Trường Đại học Ngoại thương là một ngôi trường danh tiếng, là niềm mơ ước của nhiều học sinh, phụ huynh. Hàng năm, trường Đại học Ngoại thương thu hút đông đảo thí sinh đăng ký tham gia, tỷ lệ chọi cao và sinh viên học tại trường có thành tích đáng nể.
PV báo Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương về kế hoạch tuyển sinh năm 2021, ngành hot và những lưu ý cho các thí sinh khi chọn ngành.
3 điểm mới trong tuyển sinh năm 2021
Theo PGS.TS Vũ Thị Hiền: “Hiện nay nhà trường đã ban hành Đề án tuyển sinh và thí sinh cũng đang nghiên cứu đề án tuyển sinh để thực hiện theo các phương thức tuyển sinh của trường.
Năm 2021, Trường ĐH Ngoại thương vẫn duy trì chỉ tiêu tuyển sinh như năm trước là 3.990 chỉ tiêu tại cả 3 cơ sở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và Quảng Ninh. Tuy nhiên, nhà trường mở rộng có 6 phương thức tuyển sinh (năm 2020 có 5 phương thức) với 3 điểm mới là: thứ nhất, bổ sung thêm Phương thức xét tuyển dựa trên kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP.HCM; thứ hai, đối với Phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, bổ sung thêm việc xét chứng chỉ A-Level; thứ ba, tuyển sinh 2 chương trình mới Chương trình Chất lượng cao Luật Kinh doanh quốc tế theo mô hình thực hành nghề nghiệp và Chương trình Chất lượng cao Tiếng Anh thương mại.
PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương.
Khối ngành nào nhiều thí sinh quan tâm?
Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương cho biết, trường đã có chỉ tiêu chi tiết từng ngành theo từng phương thức tuyển.
“Những ngành của trường thu hút các thí sinh hàng năm là Kinh tế đối ngoại, Kinh tế quốc tế, Kinh doanh Quốc tế. Đây là những ngành từ khi trường thành lập đến nay đều có lượng thí sinh đăng ký đông đảo, và là những ngành xương sống của trường”.
Ngoài ra, trường còn có những ngành mới, chương trình mới hiện nay đang được sự quan tâm của xã hội như Chất lượng cao Ngoại ngữ thương mại, Quản trị Khách sạn tuyển sinh bắt đầu từ năm 2020 và 2 ngành mới tuyển sinh năm nay cũng thu hút chú ý của các thí sinh.
4 lời khuyên cho việc chọn ngành
Các em thí sinh năm nay đang bước vào thời điểm quan trọng trong cuộc đời của mình là chọn ngành nghề – là chọn nghề nghiệp trong tương lai, chọn trường – là nơi các bạn tích lũy kiến thức, kỹ năng, xây dựng nhân cách trong một thời gian đáng quý cuộc đời. Trước tiên việc quan trọng nhất là các bạn chọn ngành nghề trước khi chọn trường và nên có cái nhìn tỉnh táo về chọn ngành nghề đó.
Có 4 yếu tố thí sinh cần cân nhắc:
Thứ nhất, nhu cầu nhân lực của ngành nghề đó trong tương lai. Trong bối cảnh 4.0, sự thay đổi cấu trúc trong ngành và cấu trúc giữa các ngành thay đổi nhanh chóng so với thời kỳ trước.
Thứ hai, thí sinh cần cân nhắc năng lực và những nền tảng kiến thức cá nhân đã chuẩn bị. Điều này quyết định bạn bước tiếp thế nào, có nền tảng phù hợp và tốt cho ngành nghề đó hay không.
Thứ ba, sở thích và cá tính quyết định việc bạn có phù hợp để đi được đến cùng và đạt được nấc thang cao trong nghề nghiệp đó hay không.
Thứ tư, ảnh hưởng tương đối lớn với các gia đình Việt Nam là thu nhập của ngành nghề trong tương lai. Các bạn nên phân tích tìm hiểu ngành nghề có phù hợp với hoàn cảnh kinh tế của mình không.
Tư vấn ngành nghề và năng lực vô cùng quan trọng
Trước khi đặt bút chọn ngành, chọn trường, thí sinh nên tìm hiểu có thực sự thích ngành đó và hiểu được khó khăn cũng như niềm vui của ngành đó không. Cái khó và phần thưởng của việc mình trải qua cái khó đó luôn song hành, không có gì dễ dàng, đặc biệt là những ngành học ở các trường danh tiếng trong nước và trên thế giới.
Nếu thí sinh yêu thích và được tư vấn đầy đủ về ngành nghề thì việc lựa chọn để đi đến cùng của ngành nghề đó sẽ đạt được. Ngược lại nếu các bạn không hiểu, chỉ đi theo trào lưu của xã hội hay độ “hot” của ngành nghề đó thì sau này sẽ gặp khó khăn. Đó là lý do mà tỷ lệ tốt nghiệp ở một số trường còn thấp.
Hiểu được vấn đề đó nên trường ĐH Ngoại thương đã thực hiện nhiều kênh tư vấn như online, trực tiếp… để các thí sinh hiểu rõ về đặc thù trong học tập và biết năng lực của mình có phù hợp với ngành đó hay không.