Trò chơi điện tử là gì? Đặc điểm của trò chơi điện tử?

Khi xã hội hiện đại, hội nhập quốc tế phát triển, giao lưu về khoa học công nghệ nâng cao, mạng internet điện tử phổ biến đối với mỗi hộ gia đình và là phương tiện không thể thiếu trong việc cập nhật thông tin và sự ra đời của các trò chơi điện tử là minh chứng cho sự phát triển và tiến bộ vượt bậc của mạng internet trong thời đại sự phát minh, sáng tạo được đánh giá cao.

Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu biết trò chơi điện tử là gì?, điều kiện được hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử là gì?,…. Vì vậy, thông qua bài viết này, chúng tôi xin cung cấp cho Quý vị những thông tin cơ bản về vấn đề này.

Trò chơi điện tử là gì?

Trò chơi điện tử là đối tượng được cung ứng của dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng (gọi tắt là dịch vụ trò chơi điện tử) theo khoản 9 Điều 3 Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng internet và thông tin trên mạng, dịch vụ này có mục đích là cung cấp cho người chơi khả năng truy nhập vào mạng và chơi các trò chơi điện tử trên mạng.

Theo Bách khoa toàn thư mở thì Trò chơi điện tử gọi là Video game – là một trò chơi giải trí có tính tương tác giữa người chơi và trò chơi trên nền tảng công nghệ điện tử (digital) hiện đại. Người chơi trò chơi điện tử có thể chơi trực tiếp trên mạng hoặc tải các trò chơi này về điện thoại hoặc máy tính để chơi.

Đặc điểm của trò chơi điện tử

Để làm rõ thêm thông tin giải đáp trò chơi điện tử là gì? chúng tôi sẽ giúp Quý khách hàng nắm được các đặc điểm của trò chơi điện từ, từ đó phân biệt được trò chơi điện tử với các loại hình giải trí đa phương tiện khác.

– Chủ thể tham gia tò chơi điện tử

+ Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng (gọi tắt là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử) là doanh nghiệp thành lập theo pháp Luật Việt Nam cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử thông qua việc thiết lập hệ thống thiết bị và sử dụng hợp pháp phần mềm trò chơi điện tử.

+ Người chơi trò chơi điện tử trên mạng (gọi tắt là người chơi) là cá nhân giao kết hợp đồng với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử hoặc điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng để chơi trò chơi điện tử.

– Điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử:

Điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng là địa điểm mà tổ chức, cá nhân được toàn quyền sử dụng hợp pháp để cung cấp cho người chơi khả năng truy nhập vào mạng và chơi trò chơi điện tử thông qua việc thiết lập hệ thống thiết bị tại địa điểm đó, bao gồm:

+ Điểm truy nhập Internet công cộng có cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử: Đại lý Internet; điểm truy nhập Internet công cộng của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet; điểm truy nhập Internet công cộng tại khách sạn, nhà hàng, sân bay, bến tàu, bến xe, quán cà phê và điểm công cộng khác có hợp đồng đại lý Internet ký với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet;

+ Điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng thông qua mạng máy tính (LAN, WAN) mà không kết nối với Internet”.

Phân loại trò chơi điện tử

Trò chơi điện tử trên mạng được phân loại như sau:

– Phân loại theo phương thức cung cấp và sử dụng dịch vụ, bao gồm:

+ Trò chơi điện tử có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau đồng thời thông qua hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp (gọi tắt là trò chơi G1);

+ Trò chơi điện tử chỉ có sự tương tác giữa người chơi với hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp (gọi tắt là trò chơi G2);

+ Trò chơi điện tử có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau nhưng không có sự tương tác giữa người chơi với hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp (gọi tắt là trò chơi G3);

+ Trò chơi điện tử được tải về qua mạng, không có sự tương tác giữa người chơi với nhau và giữa người chơi với hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp (gọi tắt là trò chơi G4).

 – Phân loại trò chơi điện tử theo độ tuổi người chơi

+ Trò chơi điện tử dành cho người lớn (từ 18 tuổi trở lên, ký hiệu là 18+) là trò chơi có hoạt động đối kháng có sử dụng vũ khí; không có hoạt động, hình ảnh, âm thanh khiêu dâm;

+ Trò chơi điện tử dành cho thiếu niên (từ 12 tuổi trở lên, ký hiệu là 12+) là trò chơi có hoạt động đối kháng, chiến đấu có sử dụng vũ khí nhưng hình ảnh vũ khí không nhìn được cận cảnh, rõ ràng; tiết chế âm thanh va chạm của vũ khí khi chiến đấu; không có hoạt động, hình ảnh, âm thanh, nhân vật mặc hở hang, khiêu dâm, quay cận cảnh gây chú ý đến các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể người;

+ Trò chơi điện tử dành cho mọi lứa tuổi (ký hiệu là 00+) là những trò chơi mô phỏng dạng hoạt hình; không có hoạt động đối kháng bằng vũ khí; không có hình ảnh, âm thanh ma quái, kinh dị, bạo lực; không có hình ảnh, hoạt động, âm thanh, nhân vật mặc hở hang, khiêu dâm, quay cận cảnh gây chú ý đến các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể người.

>>>>>>> Tham khảo thêm bài viết: Giấy phép Game G1, G2, G3, G4

Điều kiện cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử?

Doanh nghiệp phải có Giấy phép cung ứng dịch vụ trò chơi điện tử do Bộ Thông tin và truyền thông cấp. Để được cấp phép, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện khác nhau tùy thuộc vào loại trò chơi được cung cấp. Cụ thể như sau:

– Doanh nghiệp được cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng khi có đủ các Điều kiện sau đây:

+ Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam, có ngành nghề cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng đã được đăng tải trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia của doanh nghiệp;

+ Đã đăng ký tên miền sử dụng để cung cấp dịch vụ;

+ Có đủ khả năng tài chính, kỹ thuật, nhân sự phù hợp với quy mô hoạt động và theo quy định tương ứng tại Điều 32a, 32b Nghị định này;

+ Có biện pháp bảo đảm an toàn thông tin và an ninh thông tin.

Trình tự, thủ tục được quy định tại khoản 22 Điều 1 Nghị định 27/2018/NĐ-CP

Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng có thời hạn theo đề nghị của doanh nghiệp, nhưng tối đa không quá 10 năm.

– Doanh nghiệp được cung ứng dịch vụ trò chơi G2, G3, G4 khi đáp ứng các điều kiện sau:

+ Được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam, có ngành nghề cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng đã được đăng tải trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

+ Đã đăng ký tên miền sử dụng để cung cấp dịch vụ trong trường hợp cung cấp dịch vụ trên Internet.

+ Điều kiện về nhân sự:  có trụ sở chính với địa chỉ và số điện thoại liên hệ rõ ràng; Có ít nhất 01 nhân sự quản trị trò chơi điện tử.

+ Điều kiện về kỹ thuật: hệ thống quản lý thanh toán cho các trò chơi điện tử (nếu có) của doanh nghiệp phải đặt tại Việt Nam và kết nối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hỗ trợ thanh toán của Việt Nam, bảo đảm tính chính xác, đầy đủ và cho phép người chơi có thể tra cứu được thông tin chi tiết về tài Khoản thanh toán của mình; Có phương án bảo đảm chất lượng dịch vụ và quyền lợi của người chơi; Có biện pháp bảo đảm an toàn thông tin và an ninh thông tin.

Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3, G4 quy định cụ thể tại khoản 30 Nghị định này

Điều kiện hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử?

Điều 35 Nghị định 103/2009/NĐ-CP  ban hành Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh trò chơi điện tử phải đáp ứng các điều kiện sau:

– Cửa hàng trò chơi điện tử phải cách các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông từ 200 m trở lên;

Khoảng cách này được tính từ cửa hàng trò chơi điện tử đến cổng các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.

– Trang thiết bị đảm bảo chất lượng âm thanh, hình ảnh; hình thức trang thiết bị phù hợp thẩm mỹ Việt Nam.

Ngoài ra, trong quá trình hoạt động, tổ chức, cá nhân kinh doanh trò chơi điện tử phải tuân theo các quy định sau:

– Nội dung trò chơi điện tử phải lành mạnh, không vi phạm các quy định cấm tại Điều 3 Quy chế này;

– Không được hoạt động sau 10 giờ đêm đến 8 giờ sáng.

Bên cạnh đó, luật cũng nghiêm cấm tổ chức kinh doanh trò chơi điện tử có tính chất đánh bạc.

Lợi ích của trò chơi điện tử?

Công dụng ban đầu của trò chơi điện tử là để giải trí, nâng cao khả năng phản xạ, cải thiện trí thông minh,… về sau khi Internet ra đời cho phép nhiều người chơi có thể chơi chung với nhau thì trò chơi điện tử còn có công dụng để gắn kết tình bạn bè bốn phương.

Sau này, trò chơi điện tử phát triển đến mức nó không chỉ đơn thuần là để giải trí nữa mà đã trở thành thể thao điện tử tức là người chơi có thể chơi game để cải thiện sức khỏe của mình (vóc dáng, độ tinh mắt,…) mà không cần phải tập thể dục, tăng tư duy logic, rèn luyện trí não, tăng khả năng phản xạ,… Thậm chí các món đồ trong trò chơi điện tử còn có thể đem đi trao đổi, buôn bán,… tạo thu nhập cho người chơi

Tác hại (mặt tiêu cực của trò chơi điện tử)?

Trò chơi điện tử có tính gây nghiện cao, rất dễ khiến bạn dành hàng giờ đồng hồ chơi chúng dẫn đến không còn thời gian làm những việc thiết thực khác. Hãy nhớ rằng, cái gì nhiều quá thì không tốt kể cả trò chơi điện tử. Nếu bạn chơi game quá lâu sẽ dẫn đến việc suy giảm thị lực, mệt mỏi, tinh thần đi xuống.

Không những thế nhiều người để có tiền chơi điện tử đã không ngần ngại dấn thân vào con đường tệ nạn như trộm cắp, cướp của,… Bên cạnh đó, một số trò chơi điện tử có nhiều hình ảnh bạo lực cũng như thông tin sai lệch rất dễ ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ nhỏ (đối tượng chưa phân biệt được đúng, sai) dẫn đến chúng có cái nhìn méo mó về cuộc sống.

Trên đây là những tư vấn của Luật Hoàng Phi về trò chơi điện tử là gì? và những quy định pháp luật về vấn đề trên. Mọi thắc mắc xin liên hệ số điện thoại 1900 6557.

Rate this post

Viết một bình luận