Bài viết bởi Dược sĩ Dương Thanh Hải – Dược sĩ lâm sàng – Khoa Dược – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Ăn thức ăn giàu sắt là yếu tố chủ chốt điều trị thiếu máu do thiếu sắt. Tuy nhiên, trong những trường hợp cơ thể không nhận đủ sắt từ chế độ ăn uống, việc sử dụng thêm các chế phẩm bổ sung sắt là cần thiết để có đủ lượng sắt dự trữ cho cơ thể.
Các chế phẩm bổ sung sắt có thể được sản xuất ở dạng viên nang, viên nén, viên nhai hoặc dung dịch lỏng. Loại viên nén bổ sung sắt phổ biến nhất là sắt sulfat. Ngoài ra, còn có các chế phẩm sắt ở dạng muối gluconate hoặc fumarate. Cần lưu ý, mức độ sắt được hấp thu có thể khác nhau giữa các dạng muối.
1. Những lưu ý khi uống sắt
Ăn gì bổ sung sắt là vấn đề được nhiều người quan tâm. Thực tế, sắt được hấp thu tốt nhất khi bụng đói (uống trước bữa ăn ít nhất 1 giờ hoặc sau ăn 2 giờ) Tuy nhiên, chế phẩm bổ sung sắt có thể kích ứng dạ dày gây ra cảm giác buồn nôn ở một số người. Trong trường hợp đó, nên bổ sung sắt ngay sau bữa ăn sẽ tốt hơn. Đôi khi, bổ sung thêm vitamin C hoặc uống nước cam sẽ giúp hấp thu sắt tốt hơn. Lượng nước được khuyên dùng mỗi lần uống bổ sung sắt là khoảng trên 200ml.
Bên cạnh đó, bạn KHÔNG NÊN uống sữa, canxi và thuốc kháng axit dạ dày cùng lúc với chất bổ sung sắt. Nên đợi ít nhất 2 giờ sau khi ăn/uống những thực phẩm này để uống bổ sung sắt.
Các loại thực phẩm KHÔNG NÊN ăn cùng lúc uống chế phẩm bổ sung chất sắt bao gồm: thực phẩm giàu chất xơ (chẳng hạn như ngũ cốc nguyên hạt, rau sống), thực phẩm hoặc đồ uống có caffeine (trà, cà phê).
2. Lượng sắt uống bao nhiêu là đủ?
Khi bổ sung sắt cho bà bầu hoặc bổ sung sắt cho bé hoặc bất kỳ ai bổ sung sắt chỉ nên dùng liều lượng sắt đúng với đơn kê hoặc tư vấn của bác sĩ. Liều dùng tùy thuộc vào từng chế phẩm sắt. Lượng sắt nguyên tố là khác nhau giữa từng chế phẩm muối. Do đó, bạn phải luôn nhớ phải kiểm tra lượng sắt nguyên tố của từng viên thuốc bổ sung sắt. Thông thường, lượng sắt được đề nghị bổ sung là từ 100 – 200mg sắt nguyên tố, được chia từ 1 đến 3 liều mỗi ngày hoặc dùng cách ngày.
Theo đó, bạn nên dùng vào cùng một thời điểm mỗi ngày để tránh bỏ sót liều. Nếu bị quên dùng một liều, đừng lo lắng, chỉ cần bỏ qua liều đã quên và dùng liều tiếp theo như bình thường.
Thông thường, công thức máu thường trở lại bình thường sau 2 tháng điều trị nhưng vẫn cần tiếp tục dùng chất bổ sung sắt trong 6 đến 12 tháng nữa để đảm bảo đủ lượng sắt dự trữ cho cơ thể.
3. Một số tác dụng phụ và biện pháp xử trí khi bổ sung sắt
Bên cạnh tác dụng có lợi, bất kỳ loại thuốc nào cũng có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn, tuy nhiên không phải ai cũng bị xảy ra chúng. Sau đây là một số tác dụng phụ khi uống các chế phẩm bổ sung sắt và biện pháp làm giảm các tác dụng phụ này:
- Táo bón và tiêu chảy thường xảy ra khi uống các chế phẩm sắt. Trong trường hợp này bện nên uống nhiều nước hàng ngày. Nếu táo bón trở thành vấn đề, có thể uống thêm thuốc làm mềm phân.
- Buồn nôn và nôn có thể xảy ra với liều cao hơn, vì thế bạn nên chia nhỏ liều để giảm tác dụng phụ này.
- Đi ngoài phân đen là dấu hiệu bình thường khi uống bổ sung sắt, tuy nhiên hãy đi khám bác sỹ ngay nếu như phân có màu hắc ín hoặc có những vệt đỏ, xuất hiện triệu chứng đau tê hay nhói ở bụng.
- Các dạng sắt lỏng có thể gây ố màu răng, do đó có thể pha thêm với nước hoặc với các loại nước hoa quả như nước ép cà chua và uống bằng ống hút. Có thể loại bỏ vết ố bằng cách đánh răng với bột baking soda hoặc kem đánh răng chứa peroxide.
Chế phẩm bổ sung sắt có thể ảnh hưởng đến tác dụng của một số thuốc dùng đồng thời như: kháng sinh tetracycline, ciprofloxacin và một số loại thuốc dùng cho bệnh suy giáp, bệnh Parkinson và co giật. Do đó, hãy thông báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết khi đang được dùng các thuốc này.
Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY. Tải ứng dụng độc quyền MyVinmec để đặt lịch nhanh hơn, theo dõi lịch tiện lợi hơn!