Công nghệ phát triển, kéo theo đó là bao sự đổi thay khác trước, có tích cực, có tiêu cực và có nhiều điều đáng lo ngại. Trò chơi điện tử là một trong những thứ đáng lo ngại đối với giới trẻ hiện nay.
Một nhà tâm lí Mỹ đã đưa ra định nghĩa: Trò chơi điện tử là trò chơi mà hành động trong đó cần công nghệ thông tin điều khiển. Hiểu một cách đơn giản, trò chơi điện tử là những trò chơi được chơi trên thiết bị điện từ. (Thường được gọi là game). Từ ý tưởng ban đầu như là một thú tiêu khiển giết thời gian nay nó đã trở thành một hiện tượng văn hóa toàn cầu, một hình thức văn hóa đang tương tác với những loại hình nghệ thuật khác và các loại phương tiện truyền thông khác.
Game không xấu và cả chơi game cũng không xấu nhưng việc nhiều người đang lạm dụng tính giải trí của nó một cách quá mức lại gây lên những tác hại mà người chơi, đặc biệt là lứa tuổi học sinh không ngờ đến. Chơi game tốn thời gian. Đây là điểm không ai phải bàn cãi: Một người chơi ít khi nhận ra chí loáng một cái họ tiêu diệt một con quái vật lại ngốn đến cả tiếng đồng hồ, chỉ một loáng họ vượt qua một cửa lại ngốn đến vài tiếng. Và thế, thời gian ăn, ngủ, học, làm việc,… đều bị bớt xén, thậm chí là cắt hẳn để giành cho thời gian chơi game.
Chơi game liên tục khiến đầu óc bạn mệt mỏi và cả cơ thể rã rời, suy nghĩ lờ đờ và không đủ tỉnh táo để tiếp tục học tập. Theo Tiến sĩ Quang cho biết: Những người bị chứng nghiện games online không muốn rời chiếc máy tính, nếu không được chơi thì nhớ thèm, sinh ra buồn phiền, chán nản, thậm chí kích động phá phách đồ đạc, về mặt sinh lí họ có các biểu hiện như vã mồ hôi, chán ăn, mất ngủ, sút cân nhanh. Đừng bao giờ đánh đồng bạn của thế giới ảo và thế giới thật. Đừng bao giờ đánh mất sức khỏe và đánh mất chính mình chỉ vì bạn đã từng chơi trò chơi điện tử.
Có một câu chuyện đau lòng ở (TP.HCM), về một người chơi bị đột quỵ sau khi chơi nhiều giờ liên tiếp. Nguồn tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: rạng sáng 20-9, bệnh nhân Quốc c. (24 tuổi), ngụ P.6. Q.6. đã được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng ngưng thở. Đi chơi game quá sức, c. bị rối loạn tâm thần phân liệt, kèm theo hạ đường huyết (lượng đường huyết bằng 0) do không ăn gây biến chứng và hôn mê đến nay. Đây chính là hồi chuông canh báo gay gắt về tình trạng chơi game liên tục trong nhiều giờ liên tiếp. Cậu học sinh vốn hiền lành, học giỏi ngoan ngoãn vì kẹt tiền chơi quá nên làm liều trộm tiền bố mẹ bị bắt và từ đấy bố mẹ cậu không còn tin tưởng ở cậu nữa.
Một phần cũng phái nói đến trách nhiệm xã hội của nhà kinh doanh. Vì mải mê theo đuổi những lợi ích kinh doanh mà không đếm xỉa đến những tác hại mà họ đang gây ra cho xã hội cho đất nước. Dù có thông tư quản lí hoạt động game Online nhưng họ liên tiếp sử dụng các chiêu, các mánh khóe kinh doanh để làm sao vắt được các con “bò sữa” game thủ càng nhiều càng tốt. Và nguy hại hơn đó là sự suy đồi của cả một thế hệ!
Một cuộc khảo sát với nội dung Bạn chơi games vì: đã nhận được: 0% chọn không có gì để làm; 56,67% chọn Games là thú vui, tiêu khiển, sở thích, 43,33% chọn Games là cuộc sống. Những cuộc nói chuyện của học sinh với nội dung về game, những hình dáng, đồ vật có hình nhân vật trong game,… tràn lan đủ thấy sự ăn sâu vào tiềm tàng của game vào giới học sinh hiện nay. Tháng 4 năm 2001, một học sinh xả súng giết hại 6 người ngay tại trường học ở Michigan, USA sau khi chơi Serious sam.
Trò chơi điện tử như con dao hai lưỡi, nếu bạn chơi đúng mức, nó sẽ có tác dụng tốt, nếu bạn chơi quá mức, nó sẽ có những tác hại xấu. Đã đến lúc mọi người cần có những hồi chuông thức tỉnh thật sự với những người đang chơi và sắp chơi với những tác hại ghê gớm của việc chơi mê mải game. Tôi chỉ muốn nói với các bạn rằng: Game không xấu, bản thân việc chơi game cũng không xấu. Chỉ có điều lạm dụng nó một cách quá mức sẽ gây ra những hậu quả khôn lường. Biết dừng lại khi nào? Câu trả lời nằm ở lí trí những người chơi game. Để giải quyết tình trạng nghiện game cần có sự phối hợp hoạt động đồng bộ của cả xã hội. Đi đầu là các nhà quản lí trong lĩnh vực Internet với một định hướng tốt và giám sát cụ thể, có thể quản lí thât sự về vấn đề này.
Nghiên cứu những người nghiện game, các nhà tâm lí học thấy rằng họ thường thất bại trong đời sống thực và muốn tìm đến sự tự tin trong thế giới ảo. Bên cạnh đó, nhiều em nghiện game vì không có sự quan tâm đúng mức của gia đình và nhà trường. Chính vì vậy, các bậc cha mẹ hãy quan tâm, chia sẻ và có những định hướng tốt cho con em mình. Nhà trường và Đoàn thanh niên, hội sinh viên tạo ra nhiều sân chơi giúp các em có nhiều điều kiện thể hiện khả năng, tránh ảo tưởng và rơi vào tình trạng nghiện game. Nếu thật sự có những dấu hiệu của chứng nghiện game online, hãy đưa con em đến trung tâm tham vấn tâm lí để được giúp đờ. Tôi nghĩ nên thêm đoạn code để kiểm soát giờ chơi theo giờ đi học, đi làm và tránh tình trạng các game chơi liền tù tì suốt 24 giờ. Những cơ quan có trách nhiệm phải xét duyệt thật kĩ các game trước khi phổ biến để người chơi ở Việt Nam có thể qua trò chơi học được nhiều điều bồ ích.
Mỗi bạn học sinh cần phải tự giác thực hiện quy định của gia đình mình về thời gian dành cho giải trí, thư giãn, không để ảnh hưởng đến việc học tập, phải gìn sức khỏe bằng cách sắp xếp thời gian chơi hợp lí, điều độ thường không quá 2 giờ mỗi ngày, không nên chơi liên tục mà nên có những khoảng nghỉ ngơi và nên tăng cường các hoạt động thể lực. Khi chơi các trò chơi điện tử cần tránh những nội dung không phù hợp với lứa tuổi và cả nội dung không lành mạnh. Nhà trường cần tổ chức nhiều sinh hoạt tập thể bổ ích cho các em để các em tránh được chuyện mải chơi điện tử, xao nhãng việc học tập và phạm những sai lầm khác.
Loigiaihay.com