một loại thân vật chất, tuy rằng đó là loại vật chất đặc biệt mà con mắt thịt của cõi người không thể thấy được. Nhưng đã là thân vật chất thì không thể tồn tại lâu được, nó cũng phải biến đổi và hoại diệt.
Theo các ý tưởng như trên, chúng ta đã biết chúng sanh ở cõi âm, chỉ có sự chờ đợi tái sanh theo nghiệp duyên, không có việc tái sanh bằng cách dựa dẫm thâm nhập vào người khác.
Cho nên người tụng Chú Đại Bi mà bị người cõi âm dựa dẫm thâm nhập, là vì người đó phát tâm trì tụng mà không có Thầy hướng dẫn, không có phương pháp tu vững vàng nên không đạt chánh niệm, không nhất quán với thời tụng kinh Chú Đại Bi, nên thiên ma quấy nhiễu trở thành loạn tâm loạn ý.
Xem thêm: Đâu là
Hiện tượng này lâu ngày trở thành một thói quen, đến giờ tụng Chú Đại Bi là có thiên ma quấy nhiễu, đối với người ít hiểu biết Phật pháp, người thế gian thì cho cho rằng người cõi âm hay “ơn trên, bề trên” xâm nhập, xưng Phật xưng trời với thế nhân là thế.Xem thêm: Đâu là hiện tượng lạ khi trì chú đại bi và cách khắc phục?
3. Làm thế nào khi trì Chú Đại Bi bị vong theo?
– Tạm ngưng trì tụng:
Hành giả tụng Chú Đại Bi mà bị vướng mắc thiên ma quấy nhiễu (thiên ma lúc nào cũng tiên tri, tiên đoán, giả bộ giỏi hơn Phật) thì ngưng trì tụng Chú Đại Bi một thời gian cho đến khi nào không còn thiên ma quấy nhiễu thì tiếp tục trì tụng.
– Cần phải có Thầy hướng dẫn:
Người Phật tử phát tâm trì tụng thần Chú Đại Bi, trước nhất vẫn phải cầu Thầy hướng dẫn, trợ duyên, khai đường mở lối cho Phật tử trì tụng thần chú đến khi thuần thục, chánh niệm, sẽ không bị thiên ma quấy nhiễu.
4. Lưu ý khi trì tụng Chú Đại Bi
Khi niệm Chú Đại Bi, người niệm phải đặt cái tâm đại từ bi lên hàng đầu. Vì vậy, mỗi lần trì tụng thần chú này, người trì tụng Chú Đại Bi phải bắt đầu hướng tâm vào việc khởi lòng thương xót tất cả chúng sanh. Để đạt được những công năng mà thần chú mang lại, trong thời gian trì tụng, chúng ta cần phải ghi nhớ những điều sau:
– Giữ gìn giới hạnh, đặc biệt là sát, đạo, dâm, vọng. Phải kiêng rượu thịt, các thứ hành, hẹ, tỏi, cùng các thức ăn hôi hám. Tốt nhất là nên ăn chay.
– Phải giữ vệ sinh thân thể, thường xuyên tắm gội, thay đổi y phục sạch sẽ, không nên để người có mùi hôi. Trước khi trì chú cũng phải đánh răng, súc miệng sạch sẽ, nếu trước đó có đi đại tiện, tiểu tiện thì phải rửa tay sạch sẽ trước khi trì tụng.
– Khi trì tụng Chú Đại Bi, chúng ta nên trì tụng lớn tiếng, giọng điệu trầm hùng, nhanh và liên tục, giọng đọc phải rõ ràng, nghe đủ tiếng, không lờ mờ, trại giọng. Điều này không chỉ giúp Phật tử thoát khỏi cơn buồn ngủ mà còn tập trung toàn bộ tâm trí vào bài chú tốt hơn.
Thật sự, ta cũng sẽ không lo ngại cơn buồn ngủ ám ảnh. Bởi vì khi trì tụng Chú Đại Bi, các vị Thiên, Long, Hộ Pháp sẽ luôn ở bên cạnh ta, khi ta rơi vào cơn buồn ngủ, các Ngài sẽ giúp đánh thức ta – mà rồi quý vị sẽ chứng nghiệm khi thực hành trì chú một cách nghiêm túc bằng một âm thanh như tiếng sấm nổ ở trong đầu khiến ta hoảng hồn, giật mình tỉnh thức.
Thông thường sau đó ta sẽ không còn (hoặc không dám) buồn ngủ nữa. Tuy nhiên, nếu việc này xảy ra một lần thứ hai trong buổi hành Thiền, điều này có nghĩa là thể xác ta quá mỏi mệt, ta nên xin phép được xả thiền để nghỉ ngơi.
Ngoài ra, trong một số trường hợp đặc biệt phải tụng thầm chỉ riêng cho mình nghe, hoặc chỉ nhép môi không ra tiếng như khi chúng ta đang làm việc, đi chung xe tàu với người khác, hoặc đi nằm trước khi ngủ.
Song, như phần trên đã nói, Bồ Tát Quán Thế Âm chỉ yêu cầu chúng ta hai điều mỗi khi trì tụng Chú Đại Bi, đó là thành tâm và không mưu cầu những việc bất thiện.Chính vì vậy, điều này cho phép hành giả có thể trì tụng bất cứ lúc nào, kể cả trên xe, trên tàu, trên máy bay, tại công sở, tại nhà…
Với tâm thành, tâm chúng ta lúc đó sẽ hòa nhập vào lời trì tụng để cùng thể nhập vào pháp giới, mười phương chư Phật. Bởi vì Bồ Tát đã cho chúng ta biết, mỗi lần trì tụng Chú Đại Bi, thập phương chư Phật đều đến chứng minh cho lòng thành của chúng ta. Vậy nên hiện nay, chúng ta có thể trì tụng Chú Đại Bi ở mọi lúc mọi nơi miễn là trong tâm có hướng về Phật pháp và điều thiện.
Trên đây là lời giải đáp về thắc mắc trì Chú Đại Bi có bị vong theo không cùng với một số thông tin về Chú Đại Bi. Hy vọng tất cả các Phật tử đều biết cách trì tụng Chú Đại Bi để tu tập hiệu quả hơn và luôn gặp được may mắn, bình an trong cuộc sống.