Trượt cằm là phương pháp thẩm mỹ phức tạp, can thiệp trực tiếp đến cấu trúc xương hàm. Phương pháp này là giải pháp dành cho cả nam và nữ giới có dáng cằm ngắn, cằm lẹm, khuôn cằm bị lệch và mất cân đối do bẩm sinh hoặc do tai nạn, chấn thương.
- 01
Bước 1: Thăm khám và tư vấn
- 02
Bước 2: Chụp phim và đo vẽ dáng cằm
- 03
Bước 3: Phẫu thuật trượt cằm
- 04
Bước 4: Nghỉ ngơi, theo dõi tại bệnh viện
- 05
Bước 5: Tư vấn và hẹn lịch tái khám
- 06
Bước 6: Tái khám
- 07
Trượt cằm có vĩnh viễn không?
- 08
Phẫu thuật trượt cằm bao lâu thì lành, hết sưng?
- 09
Nên độn cằm hay trượt cằm?
Trượt cằm là phương pháp gì?
Cằm là bộ phận chiếm diện tích lớn trên khuôn mặt và ảnh hưởng trực tiếp đến ngoại hình. Khuôn cằm thô, cằm lẹm, ngắn,… là khuyết điểm thường gặp ở người châu Á. Khác với những khuyết điểm ở mắt và mũi, khuyết điểm ở cằm rất khó để khắc phục bằng kỹ thuật trang điểm.
Phẫu thuật trượt cằm chính là giải pháp dành cho người có dáng cằm ngắn và méo lệch. Phương pháp này được thực hiện bằng cách tạo đường rạch bên trong niêm mạc miệng, sau đó cắt xương cằm, trượt khung xương về phía trước và cố định lại vào nẹp vis chuyên dụng.
Phần xương cằm trượt về phía trước giúp tạo dáng cằm V-line thon gọn, cải thiện được khuyết điểm cằm ngắn, cằm lẹm và hỗ trợ điều chỉnh cằm lệch méo do bẩm sinh hoặc tai nạn. Đây là phương pháp thẩm mỹ có nguồn gốc từ Hàn Quốc và hiện nay đã được áp dụng phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Trượt cằm sử dụng chính xương cằm của khách hàng, không dùng vật dụng nhân tạo như độn cằm (nên còn được gọi là độn cằm tự thân). Do đó, phương pháp này có thể hạn chế được tình trạng dị ứng và phản ứng đào thải ở những người có cơ địa nhạy cảm. Hiện nay với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, phẫu thuật trượt cằm mang lại hiệu quả thẩm mỹ cao và thời gian thực hiện khá nhanh chóng (khoảng 45 – 60 phút).
Khi nào nên phẫu thuật trượt cằm?
Phẫu thuật trượt cằm thích hợp với cả nam và nữ giới từ 18 tuổi trở lên có các khuyết điểm như:
- Cằm ngắn, cằm lẹm
- Người có khuôn cằm thô, méo lệch do tai nạn hoặc do bẩm sinh
- Người có khuôn mặt bầu bĩnh muốn sở hữu gương mặt chuẩn V-Line
Trượt cằm là phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ can thiệp trực tiếp đến da, mô và cấu trúc xương hàm. Do đó, phương pháp này không được thực hiện trong những trường hợp sau:
- Phụ nữ mang thai và người chưa đủ 18 tuổi
- Người bị rối loạn đông máu, tiểu đường (bệnh nhân tiểu đường thường dễ bị chảy máu kéo dài)
- Người có tiền sử dị ứng với thuốc gây mê
- Người đang bị nhiễm trùng vùng mặt
Để đảm bảo an toàn, bạn nên thông báo với bác sĩ tình trạng sức khỏe và tiền sử dị ứng thuốc trước khi can thiệp phẫu thuật trượt cằm.
Quy trình phẫu thuật trượt cằm (độn cằm tự thân)
Phẫu thuật trượt cằm là phương pháp chỉnh sửa hàm mặt phức tạp. Do đó để đảm bảo an toàn, quy trình phẫu thuật phải được thực hiện đầy đủ các bước sau đây:
#01
Bước 1: Thăm khám và tư vấn
Bác sĩ chuyên khoa sẽ trực tiếp thăm khám vùng xương hàm của từng khách hàng và tư vấn giải pháp phù hợp. Với những khách hàng không muốn can thiệp vào phần xương cằm, có thể lựa chọn độn cằm bằng vật liệu nhân tạo hoặc tiêm filler (chất làm đầy). Trong trường hợp xương hàm của khách hàng vuông vức, thô, bác sĩ có thể đề nghị kết hợp gọt hàm kết hợp với trượt cằm để mang lại hiệu quả tối ưu.
Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành khai thác tình trạng sức khỏe, tiền sử dị ứng và thực hiện một số xét nghiệm tổng quát để chắc chắn khách hàng đáp ứng đủ điều kiện về sức khỏe. Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể về quy trình thực hiện, chi phí và giải đáp tất cả các thắc mắc của khách hàng.
#02
Bước 2: Chụp phim và đo vẽ dáng cằm
Để mô phỏng cấu trúc xương hàm, bác sĩ sẽ yêu cầu chụp phim CT3D. Hình ảnh từ thiết bị này giúp bác sĩ đánh giá tỷ lệ xương hàm và tiến hành đo vẽ dáng cằm trước khi can thiệp phẫu thuật.
Hiện nay, một số cơ sở thẩm mỹ còn có máy móc mô phỏng hình ảnh để khách hàng có thể hình dung rõ kết quả sau khi phẫu thuật. Trong quá trình mô phỏng, khách hàng có thể yêu cầu mô phỏng dáng cằm theo ý muốn và dễ dàng hơn trong việc lựa chọn dáng cằm tùy theo sở thích.
#03
Bước 3: Phẫu thuật trượt cằm
Khách hàng sẽ được gây mê toàn thân trước khi thực hiện phẫu thuật trượt cằm. Sau đó, bác sĩ sẽ tạo đường rạch bên trong niêm mạc miệng, dùng máy cắt xương nội soi để cắt phần xương hàm, đẩy xương về phía trước và dùng vis chuyên dụng để cố định. Cuối cùng, khâu vết mổ bằng chỉ và chuyển khách hàng đến phòng hồi sức.
#04
Bước 4: Nghỉ ngơi, theo dõi tại bệnh viện
Vì là phương pháp thẩm mỹ phức tạp nên khách hàng cần ở lại bệnh viện trong 24 giờ đồng hồ để được theo dõi và xử lý nếu có vấn đề phát sinh.
#05
Bước 5: Tư vấn và hẹn lịch tái khám
Vào ngày hôm sau, bác sĩ sẽ kiểm tra vết mổ và tình trạng sức khỏe của khách hàng trước khi trở về nhà. Bên cạnh đó, bạn cũng sẽ được tư vấn về cách dùng thuốc và chăm sóc sau hậu phẫu để vết thương nhanh phục hồi, giảm mức độ sưng đau, phù nề,…
#06
Bước 6: Tái khám
Phẫu thuật trượt hàm có thời gian phục hồi khá chậm do tác động đến phần xương ở vùng cằm. Vì vậy, bạn cần tái khám theo lịch hẹn để bác sĩ đánh giá tình trạng phục hồi và kịp thời xử lý nếu có các vấn đề bất thường phát sinh.
Hiện nay, một số cơ sở thẩm mỹ kết hợp trượt cằm cùng với kỹ thuật PRP (huyết tương giàu tiểu cầu) để tăng tốc độ phục hồi, tái tạo đối với những khách hàng có tốc độ phục hồi chậm.
Cách chăm sóc sau khi phẫu thuật trượt cằm
Ngoài yếu tố về tay nghề bác sĩ, hiệu quả thẩm mỹ của phẫu thuật trượt cằm còn phụ thuộc vào cách chăm sóc sau hậu phẫu. Vì vậy để vết mổ nhanh lành và cằm lên dáng tự nhiên, cân đối, bạn nên thực hiện các biện pháp chăm sóc sau:
- Dành thời gian nghỉ ngơi trong ít nhất 3 ngày sau khi phẫu thuật và cần băng cố định vùng cằm trong ít nhất 7 ngày. Nên kê gối cao, tránh cúi đầu để hạn chế tình trạng tụ dịch và máu ở vùng cằm.
- Tránh để vết mổ tiếp xúc với nước và vệ sinh vết mổ hằng ngày bằng dung dịch sát khuẩn theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Có thể chườm lạnh xung quanh vùng cằm để giảm sưng đỏ và nóng rát. Khi vết mổ giảm sưng và có hiện tượng tụ máu bầm, nên chườm ấm để làm tan máu bầm và giúp vết thương nhanh phục hồi hơn.
- Không tác động lên vùng cằm – ngay cả chống cằm, tránh nằm nghiêng hoặc nằm sấp trong ít nhất 1 tháng sau phẫu thuật.
- Vệ sinh răng miệng đúng cách để hạn chế nguy cơ viêm nhiễm. Khi vết mổ chưa lành hoàn toàn, nên dùng thức ăn mềm, nguội và ít gia vị để tránh đau rát, khó chịu.
- Không tập thể dục trong 1 – 2 tháng sau khi phẫu thuật trượt cằm. Chỉ thực hiện các hoạt động thể chất trở lại khi có sự cho phép của bác sĩ.
- Sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ để giảm đau, phù nề và ngăn ngừa viêm nhiễm.
- Tái khám sau 7 ngày hoặc theo lịch hẹn của bác sĩ. Trong trường hợp phát sinh triệu chứng bất thường, nên thông báo ngay với bác sĩ để được tư vấn và xử lý kịp thời.
- Tránh dùng các loại thực phẩm có khả năng để lại sẹo và gây ngứa ngáy vết mổ như hải sản, đậu phộng, đồ nếp, thịt bò, cà phê, rượu bia,… Bên cạnh đó, tuyệt đối không hút thuốc lá và sử dụng chất kích thích trong ít nhất 7 ngày đầu tiên.
Trượt cằm có nguy hiểm không?
Phẫu thuật trượt cằm có nguy hiểm không là vấn đề được nhiều người quan tâm – đặc biệt là những trường hợp đang có ý định thực hiện phương pháp làm đẹp này.
Theo các chuyên gia, tất cả các phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ đều tiềm ẩn rủi ro và biến chứng. Tuy nhiên, tình trạng này chỉ xảy ra khi thực hiện tại các cơ sở kém chất lượng, không đảm bảo vô trùng tuyệt đối, chăm sóc hậu phẫu không đúng cách hoặc do khách hàng thiếu minh bạch trong việc khai báo tình trạng sức khỏe.
Một số biến chứng có thể gặp phải khi thực hiện phẫu thuật trượt cằm:
- Nhiễm trùng
- Chảy máu kéo dài
- Cằm bị lệch do chăm sóc không đúng cách hoặc do bác sĩ tay nghề yếu kém
- Tổn thương dây thần kinh dẫn đến liệt cơ mặt
- Mất cảm giác vùng cằm, ảnh hưởng đến chức năng giao tiếp và chức năng nhai
Ngoài ra sau khi trượt cằm, bạn cũng có thể gặp phải một số tác dụng phụ như lệch mặt, tê hàm dưới, đau nhức,… Tuy nhiên, đây là phản ứng tự nhiên của cơ thể khi vùng xương hàm bị xâm lấn. Các triệu chứng này sẽ dần thuyên giảm sau 1 – 3 tháng nếu chăm sóc đúng cách.
Phẫu thuật trượt cằm có giá bao nhiêu?
Phẫu thuật trượt cằm là phương pháp thẩm mỹ tương đối phức tạp, đòi hỏi cơ sở thực hiện phải có đội ngũ bác sĩ được đào tạo bài bản, tay nghề cao, cơ sở vật chất hiện đại và bắt buộc phải có phòng phẫu thuật khép kín. Cũng chính vì vậy mà phương pháp này có mức giá tương đối cao.
Theo khảo sát, phẫu thuật trượt cằm có giá dao động khoảng 40 – 50 triệu đồng. Tuy nhiên, chi phí có thể chênh lệch ít nhiều tùy vào địa chỉ thực hiện, tên tuổi của bác sĩ, chương trình ưu đãi đi kèm và một số yếu tố khách quan khác.
Hiện nay, có khá nhiều cơ sở thẩm mỹ giá rẻ được thành lập và đi vào hoạt động. Tuy nhiên, phần lớn các cơ sở này đều không có giấy phép kinh doanh, bác sĩ tay nghề yếu kém và không đảm bảo vô trùng tuyệt đối. Chính vì vậy, cần tránh tâm lý lựa chọn những nơi có chi phí thấp để thực hiện. Thay vào đó, nên đánh giá cả yếu tố chuyên môn của bác sĩ, cơ sở vật chất, thương hiệu và chế độ bảo hành để lựa chọn được địa chỉ uy tín, đáng tin cậy.
Ưu điểm – Hạn chế của phương pháp trượt cằm
Hiện nay ngoài trượt cằm, tiêm filler và độn cằm cũng là các phương pháp thẩm mỹ có khả năng tạo dáng cằm V-Line, khắc phục tình trạng cằm ngắn và lẹm. Nếu đang băn khoăn không biết nên thực hiện phương pháp nào, bạn có thể cân nhắc giữa ưu điểm và hạn chế của phẫu thuật trượt cằm để dễ dàng đưa ra lựa chọn.
Ưu điểm:
- Khắc phục được khuyết điểm cằm lẹm, ngắn, lệch, mất cân đối một cách triệt để
- Sử dụng xương hàm tự thân nên hoàn toàn không gây dị ứng, kích ứng và phản ứng đào thải như độn cằm
- Mang lại hiệu quả lâu dài và không phải thực hiện lại như tiêm filler (chỉ cho hiệu quả 6 – 12 tháng)
- Phù hợp với cả nam giới và nữ giới
Hạn chế:
- Chi phí cao hơn so với độn cằm và tiêm filler cằm
- Tác động trực tiếp đến cấu trúc xương hàm nên thời gian phục hồi chậm và cần nghỉ dưỡng dài ngày
- Không thích hợp với người có các bệnh lý nội khoa nghiêm trọng
Để được tư vấn cụ thể hơn về việc có nên thực hiện phẫu thuật trượt cằm hay không, bạn đọc nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa thẩm mỹ. Bác sĩ sẽ đánh giá khuyết điểm ở vùng cằm, tình trạng sức khỏe và nguồn lực tài chính để tư vấn giải pháp tối ưu.
Giải đáp các thắc mắc về phẫu thuật trượt cằm
Trước khi can thiệp phẫu thuật trượt cằm, bạn có thể tham khảo thông tin giải đáp về một số thắc mắc xoay quanh phương pháp thẩm mỹ này.
#07
Trượt cằm có vĩnh viễn không?
Trượt cằm có vĩnh viễn không là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm. Khác với tiêm filler cằm hay độn cằm, phương pháp này có thể cho hiệu quả vĩnh viễn – trừ trường hợp va chấn mạnh khiến cằm bị lệch, méo bắt buộc phải tái phẫu thuật.
Hiện nay, phần lớn các trung tâm thẩm mỹ thực hiện phẫu thuật trượt cằm đều có chế độ bảo hành trọn đời. Tuy nhiên, bạn nên tái khám mỗi năm 1 lần để bác sĩ đánh giá tình trạng cằm và thay vis nẹp nếu cần thiết. Bên cạnh đó để duy trì kết quả lâu dài, cần tránh chống cằm và hạn chế tối đa các hoạt động cơ học lên cơ quan này.
#08
Phẫu thuật trượt cằm bao lâu thì lành, hết sưng?
Sau phẫu thuật khoảng 5 – 7 ngày, vùng cằm sẽ giảm sưng đau và khó chịu. Tuy nhiên để cằm hồi phục hoàn toàn và có được vẻ tự nhiên, cân đối, cần ít nhất 1 – 3 tháng. Thời gian phục hồi có thể chênh lệch tùy vào cơ địa, độ tuổi và cách chăm sóc của từng người.
#09
Nên độn cằm hay trượt cằm?
Nên độn cằm hay trượt cằm là vấn đề được nhiều người quan tâm. Theo các chuyên gia thẩm mỹ, trượt cằm là giải pháp tối ưu dành cho những người có cơ địa nhạy cảm và có tiền sử dị ứng với vật liệu nhân tạo.
Trong trường hợp có nguồn tài chính eo hẹp và không muốn can thiệp vào cấu trúc xương hàm, bạn có thể lựa chọn độn cằm. Phương pháp này có thể cho hiệu quả khoảng 10 năm hoặc hơn. Sau thời gian này, miếng silicon thường bị co rút và cần phải tái phẫu thuật để duy trì khuôn cằm V-Line, thanh thoát.
Một số lưu ý trước khi thực hiện phẫu thuật trượt cằm
Phẫu thuật trượt cằm giúp khắc phục tình trạng cằm lệch, không cân đối, cằm lẹm, ngắn,… Tuy nhiên trước khi can thiệp phương pháp này, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Yếu tố quan trọng nhất khi thực hiện phẫu thuật trượt cằm là cơ sở thẩm mỹ. Để hạn chế rủi ro và đảm bảo hiệu quả thẩm mỹ, cần lựa chọn địa chỉ uy tín và đáng tin cậy.
- Trung thực khai báo với bác sĩ tình trạng sức khỏe, tiền sử dị ứng và lịch sử dùng thuốc trong vòng 30 ngày để bác sĩ cân nhắc trước khi can thiệp phẫu thuật. Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể yêu cầu trì hoãn thời gian phẫu thuật hoặc tư vấn giải pháp thay thế nếu bạn nằm trong nhóm đối tượng chống chỉ định tuyệt đối.
- Chăm sóc đúng cách và sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Không tự ý ngưng thuốc khi chưa có chỉ định. Tình trạng này có thể khiến vết mổ chảy máu kéo dài và tăng nguy cơ nhiễm trùng.
- Ngay cả khi vùng cằm đã hồi phục hoàn toàn, bạn vẫn nên hạn chế tối đa các tác động cơ học lên vị trí này.
- Trong thời gian chăm sóc, nên chú ý các biểu hiện của cơ thể và tìm gặp bác sĩ ngay khi xuất hiện các triệu chứng bất thường như sưng đau dữ dội, cơ thể ớn lạnh, nóng sốt, đau đầu,…
Trượt cằm là phương pháp chỉnh sửa hàm mặt khá phức tạp. Do đó, bạn đọc nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định thực hiện phương pháp này. Để được tư vấn cụ thể hơn về quy trình và chi phí thực hiện, nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa tạo hình thẩm mỹ.