Bà Nguyễn Phương Hằng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam trong các ngày 24-3-2022 và 26-4-2022 đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh và Công an tỉnh Bình Dương khởi tố, bắt tạm giam do có hành vi “lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Những hành vi vi phạm pháp luật nêu trên của bà Hằng được quy định tại Điều 331, Bộ luật Hình sự. Bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt do thường xuyên “đăng đàn”, phát trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, YouTube, sử dụng các từ ngữ mang tính chất xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của nhiều người. Hiện nay, vụ việc của bà Nguyễn Phương Hằng đã chuyển giao cho Công an TP. Hồ Chí Minh điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, lợi dụng việc này, nhiều cá nhân, tổ chức phần tử xấu, thành phần cơ hội chính trị đã ra sức xuyên tạc, bóp méo sự thật, bịa đặt, chống phá, tạo cái nhìn tiêu cực về vụ việc. Đặc biệt, trên những cái “loa bẩn” ở hải ngoại như RFA, VOA, đặc biệt là tổ chức khủng bố Việt Tân “vẫn nhai đi nhai lại” những luận điệu kiểu như: “bà Hằng bị bắt vì phát ngôn trái ý Đảng, thách thức chủ trương, đường lối của Đảng”; “bắt giam bà Hằng theo Điều 331, Bộ luật Hình sự là không hợp lý”. Rồi chúng kết luận rằng: “Bị tù ở đất nước cộng sản chỉ có 3 lý do. Một là thanh trừng phe phái. Hai là có khả năng kêu gọi biểu tình, tập trung đông người. Ba là giàu quá. Và ai vượt qua lằn ranh này thì không sống sót đến hết con trăng”. Đây đều là những luận điệu sai trái, vu khống, thể hiện mưu đồ đen tối của các thế lực thù địch, phần tử xấu trong và ngoài nước, làm rối loạn tình hình, gây hoang mang trong dư luận, tạo mâu thuẫn trong nhân dân. Đặc biệt, lợi dụng vụ việc này, một số youtuber, tiktoker… tranh thủ làm ăn, có hành động “câu view, câu like” mà L.V.P (sinh năm 1990, quê Đồng Tháp) là một ví dụ điển hình cho cách kiếm tiền “thông minh hơn người” này. P đã dùng tài khoản cá nhân trên Facebook, TikTok đăng tải video kêu gọi người dân biểu tình trước cổng khu du lịch Đại Nam đòi cơ quan chức năng thả Nguyễn Phương Hằng. Chính hành động “khôn hết phần người khác” này đã bị Công an thị xã Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) xử phạt 4 triệu đồng về hành vi “tổ chức xúi giục, kích động người khác gây rối, làm mất trật tự công cộng”.
Nhớ lại phong trào “mùa xuân Ả Rập” diễn ra từ cuối năm 2010 đến cuối năm 2013 tại Cairo, Ai Cập. Từ việc nhỏ trở thành việc lớn mà phong trào nhân danh dân chủ, nhân quyền, đòi thay đổi chế độ của những người bất đồng chính kiến đã dẫn đến hàng trăm ngàn người thiệt mạng, hàng triệu người phải ly tán, tỵ nạn ở nước ngoài và nhiều hậu quả tồi tệ khác nữa. Khi được hỏi thì phần lớn người tham gia đã sử dụng Facebook để hưởng ứng lời kêu gọi biểu tình. Cuối cùng thì mùa xuân đâu không thấy, chỉ thấy mùa đông với lạnh lẽo, chết chóc, tang thương, khổ đau và đói nghèo. Nhìn nhận sự việc L.V.P, sâu xa hơn là hành vi của bà Hằng, nếu không kịp thời ngăn chặn sẽ bị các tổ chức, các đối tượng giả hiệu tự do dân chủ, tự do ngôn luận lợi dụng, chống phá. Ở đất nước Việt Nam chỉ có “mùa xuân trên TP. Hồ Chí Minh” (Bắc – Nam chung một nhà, non sông liền một dải), không được phép có kiểu “mùa xuân Ả Rập”.
Liên hợp quốc công nhận quyền con người, trong đó tự do ngôn luận là quyền cơ bản được xác định tại Điều 19 của Tuyên ngôn thế giới về quyền con người. Theo quan điểm đó, quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam cũng được xác định từ rất sớm trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật khác. Tuy nhiên, tất cả các nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đều quy định nếu tự do ngôn luận mà gây hại đến quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức… được Nhà nước bảo vệ thì Nhà nước sẽ áp dụng các chế tài và biện pháp cưỡng chế tương ứng. Tự do ngôn luận không phải kiểu muốn nói gì thì nói, làm hại đến ai mặc kệ không quan tâm. Tự do ngôn luận phải nằm trong khuôn khổ được quy định trong pháp luật. Và những hành vi như xuyên tạc thông tin sai sự thật, bịa đặt, phỉ báng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân… đều bị xử lý theo luật định.
Với sự phát triển của công nghệ thông tin, internet và mạng xã hội đã trở thành cơ hội thể hiện quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt của đông đảo người dân. Tuy nhiên, nhiều cá nhân đã dùng mạng xã hội để phát ngôn dưới dạng bài viết, bài nói đi quá giới hạn cho phép, xâm phạm đến lợi ích của cá nhân, tập thể. Điều này vô tình tạo điều kiện cho những đối tượng xấu, thành phần cơ hội chính trị lợi dụng rêu rao những luận điệu sai trái, bịa đặt, vu khống nhằm mục đích chống phá, làm mất an ninh chính trị, an toàn xã hội, làm nhiễu loạn thông tin, mưu đồ phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng. Pháp luật là thượng tôn, không ai được đứng ngoài hay đứng trên pháp luật. Mọi hành vi nguy hiểm cho sự ổn định xã hội đều bị trừng trị theo pháp luật. Dù cố tình hay vô tình đi quá giới hạn tự do ngôn luận gây phương hại đến cá nhân, tổ chức khác thì phải chịu sự trừng phạt của pháp luật tùy theo mức độ.
Theo Điều 331, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có thể bị phạt cảnh cáo và cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự an toàn xã hội thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Như vậy, pháp luật đã quy định rõ, nếu thực hiện các quyền tự do dân chủ của bản thân mà xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Không có tự do nào là tuyệt đối, người sống trong khuôn khổ pháp luật là người tự do nhất, đi quá giới hạn của tự do ngôn luận sẽ trở thành người mất tự do. Trước khi nói hãy chịu khó uốn lưỡi 7 lần.