Đối với một số người, không thể bắt đầu ngày mới mà không có caffeine. Những người khác không thể bắt đầu mà không uống nước chanh, trước khi họ ăn sáng.
Nhiều người tin rằng, uống một cốc nước chanh loãng vào buổi sáng lúc bụng đói sẽ “tốt cho sức khỏe của bạn”. Nhưng lợi ích thực sự của thói quen này là gì? Nó có nhược điểm không?
1. Uống nước chanh khi bụng đói có lợi ích gì?
Theo chuyên gia dinh dưỡng Laura Tajan, nước chanh sau khi được tiêu hóa sẽ có tính kiềm hóa, tức là nó làm giảm nồng độ axit trong cơ thể. “Đặc tính kiềm hóa của nó rất tốt cho cơ thể vì chúng giúp tái cân bằng độ pH của cơ thể, vốn thường quá chua” , cô nói rõ. Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng vẫn cho rằng không nhất thiết phải uống nước chanh khi bụng đói.
Nhiều người cho rằng uống nước chanh lúc đói bụng sẽ giúp giảm cân.
Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, uống đồ uống này khi thức dậy không giúp bạn giảm cân, theo chuyên gia dinh dưỡng. Uống một cốc nước chanh cho phép bạn bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất. Chanh là một trong những loại thực phẩm nổi tiếng với hàm lượng vitamin C. Theo bảng thành phần dinh dưỡng Ciqual, loại quả này chứa 45mg vitamin C trên 100g. Đây là một tỷ lệ đáng kể do nhu cầu vitamin C là 110 mg/ngày cho cả nam và nữ theo khuyến nghị.
Nhờ giàu vitamin C, nước chanh có thể giúp bạn vượt qua mệt mỏi, ngăn ngừa nhiễm khuẩn do virus và vi khuẩn, chữa lành và bảo vệ thành mạch tốt hơn.
Một ưu điểm khác: chanh có tác dụng chống oxy hóa. Nhấm nháp thức uống này giúp bảo vệ cơ thể khỏi các gốc tự do và ngăn ngừa sự xuất hiện của một số bệnh. Thói quen này cũng làm chậm quá trình lão hóa da.
Chuyên gia dinh dưỡng Laura Tajan
2. Uống nước chanh khi thức dậy lúc bụng đói có hạn chế gì không?
Các chuyên gia dinh dưỡng chỉ ra rằng thói quen uống chanh mỗi ngày sẽ gây hại cho răng. “Một số nha sĩ đã giải thích rằng axit citric có trong chanh sẽ ăn mòn men răng. Hiện tượng này xảy ra khi bạn tiêu thụ quá nhiều nước chanh”, Laura Tajan cho biết. Uống nước chanh thường xuyên hàng ngày cũng có thể dẫn đến hiện tượng răng trở nên quá mẫn cảm.
Những người có hệ tiêu hóa nhạy cảm cần lưu ý không uống nước chanh hàng ngày, nhất là lúc bụng đói. Lý do rất đơn giản: loại quả này có tính axit cực cao có thể gây kích ứng thành dạ dày và có thể gây ra chứng ợ chua. Chuyên gia dinh dưỡng khuyên những người bị căng thẳng không nên uống loại đồ uống này, đặc biệt nếu họ dễ bị viêm dạ dày do căng thẳng. Điều này sẽ chỉ làm tăng các triệu chứng.
Nếu bạn bị viêm loét hoặc bệnh trào ngược dạ dày, hãy lưu ý rằng tính axit của chanh sẽ chỉ làm cho cơn đau tồi tệ hơn, đặc biệt là nếu bạn uống nước chanh khi bụng đói. Điều này cũng áp dụng cho tất cả các loại trái cây họ cam quýt và thực phẩm có tính axit.
Nếu bạn có vấn đề về tiêu hóa, nên hạn chế các loại thực phẩm có tính axit cao như nước chanh.
3. Bạn nên uống nước chanh khi nào?
Chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo rằng những người có hệ tiêu hóa nhạy cảm nên tránh uống nước chanh vào buổi sáng mà chưa ăn trước đó.”Đối với những người chịu đựng được thì không có quy tắc nào cả. Họ có thể uống trong bữa ăn và kể cả ngoài bữa. Không giống như các loại trái cây khác, chẳng hạn như cam, nó rất ít ảnh hưởng đến việc tăng đột biến lượng đường trong máu.” – Laura Tajan giải thích.
Chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo: Vitamin có trong vỏ quả chanh, do đó nên ngâm vỏ chanh thái nhỏ trong nước. Cũng nên để cả cùi quả trong nước vì nó có chứa chất xơ và nên uống nước chanh ấm thay vì nước sôi hoặc nước lạnh.
Về tần suất, Laura Tajan chỉ ra rằng hoàn toàn có thể uống thức uống này hàng ngày. Nhưng tốt nhất nên nhâm nhi bằng ống hút để chanh không tấn công men răng. Nếu bạn muốn uống nước chanh này mà không cần dùng ống hút, chuyên gia dinh dưỡng khuyên bạn nên uống tối đa 2 hoặc 3 lần trong tuần.
8 lời khuyên để khởi động một buổi sáng tràn đầy năng lượng
Xem thêm video đang được quan tâm
Tại sao bữa sáng lại là bữa ăn quan trọng nhất?