Trường từ vựng là gì? Các trường từ vựng và ví dụ – Thiết bị vệ sinh công nghiệp Palada

Các từ vựng trong khi sử dụng ngôn ngữ không tồn tại biệt lập mà có mối quan hệ nhất định với nhau. Để biết cách dùng ngôn ngữ linh hoạt hơn các bạn hãy tìm hiểu khái niệm, ví dụ về trường từ vựng là gì cùng Palada.vn nhé.

Trường từ vựng là gì?

Trong tiếng Việt, trường từ vựng là một khái niệm quan trọng, có ý nghĩa rất lớn trong việc sử dụng ngôn ngữ chính xác. Có thể hiểu, trường từ vựng là tập hợp nhiều từ vựng có sự liên kết với nhau theo một tiêu chí nào đó.

Thông thường, các trường từ vựng sẽ được hình thành trên mối quan hệ về nghĩa theo cách đa chiều: có trường từ vựng theo quan hệ ngang hoặc là trường từ vựng theo quan hệ dọc.

Tóm lại, trường từ vựng là tập hợp các từ có điểm chung về nghĩa.

Phân loại các trường từ vựng

Xuất phát từ mối quan hệ về nghĩa thì trường từ vựng được phân loại như sau:

– Trường tuyến tính tức là tập hợp các từ vựng nằm trên một trục tuyến tính. Chúng có khả năng kết hợp với một hoặc nhiều từ tại trục đó.

Để xác lập các trường tuyến tính, ta có thể chọn một từ làm gốc rồi tìm tất cả những từ có khả năng kết hợp với nó thành chuỗi tuyến tính.

Ví dụ: Trường từ vựng “Làm” bao gồm làm bài tập, làm giáo viên, làm bác sĩ…

– Trường trực tuyến bao gồm trường từ vựng biểu hiện sự vật và trường từ vựng biểu hiện khái niệm. Trong đó:

+ Trường nghĩa biểu vật là tập hợp những từ đồng nghĩa về ý nghĩa biểu thị vật.

Để xác lập trường nghĩa biểu thị sự vật, ta có thể chọn một danh từ biểu thị sự vật làm gốc, sau đó thu thập các từ ngữ có phạm vi gần với danh từ được chọn làm gốc.

Chẳng hạn, chọn từ “cá” biểu thị sự vật làm gốc. Ta có được trường từ vựng như sau:

Tên gọi các loài cá: cá vàng, cá chép, cá trắm, cá cờ,…

Các bộ phận cấu tạo: mang, đầu, mắt, vây,..

Hình dáng, kích thước của cá: to, nhỏ, dài…

Mục đích sử dụng: làm giống, làm cảnh,…

+ Trường từ vựng biểu hiện khái niệm: là tập hợp các từ có chung nghĩa biểu thị các khái niệm.

Để xác lập trường nghĩa biểu hiện khái niệm, ta chọn một cấu trúc biểu niệm làm gốc, rồi trên cơ sở đó thu thập các từ có chung cấu trúc biểu hiện khái niệm gốc đó.

– Trường liên tưởng là hệ thống các từ vựng được xuất hiện do sự liên tưởng đến ý nghĩa với một từ trung tâm nào đó.

Để xác lập trường liên tưởng, chúng ta cần chọn ra một từ trung tâm, từ đó tìm ra những từ khác dựa vào mối quan hệ khác nhau.

Ví dụ: Trường từ vựng “gia đình” gồm có:

Liên tưởng về mối quan hệ trong gia đình: ông bà, bố mẹ, chị em, anh em, cô, dì, chú, bác…

Liên tưởng về hoạt động: nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy dỗ…

Liên tưởng về địa điểm: phòng khách, phòng ngủ, phòng ăn, phòng thờ, sân thượng…

Liên tưởng về tính chất: đùm bọc, yêu thương, hi sinh…

Đặc điểm của một trường từ vựng

Từ trường từ vựng là gì, ví dụ của nó ta thấy rằng trường từ vựng có các đặc điểm sau:

– Trường từ vựng đôi lúc bao gồm một số trường từ vựng nhỏ hơn.

Ví dụ: Trong trường từ vựng thực vật có một số trường từ vựng nhỏ hơn:

Tên gọi của thực vật: cây hoa, cây cảnh, cây lúa, cây thông…

Loài thực vật: cây lá nhọn, cây lá kim, cây tầng thấp, cây bụi…

Tên gọi bộ phận của cây: lá, hoa, quả, thân, rễ, cành…

Tính chất: héo úa, tươi tốt, xanh ngát…

– Một từ có thể được xuất hiện trong nhiều trường từ vựng.

Ví dụ: Từ “lành” có thể xuất hiện ở nhiều trường từ vựng khác nhau như:

Tính cách con người: chỉ sự nhu mì, chịu khó…

Tính chất đồ vật: còn nguyên vẹn, không sứt mẻ…

Tính chất món ăn: bổ dưỡng cho cơ thể.

Bài tập ví dụ về trường từ vựng

Thông qua tìm hiểu về trường từ vựng là gì ta có thể thấy được rằng tiếng Việt khá phong phú và đa dạng. Việc hiểu rõ và biết cách xây dựng các trường từ vựng giúp cho chúng ta có thể vận dụng linh hoạt, sáng tạo để đáp ứng nhu cầu biểu đạt phong phú trong giao tiếp. Để hiểu rõ về trường từ vựng, chúng ta sẽ luyện tập thông qua những bài tập dưới đây:

Câu 4 (Trang 23 – Sách giáo khoa Ngữ Văn lớp 8 tập 1)

Hãy xếp các từ thính, mũi, nghe, tai, điếc, thơm, rõ vào đúng trường từ vựng của nó (một từ cũng có thể xếp ở cả hai trường).

Bài làm:

  • Trường từ vựng khứu giác: điếc, mùi, miệng, thính, thơm.

  • Trường từ vựng thính giác: thính, tai, điếc, rõ, nghe.

Câu 2 (Trang 23 – Sách giáo khoa Ngữ Văn lớp 8 tập 1)

Hãy đặt tên cho trường từ vựng của mỗi dãy từ dưới đây:

  1. nơm, lưới, câu, vó.

  2. hòm, tủ, rương, chai, lọ.

  3. giẫm, đá, đạp, xéo.

  4. phấn khởi, buồn, vui, sợ hãi.

  5. độc ác, hiền lành, cởi mở.

  6. bút máy, phấn, bút chì.

Bài làm:

Có thể đặt tên trường từ vựng như sau:

  1. nơm, lưới, câu, vó: dụng cụ đánh bắt cá.

  2. hòm, tủ, rương, chai, lọ: đồ dùng để chứa đồ trong gia đình.

  3. giẫm, đá, đạp, xéo: hành động của đôi chân.

  4. phấn khởi, buồn, vui, sợ hãi: trạng thái tâm lý của con người.

  5. độc ác, hiền lành, cởi mở: tính cách một con người.

  6. bút máy, phấn, bút bi, bút chì: đồ để viết.

Câu 7 (Trang 24 – Sách giáo khoa Ngữ Văn lớp 8 tập 1)

Viết một đoạn văn có ít nhất năm từ cùng thuộc trường từ vựng “trường học” hoặc thuộc trường từ vựng “môn bóng đá”.

Bài làm:

Đoạn văn dùng từ thuộc trường từ vựng “trường học”.

Những ngày cuối năm học này, quang cảnh sân trường trở nên rộn ràng và mới lạ. Cây phượng vĩ góc sân trường đang chớm nở những chùm hoa đỏ rực xen lẫn tiếng ve kêu râm ran gọi hè. Trong lớp học có tiếng mở sách vở của những bạn học sinh đang tập trung ôn bài. Tiếng thầy cô giảng bài vẫn vang vọng khắp trong các phòng học. Một bầu không khí rộn ràng và khẩn trương, tất cả để chuẩn bị cho kì thi kết thúc năm học đạt kết quả cao.

Đoạn văn dùng từ thuộc trường từ vựng “bóng đá”.

Bóng đá là môn thể thao đang được nhiều bạn ưa thích. Chiều thứ 7 vừa qua, trường em đã tổ chức những trận đấu giao lưu giữa các lớp. Trận đấu giữa lớp em và lớp 8A đã diễn ra vô cùng gây cấn và hấp dẫn. Trái bóng lăn nhanh qua đôi chân các cầu thủ, tiến sát về khung thành của thủ môn. Những giây phút đó khiến chúng em cảm thấy hồi hộp chờ đợi kết quả. Tiếng hò reo, cổ vũ trên khán đài khiến các cầu thủ hăng hái thi đấu hơn. Không phụ lòng tin của các bạn, đội tuyển của lớp đã dành chiến thắng với tỉ số 2 – 0. Qua trận đấu, chúng em cảm thấy yêu hơn môn thể thao này, vì không chỉ giúp rèn luyện sức khỏe mà còn tăng thêm tinh thần đoàn kết giữa các bạn học sinh trong trường.

Qua bài viết trường từ vựng là gì và ví dụ về trường từ vựng ta có thể thấy được sự phong phú, đa dạng của tiếng Việt. Bên cạnh đó, để câu văn được gợi hình, gợi cảm, người viết cần sử dụng linh hoạt các từ trong trường từ vựng, đem lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc. Chúc các bạn áp dụng thành công và nếu còn thắc mắc gì hãy để lại bình luận bên dưới cho chúng mình nhé.

Rate this post

Viết một bình luận