Trí nhớ « Quá trình nhận thức

Mọi trải nghiệm đều tạo ra một ký ức – nó còn tồn tại hay không phụ thuộc vào tần suất nó được nhớ lại. Các kết nối thần kinh phức tạp cho phép các ký ức hình thành và những ký ức này có thể củng cố, hồi tưởng hoặc biến mất.

Trí nhớ được hình thành khi một nhóm tế bào thần kinh kích hoạt theo một mô hình cụ thể để hồi đáp những trải nghiệm mới – những kết nối thần kinh này sau đó có thể kích hoạt lại để tái tạo lại trải nghiệm đó, đây chính là ký ức. Trí nhớ được phân thành năm loại (bên phải). Chúng được lưu trữ một thời gian ngắn trong trí nhớ ngắn hạn (trí nhớ làm việc) nhưng có thể phai nhạt dần trừ khi trải nghiệm ấy có giá trị cảm xúc hoặc quan trọng, trong trường hợp đó, nó được mã hóa (bên dưới) vào bên trong trí nhớ dài hạn. Khi nhớ lại một ký ức, các tế bào thần kinh ghi nhớ nó đầu tiên sẽ được kích hoạt lại. Điều này củng cố các kết nối của chúng và nếu được thực hiện nhiều lần sẽ củng cố lại ký ức đấy. Các thành phần của trí nhớ, chẳng hạn liên quan đến âm thanh hoặc mùi, nằm ở các vùng khác nhau của não bộ và để hồi tưởng lại ký ức, thì cần phải kích hoạt tất cả các bộ phận này. Trong quá trình nhớ lại, một bộ nhớ có thể vô tình hợp nhất với thông tin mới, một khi đã kết hợp thì không thể thu hồi với thông tin giống như thông tin ban đầu (được gọi là sự hỗn hợp). Endel Tulving giải thích trí nhớ là hai quá trình riêng biệt: lưu giữ thông tin trong trí nhớ dài hạn và truy xuất (hồi tưởng) lại nó. Mối liên hệ giữa hai yếu tố này có nghĩa là việc được nhắc nhở về các trường hợp mà ký ức được lưu giữ có thể hoạt động như một chuỗi kích hoạt để truy xuất lại chính ký ức đó

Quá trình mã hóa [encoding] một ký ức phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ngay cả khi được ghi nhớ thì một ký ức cũng có thể mất hai năm để được củng cố vững chắc.

Mã hóa

Quá trình đưa thông tin vào não gọi là mã hóa, đó là đầu vào của thông tin được đưa vào hệ thống trí nhớ. Một khi chúng ta nhận được thông tin môi trường từ các giác quan, bộ não của chúng ta sẽ dán nhãn hoặc mã hóa nó. Chúng ta tổ chức thông tin với những thông tin tương tự khác và kết nối các khái niệm mới với các khái niệm hiện có. Mã hóa thông tin xảy ra thông qua xử lý tự động và xử lý nỗ lực

Nếu ai hỏi bạn rằng bạn đã ăn gì vào bữa trưa hôm nay, nhiều khả năng bạn có thể nhớ lại thông tin này khá dễ dàng. Điều này được gọi là quá trình xử lý tự động hoặc mã hóa các chi tiết như thời gian, không gian, tần suất và ý nghĩa của từ. Quá trình xử lý tự động thường được thực hiện mà không có bất kỳ nhận thức có ý thức nào. Nhớ lại lần cuối cùng bạn ôn bài là một ví dụ khác về xử lý tự động. Vậy còn nhớ lại những tài liệu bạn đã thực sự học để chuẩn bị cho bài kiểm tra thì sao? Nó có thể đòi hỏi rất nhiều công đoạn xử lý và sự tập trung từ phía bạn để mã hóa thông tin đó. Đây được gọi là quá trình nỗ lực [effortful processing].

Cách hiệu quả nhất để đảm bảo rằng các ký ức quan trong được mã hóa là gì? Ngay cả một câu đơn giản cũng dễ nhớ hơn khi nó có ý nghĩa (Anderson, 1984). Hãy đọc các câu sau (Bransford & McCarrell, 1974), sau đó nhìn ra xa và đếm ngược từ số 30 trừ 3, tiếp tục lấy 27 trừ đi 3 và đến khi kết quả bằng 0, sau đó cố gắng viết lại những câu dưới đây (không được lén nhìn lại nhé!).

  • Các nốt nhạc bị chua vì các đường nối bị tách ra. [The notes were sour because the seams split.]
  • Chuyến đi không bị trì hoãn vì cái chai bị vỡ. [The voyage wasn”t delayed because the bottle shattered.]
  • Những đống cỏ khô rất quan trọng vì tấm vải bị rách. [The haystack was important because the cloth ripped.]

Bạn đã làm tốt chứ? Bản thân những câu này, những câu mà bạn viết ra vốn dĩ đã khá khó hiểu và khó nhớ. Bây giờ, hãy thử viết lại chúng, sử dụng các lời nhắc [prompts] sau: cái kèn túi, lễ rửa tội trên tàu và người nhảy dù. Tiếp theo đếm ngược từ con số 40 (trừ cho 4), sau đó tự kiểm tra xem lần này bạn nhớ lại các câu trên có khả quan hơn. Bạn có thể thấy rằng các câu bây giờ dễ nhớ hơn nhiều vì mỗi câu đã được đặt trong ngữ cảnh tương ứng với các lời gợi nhắc ấy. Thông tin được mã hóa tốt hơn nhiều khi bạn gán cho nó có ý nghĩa riêng.

Có ba loại mã hóa. Mã hóa các từ và ý nghĩa của chúng được gọi là mã hóa ngữ nghĩa [semantic encoding]. Nó được chứng minh lần đầu tiên bởi William Bousfield (1935) trong một thí nghiệm, trong đó ông yêu cầu mọi người ghi nhớ các từ. 60 từ thực sự được chia thành 4 loại ý nghĩa, mặc dù những người tham gia không biết điều này vì các từ được trình bày ngẫu nhiên. Khi được yêu cầu nhớ các từ, họ có xu hướng nhớ lại chúng theo từng loại, cho thấy rằng họ chú ý đến nghĩa của các từ khi học chúng.

Mã hóa thị giác [visual encoding] là loại mã hóa hình ảnh và mã hóa thính giác [acoustic  encoding] là mã hóa âm thanh, ngôn từ được nghe thấy nói riêng. Để xem cách mã hóa thị giác hoạt động, hãy đọc qua danh sách các từ sau: xe hơi, cấp độ, con chó, sự thật, sách, giá trị. Nếu sau đó bạn được yêu cầu nhớ lại các từ trong danh sách này, bạn nghĩ mình sẽ nhớ những từ nào nhất? Bạn có thể sẽ có thời gian dễ dàng hơn khi nhớ lại các từ xe hơi, con chó và sách, và khó khăn hơn khi nhớ lại cấp độ, sự thật và giá trị của các từ. Tại sao thế này? Bởi vì bạn có thể nhớ lại hình ảnh (hình ảnh tâm trí) dễ dàng hơn so với lời nói đơn thuần. Khi bạn đọc các từ xe hơi, chó và sách, bạn đã tạo ra hình ảnh về những thứ này trong não mình. Đây là những từ cụ thể, mang tính hình tượng cao. Mặt khác, những từ trừu tượng như cấp độ, sự thật và giá trị là những từ ít hình ảnh. Các từ có hình ảnh cao được mã hóa cả về mặt hình ảnh và ngữ nghĩa (Paivio, 1986), từ đó xây dựng trí nhớ vững chắc hơn.

Bây giờ chúng ta hãy chuyển sự chú ý của chúng ta sang mã hóa âm thanh. Bạn đang lái xe trong ô tô của mình và một bài hát phát trên đài mà bạn chưa từng nghe trong ít nhất 10 năm, nhưng bạn hát theo, nhớ lại từng từ. Chẳng hạn trẻ em được dạy về bài hát “A (ầy) – B (bì) – C (ci) – D (đi) – E (i) – F (ép) – G (gi)” để ghi nhớ bảng chữ cái tiếng Anh. Những bài học được âm thanh hóa như này rất dễ nhớ vì được mã hóa âm thanh. Chúng ta mã hóa âm thanh mà các từ tạo ra. Đây là một trong những lý do tại sao phần lớn những gì chúng ta dạy trẻ nhỏ được thực hiện thông qua bài hát, vần điệu và nhịp điệu.

Bạn nghĩ loại mã hóa nào trong ba kiểu mã hóa sẽ cung cấp cho bạn trí nhớ tốt nhất về thông tin bằng lời nói? Cách đây vài năm, các nhà tâm lý học Fergus Craik và Endel Tulving (1975) đã tiến hành một loạt các thí nghiệm để tìm hiểu. Những người tham gia được cung cấp các từ cùng với các câu hỏi về chúng. Các câu hỏi yêu cầu người tham gia xử lý các từ ở một trong ba cấp độ. Các câu hỏi xử lý hình ảnh bao gồm những thứ như hỏi người tham gia về phông chữ của các chữ cái. Các câu hỏi xử lý âm thanh hỏi những người tham gia về âm thanh hoặc vần của các từ, và các câu hỏi xử lý ngữ nghĩa hỏi những người tham gia về ý nghĩa của các từ. Sau khi những người tham gia được xem một số từ và câu hỏi, họ được giao một nhiệm vụ bất ngờ yêu cầu họ nhớ lại hoặc nhận diện các từ.

Các từ đã được mã hóa ngữ nghĩa được ghi nhớ tốt hơn các từ được mã hóa bằng hình ảnh hoặc âm thanh. Liên kết nghĩa mã hóa đến mức xử lý sâu hơn so với hình ảnh hoặc âm thanh hóa mã hóa. Craik và Tulving kết luận rằng chúng ta xử lý thông tin bằng lời nói tốt nhất thông qua mã hóa ngữ nghĩa, đặc biệt nếu chúng ta áp dụng cái được gọi là hiệu ứng tự tham chiếu [self-reference effect]. Hiệu ứng tự tham chiếu là xu hướng một cá nhân có khả năng ghi nhớ tốt hơn đối với các thông tin liên quan đến bản thân so với những thông tin khác ít liên quan đến mình (Rogers, Kuiper, & Kirker, 1977). Mã hóa ngữ nghĩa là có thể mang lại lợi ích cho bạn khi bạn cố gắng ghi nhớ các khái niệm đã được nêu ra trong phần đọc này hay không?

Lưu giữ

Một khi thông tin đã được mã hóa, bằng cách nào đó chúng ta phải duy trì nó. Bộ não của chúng ta lấy thông tin được mã hóa và đưa nó đến kho lưu trữ. Kho lưu trữ này được tạo ra cho các thông tin cần được lưu vĩnh viễn.

Để một ký ức được lưu trữ, nó phải trải qua ba giai đoạn riêng biệt: Trí nhớ cảm giác [sensory memory], trí nhớ ngắn hạn [short-term memory] và cuối cùng là trí nhớ dài hạn [long-term memory]. Các giai đoạn này lần đầu tiên được đề xuất bởi Richard Atkinson và Richard Shiffrin (1968). Mô hình về trí nhớ con người này (Hình 1), được gọi là “mô hình của Atkinson và Shiffrin”, dựa trên niềm tin rằng chúng ta xử lý ký ức giống như cách hệ thống máy tính xử lý thông tin.

Hình 1

Mô hình của Atkinson và Shiffrin không phải là mô hình duy nhất về trí nhớ. Baddeley và Hitch (1974) đã đề xuất cách mô hình trí nhớ hoạt động và trong đó trí nhớ ngắn hạn có các dạng thức khác nhau. Trong mô hình của họ, việc lưu giữ ký ức trong trí nhớ ngắn hạn giống như việc mở các tệp khác nhau trên máy tính và sự thêm mới các thông tin. Các tệp bộ nhớ đang hoạt động chứa một lượng thông tin hạn chế. Loại trí nhớ ngắn hạn (hoặc tệp máy tính) phụ thuộc vào loại thông tin nhận được. Có những ký ức ở dạng không gian – thị giác, cũng như ký ức về tài liệu nói hoặc viết, và chúng được lưu trữ trong ba hệ thống ngắn hạn: một bảng phác thảo không gian thị giác, một bộ đệm nhiều đoạn (Baddeley, 2000) và một vòng lặp âm vị học. Theo Baddeley và Hitch, bộ phận điều hành trung tâm của trí nhớ giám sát hoặc kiểm soát luồng thông tin đến và đi của ba hệ thống ngắn hạn này, và bộ phận điều hành trung tâm chịu trách nhiệm chuyển thông tin vào trí nhớ dài hạn.

Trí nhớ cảm giác

Trong mô hình Atkinson – Shiffrin, các kích thích từ môi trường được xử lý đầu tiên trong trí nhớ cảm giác: lưu giữ các sự kiện về giác quan đơn giản, chẳng hạn như cảnh quan, âm thanh và mùi vị. Đây là phần trí nhớ được lưu giữ rất ngắn, chỉ vỏn vẹn vài giây. Con người liên tục nhận được những thông tin từ các giác quan và lẽ dĩ nhiên là chúng ta không thể hấp thụ tất cả. Việc này cũng không mang đến ảnh hưởng gì quá lớn đến cuộc sống của chúng ta. Cho một ví dụ, giáo sư của bạn mặc gì trong tiết học trước, bạn nhớ chứ? Thật ra, miễn là vị giáo sư này ăn mặc phù hợp với hoàn cảnh, thì việc cô ấy mặc gì chẳng quan trọng. Chúng ta loại bỏ thông tin cảm giác về cảnh quan, âm thanh, mùi vị và thậm chí cả kết cấu mà chúng ta không coi là thông tin có giá trị. Nếu chúng ta coi thứ gì đó là có giá trị, thông tin sẽ chuyển vào hệ thống trí nhớ ngắn hạn của chúng ta.

Trí nhớ ngắn hạn

Trí nhớ ngắn hạn (STM) là một hệ thống lưu giữ tạm thời, là quá trình tiếp nhận và xử lý những thông tin mà trí nhớ cảm giác chuyển đến. Các thuật ngữ trí nhớ ngắn hạn và trí nhớ làm việc đôi khi được sử dụng thay thế cho nhau, nhưng chúng không hoàn toàn giống nhau. Trí nhớ ngắn hạn được mô tả chính xác hơn là một thành phần của trí nhớ làm việc. Trí nhớ ngắn hạn lấy thông tin từ trí nhớ giác quan và đôi khi kết nối trí nhớ đó với thứ đã có trong trí nhớ dài hạn. Ký ức được lưu giữ ngắn hạn kéo dài 15 đến 30 giây. Hãy coi đó như là thông tin hiển thị trên màn hình máy tính, chẳng hạn như tài liệu, bảng tính hoặc trang web (RAM). Sau đó, thông tin trong trí nhớ ngắn hạn sẽ chuyển chúng đến trí nhớ dài hạn (giống như các bạn lưu dữ liệu vào ổ cứng (ROM)) hoặc bị loại bỏ (như việc bạn xóa tệp vào thùng rác hoặc đóng trình duyệt web). Việc nhẩm lại [rehearsal] chuyển thông tin từ trí nhớ ngắn hạn sang trí nhớ dài hạn. Nhẩm lại chủ động là một cách tập trung vào thông tin để chuyển nó từ trí nhớ ngắn hạn sang dài hạn. Trong quá trình chủ động nhẩm lại, bạn lặp lại (thực hành) thông tin cần ghi nhớ. Nếu bạn lặp lại nó đủ nhiều, nó có thể được chuyển vào trí nhớ dài hạn. Ví dụ cho kiểu chủ động nhẩm lại thông tin này là cách nhiều trẻ học ABC bằng cách hát bài hát bảng chữ cái. Ngoài ra, nhẩm lại ý nghĩa là hành động liên kết thông tin mới mà bạn đang cố gắng tìm hiểu với thông tin hiện có mà bạn đã biết. Ví dụ: nếu bạn gặp ai đó tại một bữa tiệc và điện thoại của bạn đã sập nguồn nhưng bạn muốn nhớ số điện thoại của người đó bắt đầu bằng mã vùng 203, thì bạn có thể liên kết nó với việc ông chú Abdul của bạn sống ở Connecticut và có mã vùng 203. Bằng cách này, khi bạn cố gắng nhớ số điện thoại của người bạn mới của mình, bạn sẽ dễ dàng nhớ được mã vùng 203. Craik và Lockhart (1972) đề xuất các cấp độ của giả thuyết xử lý, bạn càng nghĩ sâu về điều gì đó thì bạn càng nhớ nó tốt hơn.

Bạn có thể tự hỏi, “Trí nhớ của chúng ta có thể xử lý bao nhiêu thông tin cùng một lúc?” Để khám phá dung lượng và thời lượng của trí nhớ ngắn hạn, hãy nhờ một người bạn đọc to các chuỗi số ngẫu nhiên (Hình 2) cho bạn nghe, bắt đầu mỗi chuỗi bằng cách nói, “Sẵn sàng chưa?” và kết thúc mỗi câu bằng câu: “Nhớ lại”, tại thời điểm đó bạn nên cố gắng ghi lại chuỗi số từ trí nhớ. Hãy để ý xem chuỗi số dài nhất mà bạn nhớ được chính xác tất cả các số.

Hình 2

Đối với hầu hết mọi người, dung lượng có thể gần bằng 7 (cộng hoặc trừ 2). Năm 1956, George Miller đã xem xét hầu hết các nghiên cứu về khả năng của trí nhớ ngắn hạn và nhận thấy rằng mọi người có thể giữ lại từ 5 đến 9 mục, vì vậy ông đã thông cáo khả năng của trí nhớ ngắn hạn là “con số kỳ diệu” 7 (cộng hoặc trừ 2). Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu hiện đại hơn đã phát hiện ra khả năng làm việc của trí nhớ là 4 (cộng hoặc trừ 1) (Cowan, 2010). Nói chung, sự nhớ lại có phần tốt hơn đối với các số ngẫu nhiên hơn là các chữ cái ngẫu nhiên (Jacobs, 1887) và cũng thường tốt hơn một chút đối với thông tin chúng ta nghe (mã hóa âm thanh) hơn là thông tin chúng ta nhìn thấy (mã hóa hình ảnh) (Anderson, 1969). Sự suy giảm và can thiệp của dấu vết trí nhớ là hai yếu tố ảnh hưởng đến việc duy trì trí nhớ ngắn hạn. Peterson và Peterson (1959) đã nghiên cứu trí nhớ ngắn hạn bằng cách sử dụng ba chuỗi ký tự được gọi là bát quái (ví dụ, CLS) phải được nhớ lại sau các khoảng thời gian khác nhau từ 3 đến 18 giây. Những người tham gia ghi nhớ khoảng 80% bát quái sau khi trễ 3 giây, nhưng chỉ 10% sau 18 giây, khiến họ kết luận rằng trí nhớ ngắn hạn bị phân rã trong 18 giây. Trong quá trình phân rã, dấu vết trí nhớ ít được kích hoạt hơn theo thời gian và thông tin bị lãng quên. Tuy nhiên, Keppel và Underwood (1962) chỉ kiểm tra các thử nghiệm đầu tiên của nhiệm vụ bát quái và nhận thấy rằng sự can thiệp chủ động cũng ảnh hưởng đến khả năng lưu trữ trí nhớ ngắn hạn. Trong quá trình can thiệp chủ động, thông tin đã học trước đó cản trở khả năng tìm hiểu thông tin mới. Cả sự suy giảm dấu vết trí nhớ và sự can thiệp chủ động đều ảnh hưởng đến trí nhớ ngắn hạn. Một khi thông tin đến được bộ nhớ dài hạn, nó phải được củng cố ở cả cấp độ khớp thần kinh [synaptic level] (mất vài giờ) và chuyển vào và hệ thống trí nhớ, có thể mất vài tuần hoặc lâu hơn.

Trí nhớ dài hạn

Trí nhớ dài hạn là sự lưu trữ thông tin liên tục. Không giống như trí nhớ ngắn hạn, khả năng lưu giữ của trí nhớ dài hạn được cho là không giới hạn. Nó bao gồm tất cả những điều bạn có thể nhớ đã xảy ra lâu hơn là chỉ vài phút trước. Người ta không thể thực sự xem xét trí nhớ dài hạn mà không nghĩ đến cách nó được tổ chức. Nào, thật nhanh, từ đầu tiên xuất hiện trong đầu bạn khi bạn nghe cụm từ “bơ đậu phộng” là gì? Bạn đã nghĩ đến thạch? Nếu bạn đã làm vậy, bạn có thể đã có sẵn sự liên tưởng giữa bơ đậu phộng và thạch trong tâm trí của mình. Người ta thường chấp nhận rằng trí nhớ được tổ chức trong mạng lưới ngữ nghĩa (hoặc liên kết) (Collins & Loftus, 1975). Mạng lưới ngữ nghĩa bao gồm các khái niệm và như bạn có thể nhớ lại từ những gì bạn đã học về khái niệm “trí nhớ”, các khái niệm là các danh mục hoặc nhóm thông tin ngôn ngữ, hình ảnh, ý tưởng hoặc ký ức, chẳng hạn như kinh nghiệm sống. Mặc dù kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn của cá nhân có thể ảnh hưởng đến việc sắp xếp khái niệm, các khái niệm được cho là được sắp xếp theo thứ bậc (Anderson & Reder, 1999; Johnson & Mervis, 1997, 1998; Palmer, Jones, Hennessy, Unze, & Pick, 1989; Rosch, Mervis, Grey, Johnson, & Boyes-Braem, 1976; Tanaka & Taylor, 1991). Các khái niệm liên quan được liên kết và độ bền của liên kết phụ thuộc vào tần suất hai khái niệm được liên kết. Các mạng lưới ngữ nghĩa khác nhau tùy thuộc vào trải nghiệm cá nhân. Điều quan trọng đối với trí nhớ là việc kích hoạt bất kỳ phần nào của mạng lưới ngữ nghĩa cũng kích hoạt các khái niệm được liên kết với phần đó ở mức độ thấp hơn. Quá trình này được gọi là kích hoạt lan truyền (Collins & Loftus, 1975). Nếu một phần của mạng lưới được kích hoạt, thì việc truy xuất các khái niệm liên quan sẽ dễ dàng hơn vì chúng đã được kích hoạt một phần. Khi bạn nhớ hoặc gợi nhắc điều gì đó, bạn kích hoạt một khái niệm và các khái niệm liên quan sẽ dễ được nhớ đến cùng. Tuy nhiên, các kích hoạt không lan truyền chỉ theo một hướng. Khi bạn muốn nhớ điều gì đó, thường có những con đường khác nhau để lấy thông tin mà bạn đang cố gắng truy xuất, khi càng có nhiều những kết nối đến thông tin đó, cơ hội ghi nhớ của bạn càng nhiều.

Có hai loại trí nhớ dài hạn: minh bạch [explicit] và tiềm ẩn [implicit] (Hình 3). Hiểu được sự khác biệt giữa trí nhớ minh bạch và trí nhớ tiềm ẩn là rất quan trọng vì quá trình lão hóa, các loại chấn thương não cụ thể và một số rối loạn nhất định có thể tác động đến trí nhớ rõ ràng và tiềm ẩn theo những cách khác nhau. Những ký ức rõ ràng là những ký ức mà chúng ta cố gắng ghi nhớ, nhớ lại và báo cáo một cách có ý thức. Ví dụ, nếu bạn đang ôn tập cho kỳ thi hóa học sắp tới, tài liệu bạn đang học sẽ là một phần trong trí nhớ rõ ràng của bạn. Để phù hợp với sự tương tự của máy tính, một số thông tin trong trí nhớ dài hạn của bạn sẽ giống như thông tin bạn đã lưu trên ổ cứng. Mặc dù nó không có trên màn hình máy tính (trí nhớ ngắn hạn của bạn), nhưng hầu hết thời gian bạn có thể lấy thông tin này khi bạn muốn (bằng các vào thư mục chứa nó và mở lên). Không phải tất cả trí nhớ dài hạn đều là ký ức rõ ràng, và một số ký ức chỉ có thể được nhớ lại bằng các lời gợi nhắc. Ví dụ: bạn có thể dễ dàng nhớ lại một địa danh, chẳng hạn như thủ đô của Việt Nam, nhưng bạn có thể khó nhớ lại tên nhà hàng mà bạn đã ăn tối khi đến thăm một thành phố lân cận vào mùa hè năm ngoái. Một lời nhắc, chẳng hạn như nhà hàng được đặt theo tên chủ sở hữu của nó, có thể giúp bạn nhớ lại tên của nhà hàng. Trí nhớ rõ ràng đôi khi được gọi là trí nhớ khai báo, bởi vì nó có thể thêm được các từ. Trí nhớ rõ ràng được chia thành trí nhớ tình tiết [episodic memory] và trí nhớ ngữ nghĩa.

Hình 3

Trí nhớ tình tiết là thông tin về các sự kiện mà chúng ta đã trải qua (như một giai đoạn). Ví dụ, ký ức về sinh nhật cuối cùng của bạn là một ký ức nhiều đoạn. Thông thường, ký ức được nhớ theo từng giai đoạn được tường thuật như một câu chuyện. Khái niệm trí nhớ tình tiết lần đầu tiên được đề xuất vào những năm 1970 (Tulving, 1972). Kể từ đó, Tulving và những người khác đã định dạng lại lý thuyết, và hiện tại các nhà khoa học tin rằng trí nhớ theo từng phân đoạn tình tiết là ký ức về những diễn biến xảy ra (cái gì) ở những địa điểm (ở đâu) và thời điểm (khi nào) của một sự kiện (Tulving, 2002). Nó liên quan đến sự hồi tưởng về hình ảnh trực quan cũng như cảm giác quen thuộc (Hassabis & Maguire, 2007). Còn trí nhớ ngữ nghĩa là kiến thức về từ ngữ, khái niệm, kiến thức và sự kiện dựa trên ngôn ngữ. Trí nhớ ngữ nghĩa thường được thuật lại dưới dạng dữ kiện. Ngữ nghĩa có nghĩa là phải làm việc với ngôn ngữ và kiến thức về ngôn ngữ. Ví dụ: câu trả lời cho những câu hỏi sau như “định nghĩa tâm lý học là gì” và “ai là tổng thống người Mỹ gốc Phi đầu tiên của Hoa Kỳ” được lưu giữ trong trí nhớ ngữ nghĩa của bạn.

Trí nhớ tiềm ẩn là những phần trí nhớ dài hạn không nằm trong ý thức của chúng ta. Mặc dù trí nhớ tiềm ẩn được thu thập ngoài phạm vi ý thức của con người và không thể được nhớ lại một cách có ý thức nhưng trí nhớ tiềm ẩn tồn tại và hiện diện trong việc thực hiện một số nhiệm vụ yêu cầu nhận thức, chẳng hạn như để biểu diễn ngữ pháp nhân tạo (Reber, 1976), trí nhớ từ vựng (Jacoby, 1983; Jacoby & Witherspoon, 1982), học các luật lệ và quy tắc bất thành văn (Greenspoon, 1955; Giddan & Eriksen, 1959; Krieckhaus & Eriksen, 1960). Chúng ta có thể ẩn dụ trí nhớ tiềm ẩn như những chương trình chạy ngầm mà chúng ta không hề nhận biết được song lại ảnh hưởng rất lớn đến các tính năng, hiệu suất của máy tính. Trí nhớ tiềm ẩn cũng tương tự như vậy, chúng ta có thể không ý thức được chúng nhưng nó có thể ảnh hưởng đến các hành vi quan sát được cũng như các tác vụ nhận thức của chúng ta. Trong cả hai trường hợp, bạn thường không thể chỉ định trí nhớ thành những từ mô tả đầy đủ nhiệm vụ. Có một số loại trí nhớ tiềm ẩn, bao gồm thủ tục, mồi dẫn [priming] và điều kiện cảm xúc.

Trí nhớ tiềm ẩn thủ tục thường được nghiên cứu bằng cách sử dụng các hành vi có thể quan sát được (Adams, 1957; Lacey & Smith, 1954; Lazarus & McCleary, 1951). Trí nhớ tiềm ẩn thủ tục lưu trữ thông tin về cách thực hiện điều gì đó và nó là trí nhớ cho các hành động chứa kỹ năng, chẳng hạn như đánh răng, đi xe đạp hoặc lái xe ô tô. Bạn có thể không giỏi đi xe đạp hoặc lái ô tô trong lần đầu tiên thử sức, nhưng bạn đã tốt hơn rất nhiều sau khi làm những việc đó trong một năm. Khả năng đi xe đạp của bạn được cải thiện là do khả năng giữ thăng bằng. Có thể lúc đầu bạn đã nghĩ và tập trung đến việc giữ thăng bằng, nhưng bây giờ bạn chỉ cần làm điều đó và chẳng cần phải suy nghĩ gì. Hơn nữa, bạn có thể rất giỏi trong việc giữ thăng bằng, nhưng không thể nói cho ai đó biết chính xác cách bạn làm. Khi bạn lần đầu tiên học cách làm những việc này, ai đó có thể đã cho bạn biết cách thực hiện chúng, nhưng tất cả những gì bạn học được kể từ những hướng dẫn đó mà bạn không thể giải thích dễ dàng cho người khác chính là nhờ trí nhớ tiềm ẩn.

Trí nhớ mồi dẫn là một loại trí nhớ tiềm ẩn khác (Schacter, 1992). Trong quá trình mà mồi dẫn tiếp xúc với một kích thích sẽ ảnh hưởng đến phản ứng một kích thích sau đó. Các kích thích này có thể khác nhau có thể bao gồm từ ngữ, hình ảnh và các kích thích khác để gợi nhắc các phản ứng hoặc tăng khả năng nhận biết. Ví dụ, một số người thực sự thích dã ngoại. Họ thích hòa mình với thiên nhiên, trải một tấm chăn trên mặt đất và thưởng thức một bữa ăn ngon. Bây giờ, hãy thử sắp xếp các chữ cái này “AETLP” (ĨĐA) để tạo thành một từ.

Bạn đã nghĩ ra từ gì? Rất có thể đó là “plate” (đĩa).

Còn nếu bạn đã đọc, “Một số người thực sự thích trồng hoa. Họ thích đi ra ngoài vườn, bón phân cho cây và tưới hoa” có thể bạn sẽ liên tưởng đến từ “petal (cánh hoa)” thay vì từ “plate (đĩa)”.

Bạn có nhớ lại cuộc thảo luận trước đó về mạng lưới ngữ nghĩa không? Lý do mọi người có nhiều khả năng nghĩ đến “đĩa” sau khi đọc về một chuyến dã ngoại là đĩa đó có liên quan (liên kết) với chuyến dã ngoại. Đĩa đã được mồi dẫn bằng cách kích hoạt mạng lưới ngữ nghĩa. Tương tự như vậy, “pental” (cánh hoa) được liên kết với hoa (flowers) và được mồi dẫn bởi từ “hoa (flowers).

Điều kiện cảm xúc tiềm ẩn là loại trí nhớ liên quan đến các phản ứng cảm xúc có điều kiện hóa cổ điển (Olson & Fazio, 2001). Những mối liên kết cảm xúc này không thể được báo cáo hoặc nhớ lại nhưng có thể được kết hợp với các kích thích khác nhau. Ví dụ, mùi cụ thể có thể gây ra phản ứng cảm xúc cụ thể cho một số người. Nếu có một mùi nào đó khiến bạn cảm thấy tích cực và hoài cổ, và bạn không biết phản ứng đó đến từ đâu, thì đó là một phản ứng cảm xúc tiềm ẩn. Tương tự, hầu hết mọi người đều có một bài hát gây ra phản ứng cảm xúc cụ thể. Hiệu ứng của bài hát đó có thể là một ký ức cảm xúc tiềm ẩn (Yang, Xu, Du, Shi, & Fang, 2011).

Truy xuất (hồi tưởng)

Bạn đã làm việc rất chăm chỉ để mã hóa (thông qua một quá trình đầy nỗ lực) và lưu trữ các thông thông tin quan trọng để chuẩn bị cho cuộc thi học kỳ sắp tới. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào bạn có thể nhớ lại (truy xuất) những gì bạn đã ghi nhớ khi cần? Hành động lấy thông tin từ trí nhớ quay trở lại nhận thức mà bạn ý thức được gọi là truy xuất (hồi tưởng) [retrieval]. Điều này tương tự như việc tìm và mở một bài báo bạn đã lưu trước đó trên ổ cứng máy tính của mình. Bây giờ nó đã trở lại trên màn hình của bạn và bạn có thể làm việc lại với nó. Khả năng truy xuất thông tin từ trí nhớ dài hạn của chúng ta rất quan trọng đối với hoạt động hàng ngày của chúng ta. Bạn phải có khả năng truy xuất thông tin từ trí nhớ để làm mọi thứ, từ cách chải tóc và đánh răng, lái xe đến nơi làm việc, đến biết cách thực hiện công việc khi bạn đến nơi.

Có ba cách bạn có thể truy xuất thông tin từ hệ thống lưu giữ từ trí nhớ dài hạn của mình: nhớ lại, tái nhận thức và học lại. Nhớ lại là điều chúng ta thường nghĩ đến nhất khi nói về khả năng truy xuất trí nhớ: nó có nghĩa là bạn có thể truy cập thông tin mà không cần ám hiệu. Ví dụ, bạn sẽ sử dụng phương pháp “nhớ lại” cho việc thực hiện một bài kiểm tra tiểu luận. “Tái nhận thức” xảy ra khi bạn nhận diện thông tin mà bạn đã học trước đó sau khi gặp lại nó lần nữa. Phương pháp này bao gồm quá trình so sánh. Khi phải làm một bài kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm, bạn đang dựa vào sự tái nhận thức để chọn được câu trả lời chính xác. Đây là một ví dụ khác. Giả sử bạn đã tốt nghiệp trung học cách đây 10 năm và bạn đã trở về quê nhà để tham dự một buổi họp lớp kỷ niệm 10 năm. Bạn có thể không nhớ được tất cả các bạn cùng lớp của mình, nhưng bạn nhận ra nhiều người trong số họ dựa trên những bức ảnh kỷ yếu.

Hình thức truy xuất thứ ba là học lại. Nó liên quan đến việc tìm hiểu thông tin mà bạn đã học trước đó. Whitney học tiếng Tây Ban Nha ở trường trung học, nhưng sau khi học trung học, cô không có cơ hội nói tiếng Tây Ban Nha. Whitney hiện đã 31 tuổi và công ty của cô ấy đã tạo cơ hội cho cô ấy làm việc tại văn phòng ở Thành phố Mexico của họ. Để chuẩn bị cho bản thân, cô đăng ký một khóa học tiếng Tây Ban Nha tại trung tâm cộng đồng địa phương. Cô ấy ngạc nhiên về khả năng tiếp thu ngôn ngữ nhanh như thế nào sau 13 năm không hề sử dụng; đây là một ví dụ về học lại.

Các bộ phận của não liên quan đến trí nhớ

Trí nhớ chỉ được lưu trữ trong một chỗ của não bộ hay chúng được lưu trữ trong nhiều nơi khác nhau của não bộ? Karl Lashley bắt đầu khám phá vấn đề này khoảng 100 năm trước, bằng cách tạo ra các tổn thương trong não của động vật như chuột và khỉ. Ông đang tìm kiếm bằng chứng về “vết tích trí nhớ” [engram]: nhóm các tế bào thần kinh đóng vai trò như là “biểu diễn vật lý của trí nhớ” (Josselyn, 2010). Đầu tiên, Lashley (1950) huấn luyện chuột tìm đường đi qua mê cung. Sau đó, ông sử dụng các công cụ có sẵn vào thời điểm đó – trong trường hợp này là mỏ hàn – để tạo ra các tổn thương trong não chuột, đặc biệt là ở vỏ não. Ông ấy làm điều này bởi vì ông đang cố gắng xóa vết tích trí nhớ, hoặc dấu vết ký ức ban đầu về mê cung mà lũ chuột có.

Lashley không tìm thấy bằng chứng về vết tích trí nhớ nào, và lũ chuột vẫn có thể tìm đường trong mê cung bất kể kích thước hoặc vị trí của vết thương. Dựa trên việc tạo ra các tổn thương và phản ứng của động vật, ông đã đưa ra giả thuyết về thế năng tương đương: nếu một phần của bộ não liên quan đến trí nhớ bị hư hỏng, một phần khác của cùng khu vực đó có thể đảm nhận chức năng ghi nhớ đó (Lashley, 1950). Mặc dù công trình ban đầu của Lashley không xác nhận sự tồn tại của vết tích trí nhớ, nhưng các nhà tâm lý học hiện đại đang trong quá trình định vị nó. Ví dụ, Eric Kandel đã dành nhiều thập kỷ để nghiên cứu khớp thần kinh và vai trò của nó trong việc kiểm soát luồng thông tin qua các mạch thần kinh cần thiết để lưu trữ ký ức (Mayford, Siegelbaum, & Kandel, 2012).

Hình 4

Nhiều nhà khoa học tin rằng toàn bộ não có liên quan đến trí nhớ. Tuy nhiên, kể từ nghiên cứu của Lashley, các nhà khoa học khác đã có thể xem xét kỹ hơn về não và trí nhớ. Họ lập luận rằng trí nhớ nằm trong một số vị trí cụ thể của não bộ, và một số tế bào thần kinh cụ thể có thể được xác nhận cho tham gia của chúng vào việc hình thành ký ức. Các bộ phận chính của não liên quan đến trí nhớ là hạch hạnh nhân, hồi hải mã, tiểu não và vỏ não trước trán (Hình 4).

Hạch hạnh nhân

Đầu tiên, hãy xem xét vai trò của hạch hạnh nhân trong việc hình thành trí nhớ. Công việc chính của hạch hạnh nhân là điều chỉnh cảm xúc, chẳng hạn như sợ hãi và hung hăng (Hình 4). Các hạch hạnh nhân đóng một phần trong cách lưu trữ ký ức vì việc lưu trữ các ký ức này bị ảnh hưởng bởi các hormone căng thẳng. Ví dụ, một nhà nghiên cứu đã thử nghiệm với chuột và phản ứng sợ hãi của chuột (Josselyn, 2010). Sử dụng điều kiện cổ điển hóa của Pavlov, một âm thanh trung tính được ghép nối với một cú sốc kích thích vào chân lũ chuột. Điều này tạo ra ký ức sợ hãi ở lũ chuột. Sau khi được điều kiện hóa, mỗi khi nghe thấy âm thanh này, chúng sẽ bị như tê dại đứng đờ ra đấy (phản ứng tự vệ ở chuột), cho thấy ký ức về cú sốc sắp xảy ra. Sau đó, các nhà nghiên cứu cố tình gây chết các tế bào thần kinh ở hạch hạnh nhân trong não bọn chuột, đây là khu vực cụ thể của não chịu trách nhiệm về ký ức sợ hãi. Họ nhận thấy ký ức sợ hãi của lũ chuột phải dần (và biến mất). Do vai trò của hạch hạnh nhân là việc xử lý thông tin cảm xúc, tham gia vào quá trình củng cố trí nhớ: quá trình chuyển những gì chúng ta học được vào trí nhớ dài hạn. Các hạch hạnh nhân dường như tạo điều kiện cho việc mã hóa ký ức ở mức độ sâu hơn khi sự kiện này kích thích đi kèm với cảm xúc.

Hồi hải mã

Một nhóm các nhà nghiên cứu khác cũng đã thử nghiệm với chuột để tìm hiểu chức năng của vùng hồi hải mã trong quá trình xử lý trí nhớ (Hình 4). Họ đã tạo ra các tổn thương ở vùng hồi hải mã của chuột, và phát hiện ra rằng chuột bị suy giảm trí nhớ trong các nhiệm vụ khác nhau, chẳng hạn như nhận dạng vật thể và chạy trong mê cung. Họ kết luận rằng hồi hải mã có liên quan đến trí nhớ, đặc biệt là trí nhớ nhận dạng bình thường cũng như trí nhớ không gian (khi các nhiệm vụ ghi nhớ tương đồng các bài kiểm tra theo dạng nhớ lại) (Clark, Zola, & Squire, 2000). Một công việc khác của hồi hải mã là chiếu thông tin đến các vùng vỏ não mang lại ý nghĩa cho ký ức và kết nối chúng với các ký ức khác. Nó cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc củng cố trí nhớ tương tự như hạch hạnh nhân là chuyển những gì đã được học hay trải nghiệm vào trí nhớ dài hạn.

Tổn thương khu vực này khiến chúng ta không thể xử lý được các trí nhớ mô tả mới tiếp nhận. Một bệnh nhân nổi tiếng được biết đến trong nhiều năm chỉ với cái tên H.M., đã bị cắt bỏ cả thùy thái dương trái và phải trong nỗ lực giúp kiểm soát các cơn động kinh mà anh ta đã phải chịu đựng trong nhiều năm (Corkin, Amaral, González, Johnson, & Hyman, 1997). Kết quả là trí nhớ mô tả của anh ta bị ảnh hưởng đáng kể, và anh ta không thể hình thành kiến thức ngữ nghĩa mới. Anh ta mất khả năng hình thành ký ức mới, nhưng anh ta vẫn có thể nhớ thông tin và các sự kiện đã xảy ra trước khi phẫu thuật.

Tiểu não và vỏ não trán trước

Mặc dù hồi hải mã được xem là khu vực chính xử lý các trí nhớ rõ ràng, bạn vẫn có thể mất đi nó và có thể tạo ra trí nhớ tiềm ẩn (trí nhớ thủ tục, học vận động và điều kiện hóa cổ điển) nhờ tiểu não của bạn (Hình 4). Ví dụ, một thí nghiệm về điều kiện hóa cổ điển là cho các đối tượng quen với việc chớp mắt khi họ được thổi một luồng không khí nhỏ vào mắt. Khi các nhà nghiên cứu làm tổn thương tiểu não của thỏ, họ phát hiện ra rằng thỏ không thể học phản ứng chớp mắt có điều kiện (Steinmetz, 1999; Green & Woodruff-Pak, 2000).

Các nhà nghiên cứu khác đã sử dụng phương pháp quét não, bao gồm cả chụp cắt lớp phát xạ (PET), để tìm hiểu cách con người xử lý và lưu trữ thông tin. Từ những nghiên cứu này, có vẻ như vỏ não trước trán có liên quan. Trong một nghiên cứu, những người tham gia phải hoàn thành hai nhiệm vụ khác nhau: tìm kiếm chữ a trong từ vựng (được coi là nhiệm vụ tri giác) hoặc phân loại danh từ là sống hoặc không sống (được coi là nhiệm vụ ngữ nghĩa) (Kapur và cộng sự, 1994). Những người tham gia sau đó được hỏi những từ mà họ đã nhìn thấy trước đó. Việc nhớ lại nhiệm vụ ngữ nghĩa tốt hơn so với nhiệm vụ tri giác. Theo kết quả quét chụp PET có nhiều hoạt động hơn ở vỏ não trước trán bên trái trong nhiệm vụ ngữ nghĩa. Trong một nghiên cứu khác, mã hóa có liên quan đến hoạt động vùng trán bên trái, trong khi việc truy xuất thông tin có liên quan đến vùng trán bên phải (Craik và cộng sự, 1999).

Chất dẫn truyền thần kinh

Bên cạnh đó, cũng có các chất dẫn truyền thần kinh cụ thể liên quan đến quá trình ghi nhớ, chẳng hạn như epinephrine, dopamine, serotonin, glutamate và acetylcholine (Myhrer, 2003). Các nhà nghiên cứu vẫn tiếp tục thảo luận và tranh luận về việc chất dẫn truyền thần kinh đóng vai trò cụ thể gì và như thế nào trong trí nhớ (Blockland, 1996). Mặc dù chúng ta vẫn chưa biết rõ vai trò của mỗi chất dẫn truyền thần kinh liên quan tới trí nhớ, nhưng chúng ta biết rằng sự giao tiếp giữa các tế bào thần kinh thông qua chất dẫn truyền thần kinh là rất quan trọng để phát triển những ký ức mới. Hoạt động lặp đi lặp lại của các tế bào thần kinh dẫn đến việc tăng chất dẫn truyền thần kinh trong các khớp thần kinh và kết nối các khớp thần kinh hiệu quả hơn và nhiều hơn. Đây là cách hợp nhất bộ nhớ xảy ra.

Người ta cũng tin rằng những cảm xúc mạnh mẽ sẽ kích hoạt sự hình thành những ký ức mạnh mẽ, và những trải nghiệm với cảm xúc yếu hơn sẽ hình thành những ký ức yếu hơn; đây được gọi là lý thuyết kích thích (Christianson, 1992). Ví dụ, trải nghiệm cảm xúc mạnh mẽ có thể kích hoạt việc giải phóng chất dẫn truyền thần kinh, cũng như hormone, giúp tăng cường trí nhớ; do đó, trí nhớ của chúng ta đối với một sự kiện cảm xúc thường tốt hơn trí nhớ của chúng ta đối với một sự kiện không cảm xúc. Khi con người và động vật bị căng thẳng, não tiết ra nhiều glutamate dẫn truyền thần kinh, giúp chúng ghi nhớ sự kiện căng thẳng (McGaugh, 2003). Điều này được chứng minh rõ ràng qua hiện tượng ký ức Flashbub.

Ký ức Flashbub là một hồi ức đặc biệt rõ ràng về một sự kiện quan trọng (Hình 5). Nhiều người đã sống qua các sự kiện lịch sử và quan trọng có thể nhớ lại chính xác họ đã ở đâu và họ đã nghe về chúng như thế nào. Ví dụ, một cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew (2011) cho thấy đối với những người Mỹ từ 8 tuổi trở lên vào thời điểm xảy ra vụ tấn công khủng bố 11/9, 97% có thể nhớ lại khoảnh khắc họ biết về sự kiện này, thậm chí một thập kỷ sau khi nó xảy ra.

Hình 5

Các vấn đề về trí nhớ

Bạn có thể tự hào về khả năng ghi nhớ ngày sinh và tuổi của tất cả bạn bè và thành viên trong gia đình, hoặc bạn có thể nhớ lại những chi tiết cực kỳ sống động về bữa tiệc sinh nhật lần thứ 5 của mình tại một nhà hàng sang trọng. Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều có lúc cảm thấy thất vọng, thậm chí là xấu hổ khi tự dưng chẳng nhớ được điều gì. Có một số lý do tại sao những điều này lại xảy ra.

Mất trí nhớ

Mất trí nhớ (hoặc chứng hay quên) [amnesia] là tình trạng mất trí nhớ dài hạn xảy ra do hậu quả của bệnh tật, chấn thương thể chất hoặc sang chấn tâm lý. Endel Tulving (2002) và các đồng nghiệp của ông tại Đại học Toronto đã nghiên cứu trường hợp của K.C. trong nhiều năm. K.C. bị chấn thương sọ não trong một vụ tai nạn xe máy và sau đó bị mất trí nhớ nghiêm trọng.

Mất trí nhớ thuận chiều [anterograde amnesia]: Có hai loại mất trí nhớ phổ biến: là mất trí nhớ thuận chiều và mất trí nhớ ngược chiều (Hình 6). Mất trí nhớ thuận chiều thường do chấn thương não, chẳng hạn như một cú đánh vào đầu. Với mất trí nhớ thuận chiều, bạn không thể ghi nhớ thông tin mới, mặc dù bạn có thể nhớ thông tin và sự kiện đã xảy ra trước khi bị thương và điều này thường do vùng hồi hải mã đã bị tổn hại (McLeod, 2011). Điều này cho thấy rằng tổn thương não dẫn đến việc không thể chuyển thông tin từ trí nhớ ngắn hạn sang trí nhớ dài hạn; nghĩa là không có khả năng củng cố ký ức. Nhiều người mất trí nhớ dạng này không thể hình thành trí nhớ tình tiết và trí nhớ ngữ nghĩa mới, song vẫn có thể hình thành các trí nhớ thủ tục mới (Bayley & Squire, 2002). Điều này đúng với trường hợp của H.M. mà chúng ta đã đề cập đến trước đó. Tổn thương não do cuộc phẫu thuật đã dẫn đến mất trí nhớ thuận chiều. H.M. đọc đi đọc lại cùng một cuốn tạp chí, không nhớ mình đã từng đọc nó bao giờ – nó luôn mới mẻ đối với anh. Anh ấy cũng không thể nhớ những người anh ấy đã gặp sau khi phẫu thuật. Nếu bạn được giới thiệu với H.M. và sau đó bạn rời khỏi phòng trong vài phút, anh ta sẽ không biết bạn là ai khi bạn trở về và sẽ giới thiệu lại mình với bạn. Tuy nhiên, khi được đưa ra cùng một câu đố nhiều ngày liên tiếp, mặc dù anh ta không nhớ mình đã từng nhìn thấy câu đố đó trước đây, nhưng tốc độ giải câu đố của anh ta trở nên nhanh hơn mỗi ngày (vì sự phân tích lại) (Corkin, 1965, 1968).

Hình 6

Mất trí nhớ ngược chiều [retrograde amnesia]: Mất trí nhớ ngược chiều là mất trí nhớ về các sự kiện xảy ra trước khi bị chấn thương. Những người mất trí nhớ ngược chiều không thể nhớ một số hoặc thậm chí tất cả quá khứ của họ. Họ gặp khó khăn trong việc ghi nhớ những trí nhớ phân đoạn. Điều gì sẽ xảy ra nếu một ngày bạn thức dậy trong bệnh viện và có những người xung quanh giường của bạn tự xưng là vợ hoặc chồng của bạn, con bạn và cha mẹ bạn? Vấn đề là bạn không nhận ra bất kỳ người nào trong số họ. Bạn bị tai nạn xe hơi, bị chấn thương ở đầu, và bây giờ bị mất trí nhớ ngược chiều. Bạn không nhớ gì về cuộc sống của mình trước khi thức dậy trong bệnh viện. Điều này nghe có vẻ giống như nội dung của các bộ phim Hollywood, và Hollywood đã bị cuốn hút với cốt truyện mất trí nhớ trong gần một thế kỷ, từ bộ phim Garden of Lies từ năm 1915 đến các bộ phim gần đây hơn như phim kinh dị về điệp viên Jason Bourne. Tuy nhiên, đối với những người thực tế mất trí nhớ ngược dòng, như cựu cầu thủ bóng đá NFL Scott Bolzan, câu chuyện không phải là một bộ phim Hollywood. Bolzan ngã, đập đầu và xóa đi 46 năm cuộc đời chỉ trong chốc lát. Hiện anh đang sống trong khi mắc phải một trong những trường hợp mất trí nhớ ngược chiều nghiêm trọng nhất từng được ghi nhận.

Xây dựng và tái tạo trí nhớ

Việc hình thành những ký ức mới đôi khi được gọi là xây dựng, và quá trình mang lại những ký ức cũ được gọi là tái tạo. Tuy nhiên, khi chúng ta tìm lại ký ức của mình, chúng ta cũng có xu hướng thay đổi và sửa đổi chúng. Trí nhớ khá linh hoạt trong việc chuyển trí nhớ dài hạn thành trí nhớ ngắn hạn. Các sự kiện mới có thể được thêm vào và chúng ta có thể thay đổi những gì chúng ta nghĩ rằng chúng ta nhớ về các sự kiện trong quá khứ, và điều này dẫn đến sự không chính xác và bóp méo thông tin. Con người có thể không cố ý bóp méo sự thật, nhưng nó vẫn có thể xảy ra trong quá trình lấy lại ký ức cũ và kết hợp chúng với ký ức mới (Roediger & DeSoto, 2015).

Khả năng gợi ý: Khi ai đó chứng kiến một tội ác, trí nhớ của người đó về các chi tiết của tội phạm là rất quan trọng để bắt được nghi phạm. Vì trí nhớ rất mỏng manh, nhân chứng có thể dễ dàng (và thường vô tình) bị nhầm lẫn do vấn đề về khả năng gợi ý. Khả năng gợi ý mô tả tác động của thông tin sai lệch từ các nguồn bên ngoài dẫn đến việc tạo ra các ký ức sai lệch. Vào mùa thu năm 2002, một tay súng bắn tỉa ở khu vực Đặc khu Columbia, Washington, Hoa Kỳ đã bắn những người tại một trạm xăng, trong lúc họ đang rời khỏi siêu thị bán lẻ Home Depot và đi bộ xuống phố. Các cuộc tấn công này đã diễn ra ở nhiều nơi trong hơn ba tuần và dẫn đến cái chết của mười người. Trong thời gian này, như bạn có thể tưởng tượng, rất nhiều người đã sợ hãi khi phải rời khỏi nhà của họ, cho dù chỉ đơn giản dành cho việc mua sắm, hoặc thậm chí đi bộ qua khu hàng xóm chung quanh. Các nhân viên cảnh sát và FBI đã làm việc điên cuồng để giải quyết tội ác nghiêm trọng này, và một đường dây nóng đã được thiết lập. Cơ quan thực thi pháp luật đã nhận được hơn 140.000 báo cáo, dẫn đến có khoảng 35.000 người trở thành kẻ tình nghi (Newseum, n.d.). Hầu hết các báo cáo đều đi vào ngõ cụt, cho đến khi một chiếc xe tải màu trắng được phát hiện tại địa điểm xảy ra một trong những vụ xả súng. Cảnh sát trưởng lên sóng truyền hình quốc gia với hình ảnh chiếc xe tải màu trắng. Sau cuộc họp báo, một số nhân chứng khác đã gọi điện nói rằng họ cũng đã nhìn thấy một chiếc xe tải màu trắng chạy trốn khỏi hiện trường vụ nổ súng. Vào thời điểm đó, có hơn 70.000 xe tải màu trắng trong khu vực. Các nhân viên cảnh sát, cũng như công chúng, hầu như chỉ tập trung vào những chiếc xe tải màu trắng vì họ tin những nhân chứng. Hầu như các báo cáo khác đã bị bỏ qua. Cuối cùng khi bắt được những kẻ tình nghi, thì nhóm tội phạm này lại đang sử dụng một chiếc xe dòng sedan (4 cửa) màu xanh. Như được minh họa trong ví dụ này, chúng ta dễ bị ảnh hưởng bởi sức mạnh của lời gợi ý, chỉ đơn giản là dựa trên một cái gì đó chúng ta thấy trên tin tức. Hoặc chúng ta có thể tuyên bố nhớ một cái gì đó mà trên thực tế chỉ là một gợi ý của ai đó. Chính gợi ý là nguyên nhân gây ra sự sai lệch trí nhớ.

Xác định sai nhân chứng: Mặc dù trí nhớ và quá trình tái tạo có thể rất mỏng manh, nhưng các sĩ quan cảnh sát, công tố viên và tòa án thường dựa vào việc xác định nhân chứng và lời khai khi truy tố tội phạm. Tuy nhiên, việc xác định nhân chứng và lời khai không đúng có thể dẫn đến kết án sai (Hình 7). Việc này xảy ra như thế nào? Năm 1984, Jennifer Thompson, khi đó là một sinh viên đại học 22 tuổi ở Bắc Carolina, bị uy hiếp bằng dao và sau đó bị cưỡng hiếp. Khi bị cưỡng hiếp, cô cố gắng ghi nhớ từng chi tiết về khuôn mặt và đặc điểm thể chất của kẻ hiếp dâm mình, thề rằng nếu cô sống sót, cô sẽ khiến anh ta bị kết án. Sau khi liên lạc với cảnh sát, một bản phác thảo tổng hợp đã được tạo ra về nghi phạm, và Jennifer được cho xem sáu bức ảnh. Cô đã chọn hai chiếc, một trong số đó là của Ronald Cotton. Sau khi xem các bức ảnh trong 4 – 5 phút, cô ấy nói, “Đúng vậy. Đây là người đó!” và sau đó cô ấy nói thêm, “Tôi nghĩ đây là hắn”. Các điều tra viên hỏi lại một lần nữa, “Cô có chắc không?”. Cô ấy nói rằng đó là hắn ta. Sau đó, cô hỏi điều tra viên rằng mình đã nhận diện đúng hay chưa, và viên điều tra củng cố lựa chọn của cô bằng cách nói với cô rằng cô đã làm rất tốt. Những loại gợi ý và gợi ý ngoài ý muốn này của nhân viên cảnh sát có thể khiến các nhân chứng xác định nhầm nghi phạm. Các luật sư lo ngại về sự thiếu chắc chắn của cô trong lần đầu tiên, vì vậy cô đã xem một đội hình gồm bảy người đàn ông. Cô ấy nói rằng cô ấy đang cố gắng quyết định giữa số 4 và 5, cuối cùng quyết định rằng Cotton, số 5, “Trông giống hắn ta nhất”. Hắn ta 22 tuổi. Vào thời điểm phiên tòa bắt đầu, Jennifer Thompson hoàn toàn không nghi ngờ gì về việc cô bị Ronald Cotton cưỡng hiếp. Cô đã làm chứng tại phiên tòa, và lời khai của cô đủ thuyết phục để có thể kết tội anh ta. Làm thế nào mà cô ấy đi từ “Tôi nghĩ đó là hắn ta” và “trông giống hắn nhất”, đến mức chắc chắn như vậy? Gary Wells và Deah Quinlivan (2009) khẳng định rằng đó là các thủ tục nhận dạng mà cảnh sát gợi ý, chẳng hạn như xếp hàng để làm cho bị cáo nổi bật, nói với nhân chứng nên xác định người nào và xác nhận các lựa chọn của nhân chứng bằng cách nói với họ “lựa chọn tốt”. Sau khi Cotton bị kết tội hiếp dâm, anh ta phải ngồi tù chung thân với 50 năm. Sau 4 năm ngồi tù, anh ta mới được tái thẩm. Jennifer Thompson một lần nữa làm chứng chống lại anh ta. Lần này Ronald Cotton bị tuyên hai án chung thân. Sau khi thụ án 11 năm tù, bằng chứng DNA cuối cùng đã chứng minh rằng Ronald Cotton không phạm tội hiếp dâm, vô tội và đã ngồi tù hơn một thập kỷ vì tội danh mà anh ta không phạm phải.

Hình 7

Hiệu ứng Thông tin Sai lệch: Nhà tâm lý học nhận thức Elizabeth Loftus đã tiến hành nghiên cứu sâu rộng về trí nhớ. Cô đã nghiên cứu những ký ức sai lệch cũng như khôi phục những ký ức về việc lạm dụng tình dục thời thơ ấu. Loftus cũng đã phát triển mô hình hiệu ứng thông tin sai lệch, cho rằng sau khi tiếp xúc với thông tin bổ sung và có thể không chính xác, một người có thể nhớ sai sự kiện ban đầu. Theo Loftus, trí nhớ của một nhân chứng về một sự kiện rất linh hoạt do hiệu ứng thông tin sai lệch. Để kiểm tra lý thuyết này, Loftus và John Palmer (1974) đã yêu cầu 45 sinh viên đại học Hoa Kỳ ước tính tốc độ của ô tô bằng các dạng câu hỏi khác nhau (Hình 8). Những người tham gia được xem phim về các vụ tai nạn ô tô và được yêu cầu đóng vai nhân chứng và mô tả những gì đã xảy ra. Họ được hỏi, “Về tốc độ của những chiếc xe khi chúng (tông, va chạm, đụng, sượt) vào nhau?” Những người tham gia ước tính tốc độ của ô tô dựa trên động từ được sử dụng. Những người nghe từ “đập” ước tính rằng những chiếc xe đang di chuyển với tốc độ cao hơn nhiều so với những người tham gia nghe từ “sượt”. Thông tin ngụ ý về tốc độ, dựa trên động từ họ nghe được, có ảnh hưởng đến trí nhớ của người tham gia về vụ tai nạn. Trong cuộc theo dõi một tuần sau đó, những người tham gia được hỏi liệu họ có nhìn thấy mảnh kính vỡ nào không (không có tấm kính nào được hiển thị trong các bức ảnh tai nạn). Những người tham gia trong nhóm “đập vỡ” có nhiều khả năng cho biết rằng họ nhớ đã nhìn thấy thủy tinh. Loftus và Palmer chứng minh rằng một câu hỏi hàng đầu khuyến khích họ không chỉ nhớ những chiếc xe đang chạy nhanh hơn, mà còn nhớ sai rằng họ đã nhìn thấy kính vỡ.

Hình 8

Tranh cãi về ký ức bị kìm nén và phục hồi: Các nhà nghiên cứu khác đã mô tả cách toàn bộ sự kiện, không chỉ từ ngữ, có thể được nhớ lại một cách sai lệch, ngay cả khi chúng không xảy ra. Ý tưởng rằng những ký ức về những sự kiện đau buồn có thể được kìm nén đã là một chủ đề trong lĩnh vực tâm lý học, bắt đầu từ Sigmund Freud, và những tranh cãi xung quanh ý tưởng này vẫn tiếp tục cho đến ngày nay. Nhớ lại trí nhớ tự truyện sai lệch [recall of false autobiographical memories] được gọi là hội chứng trí nhớ sai lệch. Hội chứng này đã nhận được rất nhiều sự chú ý của công chúng, đặc biệt vì nó liên quan đến những ký ức về các sự kiện không có nhân chứng độc lập – thường những nhân chứng duy nhất cho tình huống lạm dụng là thủ phạm và nạn nhân (ví dụ: lạm dụng tình dục). Một bên của cuộc tranh luận là những người đã tìm lại được ký ức về việc lạm dụng thời thơ ấu nhiều năm sau khi nó xảy ra. Các nhà nghiên cứu này lập luận rằng trải nghiệm của một số trẻ em đã gây tổn thương và đau buồn đến mức chúng phải khóa những ký ức đó lại để hướng tới một cuộc sống bình thường nào đó. Họ tin rằng những ký ức bị kìm nén có thể bị khóa lại trong nhiều thập kỷ và sau đó được nhớ lại nguyên vẹn thông qua kỹ thuật thôi miên và hình ảnh dẫn hướng (Devilly, 2007). Nghiên cứu cho thấy rằng không có ký ức về lạm dụng tình dục thời thơ ấu phổ biến ở người lớn. Ví dụ, một nghiên cứu quy mô lớn được thực hiện bởi John Briere và Jon Conte (1993) cho thấy 59% trong số 450 nam giới và phụ nữ đang được điều trị lạm dụng tình dục xảy ra trước 18 tuổi đã quên trải nghiệm của họ. Ross Cheit (2007) cho rằng việc kìm nén những ký ức này tạo ra tâm lý đau khổ khi trưởng thành. Dự án Ký ức Phục hồi được tạo ra để các nạn nhân bị lạm dụng tình dục thời thơ ấu có thể nhớ lại những ký ức này và cho phép quá trình chữa lành bắt đầu (Cheit, 2007; Devilly, 2007). Mặt khác, Loftus đã thách thức ý tưởng rằng các cá nhân có thể kìm nén ký ức về những sự kiện đau buồn từ thời thơ ấu, bao gồm cả lạm dụng tình dục, và sau đó khôi phục những ký ức đó nhiều năm sau đó thông qua các kỹ thuật trị liệu như thôi miên, hình ảnh dẫn hướng và hồi quy tuổi tác. Loftus không nói rằng lạm dụng tình dục thời thơ ấu không xảy ra, nhưng cô ấy đặt câu hỏi liệu những ký ức đó có chính xác hay không và cô ấy nghi ngờ về quá trình phỏng vấn được sử dụng để truy cập những ký ức này, vì ngay cả một gợi ý nhỏ nhất từ nhà trị liệu cũng có thể dẫn đến thông tin sai lệch ảnh hưởng. Ví dụ, các nhà nghiên cứu Stephen Ceci và Maggie Brucks (1993, 1995) yêu cầu trẻ em ba tuổi sử dụng một con búp bê đúng về mặt giải phẫu để chỉ ra vị trí mà bác sĩ nhi khoa đã chạm vào chúng trong một cuộc kiểm tra. Năm mươi lăm phần trăm trẻ em đã chỉ vào bộ phận sinh dục hoặc hậu môn trên búp bê, ngay cả khi chúng chưa được kiểm tra bộ phận sinh dục nào. Kể từ khi Loftus công bố nghiên cứu đầu tiên của mình về khả năng gợi ý của lời khai nhân chứng vào những năm 1970, các nhà khoa học xã hội, cảnh sát, nhà trị liệu và các nhà hành nghề luật đã nhận thức được những sai sót trong cách thực hành phỏng vấn. Do đó, các bước đã được thực hiện để giảm khả năng gợi ý cho các nhân chứng. Một cách là sửa đổi cách thức thẩm vấn nhân chứng. Khi người phỏng vấn sử dụng ngôn ngữ trung lập và ít dẫn dắt hơn, trẻ em nhớ lại chính xác hơn những gì đã xảy ra và những ai có liên quan (Goodman, 2006; Pipe, 1996; Pipe, Lamb, Orbach, & Esplin, 2004). Một thay đổi khác là cách thức cảnh sát tập hợp/đàn hàng kẻ tình nghi. Họ nên sử dụng hình thức không lộ mặt. Bằng cách này, người quản lý nhóm kẻ tình nghi sẽ không biết bức ảnh nào thuộc về đối tượng nào, giảm thiểu khả năng đưa ra các ám hiệu mớm cung. Ngoài ra, thẩm phán ở một số bang hiện thông tin đến các thành viên thuộc bồi thẩm đoàn về khả năng nhận diện sai của nhân chứng. Các thẩm phán cũng có thể dừng việc lấy lời khai của nhân chứng nếu nhận thấy người này không đáng tin cậy.

Quên

Robert Louis Stevenson châm biếm: “Tôi có một trí nhớ lớn để dành cho việc quên”. Quên là hiện tượng đề cập đến việc mất thông tin từ trí nhớ dài hạn. Tất cả chúng ta đều gặp phải việc quên này, chẳng hạn như sinh nhật của một người thân yêu, ai đó cho bạn vay tiền lúc khó khăn hoặc nơi bạn để điện thoại gần đây nhất. Như bạn đã thấy, trí nhớ rất mong manh và việc quên có thể khiến bạn bực bội và thậm chí là xấu hổ. Nhưng tại sao chúng ta lại quên? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta sẽ xem xét một số quan điểm về sự lãng quên.

Mã hóa thất bại

Đôi khi mất trí nhớ xảy ra trước khi quá trình ghi nhớ thực sự bắt đầu, đó là lỗi mã hóa. Chúng ta không thể nhớ điều gì đó nếu chúng ta chưa bao giờ lưu trữ nó trong trí nhớ của mình ngay từ đầu. Điều này giống như cố gắng tìm một cuốn sách trên e-reader của bạn mà bạn chưa bao giờ thực sự mua và tải xuống. Thông thường, để nhớ điều gì đó, chúng ta phải chú ý đến các chi tiết và chủ động làm việc để xử lý thông tin (mã hóa nỗ lực). Rất nhiều lần chúng ta không làm điều này. Ví dụ, hãy nghĩ xem bạn đã thấy tờ một nghìn đồng bao nhiêu lần trong đời. Bạn có thể nhớ lại chính xác mặt trước của một tờ năm trăm nghìn như thế nào không? Khi các nhà nghiên cứu Raymond Nickerson và Marilyn Adams (1979) hỏi câu hỏi tương tự như này ở Mỹ, họ nhận thấy rằng hầu hết người Mỹ không biết câu trả lời là gì (Hình 9). Lý do rất có thể là lỗi mã hóa. Hầu hết chúng ta không bao giờ mã hóa các chi tiết của tờ tiền. Chúng ta chỉ mã hóa đủ thông tin để có thể phân biệt nó với các đồng tiền khác. Nếu chúng ta không mã hóa thông tin, thì thông tin đó không có trong trí nhớ dài hạn của chúng ta, vì vậy chúng ta sẽ không thể nhớ được.

Hình 9

Chúng ta hãy xem xét lỗi đầu tiên của những gây ra việc quên này, đó là do sự thoáng qua, nghĩa là ký ức có thể phai nhạt theo thời gian. Dưới đây là một ví dụ về cách điều này xảy ra. Giảng viên môn Triết của Hà đã chỉ định học sinh của mình đọc cuốn Tư Bản của Karl Marx. Hà khi đi học về và nói với mẹ rằng cô phải đọc cuốn sách này trước lớp. “Ồ, đây là sách gối đầu giường của mẹ” mẹ Hà nói. Hà hỏi mẹ mình cuốn sách nói về điều gì, và sau một lúc ngập ngừng, mẹ Hà nói, “Chà… Mẹ chỉ là đã đọc cuốn sách này khi còn đang học trung học và mẹ nhớ rằng đại khái là nó cuốn sách kinh điển phê phán kinh tế tư bản”. Hà tự hỏi liệu mẹ mình có thực sự đọc cuốn sách này hay không, và mẹ cô thì ngạc nhiên vì cô không thể nhớ lại các chương mục trong cuốn sách. Điều đang diễn ra ở đây là sự suy giảm dung lượng lưu giữ: thông tin không được sử dụng có xu hướng mờ dần theo thời gian.

Năm 1885, nhà tâm lý học người Đức Hermann Ebbinghaus đã phân tích quá trình ghi nhớ. Đầu tiên, ông ghi nhớ danh sách các âm tiết vô nghĩa. Sau đó, ông đo lường xem mình đã học được bao nhiêu (được giữ lại) khi cố gắng học lại từng danh sách. Ông tự kiểm tra bản thân trong những khoảng thời gian khác nhau từ 20 phút sau đến 30 ngày sau đó. Kết quả ghi lại chính là (sơ đồ) đường cong lãng quên nổi tiếng của ông ấy (Hình 10). Do sự phân rã của kho lưu trữ, một người bình thường sẽ mất 50% lượng thông tin ghi nhớ sau 20 phút và 70% lượng thông tin sau 24 giờ (Ebbinghaus, 1885, 1964). Trí nhớ của bạn đối với thông tin mới suy giảm nhanh chóng và sau đó dần dần suy giảm.

Hình 10

Bạn thường xuyên bị mất điện thoại di động của bạn? Bạn đã bao giờ lái xe về nhà để chắc chắn rằng bạn đã tắt bếp? Bạn đã bao giờ bước vào phòng để tìm thứ gì đó nhưng lại quên mất nó là gì chưa? Có thể bạn đã trả lời có cho ít nhất một trong những câu hỏi trên, nhưng đừng lo lắng, bạn không đơn độc. Tất cả chúng ta đều dễ mắc phải lỗi ghi nhớ được gọi là chứng lơ đễnh, mô tả việc trí nhớ bị mất hiệu lực do mất tập trung hoặc sự tập trung của chúng ta ở một nơi khác.

Cynthia, một nhà tâm lý học, nhớ lại khoảng thời gian gần đây cô thường rơi vào tình trạng đãng trí.

Bạn đã trải qua tình trạng đãng trí khi nào?

“Tôi vừa xem trực tuyến bộ phim có tên Oblivion này, và có một nam diễn viên nổi tiếng trong đó”.

“Ồ, anh ta tên gì?”

“Anh ấy đã tham gia tất cả những bộ phim như The Shawshank Redemption và bộ ba The Dark Knight. Tôi nghĩ anh ấy thậm chí đã giành được giải Oscar. Ôi trời, tôi có thể hình dung ra khuôn mặt của anh ta trong tâm trí và nghe thấy giọng nói đặc biệt của anh ta, nhưng tôi chỉ không thể nghĩ ra tên của anh ta! Điều này sẽ khiến tôi khó chịu cho đến khi tôi có thể nhớ ra nó!”

Lỗi cụ thể này có thể rất khó chịu vì bạn có thông tin ngay trên đầu lưỡi của mình. Bạn đã bao giờ có trải qua điều này hay chưa? Nếu vậy, bạn đã phạm phải lỗi được gọi là ngăn chặn [blocking]. Bạn không thể truy cập thông tin được lưu giữ.

Bóp méo trí nhớ

Bây giờ chúng ta hãy xem xét ba dạng bóp méo trí nhớ: nhầm lẫn [misattribution], khả năng gợi ý và thiên lệch [bias]. Nhầm lẫn xảy ra khi bạn lấy nhầm nguồn thông tin của mình. Giả sử Hà đang hẹn hò với Giang và họ đã cùng nhau xem bộ phim Doctor Who phần một. Sau đó họ chia tay và Hà đã xem phần hai với một người khác. Cuối năm đó, Hà và Giang quay lại với nhau. Một ngày nọ, họ đang thảo luận về sự khác biệt giữa các phần phim và Hà nói với Giang, “Em thích xem bộ này phần hai với anh và cái lúc thấy anh nhảy cẫng khỏi chỗ ngồi trong cái đoạn siêu đáng sợ kia”. Khi Giang đáp lại bằng một cái nhìn bối rối, Hà nhận ra rằng cô đã nhầm lẫn.

Điều gì sẽ xảy ra nếu ai đó là nạn nhân của vụ cưỡng hiếp ngay sau khi xem một chương trình truyền hình? Có thể nào nạn nhân thực sự có thể đổ lỗi cho hành vi hiếp dâm người mà cô ấy nhìn thấy trên truyền hình do bị phân tích sai? Đây chính xác là những gì đã xảy ra với Donald Thomson.

Dạng bóp méo thứ hai là khả năng gợi ý. Khả năng gợi ý tương tự như nhầm lẫn, vì nó cũng liên quan đến ký ức sai lệch, nhưng nó khác. Nếu như nhầm lẫn, bạn hoàn toàn tự mình tạo ra ký ức giả, đó là những gì nạn nhân đã làm trong vụ Donald Thomson ở trên chúng ta đã đề cập đến. Với khả năng gợi ý, nó đến từ một người khác, chẳng hạn như một nhà trị liệu hoặc điều tra viên những câu hỏi hàng đầu của một nhân chứng trong cuộc thẩm tra.

Ký ức cũng có thể bị ảnh hưởng bởi sự thiên lệch, đây là dạng bóp méo cuối cùng. Schacter (2001) nói rằng cảm xúc và cách nhìn của con người về thế giới thực sự có thể làm sai lệch trí nhớ của họ về những sự kiện trong quá khứ. Có một số kiểu thiên lệch:

  • Khuôn mẫu thiên lệch liên quan đến thành kiến về chủng tộc và giới tính [stereotypical bias]. Ví dụ: khi những người tham gia nghiên cứu người Mỹ gốc Á và  u Mỹ được trình bày một danh sách tên, họ thường nhớ sai những cái tên điển hình của người Mỹ gốc Phi như Jamal và Tyrone có liên quan đến cầu thủ bóng rổ nghề nghiệp, và họ thường nhớ sai người Da trắng điển hình. những cái tên như Greg và Howard gắn liền với sự nghiệp của chính trị gia (Payne, Jacoby, & Lambert, 2004).
  • Thiên lệch đề cao bản thân [egocentric bias] liên quan đến việc tăng cường ký ức của chúng ta về quá khứ (Payne và cộng sự, 2004). Bạn có thực sự ghi được bàn thắng quyết định trong trận đấu bóng đá đó hay bạn chỉ là người hỗ trợ?
  • Thiên lệch nhận thức muộn [hindsight bias] xảy ra khi chúng ta nghĩ rằng một kết quả là không thể tránh khỏi sau thực tế. Đây là hiện tượng “Tôi đã biết điều này đã từ rất lâu rồi”. Bản chất tái tạo của trí nhớ góp phần vào tạo ra sự thiên lệch nhận thức muộn màng (Carli, 1999). Chúng ta nhớ những sự kiện không có thật dường như xác nhận rằng chúng tôi đã biết trước kết quả.

Bạn đã bao giờ gặp tình trạng có một bài hát lặp đi lặp lại trong đầu mình chưa? Vậy còn ký ức về một sự kiện đau buồn, điều mà bạn thực sự không muốn nghĩ đến? Khi bạn tiếp tục ghi nhớ một điều gì đó, đến mức bạn không thể “gạt nó ra khỏi đầu” và nó cản trở khả năng tập trung vào những thứ khác của bạn, thì đó được gọi là sự bền vững. Đó thực sự được xem là một lỗi trong hệ thống trí nhớ của chúng ta vì chúng ta vô tình nhớ lại những ký ức không mong muốn, đặc biệt là những ký ức khó chịu. Ví dụ, bạn chứng kiến một vụ tai nạn xe hơi kinh hoàng trên đường đi làm vào một buổi sáng và bạn không thể tập trung vào công việc vì cứ nhớ mãi hiện trường.

Sự cản trở

Đôi khi thông tin được lưu trữ trong trí nhớ của chúng ta, nhưng vì một lý do nào đó mà chúng ta không tài nào truy cập được. Đây được gọi là sự cản trở [interference], và có hai loại: can thiệp về trước [proactive interference] và can thiệp về sau [retroactive interference] (Hình 11). Có bao giờ bạn vẫn chia sẻ với người khác số điện thoại hay địa chỉ cũ (và sai) của mình dù rằng bạn vừa mới đổi một số điện thoại mới hoặc chuyển đến một địa chỉ mới chưa? Dù đã qua năm mới, có khi nào bạn vẫn ghi nhầm ngày tháng năm cũ chưa? Đây là những ví dụ cho can thiệp về trước: khi thông tin cũ cản trở việc nhớ lại thông tin mới học. Can thiệp về sau xảy ra khi thông tin được học gần đây cản trở việc nhớ lại thông tin cũ hơn. Ví dụ, tuần này bạn đang nghiên cứu về trí nhớ và tìm hiểu về đường cong lãng quên Ebbinghaus. Tuần tới, bạn nghiên cứu sự phát triển tuổi thọ và tìm hiểu về lý thuyết phát triển tâm lý xã hội của Erikson, nhưng bạn lại gặp khó khăn trong việc ghi nhớ về lý thuyết của Ebbinghaus vì bạn chỉ có thể nhớ lý thuyết của Erikson mà bạn vừa mới học.

Hình 11

Rate this post

Viết một bình luận