UNG THƯ PHỔI VÀ CÁC VẤN ĐỀ BẠN KHÔNG NÊN BỎ QUA
BVK – Tại Việt Nam ung thư phổi đứng thứ hai trong 10 loại ung thư thường gặp trên cả hai giới, chỉ sau ung thư gan. Năm 2020, Ung thư phổi là nguyên nhân gây tử vong cho 23 797 người Việt; cũng trong năm vừa qua, nước ta ghi nhận 26.262 ca mắc mới ung thư phổi. Ung thư phổi là căn bệnh đáng lo ngại, nhưng nếu phát hiện sớm thì bạn có thể được bác sỹ đưa ra các phương pháp điều trị hiệu quả hơn rất nhiều. Ung thư phổi là loại ung thư thường gặp và ngày càng có xu hướng gia tăng. Gần đây, bệnh xuất hiện ở những người trẻ tuổi nhiều hơn, chiếm tỷ lệ 14,4% tổng số ung thư các loại tính chung trên toàn thế giới.
Ung thư phổi là gì?
Ung thư phổi xảy ra khi các tế bào bình thường ở phổi biến đổi thành tế bào bất thường và không tuân theo sự kiểm soát của cơ thể (hình 1). Ung thư phổi được chia ra thành hai loại chính là ung thư phổi không tế bào nhỏ (khoảng 80%) và ung thư phổi tế bào nhỏ (khoảng 20 %), trong đó ung thư phổi tế bào nhỏ tiến triển nhanh hơn. Ở Việt Nam, ung thư phổi là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở cả hai giới.
Triệu chứng của ung thư phổi là gì?
Ở giai đoạn sớm, bệnh thường không có triệu chứng. Ở giai đoạn muộn hơn, người bệnh có thể có các triệu chứng sau:
- Ho khan, ho máu, hay ho có đờm
- Đau ngực
- Khó thở
- Khàn tiếng
- Đau đầu (khi di căn não) hoặc phù mặt, cổ và tay (khi tĩnh mạch lớn ở ngực bị chèn ép)
Nếu khối u ở đỉnh phổi, người bệnh có thể có các triệu chứng sau:
- Đau ở tay, vai, hoặc cổ
- Sụp mí mắt, nhìn mờ, nửa mặt bị đỏ
- Yếu hoặc liệt tay
Tất cả các triệu chứng trên có thể do các nguyên nhân khác ngoài ung thư phổi. Nhưng khi người bệnh có các triệu chứng trên, hãy đi khám tại các cơ sở chuyên khoa để được bác sỹ khám, tư vấn bệnh.
Xét nghiệm máu có thể chẩn đoán ung thư phổi không?
Xét nghiệm máu không thể giúp bác sỹ đưa ra kết luận chính xác người bệnh mắc ung thư phổi hay không, đó là một trong những chỉ định quan trọng để bác sỹ lây đó là căn cứ trước chẩn đoán. Nếu các bác sĩ nghi ngờ người bệnh mắc ung thư phổi, người bệnh sẽ cần chụp XQuang ngực.
Nếu trên XQuang có hình ảnh gợi ý ung thư phổi, người bệnh cần làm thêm một số xét nghiệm sau:
- Xét nghiệm máu
- Chụp cắt lớp vi tính ngực – phương pháp tạo lại các hình ảnh cơ quan bên trong lồng ngực để nhận định tổn thương
- Sinh thiết – Bác sĩ sẽ lấy một vài mảnh nhỏ của khối u qua nội soi phế quản hoặc xuyên qua thành ngực, sau đó sẽ quan sát mẫu bệnh phẩm qua kính hiển vi để chẩn đoán
Bệnh ung thư phổi có những giai đoạn nào?
Chẩn đoán giai đoạn là cách mà các bác sĩ xem tế bào ung thư lan tới đâu trong cơ thể người bệnh. Quyết định chọn lựa phương pháp điều trị phụ thuộc chủ yếu vào giai đoạn bệnh, loại ung thư, tuổi và tình trạng sức khỏe khác của người bệnh. Ung thư phổi được chia ra hai loại chính là ung thư phổi không tế bào nhỏ và ung thư phổi tế bào nhỏ. Mỗi loại được chẩn đoán giai đoạn hoàn toàn khác nhau.
Đối với ung thư phổi không tế bào nhỏ, có 4 giai đoạn:
Giai đoạn 1: u nhỏ dưới 5 cm chỉ ở một bên phổi, chưa lan ra ngoài phổi và hạch bạch huyết (hạch bạch huyết bao gồm các hạch hình bầu dục có chức năng bảo vệ cơ thể khỏi vi khuẩn, vi rút, kí sinh trùng)
Giai đoạn 2: ung thư đã lan ra hạch bạch huyết cùng bên với tổn thương hoặc u đã có kích thước từ 5 đến 7 cm
Giai đoạn 3: ung thư đã lan ra hạch bạch huyết ở trung thất (giữa hai lá phổi) hoặc kích thước u trên 7 cm
Giai đoạn 4: ung thư đã lan ra các cơ quan khác ngoài nhu mô phổi như não, xương, gan, màng phổi gây tích tụ dịch trong lồng ngực (tràn dịch màng phổi).
Đối với ung thư phổi tế bào nhỏ, chỉ có 2 giai đoạn:
Giai đoạn bệnh khu trú: khi u chỉ khu trú ở một bên phổi
Giai đoạn bệnh lan tràn: khi ung thư đã lan sang phổi bên đối diện hoặc các cơ quan khác như não, gan, xương…
Ung thư phổi được điều trị như thế nào?
Có nhiều phương pháp điều trị, do đó khi bác sĩ tư vấn cho người bệnh phương pháp điều trị, hãy trao đổi thêm với bác sĩ về:
- Lợi ích của phương pháp điều trị này?
- Tác dụng phụ?
- Có những lựa chọn khác hay không? Lợi ích?
- Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi không điều trị bằng phương pháp này?
Các phương pháp điều trị bệnh ung thư phổi bao gồm:
Phẫu thuật: cắt một phần hay một thùy phổi. Thậm chí có trường hợp cắt hai thùy hay cả phổi một bên. Thường áp dụng cho bệnh nhân giai đoạn sớm, khối u còn khu trú
Xạ trị: là phương pháp sử dụng các tia bức xạ ion hóa có năng lượng cao để điều trị
Hóa chất; dùng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Đôi khi, bạn sẽ phải truyền hóa chất trước khi phẫu thuật
Điều trị đích: tác động tiêu diệt các tế bào ung thư.
Với ung thư phổi không tế bào nhỏ – giai đoạn sớm, thường người bệnh sẽ được mổ trước, sau đó có thể điều trị hóa chất, xạ trị, hoặc ra viện theo dõi. Giai đoạn muộn hơn, bác sỹ có thể tư vấn để điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau như hóa chất, xạ trị, đích, chăm sóc triệu chứng.
Với ung thư phổi loại tế bào nhỏ – Giai đoạn sớm, thường người bệnh sẽ được điều trị bằng hóa chất và tia xạ đồng thời. Giai đoạn muộn hơn, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng hóa chất đơn thuần. Xạ trị chỉ áp dụng trong một số ít các trường hợp như khi khối u chèn ép lồng ngực gây đau, di căn não.
Ngoài ra, ngay khi có bất cứ triệu chứng gì, ví dụ khó thở do tích tụ dịch trong khoang màng phổi, bác sĩ sẽ tư vấn và hỗ trợ người bệnh như dẫn lưu dịch ra bên ngoài.
Bạn sẽ phải làm gì sau khi kết thúc điều trị?
Người bệnh sẽ phải đến khám 3 tháng/lần trong hai năm đầu, 6 tháng/lần trong những năm kế tiếp để kiểm tra xem bệnh có quay trở lại hay không. Các xét nghiệm bao gồm: khám lâm sàng, chụp x quang ngực, cắt lớp vi tính lồng ngực, siêu âm ổ bụng, xét nghiệm máu.
Người bệnh nên xem xét kĩ các dấu hiệu của bệnh đã được liệt kê ở trên. Nếu người bệnh có các triệu chứng đó, có thể bệnh đã quay trở lại. Hãy đến khám lại sớm nhất có thể.
Bạn sẽ được điều trị như thế nào khi bệnh quay lại?
Xạ trị, hóa chất hay điều trị đích, đôi khi có thể phẫu thuật, bác sỹ sẽ đánh giá và tư vấn cho bạn ngay khi phát hiện bệnh tái phát.
Ung thư phổi có phòng ngừa được không?
Cách tốt nhất để phòng ngừa ung thư phổi là không hút thuốc lá, do người hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn rất nhiều (khoàng 20 lần) so với người không hút thuốc lá. Nếu bạn vẫn còn hút thuốc, hãy bỏ thuốc vì chúng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn.
Ngoài ra chế độ dinh dưỡng hợp lý, bổ sung nhiều vitamin, rau xanh, củ quả; đcặ biệt xây dựng bài tập, vận động, sinh hoạt cá nhân hợp lý sẽ giúp bạn phòng ngừa căn bệnh này và đừng quên tầm soát ung thư phổi hàng năm để kiểm tra, phát hiện và điều trị kịp thời.
N231020