“Tự cứu” bằng cách nào?

Chỉ trong vòng mấy tháng, đã có 2 người chết vì bị điện giật trên đường phố. Cả hai trường hợp đều quá đỗi thương tâm: một cô gái công nhân nghèo chăm chỉ lam làm sắp lên xe hoa, và một em trai mới học lớp 8. Hai cái chết đã cướp đi biết bao nhiêu hy vọng và hạnh phúc của hai gia đình. Đó đâu phải chuyện đùa! Nếu mọi tai nạn do điện giật trên đường phố đều được đổ cho… trời, nào trời mưa nước ngập, nào giông gió sét đánh, thì tốt nhất, không nên có những cột điện trên đường phố nữa (!). Vì một lẽ giản đơn, trời hoàn toàn không chịu trách nhiệm về những tai nạn này. Giám đốc Công ty chiếu sáng công cộng TP.HCM đã có một “sáng kiến” kỳ lạ: trước là đổ cho… trời, sau đổ luôn cho người dân, cho nạn nhân, và yêu cầu người dân phải “tự cứu” trước khi “trời cứu”(!). Nhưng người dân làm sao để “tự cứu” mình khi không thể biết đoạn đường mưa ngập nào là nhiễm điện, đoạn đường nào không, và chẳng biết tránh trớ vào đâu nếu chẳng may “dính” nước nhiễm điện? Một thành phố được coi là lớn nhất nước với bao nhiêu chỉ số kinh tế xã hội hoành tráng, nhưng cứ để điện ngoài đường phố thỉnh thoảng lại giật chết người, thì nên gọi là thành phố gì? Câu trả lời: Một thành phố không an toàn!

Theo một chuyên gia, ngành điện TP.HCM sử dụng loại CB (cầu dao ngắt điện tự động) đã lỗi thời, không hoạt động khi dòng điện rò rỉ dưới 50 ampe, trong khi chỉ cần dòng điện khoảng 20-25 miliampe trong thời gian ngắn đã đủ giật chết người. Như thế, tác nhân trực tiếp gây (hoặc không ngăn cản được) những vụ điện giật trên đường phố chính là những CB gắn trên mỗi trụ điện đường. Liệu có thể khắc phục được điều này, bằng cách thay toàn bộ những CB lỗi thời bằng những CB hiện đại có bộ phận ngắt điện tính ở phần trăm giây và có bộ phận khuếch đại dòng điện để có thể tác động nhanh ngay cả với dòng điện rất nhỏ? Vì chỉ số đầu tiên cho một thành phố lớn là chỉ số an toàn. Một thành phố có quá nhiều cạm bẫy nguy hiểm đến sinh mạng của cư dân và khách vãng lai ngay trên đường phố thì không thể coi là thành phố lớn được. Ở điểm này, tôi nghĩ UBND TP.HCM phải trực tiếp vào cuộc. Đừng để ngành điện cứ mỗi khi có sự cố, mỗi khi gây tai nạn chết người lại đổ cho trời hoặc hất sang cho người dân, tội lắm!  

Thanh Thảo

Rate this post

Viết một bình luận