Ung thư vòm họng: Thói quen ăn cá muối mặn – YouMed

Ung thư vòm họng (NPC) là một bệnh ác tính, hiện được đánh giá là bệnh ung thư mới phổ biến thứ 23 trên thế giới. Tại sao ung thư vòm họng hiếm gặp ở các nước Âu – Mỹ nhưng lại là ung thư chiếm tỷ lệ cao nhất và đáng nghi ngại nhất trong các loại ung thư vùng đầu mặt cổ ở Việt Nam?

Các nhà nghiên cứu nhận thấy, ung thư vòm họng có liên quan đến di truyền, dân tộc, bên cạnh đó, môi trường và thói quen ăn uống, sinh hoạt cũng  đóng vai trò quan trọng trong số các yếu tố nguy cơ mắc bệnh. 

1. Ung thư vòm thường xuất hiện ở dân tộc nào?

Các nhà khoa học thống kê rằng: những người sống ở các vùng Châu Á như trên và vùng Bắc Phi, khu vực Bắc Cực là nơi phổ biến của ung thư vòm. Người dân nơi đây thường có chế độ ăn rất nhiều cá và thịt được ướp bằng muối mặn.

“Ung thư vòm thường gặp ở Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc, người gốc Hoa, và các nước Đông Nam Á”

Người ta nhận thấy, khi mọi người bắt đầu ăn chế độ ăn phương Tây, tỷ lệ ung thư vòm họng đang giảm ở phía đông nam Trung Quốc.

Các nhà khoa học thống kê rằng: những người sống ở các vùng Châu Á như trên và vùng Bắc Phi, khu vực Bắc Cực là nơi phổ biến của ung thư vòm họng

>> Có thể bạn quan tâm:

Ung thư vòm họng là bệnh ung thư đứng đầu trong các ung thư vùng đầu cổ. Bệnh lý ác tính này thường gặp ở nam hơn so với nữ. Triệu chứng ban đầu của bệnh thường dễ bị nhầm lẫn với các bệnh ở họng. Vậy liệu các dấu hiệu cảnh báo ung thư vòm họng có thể được phát hiện sớm? Và làm thế nào để tầm soát ung thư? Bài viết “Dấu hiệu cảnh báo ung thư vòm họng và cách tầm soát” YouMed sẽ cung cấp cho các bạn những thông tin hữu ích về bệnh.

2. Tại sao thói quen ăn nhiều cá muối mặn là yếu tố nguy cơ hàng đầu?

Trong số các yếu tố đã biết có liên quan đến bệnh ung thư vòm, việc ăn nhiều cá muối mặn là yếu tố nguy cơ được công nhận nhất. 

Đầu tiên, các nhà nghiên cứu nhận thấy tỷ lệ mắc ung thư vòm cao ở tỉnh Quảng Đông vào đầu những năm 1970. Sau đó đã có nhiều báo cáo về mối tương quan thuận giữa tiêu thụ cá muối với nguy cơ ung thư vòm ở Trung Quốc. Các dân tộc khác như Thái Lan, Tunisia, Hồng Kông, Malaysia và Việt Nam cũng ghi nhận báo cáo tương tự.

Vậy điều gì làm cho cá muối – một món ăn quen thuộc của người địa phương, lại trở thành yếu tố hàng đầu gây bệnh?

Chất nitrosamine trong mắm cá muối kiểu Quảng Đông là chất gây ung thư cho con người và chính thực phẩm này cũng được đánh giá là chất gây ung thư nhóm 1 do Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) công nhận.

Nitrosamin có thể được tạo thành từ muối nitrit và nitrat (còn gọi là diêm tiêu, nằm trong nhóm chất phụ gia bảo quản thực phẩm). Tiêu thụ nhiều thức ăn có chứa nitrit và nitrat có thể gây ra ung thư thực quản, dạ dày.

Những nghiên cứu đã chỉ ra rằng các loại thực phẩm ướp muối, hay ngâm muối như cá muối, dưa cà khú có hàm lượng nitrosamin cao.

Nghiên cứu còn chỉ ra rằng, thói quen ăn cá muối mặn ngay từ nhỏ sẽ làm tăng rủi ro mắc ung thư vòm về sau.

>> Xem thêm: Ung thư vòm họng: Cần chuẩn bị những gì trước khi đi khám?

3. Ung thư vòm có liên quan đến hút thuốc lá?

Hầu hết (nhưng không phải tất cả) các nghiên cứu đã phát hiện ra hút thuốc lá có thể góp phần vào sự phát triển của ung thư vòm, đặc biệt là loại keratin hóa. Nghiên cứu cũng cho thấy mối liên hệ của việc uống nhiều rượu với loại ung thư đặc biệt này.

4. Ăn nhiều rau xanh có giúp bạn làm hạn chế bệnh ung thư vòm?

Những nghiên cứu vè dinh dưỡng đều cho rằng chế độ ăn nhiều hạt, đậu, trái cây, rau quả và hạn chế các sản phẩm từ sữa, thịt có thể giúp giảm nguy cơ ung thư vòm cũng như nhiều ung thư khác.

5. Mối liên quan giữa vi-rút và ung thư vòm

Hầu như tất cả các tế bào bị ung thư trong ung thư vòm đều chứa virus Epstein-Barr (EBV). Và hầu hết những người bị ung thư vòm đều có bằng chứng nhiễm EBV trong máu. Nhiễm EBV rất phổ biến trên toàn thế giới. Chẩn đoán và điều trị bệnh gặp nhiều khó khăn do bệnh lây trực tiếp từ người sang người qua tiếp xúc, các dấu hiệu nhận biết giống với nhiều bệnh lý khác.

Mối liên quan giữa nhiễm EBV với ung thư vòm rất phức tạp và chưa được hiểu rõ. Chỉ nhiễm EBV là không đủ để gây ra ung thư vòm. Tuy nhiên, các yếu tố khác, chẳng hạn như gen của mỗi người khác nhau, sẽ ảnh hưởng đến cách cơ thể đối phó với virus khác nhau, từ đó dẫn đến những sai lệch tế bào và hình thành ung thư. Bên cạnh đó, chính việc ăn nhiều cá thịt muối mặn sẽ làm tăng khả năng EBV gây ra ung thư vòm.

Thực phẩm được bảo quản theo kiểu ướp muối mặn có thể tạo ra các chất độc làm hư hỏng DNA, từ DNA bị hỏng sẽ làm mất khả năng kiểm soát sự tăng trưởng và nhân lên của tế bào dẫn đến ung thư!

6. Ung thư vòm thường gặp ở nam hay nữ?

Nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nữ giới. Thực tế là ung thư vòm ở nam cao gấp đôi so với ở nữ.

7. Ung thư vòm có phải là bệnh di truyền không?

Thành viên trong gia đình của những người bị ung thư vòm có nhiều khả năng bị ung thư này. Đây không phải là bệnh lý di truyền, nhưng nó liên quan đến việc di truyền mã gen. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người có một số loại gen di truyền nhất định có nguy cơ phát triển ung thư vòm. Nó ảnh hưởng đến phản ứng miễn dịch được di truyền bởi gen, vì vậy có thể liên quan đến cách cơ thể của một người phản ứng với nhiễm virus Epstein-Barr.

Ngoài ra, trong cùng gia đình sẽ chung các yếu tố môi trường sống (như cùng chế độ ăn uống hoặc khu sinh hoạt), cùng chung yếu tố nguy cơ dễ mắc ung thư vòm.

>> Có thể bạn quan tâm: Viêm họng hạt: Có dễ để điều trị dứt điểm?

8. Môi trường làm việc có liên quan đến ung thư vòm?

Phơi nhiễm nơi làm việc: việc tiếp xúc với formaldehyd (phóc-man-đê-hít) tại nơi làm việc làm tăng nguy cơ ung thư vòm.

Nghề nghiệp liên quan  đến khói và bụi có liên quan đáng kể đến sự gia tăng của ung thư vòm.  Một số công việc có nguy cơ cao như: nghề mộc, chế biến gỗ, khai thác thiếc, sản xuất xi măng, khai thác mỏ đá, sản xuất gạch, khai thác cao su… Sự liên quan giữa bụi và khói với bệnh này có thể được xem là một chỉ thị y tế công cộng nhằm cải thiện chất lượng không khí trong môi trường nghề nghiệp ở Đông Nam Á.

9. Dấu hiệu và triệu chứng của ung thư vòm?

Hầu hết lý do thúc đẩy người bệnh ung thư vòm họng (NPC) đến gặp bác sĩ là họ nhận thấy một khối u hoặc hạch bất thường ở cổ. Nguyên nhân là khi ung thư lan đến các hạch bạch huyết ở cổ, sẽ làm chúng sưng to lên. 

Dấu hiệu và triệu chứng của ung thư vòm

 Các triệu chứng có thể khác của bao ung thư vòm gồm:

  • Nghe kém, ù tai, đau hoặc cảm giác đầy tức trong tai (đặc biệt chỉ ở một bên);
  • Nhiễm trùng tai tái đi tái lại;
  • Nghẹt mũi hoặc tắc mũi hoàn toàn;
  • Chảy máu cam;
  • Nhức đầu;
  • Đau mặt hoặc tê vùng mặt;
  • Khó há miệng;
  • Nhìn mờ hoặc nhìn đôi…

Nếu bạn bị viêm một bên tai và bạn chưa từng bị nhiễm trùng tai trước đó, bạn cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để nội soi kiểm tra vòm họng. 

10. Các thăm khám và xét nghiệm nào là cần thiết để giúp bác sĩ xác định bệnh?

10.1 Khám mũi họng

Vòm mũi họng nằm sâu và không dễ nhìn thấy, vì vậy cần có các kỹ thuật đặc biệt để kiểm tra khu vực này. Có 2 phương pháp chính được sử dụng để quan sát bên trong vòm họng, tìm những khối u bất thường:

  • Soi vòm mũi họng gián tiếp: bác sĩ sử dụng gương nhỏ chuyên dụng và đèn sáng để nhìn vào vòm họng của người bệnh.
  • Nội soi vòm mũi họng trực tiếp: sử dụng hệ thống nội soi Tai Mũi Họng đưa ống soi từ mũi vào đến tận vòm, hình ảnh nội soi được dẫn truyền ra màn hình lớn. Đây là phương pháp thường được sử dụng để kiểm tra cẩn thận vòm mũi họng.

10.2 Sinh thiết

Các triệu chứng và kết quả kiểm tra có thể gợi ý bệnh ung thư vòm. Nhưng để chẩn đoán chắc chắn, chúng ta cần làm sinh thiết, nghĩa là lấy các tế bào từ khu vực bất thường và soi chúng dưới kính hiển vi. Các loại sinh thiết khác nhau có thể được thực hiện, tùy thuộc vào vị trí bất thường.

10.3 Sinh thiết qua nội soi

Nếu thấy sự tăng trưởng của một khối đáng ngờ trong vòm họng, bác sĩ có thể lấy ra một mảnh mô nhỏ bằng dụng cụ nhỏ chuyên dụng dưới sự hỗ trợ của máy nội soi. Kết quả giải phẫu bệnh sẽ trả lời mẫu sinh thiết có chứa các tế bào ung thư hay không và mô tả loại ung thư.

10.4 Chọc hút bằng kim nhỏ (FNA)

Đây cũng là một loại sinh thiết, FNA có thể được sử dụng nếu bạn có một khối u đáng ngờ vùng gần cổ. Các kết quả FNA có thể  là: nhiễm trùng hạch bạch huyết ở cổ, sự di căn của ung thư từ một nơi khác (như vòm họng) hoặc ung thư bắt đầu từ các hạch bạch huyết – được gọi là ung thư hạch.

Nếu ung thư bắt đầu ở một nơi khác, FNA đơn thuần khó xác định vị trí ung thư từ đâu. Nhưng nếu một bệnh nhân đã biết ung thư vòm có hạch bạch huyết cổ to, FNA sẽ trả lời xem sự di căn của ung thư đã đến hạch chưa.

10.5 Xét nghiệm hình ảnh học

  • X-quang ngực

Nếu bạn đã được chẩn đoán mắc ung thư vòm, X- quang ngực thẳng cần thiết để xem ung thư có lan đến phổi của bạn không. 

  • Chụp cắt lớp vi tính (CT)

Chụp CT đầu và cổ có thể cung cấp thông tin về kích thước, hình dạng và vị trí của khối u. Nó cũng giúp tìm thấy các hạch bạch huyết to có thể chứa ung thư. CT hoặc MRI rất quan trọng trong việc tìm kiếm ung thư có thể đã phát triển ở nền sọ. Đây là một nơi phổ biến cho ung thư vòm họng phát triển. Hiện nay còn có công nghệ PET CT. Bác sĩ sẽ sử dụng PET để xem ung thư đã di căn đến cơ quan nào trong cơ thể.

  • Quét cộng hưởng từ (MRI)

MRI tốt hơn một chút so với CT scan trong việc hiển thị các mô mềm trong mũi và cổ họng, nhưng CT tối ưu hơn MRI khi đánh giá phần xương ở nền sọ, một nơi phổ biến mà ung thư hay phát triển xâm lấn đến.

10.6 Xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu không được sử dụng để chẩn đoán ung thư vòm. Chúng có thể được thực hiện vì những lý do khác. Xét nghiệm máu định kỳ có thể giúp xác định sức khỏe tổng thể của bệnh nhân. Những xét nghiệm này có thể giúp chẩn đoán các vấn đề dinh dưỡng, thiếu máu, bệnh lý gan và thận…

Ung thư vòm là bệnh lý có liên quan đến thói quen ăn uống, môi trường sống và làm việc, cũng như nhiễm virus và yếu tố gia đình. Hãy thay đổi thói quen ăn uống bằng cách hạn chế các thực phẩm cá thịt muối mặn, đồ muối chua, giảm rượu và thuốc lá. Ăn tăng cường ăn rau xanh, các loại hạt, đậu sẽ giúp bạn hạn chế mắc bệnh lý này. Khi có dấu hiệu nghi ngờ ung thư như trên cần đi khám ngay để được phát hiện và điều trị kịp thời.

Rate this post

Viết một bình luận