Một loạt tranh ảnh, bút tích và hiện vật vừa được trưng bày cho thấy vị hoàng thân thời trung cổ – nguyên mẫu của Dracula nổi tiếng khát máu – chỉ là nạn nhân của sự xuyên tạc.
> Sự thật và huyền thoại về ma cà rồng
Một bức chân dung hoàng thân Vlad Tepes III. Ảnh: PA.
Telegraph cho biết, triển lãm về hoàng thân Vlad Tepes “ma cà rồng” – người từng cai trị xứ Wallachia ở phía đông nam Romania trong thế kỷ 15 – được tổ chức ở Bucharest. Triển lãm có tên “Dracula – Voivode and Vampire”.
Hoàng thân Vlad được cho là nguyên mẫu của bá tước Dracula, nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết “Dracula” nổi tiếng của nhà văn Bram Stoker. Tác phẩm được xuất bản vào năm 1897.
“Đương nhiên Vlad là người tàn bạo, nhưng mức độ tàn bạo của ông chỉ tương đương với nhiều vị hoàng thân, lãnh chúa khác trong giai đoạn bấy giờ”, bà Margot Rauch, người quản lý cuộc triển lãm, phát biểu.
Vlad Tepes III chào đời tại thành phố Sighisoara, xứ Transylvania (phía tây Romania) vào năm 1431. Ông cai trị Wallachia từ năm 1456 tới 1462. Các tài liệu lịch sử cho rằng ông đã giết chết vài nghìn người chống đối và tù nhân bằng nhiều biện pháp dã man như tra tấn, dìm vào nước, thiêu sống. Người ta còn nói Vlad cho người xiên thi thể của các binh lính người Thổ lên cọc gỗ nhọn để cảnh cáo những người có tư tưởng chống đối ông. Theocác tài liệu, Vlad đã giết khoảng 50.000 người.
Nhưng bất chấp những chứng cứ lịch sử, bà Rauch vẫn cho rằng Vlad là nạn nhân của sự xuyên tạc. Theo bà, nhiều nghiên cứu lịch sử được trưng bày trong triển lãm cho thấy những truyền thuyết liên quan tới Vlad “ma cà rồng” được sáng tác để cho mọi người có cảm giác rằng khu vực Đông Âu thời trung cổ là vùng đất hoang sơ và đầy rẫy tội ác.
Trong cuộc triển lãm, khách tham quan có cơ hội chiêm ngưỡng các bức chân dung của Vlad, mang đến từ bảo tàng Kunsthistoriches và bảo tàng Schloss Ambras tại Áo. Các bản thảo viết tay mô tả Vlad là kẻ khát máu cũng được trưng bày.
Một bức tranh in khắc mô tả vị hoàng thân dùng bữa gần những xác người bị đóng cọc, chặt tay và chặt đầu. Ngày nay nhiều người Romania coi Vlad là anh hùng dân tộc vì ông chống lại sự xâm lược của người Thổ thời đế quốc Ottoman.
Từ cuốn tiểu thuyết “Dracula”, hình ảnh bá tước Dracula lại được tái hiện trong nhiều bộ phim.
“Đã đến lúc mọi người cần nhìn nhận hoàng thân Vlad theo khía cạnh khác thay vì tin vào mấy bộ phim của Hollywood”, Rauch bình luận.
Minh Long