Ứng dụng nội địa Naver ‘đè bẹp’ Google tại Hàn Quốc

Tại Hàn Quốc, khi muốn tìm kiếm gì đó trên Internet, người ta không nói: “Google đi”, mà là “hãy hỏi Naver”.

Thật khó để tưởng tượng một thế giới không có Google. Công cụ tìm kiếm này cũng như các dịch vụ khác trong hệ sinh thái như Gmail, Google Drive… đã quá quen thuộc với cuộc sống của chúng ta ngày nay, tới mức nhiều người cảm thấy không thể làm việc hiệu quả nếu một ngày nào đó Google đóng cửa vĩnh viễn.

Google chiếm hơn 80% thị phần tìm kiếm Internet tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, trong hơn thập kỷ qua, một công cụ tìm kiếm đến từ châu Á đã thách thức tham vọng thống trị của Google. Đó chính là Naver, đế chế truyền thông của Hàn Quốc. Naver đã ăn sâu vào văn hóa Hàn Quốc, tương tự kim chi và Tết Trung thu.

“Hãy hỏi Naver”

Thường được biết đến như “Google của Hàn Quốc”, Naver ra mắt năm 1999, trực thuộc tập đoàn Naver. Ngoài Naver, tập đoàn Naver còn sở hữu 50% trong Yahoo Nhật Bản và là công ty chủ quản ứng dụng LINE. Chỉ trong vòng 2 năm, Naver đã trở thành một trong ba chân kiềng, bên cạnh Daum và Yahoo để rồi đến năm 2003, họ đã xếp hạng nhất về tìm kiếm Internet.

Đứng sau Naver là một nhóm cựu nhân viên Samsung, hãng công nghệ nổi tiếng nhất Hàn Quốc. Naver là một trong các công cụ tìm kiếm đầu tiên trên thế giới giới thiệu dịch vụ “tìm kiếm toàn diện”, thu thập thông tin từ nhiều nguồn khác nhau trên web rồi hiển thị kết quả trên một trang duy nhất.

Chẳng hạn, khi tìm kiếm về biến đổi khí hậu, Naver sẽ tổng hợp và hiển thị các bài báo mới nhất, liên quan nhất từ các trang báo trong, ngoài nước. Có lẽ, tính năng mạnh nhất của Naver, tách biệt hoàn toàn với Google, chính là giao diện được sắp xếp một cách hợp lý, tương tự như một cổng thông tin. So với Google, trang chủ của Naver cho phép người dùng truy cập nhiều dịch vụ trực tuyến một lúc. Nó cũng cung cấp những chủ đề đang nóng trong ngày, cũng như thông tin bên lề. Nó mang cảm giác của Yahoo hơn là Google.

Ngoài ra, Naver còn phục vụ nhiều dịch vụ khác như thanh toán di động, từ điển, dịch thuật, nghe nhạc. Khi bấm vào nút “Xem thêm”, người dùng được dẫn đến nhiều dịch vụ hơn nữa, từ đặt vé máy bay, đặt phòng khách sạn đến mua xe, chỉnh sửa âm thanh, thậm chí cả cơ sở dữ liệu trích dẫn và tạp chí học thuật cho sinh viên.

Ứng dụng nội địa Naver 'đè bẹp' Google tại Hàn Quốc

Nói đến học sinh, Naver cũng điều hành Junior Naver, phiên bản dành cho người dùng “nhí”. Đánh bại Yahoo Kids và Daum Kids, Naver Kids hiện là cổng thông tin trực tuyến dành cho trẻ em duy nhất tại Hàn Quốc.

Tóm lại, Naver không chỉ là một công cụ tìm kiếm mà về cơ bản, nó là Reddit, Quora, Apple Pay, YouTube và tất cả dịch vụ Google gộp lại.

Vì sao người Hàn chuộng Naver?

Giao diện của Naver hoạt động như một điểm truy cập duy nhất cho gần như mọi thứ người dùng cần. Điều đó mang đến lợi thế rất lớn cho công cụ tại Hàn Quốc. Bên cạnh đó, Naver chỉ sử dụng tiếng Hàn nên một cách tự nhiên, người Hàn tỏ ra ưa chuộng cỗ máy tìm kiếm “cây nhà lá vườn” này.

 

Không chỉ điều chỉnh kết quả tìm kiếm theo độ tuổi, giới tính, vị trí của người dùng, một phần đáng kể trên Naver cũng dựa trên nội dung do người dùng sáng tạo. Khi Naver mới thành lập, không có nhiều tên miền Hàn Quốc trên Internet. Đây là động lực để công ty ra mắt “Knowledge iN” năm 2002, một nền tảng hỏi đáp trực tuyến tương tự Yahoo Answers.

Với Knowledge iN, bất kỳ ai cũng có thể đặt câu hỏi về mọi thứ, câu trả lời hữu ích nhất sẽ được nhiều bình chọn nhất hoặc thưởng điểm. Knowledge iN đã giúp Naver mở rộng đáng kể nội dung bằng tiếng Hàn và cuối cùng chặn đứng sự bành trướng của Google. Hiện tại, nền tảng có hơn 459 triệu câu trả lời và hơn 15.000 câu hỏi mỗi ngày.

Theo nghiên cứu của công ty tiếp thị ASK Marketing, tính đến tháng 5/2021, Naver chiếm khoảng 62% thị phần công cụ tìm kiếm tại Hàn Quốc, còn Google xếp thứ hai với 33%. Vài năm gần đây, Google tích cực điều chỉnh dịch vụ nhằm đối đầu trực tiếp với Naver như cải thiện SEO để cung cấp kết quả tìm kiếm tốt hơn. Dù vậy, báo cáo của hãng nghiên cứu Statista chỉ ra tới 93,5% người được hỏi trong nước nói họ vẫn thích dùng Naver hơn khi tìm kiếm thông tin trên mạng.

Ngược lại, Naver không ngủ quên trên chiến thắng mà liên tục nâng cấp sản phẩm và dịch vụ trên cả thị trường trong nước lẫn quốc tế. Tháng 10/2003, Naver giới thiệu Naver Blog, phục vụ như cầu nối giữa người nổi tiếng, doanh nghiệp với khán giả của họ. Người dùng dành khoảng 50% thời gian để đọc blog trên Naver Blog. Các blog thường viết với giọng văn thân thiện, giúp độc giả cảm thấy sự ấm áp của bản thân và chủ nhân blog.

Naver vẫn đang phát triển mạnh mẽ. Gần đây, công ty mua lại nền tảng kể chuyện Wattpad của Mỹ với giá 600 triệu USD và chuẩn bị IPO tại Mỹ. Ngoài ra, Naver còn phát triển công cụ trí tuệ nhân tạo mới để nâng cao kết quả tìm kiếm.

Lời đáp trả của Hàn Quốc trước Google

Bất chấp những nỗ lực nhằm tăng cường sự hiện diện tại Hàn Quốc, dường như Google vẫn chưa thể toại nguyện khi Naver vẫn thống trị thị trường tìm kiếm nước này. Thành công của Naver là do nó được người Hàn xây dựng cho người Hàn.

Theo nhiều nhà phân tích, công nghệ không phải điều duy nhất khiến Naver đạt thành công như vậy. Chìa khóa nằm ở chỗ Naver nắm bắt văn hóa tìm kiếm của khách hàng trong nước một cách nhanh nhạy rồi phản ánh trong kết quả tìm kiếm. Chúng ta dễ dàng hiểu được sức mạnh của Naver trước Google khi thực hiện một tìm kiếm đơn giản. Thực tế, công cụ giới thiệu nhiều loại kết quả tìm kiếm khác nhau trước khi Google Universal Search xuất hiện. Ngay từ lúc ra đời, Naver đã có hơi hướm của một công cụ tìm kiếm xã hội, trong khi Google vẫn loay hoay tìm cách đến đây.

Một điều quan trọng khác là thuật toán của Naver xây dựng xoay quanh ngôn ngữ mẹ đẻ là tiếng Hàn. Nó giúp kết quả trả về chính xác hơn trong nhiều trường hợp do ngữ pháp tiếng Hàn khác với tiếng Anh.

Naver hiện là một phần không thể tách rời trong văn hóa Hàn Quốc. Sau hơn 20 năm thăng trầm, chứng kiến nhiều đối thủ đến rồi lại đi, công ty vẫn đứng vững nhờ không ngừng đổi mới, từ một cổng thông tin tập trung vào công nghệ tìm kiếm cốt lõi đến tái tạo bản thân thành “thế lực” lớn trong kỷ nguyên di động. Dù gần đây, Google, Facebook và YouTube ngày một phổ biến tại đây, họ vẫn xếp sau Naver và các dịch vụ Internet nội địa khác.

Du Lam

Rate this post

Viết một bình luận