Trong câu chuyện ngụ ngôn Rùa và Thỏ của nhà văn Hy Lạp Aesop, chú thỏ vì cậy mình sở hữu một vóc dáng nhanh nhẹn nên đã chủ quan và ngủ một giấc ngay trong khi đang chạy đua với rùa. Chính sự chủ quan của thỏ đã giúp rùa về đích trước và chiến thắng một cách thuyết phục.
Thế nhưng nếu đưa câu chuyện đó ra ngoài đời thực thì liệu rùa có thể đánh bại thỏ trong một cuộc đua như vậy? Và liệu rùa có xứng đáng để giành chiến thắng trong cuộc thi đó?
Nhắc đến rùa, nhiều người sẽ nghĩ ngay tới khả năng “trường sinh bất lão” của loài động vật này. Sự thật là rùa sống rất lâu, tuổi thọ của chúng có thể lên tới 150 – 200 tuổi tùy vào từng loài. Trong khi đó tuổi thọ của thỏ không thể vượt quá con số 7.
Có ý kiến rất hay cho rằng, vòng đời của rùa và thỏ như một phép ẩn dụ về cuộc sống. Loài rùa tuy chậm chạp nên chúng chạm tới ngày cuối cùng của cuộc đời lâu hơn, chứ không nhanh chóng như loài thỏ.
Không chỉ vậy, rùa không thể chạy nhanh như thỏ nhưng bù lại loài động vật này sở hữu rất nhiều ưu điểm khác có thể khiến cho thỏ phải “ngửi khói”.
Bên cạnh đó, nhà di truyền học Taylor Edwards tại Đại học Arizona (Mỹ) còn đưa ra ý kiến về một số cuộc đua giữa 2 loài động vật trên.
Đầu tiên là cuộc đua về thể lực. Rùa tuy chậm nhưng lại có một sức bền cực kỳ đáng nể. Đến mùa di cư, chúng có thể vượt qua những con đường lên tới cả chục km mà không cần nghỉ.
Nếu trung bình trong một tháng rùa di chuyển 10km thì trong suốt cuộc đời 200 năm chúng sẽ trải qua quãng đường dài tổng cộng 24.000km.
Nếu áp dụng phép tính như vậy cho thỏ thì ta sẽ thu được con số lớn hơn. Tuy nhiên thỏ là loài động vật chạy nhanh nhưng không có sức bền.
Hơn nữa, loài thỏ vốn nhút nhát, chúng sẽ không bao giờ dám đi xa tổ ấm của mình trong một khoảng cách từ 1-3km. Vì thế tổng quãng đường mà thỏ đã trải qua trong cuộc đời của chúng trên thực tế là không nhiều.
Tiếp theo phải kể đến quãng thời gian tồn tại của 2 loài trên Trái đất. Nhiều nghiên cứu cho thấy, thủy tổ loài thỏ đã có mặt trên Trái đất từ khá lâu, khoảng 40 triệu năm về trước. Tuy nhiên con số này vẫn còn thua kém loài rùa khá nhiều, khi tổ tiên của rùa biển xuất hiện từ cách đây hơn 200 triệu năm.
Đến hơn 100 triệu năm sau, một bộ phận của rùa biển đã tách ra và sinh sống trên cạn, hình thành nên loài rùa cạn ngày nay.
Điều đó cho thấy, dù là rùa nước hay rùa cạn thì chúng cũng xuất hiện sớm hơn loài thỏ. Hay nói đơn giản, trong cuộc đua về thời gian xuất hiện trước, loài rùa đã chiến thắng.
Cuối cùng là cuộc đua về khả năng chịu đựng khắc nghiệt. Chiếc mai khổng lồ mà rùa luôn mang trên lưng cũng chính là ngôi nhà di động tiện nghi nhất đối với chúng. Chính ngôi nhà này đã cho phép rùa cạn có thể trải qua những nơi có khí hậu khắc nghiệt nhất như một số vùng đất đai cằn cỗi hay thậm chí sa mạc.
Không chịu thua kém, loài thỏ cũng sở hữu khả năng chịu đựng và thích nghi tốt. Đôi tai to lớn của chúng không chỉ có vai trò trong việc giúp nghe ngóng và xác định kẻ thù từ xa, mà còn là tấm chắn cực tốt bảo vệ cơ thể khỏi sự tỏa nhiệt.
Để tránh khỏi nguy cơ mất nước, khi ở những nơi nóng bức, khô cằn thỏ ta chỉ với việc cụp đôi tai của mình xuống mà thôi.
Một chuyên gia khác đến từ Đại học New York (Mỹ) Guillaume Bastille-Rousseau về cơ bản cũng đồng ý với những ý kiến được đưa ra của Taylor Edwards.
Ông cho rằng, nếu cuộc đua của thỏ và rùa chỉ diễn ra trong một tiếng thì không có lý do gì để thỏ bị thua, nhưng nếu diễn ra trong suốt cuộc đời thì phần thắng nắm chắc trong tay loài rùa.
Rõ ràng về mặt khách quan sẽ rất khó so sánh 2 loài động vật này như thế nào. Mỗi loài động vật đều có những ưu thế riêng của mình ở các yếu tố quyết định sự thắng bại trong một cuộc đua.
Tuy nhiên với những yếu tố sinh học được rút ra từ các chuyên gia, chúng ta có thể hiểu thêm về những lý do thuyết phục cho chiến thắng của rùa trước thỏ trong câu chuyện ngụ ngôn của Aesop.
Tốc độ là cần thiết, nhưng sự tập trung, kiên trì, chậm rãi mà chắc chắn cũng là những lý do giúp rùa chiến thắng, thậm chí ở ngoài đời thật.
* Bài viết đưa quan điểm khoa học của nhà di truyền học Taylor Edwards tại Đại học Arizona (Mỹ) đăng trên BBC.