Trước khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc, ông Yoon Suk-yeol, ứng cử viên Đảng bảo thủ đã cam kết trong một bài phát biểu tranh cử là ông sẽ thúc đẩy kế hoạch di dời Thủ đô của Hàn Quốc. Ông Yoon cũng từng hứa sẽ mở Văn phòng Tổng thống thứ hai ở Sejong; chuyển các chi nhánh chính của Quốc hội từ Yeouido, phía tây Seoul, đến Sejong; chỉ định Sejong, Daejeon và các khu vực lân cận là các khu kinh tế tự do để thu hút đầu tư nước ngoài; xây dựng một trung tâm điều trị ung thư đặc biệt trong thành phố và hình thành nhiều khu phức hợp khác nhau để thu hút các viện nghiên cứu, các doanh nhân trẻ và các tổ chức truyền thông.
Khu vực xây dựng tòa nhà chính phủ tại Sejong. Ảnh: Yonhap.
‘Xuất phát điểm’ của ý tưởng di dời Thủ đô
Ý tưởng chuyển Thủ đô Hàn Quốc khỏi thành phố Seoul lần đầu tiên được cựu Tổng thống Roh Moo-hyun đề xuất vào năm 2003.
Ông Roh đã tìm cách san sẻ sự giàu có và tập trung quyền lực ở Seoul sang các khu vực khác của đất nước, khuyến khích sự phát triển đồng đều trong khu vực và giảm bớt tình trạng dân cư đông đúc đang trở thành một vấn đề ngày một nóng hơn ở Thủ đô hiện tại.
Tuy nhiên, kế hoạch ban đầu đã vấp phải hàng loạt rào cản khiến tiến độ triển khai bị chậm lại. Chính quyền ông Roh Moo-hyun sau đó đã sửa đổi kế hoạch chi tiết của mình và quyết định sẽ chuyển một số bộ và tổ chức của chính phủ đến khu vực mới, gọi đây là “thành phố tự quản đặc biệt”.
Các tổng thống sau đó cũng ít nhiệt tình hơn với dự án này, lãnh đạo của các doanh nghiệp cũng phản đối ý tưởng này, thậm chí còn có vướng mắc về vấn đề pháp lý và phải đưa lên Tòa án Hiến pháp giải quyết vào năm 2004.
Thành phố Sejong được lấy theo tên của Sejong Đại đế, người trị vì triều đại Joseon trong 53 năm kể từ năm 1397.
Nằm cách Thủ đô Seoul 125 km (80 dặm) về phía nam, việc xây dựng các địa điểm quy hoạch (được cho là thủ đô mới của Hàn Quốc) đã bắt đầu vào năm 2007 và Sejong được cấp tư cách pháp nhân là “thành phố tự quản đặc biệt” vào năm 2012.
“Các cuộc thảo luận về việc chuyển chính phủ đến Sejong đã diễn ra trong một thời gian và nó có vẻ là một ý tưởng tốt vì các quốc gia khác đã làm điều gì đó tương tự trong quá khứ”, Dan Pinkston, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Troy cho hay.
Ông Pinkston cũng trích dẫn việc thành lập thành phố Brasilia mới là thủ đô của Brazil và Canberra ở Australia.
“Đã có quan ngại là có quá nhiều thứ tập trung ở các khu vực lân cận Seoul như chính phủ, các bộ máy hành chính, kinh doanh, tài chính, văn hóa, giải trí, điều đó đã dẫn đến tình trạng dân cư đông đúc, ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và không mang lại lợi ích cho đại bộ phận dân chúng”, ông Pinkston nói với tờ DW.
Còn vấp phải sự phản đối
Nhưng ở mặt khác cũng có khá nhiều người phản đối việc di dời thủ phủ từ thành phố Seoul sang thành phố Sejong. Người đứng đầu một tổ chức phi chính phủ có quan hệ mật thiết với chính phủ Hàn Quốc nói với DW với điều kiện giấu tên rằng bà ấy đã từ chức tại một cơ quan chính phủ khi được thông báo rằng toàn bộ bộ phận của bà ấy sẽ được chuyển đến Sejong.
“Có một số người khác cũng làm như tôi,” bà nói.
“Tôi đến từ Seoul, gia đình tôi sống gần đó và tôi có bạn bè, mạng lưới đồng nghiệp và địa chỉ liên lạc trên khắp thành phố,” bà nói.
“Có quá nhiều việc để tôi làm ở đây; tôi thích sống ở Seoul. Cuộc sống của tôi không phải chỉ dành cho công việc và tôi quyết định rằng việc chuyển đi là không thể chấp nhận được. Vì vậy, tôi đã nghỉ việc. Và tôi không hối hận về quyết định đó”.
Cho đến nay, hơn 70 tổ chức chính phủ và viện nghiên cứu do nhà nước hỗ trợ đã chuyển đến Sejong, bao gồm Ban thư ký của Thủ tướng, Bộ Giáo dục, Bộ Môi trường và Bộ Kinh tế và Tài chính. Các bộ và cơ quan nhà nước lớn khác vẫn ở Seoul, bao gồm Nhà Xanh, Quốc hội, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng.
Ủy ban chuyển tiếp của ông Yoon vẫn chưa đề cập đến bất kỳ chi tiết cụ thể nào về những lời hứa của tổng thống đắc cử đối với Sejong, nhưng họ đã công bố kế hoạch thành lập một ủy ban đặc biệt về tăng trưởng cân bằng trong khu vực vào cuối tuần trước, làm dấy lên hy vọng về việc tiếp tục chuyển hết các cơ quan quan trọng tới Sejong.