Văn biểu cảm là gì? Hướng dẫn cách viết văn biểu cảm

Khái niệm văn biểu cảm là gì, ví dụ về thể loại văn biểu cảm, đặc điểm của văn biểu cảm và hướng dẫn cách viết các thể loại văn biểu cảm khác nhau.

Văn biểu cảm là gì và cách viết văn biểu cảm là những vấn đề sẽ được giảng dạy trong chương trình Ngữ văn cấp THCS. Hãy cùng tìm hiểu khái niệm văn biểu cảm để giúp các em học sinh dễ dàng phân biệt với những thể loại khác như văn thuyết minh, nghị luận, miêu tả… Đồng thời biết cách viết một đoạn văn, bài văn biểu cảm tốt nhất.

Văn biểu cảm là gì?

Đây là một thể loại văn học trong đó người viết vận dụng những yếu tố bộc lộ cảm xúc, tình cảm để thể hiện cách đánh giá, nhìn nhận của mình về con người hay sự vật, hiện tượng nào đó. Qua đó làm dấy lên ở người đọc sự đồng cảm, cảm xúc và suy nghĩ.

Văn biểu cảm là gì

Khi làm văn biểu cảm có thể kết hợp với các yếu tố khác như miêu tả, tự sự để người đọc dễ dàng hình dung về con người, sự vật hay hiện tượng được đề cập đến trong đoạn văn, bài văn. Đồng thời giúp bộc lộ tình cảm của người viết một cách chân thực  nhất. Tuy nhiên đây chỉ là các yếu tố điểm xuyết để phục vụ mục đích chính là bộc lộ tình cảm chứ không lạm dụng quá nhiều.

Trên thực tế trong văn học văn chương, tác giả luôn lồng ghép những yếu tố bộc lộc cảm xúc, biểu cảm để bộc lộ tâm tư cảm xúc của mình đối với đối tượng được đề cập đến.

Ví dụ về văn biểu cảm

Bài viết của học sinh

Mẹ luôn chiếm một vị trí đặc biệt trong lòng tôi và là người mà tôi luôn yêu mến. Mẹ tôi có vóc người nhỏ nhắn và nước da ngăm, đôi mắt hiền từ như biết nói và rạng rỡ nhất lúc mẹ cười. Mẹ vất vả cả cuộc đời cũng chỉ để nuôi hai chị em tôi khôn lớn và chăm sóc cho gia đình. Có đôi lúc tôi làm mẹ buồn phiền, đôi mắt của mẹ cũng buồn rầu theo. Nhưng mẹ không bao giờ trách phạt tôi nặng lời mà luôn giảng giải cho tôi hiểu đâu là đúng đâu là sai. Giọng nói của mẹ nhẹ nhàng như ve vuốt tâm hồn khiến tôi cảm thấy ấm áp vô cùng.

Đoạn văn trên thể hiện tình cảm của người con đối với mẹ của mình, có kết hợp với các yếu tố tự sự và miêu tả để gợi nhắc về những kỉ niệm với người mẹ.

Trong thơ ca

“Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy

Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu

Ngàn dâu xanh ngát một màu

Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?”

(Trích Chinh phụ ngâm khúc – Đoàn Thị Điểm)

Đoạn trích là nỗi lòng của người chinh phụ – người vợ trẻ có chồng đi chinh chiến và phải vò võ một mình trong buồng cũ chiếu chăn.

Đặc điểm của văn biểu cảm là gì?

Văn biểu cảm có một số những đặc điểm cơ bản sau đây:

  • Trong một bài văn, đoạn văn biểu cảm luôn thể hiện tình cảm và cảm xúc một cách nhất quán. Đó có thể là tình cảm yêu mến, nhớ nhung, buồn rầu, ghét bỏ… đối với con người, sự vật, hiện tượng được nói tới.
  • Văn biểu cảm được đặc trưng ở sự biểu cảm trực tiếp bằng lời nói, chêm xen các từ ngữ thể hiện sự biểu cảm trực tiếp như tiếng kêu, lời than, kết hợp với các từ thể hiện nhiều sắc thái tình cảm khác nhau.
  • Trong văn biểu cảm tác giả cũng có thể sử dụng phương thức bộc lộ cảm xúc gián tiếp thông qua sự việc, hành động, câu chuyện… Để làm được điều này đòi hỏi người viết phải vận dụng thêm các yếu tố khác như miêu tả, tự sự để người đọc/người nghe dễ dàng nắm bắt được tình cảm ẩn sau lời văn.

Hướng dẫn cách viết văn biểu cảm

Bước 1: Phân tích đề bài

Đọc kỹ đề bài và xác định yêu cầu, đối tượng cần đề cập đến là ai hoặc là cái gì.

Bước 2: Tìm các ý chính

  • Xác định các ý chính mà người viết có dự định đưa vào bài viết và trình tự bài viết.
  • Xác định khi nào cần sử dụng biểu cảm trực tiếp, khi nào cần biểu cảm gián tiếp.
  • Chỉ rõ các yếu tố hỗ trợ khác được thêm thắt trong bài như miêu tả, tự sự.

Bước 3: Lập dàn ý

Từ các ý chính xác định được ở phía trên, người viết tiến hành lập dàn ý hoàn chỉnh gồm mở, thân và kết bài.

Bước 4: Viết bài

Dựa trên dàn ý đã lập được, người viết sẽ bắt tay vào triển khai một đoạn văn hoặc bài văn hoàn chỉnh, đảm bảo đúng trình tự và mạch cảm xúc.

Bước 5: Đọc và chỉnh sửa

Sau khi viết xong, cần dành chút thời gian để đọc lại toàn bài và chỉnh sửa các lỗi chính tả, cách diễn đạt, cách dùng từ…

Cách viết văn biểu cảm theo từng dạng

Văn biểu cảm về người

Đây là hình thức văn biểu cảm bộc lộ cảm xúc với đối tượng là con người. Đó có thể là tình cảm yêu thương, trìu mến hay nỗi nhớ da diết.

Mở bài

Giới thiệu về nhân vật được đề cập đến trong bài và tình cảm với người đó một cách khái quát.

Thân bài

  • Miêu tả về nhân vật biểu cảm, từ đó giúp người đọc/người nghe có được hình dung chung về người đó.
  • Thể hiện tình cảm, tâm tư, cảm xúc của người viết với nhân vật biểu cảm bằng cách trực tiếp, gián tiếp hay kết hợp cả hai.
  • Viết văn theo trình tự từ miêu tả tới thể hiện tình cảm hoặc kể những kỉ niệm, câu chuyện với đối tượng được đề cập để từ đó bộc lộ tình cảm của người viết.

Kết bài

  • Khẳng định lại cảm xúc, tình cảm của mình với đối tượng được đề cập
  • Bày tỏ đánh giá, quan điểm về đối tượng đó.

Văn biểu cảm về sự vật

Biểu cảm về sự vật có đối tượng vô cùng đa dạng, đó có thể là con vật, đồ vật, cây cối, ngôi trường… Từ đó thể hiện tình cảm, cảm xúc của người viết đối với sự vật đó.

Mở bài

Giới thiệu về sự vật được nói tới trong bài một cách khái quát.

Thân bài

  • Miêu tả về sự vật được đề cập đến để người đọc/người nghe hình dung một cách sơ qua
  • Trình tự thường là miêu tả, kể chuyện sau đó mới đến bộc lộ tình cảm, cảm xúc

Kết bài

  • Khẳng định lại tình cảm của người viết đối với sự vật được đề cập tới
  • Đánh giá, đưa ra quan điểm của mình về sự vật

Văn biểu cảm về một tác phẩm văn học

Đối với thể loại này, người viết phải thể hiện cảm nhận và suy nghĩ của bản thân về một tác phẩm văn học nào đó. Đồng thời đánh giá, phân tích về nội dung, nghệ thuật về tác phẩm.

Mở bài

Giới thiệu về tác giả, tác phẩm và hoàn cảnh sáng tác một cách khái quát

Thân bài

  • Phân tích tác phẩm về mặt nội dung và nghệ thuật, qua đó thể hiện suy nghĩ cảm nhận của mình về tác phẩm
  • Đánh giá chung về nghệ thuật chung của toàn bộ tác phẩm

Kết bài

  • Khái quát lại nội dung và nghệ thuật của tác phẩm
  • Khẳng định lại suy nghĩ, cảm nhận của bản thân

So sánh với các tác phẩm có cùng đề tài để làm nổi bật cái hay của tác phẩm chính cần biểu cảm

Như vậy khái niệm văn biểu cảm là gì cũng không quá khó hiểu phải không nào. Mong rằng bài viết này sẽ là tư liệu tham khảo hữu ích để các em học sinh làm bài tốt và đạt kết quả cao nhất.

  • Xem thêm: Số từ là gì? Lượng từ là gì? Bài tập và ví dụ minh họa

Thuật Ngữ –

Rate this post

Viết một bình luận