VĂN BIỂU CẢM LÀ GÌ?
I. KHÁI NIỆM
– Văn biểu cảm là văn bản viết ra nhằm biểu đạt tình cảm, cảm xúc, sự đánh giá của con người đối với thế giới xung quanh và khêu gợi lòng đồng cảm nơi người đọc.
– Văn biểu cảm còn gọi là văn trữ tình: bao gồm các thể loại văn học như thơ trữ tình, ca dao trữ tình, tuỳ bút…
– Tình cảm trong văn biểu cảm thường là những tình cảm đẹp, thấm nhuần tư tưởng nhân văn (tình yêu đất nước, yêu thiên nhiên, yêu con người,…)
– Ngoài cách biểu cảm trực tiếp như tiếng kêu, lời than, văn biểu cảm còn sử dụng các biện pháp tự sự, miêu tả,…để khơi gợi tình cảm người đọc.
Văn biểu cảm là gì?
II. ĐẶC ĐIỂM
– Mỗi bài văn biểu cảm thường tập trung thể hiện cảm xúc với một đối tượng cụ thể (đất nước, quê hương, con người,…)
– Người viết chọn một đối tượng cụ thể để gửi gắm tình cảm, tư tưởng, hoặc thổ lộ trực tiếp những tình cảm, nỗi niềm trong lòng.
– Bố cục: gồm 3 phần:
+ Mở bài: Giới thiệu sự vật, hiện tượng được chọn và những cảm xúc ban đầu của bản thân.
+ Thân bài: Kết hợp với miêu tả và tự sự để bộc lộ cảm xúc cá nhân đối với sự vật, hiện tượng được nêu.
+ Kết bài: Tổng kết lại cảm xúc hoặc nâng lên thành tư tưởng.
– Tình cảm trong bài phải rõ rang, trong sáng, chân thật.
III. PHƯƠNG PHÁP LÀM BÀI
1. Cách làm bài văn biểu cảm
– Tìm hiểu đề và tìm ý, lập dàn bài, viết bài và sửa chữa.
– Muốn tìm ý thì phải hình dung rõ đối tượng cần hướng tới, đặt đối tượng đó trong không gian – thời gian cụ thể và tưởng tượng cảm xúc của mình trong bối cảnh đó như thế nào.
– Tìm lời văn thích hợp và gợi cảm, bộc lộ cảm xúc chân thật.
2. Cách lập ý cho bài văn biểu cảm
– Người viết có thể hồi tưởng về quá khứ, suy nghĩ về hiện tại và mơ ước tới tương lai để tạo ý cho bài văn biểu cảm. Ngoài ra, người viết còn phải tưởng tượng tới những tình huống cụ thể, lồng ghép cảm xúc của mình trong những tình huống đó hoặc có thể vừa quan sát đối tượng sẽ biểu cảm và vừa suy ngẫm những ý tưởng cần viết.
– Bài viết phải chân thật trong tình cảm và sự việc, hiện tượng được hướng tới phải được người viết cảm nhận qua, có như vậy bài văn mới chân thật và tạo được lòng tin, sự đồng cảm cho người đọc.
3. Yếu tố tự sự, miêu tả trong văn biểu cảm
– Dùng phương thức tự sự và miêu tả để gợi ra hình ảnh sự vật, hiện tượng cần biểu cảm để từ đó gửi gắm cảm xúc.
– Tự sự và miêu tả nhằm hỗ trợ cho việc biểu cảm chứ không nhằm kể chuyện hay miêu tả cụ thể đối tượng, do đó cần phải phân biệt rõ yêu cầu mà đề văn hướng tới là gì.
4. Cách làm bài văn biểu cảm về một tác phẩm văn học
– Phát biểu cảm nghĩ về một tác phẩm văn học (bài văn, bài thơ) là trình bày những cảm xúc tưởng tượng, liên tưởng suy ngẫm của mình về nội dung và hình thức của tác phẩm đó.
– Bài cảm nghĩ về một tác phẩm văn học cũng phải có 3 phần:
+ Mở bài: Giới thiệu tác phẩm và hoàn cảnh tiếp xúc với tác phẩm
+ Thân bài: Những cảm xúc suy nghĩ do tác phẩm gợi lên
+ Kết bài: Ấn tượng chung về tác phẩm.
Trên đây là bài giới thiệu văn biểu cảm là gì? Bạn đã biết cách viết bài văn biểu cảm rồi chứ. Chúc các bạn học tốt ngữ văn.