(LLCT) – Trong quá trình hội nhập quốc tế, Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và những thách thức rất to lớn, trong đó có những vấn đề về văn hoá và con người. Đổi mới và phát triển xã hội phải đáp ứng được những yêu cầu của việc phát triển văn hoá và con người. Những yêu cầu này thúc đẩy việc hình thành văn hoá lãnh đạo, quản lý, nhằm thực hiện một cách tốt nhất những mục tiêu đổi mới và phát triển xã hội đã đặt ra.
Văn hóa lãnh đạo, quản lýlà một bộ phận quan trọng của văn hóa nói chung, có những đặc thù về nội dung, cấu trúc và biểu hiện, xuất hiện như là sự tích hợp không thể tách rời của văn hóa với lãnh đạo, quản lý. Bản thân các khái niệm văn hóa, lãnh đạo và quản lý thường có nhiều cách định nghĩa khác nhau, nhiều cách tiếp cận khác nhau. Văn hóa được coi là tổng thể những nét riêng biệt tinh thần và vật chất, trí tuệ và tình cảm, quyết định bản sắc của một xã hội hay của một nhóm người trong xã hội. Văn hóa là chỉnh thể hữu cơ các hoạt động của con người (trong quá khứ và hiện tại), sáng tạo nên hệ thống các giá trị vật chất và tinh thần, đáp ứng những nhu cầu của con người, phù hợp với kiểu lựa chọn đặc trưng của các nhóm và cộng đồng người khác nhau. Chính hệ thống các giá trị này chi phối cách ứng xử, giao tiếp của cộng đồng, làm cho cộng đồng này có đặc thù riêng biệt.
Quản lýlà một loại hoạt động thực tiễn đặc biệt của con người, trong đó các chủ thể tác động lên các đối tượng bằng các công cụ và phương pháp khác nhau, thông qua quy trình quản lý nhất định, nhằm thực hiện một cách hiệu quả nhất các mục tiêu của tổ chức trong điều kiện biến động của môi trường. Quản lý được hiểu là hoạt động thực tiễn phổ biến trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong tất cả các loại hình tổ chức khác nhau, trong tất cả các cấp, các khâu quản lý, trong tất cả các thời kỳ lịch sử phát triển của xã hội loài người(1).
Về mặt lý luận, lãnh đạo và quản lý, nhà lãnh đạo và nhà quản lý là những khái niệm có những điểm khác biệt(2). Theo các nghiên cứu gần đây cho thấy, chỉ có dưới 10% các nhà quản lý làm được công tác lãnh đạo. Dù rằng không dễ phân biệt, nhưng cả trong lý luận cũng như trong thực tiễn, lại rất cần phải phân biệt hai hoạt động này.
Các nhà quản lý có quyền hạn để thực thi công việc. Họ có thể đạt được điều đó bằng sức mạnh, dùng chế độ thưởng – phạt, sử dụng cương vị của mình. Nhưng những nhà lãnh đạo lại đạt được các mục tiêu của họ thông qua ảnh hưởng của họ đối với tổ chức. Ảnh hưởng có được từ niềm tin của những người khác, nhờ khả năng chuyên môn, khả năng xác định, hiểu tình cảm hoặc khó khăn của người khác. Có thể thấy rằng, người ta buộc phải tuân theo các nhà quản lý, nhưng có thể chọn lựa nên theo nhà lãnh đạo nào.
Nhà quản lý là những người được giao phó một vai trò nhất định trong tổ chức. Họ cần chỉ đạo nhân viên cấp dưới đáp ứng những yêu cầu công việc của họ và hoàn thành những công việc được giao. Nhà quản lý phải đảm bảo nhân viên cấp dưới tuân thủ đúng những quy trình, luật lệ, chính sách và quy định đã được xác lập…
Nhà lãnh đạo là những người tự nhận lấy vai trò của mình. Họ định hướng cho những người đi theo khi các quy trình có sẵn không đem lại hiệu quả, hoặc khi không có quy trình nào hay khi xuất hiện những cơ hội chưa từng biết đến. Ở cấp độ vĩ mô, nhà lãnh đạo luôn sống trong một thế giới bất ổn, nhiệm vụ của họ là hướng dẫn người khác đi theo khi những người này không biết phải làm gì hoặc mất phương hướng trong những môi trường biến đổi nhanh chóng, đột ngột…
Các nhà lãnh đạo, quản lý đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển văn hóa lãnh đạo, quản lý của tổ chức.
Văn hoá quản lý là hệ thống các ý nghĩa, giá trị, niềm tin, chuẩn mực đặc trưng của một tổ chức, với những biểu trưng vật chất và tinh thần khác nhau của chúng, được mọi thành viên của tổ chức chấp thuận, quy định và điều chỉnh hành vi của mọi thành viên trong quá trình thực hiện các mục tiêu của tổ chức. Văn hoá quản lý của một tổ chức bị quy định bởi nhiều yếu tố khác nhau như đặc trưng về chức năng, nhiệm vụ của tổ chức, văn hoá dân tộc, trình độ phát triển kinh tế – xã hội, khoa học – công nghệ, các yếu tố tâm lý – xã hội, môi trường tự nhiên, môi trường quốc tế… Văn hóa quản lý là một biểu hiện sinh động trong hệ thống đa dạng của đời sống văn hóa.
Về cấu trúc, văn hóa quản lý là chỉnh thể của các lớp giá trị hữu hình và vô hình, triết lý quản lý, các biểu trưng trực quan và phi trực quan. Yếu tố căn bản để xem xét văn hóa quản lý là hệ giá trị liên quan đến chủ thể quản lý, đối tượng quản lý trong quá trình thực hiện mục tiêu quản lý được thừa nhận bởi cả chủ thể quản lý và đối tượng quản lý. Giá trị là hình thức biểu hiện thái độ của con người đối với những chuẩn mực văn hóa chung theo những lợi ích xác định và với những giới hạn cho phép do chính họ đúc kết nên. Triết lý quản lý như là hệ thống nguyên tắc cơ bản xuyên suốt mọi hoạt động của tổ chức trong quá trình đạt đến mục tiêu. Triết lý quản lý phản ánh thái độ và mong đợi của tổ chức đối với mọi quan hệ, mọi quá trình và mọi hoạt động của các nhóm có liên quan, định hướng cho chủ thể quản lý và toàn thể tổ chức. Triết lý quản lý là phần cốt lõi trong hệ giá trị, là cơ sở để thiết lập bộ tiêu chuẩn chung để điều chỉnh hành vi của con người và tổ chức trong quá trình quản lý.Từ triết lý quản lý, công tác tổ chức, các chức năng của quản lý phải được triển khai một cách đồng bộ, hướng theo triết lý đã xác định. Đó là việc xác định cấp bậc, cơ cấu nhân sự, cơ chế hoạt động của các bộ phận…
Văn hóa quản lý dần dần được hình thành, phát triển trong tổ chức, những biểu hiện của văn hóa quản lý được thể hiện dưới dạng trực quan và phi trực quan. Dạng biểu trưng trực quan là dạng mà mọi người có thể dễ dàng nhìn thấy, nghe thấy, sờ thấy như: đặc điểm kiến trúc, nghi lễ, giai thoại, biểu tượng, ngôn ngữ, hành vi, ấn phẩm điển hình, trang phục trong tổ chức… Dạng biểu trưng phi trực quan là những biểu trưng vô hình, không hiện hữu, như là lý tưởng, triết lý, quan điểm, niềm tin, bản chất mối quan hệ con người, thái độ, truyền thống phát triển của tổ chức.
Tương tự như vậy, văn hoá lãnh đạo là hệ thống những chuẩn mực, ý nghĩa, giá trị, niềm tin chủ đạo, với những biểu trưng khác nhau, được hình thành trong tổ chức, được các chủ thể tham gia quá trình lãnh đạo cùng đồng thuận, tạo nên phong cách lãnh đạo độc đáo của mình và có ảnh hưởng ở phạm vi rộng lớn đến cách thức hành động của toàn bộ thành viên trong tổ chức, nhằm đạt được các mục tiêu đã đặt ra.
Người lãnh đạo có vai trò quan trọng trong việc đề xuất bảng giá trị chung và triết lý lãnh đạo của tổ chức. Vì thế, khi xem xét văn hóa lãnh đạo của tổ chức nào cũng phải xem xét chính ngay đội ngũ cán bộ lãnh đạo của tổ chức về các phương diện đạo đức, phẩm chất, năng lực, phong cách lãnh đạo trong quá trình lãnh đạo. Ngày nay, ở Việt Nam, quá trình CNH, HĐH, toàn cầu hóa đang tác động mạnh mẽ đến văn hóa lãnh đạo.
Văn hóa lãnh đạo, quản lý có vai trò to lớntrong việc thúc đẩy, điều chỉnh, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, cũng như hiệu quả tổ chức, vận hành hệ thống nhằm hạn chế một cách có hiệu quả các tác động tiêu cực của biến đổi xã hội. Văn hoá lãnh đạo, quản lý góp phần điều chỉnh các quan hệ xã hội; nó có khả năng làm “mềm hoá”, làm dịu những căng thẳng xã hội không cần thiết. Văn hoá lãnh đạo, quản lý góp phần củng cố niềm tin của con người vào các giá trị lý tưởng đã lựa chọn, góp phần đẩy mạnh quá trình đổi mới tổ chức đạt hiệu quả cao, thúc đẩy sự sáng tạo và nhạy bén với cái mới; nâng kinh nghiệm, sự trải nghiệm lên thành quy tắc đối nhân xử thế trong hoạt động, khái quát hóa thành hệ thống giá trị, chuẩn mực, triết lý lãnh đạo, quản lý. Văn hoá lãnh đạo, quản lý có vai trò to lớn trong việc khắc phục bệnh quan liêu của thiết chế xã hội và phong cách hoạt động xã hội lạc hậu, góp phần thúc đẩy quá trình dân chủ hóa xã hội…
Trước yêu cầu đổi mới ở nước ta, chúng ta cần vận dụng sáng tạo những di sản tư tưởng của Hồ Chí Minh về văn hóa lãnh đạo, quản lý trong tình hình mới. Những tư tưởng cơ bản của Hồ Chí Minh trong lĩnh vực này tập trung ở những nội dung chính về sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, về đội ngũ lãnh đạo, quản lý, về quan hệ giữa Đảng, Nhà nước, cán bộ với nhân dân, về việc sửa đổi lề lối làm việc, về chống chủ nghĩa cá nhân, chống tham ô, tham nhũng, chống chủ nghĩa cơ hội,…
Từ khi Đảng ta trở thành đảng cầm quyền, Hồ Chí Minh càng trăn trở làm thế nào để thực hiện tốt trách nhiệm “vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Đảng cầm quyền phải phấn đấu làm tròn vai trò cầm quyền và được nhân dân tin tưởng thừa nhận, chứ không phải là một đảng cai trị. Văn hoá lãnh đạo của Đảng lãnh đạo, Đảng cầm quyền nằm ở trí tuệ, bản lĩnh, phẩm chất của Đảng, ở việc đưa ra cương lĩnh, đường lối, chủ trương đúng đắn và tổ chức thực hiện thắng lợi trên thực tế… Đảng cầm quyền phải là hiện thân của sự kết hợp hài hòa giữa văn hoá với chính trị.
Về văn hoá lãnh đạo, quản lý của Nhà nước, Hồ Chí Minh từng khẳng định “nước ta là nước dân chủ”, dân là chủ và dân làm chủ. Nhà nước quản lý có văn hoá có nghĩa là “Chính phủ là công bộc của dân”. Chính sách của Chính phủ phải hợp với nguyện vọng và quyền lợi của dân chúng. Chính phủ phải xây dựng thành một chính phủ liêm khiết. Thành quả lớn nhất sau khi giành được độc lập, đó là chính quyền thuộc về nhân dân, và dân chủ trở thành một nguồn lực lớn, một giá trị văn hoá, vừa là động lực, vừa là mục tiêu của cách mạng. Tăng cường dân chủ là phải tẩy sạch bệnh quan liêu. Chủ nghĩa quan liêu là phản văn hoá, là kẻ thù hủy diệt sức mạnh của tổ chức. Xây dựng nhà nước pháp quyền, quản lý xã hội bằng pháp luật và duy trì một xã hội dân sự là yêu cầu khách quan của sự nghiệp đổi mới. Việc Hồ Chí Minh đề cao nhà nước pháp quyền, kết hợp dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp là một tầm nhìn xa về văn hoá quản lý phù hợp với thế giới ngày nay. Người cán bộ lãnh đạo, quản lý phải biết tập trung xử lý quyền lực một cách có văn hoá. Quyền lực tạo nên sức mạnh để giữ thành quả cách mạng, xây dựng chế độ mới trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá. Đó là mặt tích cực, mặt “văn hoá” của quyền lực. Nhưng mặt khác, quyền lực có thể làm tha hoá người nắm quyền, dẫn tới cậy quyền, lợi dụng quyền lực, lạm dụng quyền lực, chạy theo quyền lực, tranh giành quyền lực, tham quyền cố vị, đó là những hành vi phản văn hoá, phi văn hoá.
Tệ quan liêu, mệnh lệnh chính là kẻ thù của văn hoá lãnh đạo, quản lý. Quan liêu là xa rời quần chúng, không sát thực tế, nặng về mệnh lệnh, giấy tờ, thái độ hách dịch, khệnh khạng. Quan liêu đẻ ra tham ô, lãng phí. Lãnh đạo có văn hoá là phải tẩy sạch bệnh quan liêu, mệnh lệnh. Muốn vậy, theo Hồ Chí Minh, phải làm tốt 6 điều: đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết; liên hệ chặt chẽ với nhân dân; việc gì cũng bàn với nhân dân, giải thích cho nhân dân hiểu rõ; có khuyết điểm thì thật thà tự phê bình trước nhân dân và hoan nghênh nhân dân phê bình mình; sẵn sàng học hỏi nhân dân; tự mình phải gương mẫu cần, kiệm, liêm, chính để nhân dân noi theo. Văn hoá lãnh đạo, quản lý thể hiện rõ sự ứng xử văn hoá trong các mối quan hệ với người, với việc, với mình; ứng xử có lý có tình, không nịnh hót cấp trên, không coi thường quần chúng và dùng mệnh lệnh độc đoán với cấp dưới, không trù dập người có ý kiến khác với mình. Phải biết điều tra, nghiên cứu, khuyến khích kiểm tra, làm đến nơi đến chốn, nói đi đôi với làm, công khai, minh bạch, phải chính tâm, tu thân, tề gia mới trị quốc được.
Nước ta còn nghèo, dân ta chưa có đời sống vật chất đầy đủ. Vì vậy, văn hoá lãnh đạo, quản lý không thể sống chung với xa xỉ, hoang phí, lãng phí, tham nhũng. Không mạnh dạn đổi mới thật sự, luyến tiếc với cái cũ trong tư duy, trong thực hành dân chủ, trong xây dựng Nhà nước pháp quyền, trong công tác cán bộ, đó chính là kẻ thù của văn hoá lãnh đạo, quản lý.
Những năm 80 của thế kỷ XX nước ta đứng trước cuộc khủng hoảng kinh tế – xã hội rất nghiêm trọng, nhưng chúng ta đã biết cách vượt qua những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng và tiến hành công cuộc đổi mới thắng lợi. Điều đó do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng trước hết và đóng vai trò quyết định chính là vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước với một triết lý đổi mới rõ ràng, với sự kiên định và làm mới hệ giá trị cơ bản của một xã hội chuyển đổi theo hướng tích cực, được thể hiện trong những việc làm cụ thể, với những kết quả cụ thể, đóng góp thiết thực vào sự phát triển đi lên của đất nước, đem lại niềm tin cho nhân dân và bạn bè quốc tế. Trong những năm gần đây, khi quốc nạn tham nhũng hoành hành, tình trạng suy thoái đạo đức ở một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo, đảng viên, công chức, các giá trị đạo đức, văn hóa, các chuẩn mực xã hội bị xói mòn, điều đó làm suy yếu khả năng hoạt động của tổ chức. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Dân là gốc, đó cũng là triết lý lãnh đạo, quản lý giúp chúng ta tiếp tục đổi mới văn hóa lãnh đạo, quản lý trong những điều kiện hiện nay.
Văn hóa lãnh đạo, quản lý thể hiện bản lĩnh, phong cách và kỹ năng lãnh đạo, quản lý của cán bộ. Trong lúc khó khăn nhất vẫn giữ được uy tín đối với dân, với cấp dưới, với các thành viên của tổ chức, vẫn có thể động viên được mọi người vượt qua những thử thách cam go bằng chính tấm gương của bản thân mình, của đội ngũ những người thân cận, một lòng một dạ vì sự nghiệp chung, sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp đó. Những giá trị đó không phải ngày một, ngày hai mà có được, nó chỉ có khi văn hóa tổ chức đó hàng ngày bồi đắp và phát triển cho mỗi cá nhân, cho cả cộng đồng hướng tới mục đích chung, vì lợi ích chung, trong đó có lợi ích của mỗi thành viên. Chính nhờ có văn hóa lãnh đạo, quản lý lành mạnh, chúng ta có thể vượt qua được những khó khăn của khủng hoảng tài chính, giữ vững những mục tiêu kinh tế – xã hội và phát triển con người.
Có thể khẳng định rằng, chính thực tiễn đổi mới 25 năm qua đã cho chúng ta những bài học vô cùng quý giá để tiếp tục đổi mới thành công. Chính thực tiễn cũng chỉ ra rằng, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng cầm quyền, phương thức quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN, phương thức hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự, đổi mới hệ thống chính trị, đổi mới cơ chế lãnh đạo, quản lý, sẽ là những giải pháp hữu hiệu để đổi mới văn hóa lãnh đạo, quản lý. Chắc chắn rằng, đổi mới công tác cán bộ, đội ngũ cán bộ sẽ là một giải pháp hàng đầu của quá trình đổi mới văn hóa lãnh đạo, quản lý ở nước ta hiện nay. Đổi mới văn hóa lãnh đạo, quản lý chính là giải pháp quan trọng để phát triển xã hội ở Việt Nam trong giai đoạn CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, thực hiện thắng lợi những mục tiêu xã hội mà Đại hội XI của Đảng đã đề ra.
_________________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 12-2011
(1) P.Ducker: Những thách thức của quản lý trong thế kỷ XXI, NXB Trẻ, 2003, tr.60.
(2) Chu Trọng Lương: Thế kỷ XXI làm lãnh đạo như thế nào? NXB Hà Nội, 2003, tr.263-265.
PGS, TS Phạm Ngọc Thanh
Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn