Văn miêu tả

Văn miêu tả trong chương trình lớp 6 giúp học sinh hiểu được thế nào là văn miêu tả và khi nào thì cần miêu tả. Sau khi giới thiệu chung về văn miêu tả, sẽ đi vào hai kiểu bài: tả cảnh và tả người. Tả cảnh gồm cảnh thiên nhiên nhiên và cảnh sinh hoạt; tả người gồm tả chân dung và tả người trong một hoạt động cụ thể.

Về kĩ năng, học sinh chủ yếu được rèn luyện các kĩ năng miêu tả chung như quan sát, nhận xét, so sánh, tưởng tượng…; kĩ năng lựa chọn chi tiết và xây dựng bài văn tả cảnh, tả người.

Về cách thể hiện, chương trình lớp 6 yêu cầu miêu tả một cách có thứ tự, cân đối, hài hòa, làm nổi bật được đặc điểm của đối tượng.

KHÁI NIỆM VĂN MIÊU TẢ

[edit]

Văn miêu tả là loại văn nhằm giúp người đọc, người nghe hình dung những đặc điểm, tính chất nổi bật của một sự vật, sự việc, con người, phong cảnh,… làm cho những cái đó như hiện lên trước mắt người đọc, người nghe
.

ĐẶC ĐIỂM CỦA VĂN MIÊU TẢ

[edit]

Qua văn miêu tả, người đọc không chỉ nhận biết được đặc điểm cụ thể về vẻ bề ngoài (màu sắc, hình dáng, kích thước, trạng thái,…) mà còn nhận biết được tính chất tiêu biểu, bản chất bên trong của đối tượng, sự vật. Từ đó, người đọc hình dung và nhận ra ngay được sự vật, con người được miêu tả. Qua đó, năng lực quan sát của người viết, người nói thường bộc lộ rõ nhất. 

  Để miêu tả cho hay, cho tốt, cần chú ý những gì?

Trước hết, cần phải nắm được các kĩ năng quan sát, tưởng tượng, so sánh, nhận xét đối tượng được tả, cần tả. Tuy nhiên, dưới đây chỉ là những thao tác chung nhất của việc tả (hành động tả) chứ chưa phải là viết bài văn miêu tả. Để viết được bài văn miêu tả cần những điều kiện khác nữa nhưng trước hết cần nắm được các thao tác của việc tả nói chung.

KĨ NĂNG LÀM VĂN MIÊU TẢ

[edit]

1. KĨ NĂNG QUAN SÁT, GHI CHÉP

  • Đối tượng của văn miêu tả là những sự vật, sự việc, là thế giới thiên nhiên, là con người và cuộc sống con người; đó là một thế giới hết sức đa dạng, phức tạp và sống động, vì vậy cần phải quan sát và ghi chép để hiểu và nắm vững được đặc điểm của từ ng sự vật, con người.

  • Tập thói quen quan sát hằng ngày và tự đặt ra các câu hỏi để giải đáp, tìm hiểu và khắc sâu vào trí nhớ những hình ảnh về cuộc sống xung quanh. 

  • Việc quan sát không chỉ từ những đối tượng trực tiếp trong cuộc sống hằng ngày mà còn từ nhiều nguồn khác nhau như trên truyền hình, đọc sách – báo hay qua tranh ảnh, qua các tác phẩm văn học,…

 Cho đoạn văn sau: Cái chàng dế choắt, người gầy gò và dài lêu nghêu như một gã nghiện thuốc phiện. Đã thanh niên rồi mà cánh chỉ ngắn củn đến giữa lưng, hở cả mạng sườn như người cởi trần mặc áo ghi-lê. Đôi càng bè bè, nặng nề trông đến xấu. Râu ria gì mà cụt có một mẩu và mặt mũi thì lúc nào cũng ngẩn ngẩn ngơ ngơ”.

Đoạn văn trên tái hiện lại hình ảnh ốm yếu, tội nghiệp của chú Dế Choắt (nhằm đối lập với hình ảnh khỏe khoắn, mạnh mẽ của Dế Mèn) qua các từ ngữ: gầy gò, lêu nghêu, bè bè, nặng nề, ngẩn ngẩn, ngơ ngơ… => Từ đó cho thấy tác giả có kĩ năng quan sát tỉ mỉ.

2. KĨ NĂNG TƯỞNG TƯỢNG

Vai trò của trí tưởng tượng: 

  • Là yếu tố làm nên sự phong phú cho các hình ảnh trong bức tranh miêu tả. 

  • Giúp người làm văn miêu tả tìm được những từ ngữ và biện pháp nghệ thuật phù hợp để bài văn miêu tả hấp dẫn hơn.

 Cho đoạn văn sau: Dòng sông Năm Căn mênh mông, nước ầm ầm đỏ ra biển ngày đên như thác, cá nước bơi hàng đàn đen trũi nhô lên hụp xuống như người bơi ếch giữa những đầu sóng trắng. Thuyền xuôi giữa dòng con sông rộng ngàn thước, trông hai bên bờ, rừng đước dựng lên cao ngất như hai dãy trường thành vô tận”.

Trong đoạn văn trên, bằng trí tưởng tượng của tác giả, người đọc thấy được cảnh tượng thiên nhiên hùng vĩ (qua các từ ngữ như mênh mông, nước ầm ầm đổ, rộng ngàn thước, cao ngất…), hình ảnh dòng sông với dòng nước mạnh mẽ được tưởng tượng với thác, cá nước nhiều tới mức như những người bơi ếch giữa những đầu sóng trắng, rừng đước hai bên bờ cao như hai dãy trường thành dài vô tận. Chính nhờ trí tưởng tượng của tác giả, người đọc thấy được quang cảnh vừa đẹp, vừa thơ mộng, vừa mênh mông hùng vĩ của sông nước Cà Mau.

  • So sánh là hệ quả của quá trình liên tưởng, tưởng tượng.
  • Vai trò: 

    Khi quan sát một đối tượng nào đó, hình ảnh của đối tượng ấy thường gợi cho người quan sát nghĩ tới những hình ảnh khác có cùng nét tương đồng. Đó chính là sự so sánh , liên tưởng làm cho bài văn miêu tả thêm sinh động, hấp dẫn.

  • Phân loại các kiểu so sánh

        – So sánh người với người: “Với gương mặt phúc hậu, trông bà hệt như bà tiên trong truyện cổ tích”   

        – So sánh người với con vật: “Trông anh ta như một con gấu”

        – So sánh người với cây cối: “Cô bé như một cây lúa non”    

        – So sánh người với các hiện tượng tự nhiên: “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào” 

        – So sánh vật với vật, cảnh với cảnh: “Măng chồi lên nhọn hoắt như một mũi gai khổng lồ”


So sánh vật với người: “Cây bưởi như một người mẹ cần mẫn”

        – So sánh theo hướng thu nhỏ lại: “Trái đất như một giọt nước màu xanh lơ lửng…” 

        – So sánh theo hướng phóng đại: “Chiếc lá tre giống như một chiếc thuyền chòng chành trên sóng nước”

        – So sánh theo hướng cụ thể hóa: “Từ sau hôm gặp sứ giả, chú bé lớn nhanh như thổi”

        – So sánh theo hướng trừu tượng hóa:  “Nước biển chiều nay xanh như một trang sử của loài người”

  • Lưu ý: 

        – Phải biết sáng tạo, tìm ra điểm mới, điểm riêng để so sánh. 

        – Không nên lặp đi lặp lại một hình ảnh so sánh quá cũ, gây nhàm chán. 

 Cho đoạn văn sau: “Mùa xuân, cây gạo gọi đến bao nhiêu là chim. Từ xa nhìn lại, cây gạo sừng sững như một tháp đèn khổng lồ. Hàng ngàn bông hoa là hàng ngàn ngọn lửa hồng tươi. Hàng ngàn búp nõn là hàng ngàn ánh nến trong xanh. Tất cả đều lóng lánh, lung linh trong nắng. Chào mào, sáo sậu, sáo đen… đàn đàn lù lũ bay đi bay về, lượn lên lượn xuống. Chúng gọi nhau, trò chuyện, trêu ghẹo và tranh cãi nhau, ồn mà vui không thể tưởng được. Ngày hội mùa xuân đấy!”

Trong đoạn văn, tác giả đã so sánh cây gạo nhìn từ xa trông như một tháp đèn khổng lồ, so sánh hàng ngàn bông hoa với hàng ngàn ngọn lửa hồng tươi, so sánh hàng ngàn búp nõn với hàng ngàn ánh nến trong xanh.

Các hình ảnh so sánh đặc sắc ở trong đoạn văn đã tái hiện được chân thực, độc đáo và thú vị trong mắt người đọc về sức sống của cây gạo vào mùa xuân.

4. KĨ NĂNG NHẬN XÉT

  • Kĩ năng nhận xét là dấu ấn riêng của người viết, đó chính là tình cảm, cảm xúc, là thái độ của người viết đối với đối tượng được miêu tả. 

  • Cách bộc lộ thái độ: 

    Bằng những câu cảm thán, hoặc những lời bình, hình ảnh miêu tả, nhận xét trực tiếp. 

 Chà! Béo ơi là béo!

 Thái độ mỉa mai và những nhận xét về ngoại hình về nhân vật của nhà văn Vũ Trọng Phụng trong đoạn văn: “Vậy thì bà nằm đó. Nhưng thoạt trông đố ai dám bảo là một người. Nếu người ta chưa nom rõ cái mặt phị, cái cổ rụt, cái thân nung núc, và bốn chân tay ngắn chùn chùn, thì phải bảo là một đống hai ba cái chăn bông cuộn lại với nhau, sắp đem cất đi. Thật thế, bà béo lắm, một cái béo rất hùng vĩ, ít ai có thể tưởng tượng được. Mùa hè, ai trông thấy bà mà không phát ngấy thì tôi không phải là người.(Trích truyện ngắn “Phành phạch”)

PHÂN LOẠI VĂN MIÊU TẢ VÀ YÊU CẦU CHUNG CỦA MỘT BÀI VĂN MIÊU TẢ

[edit]

DẠNG 1. VĂN TẢ NGƯỜI

1. MỞ BÀI

  • Giới thiệu đối tượng cần miêu tả:

       – Đối tượng là ai? (Cần xác định rõ tuổi tác, nghề nghiệp, giới tính,…)

       – Có quan hệ như thế nào đối với người miêu tả?

       – Hoàn cảnh tiếp xúc gặp gỡ với đối tượng ấy có gì khác biệt?

  • Một số cách mở bài sáng tạo: 

       – Mở bài bằng một thông báo ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề. (Em có nhiều người bạn. Nhưng có lẽ thân thiết và gần gũi nhất vẫn là bạn X)

       – Mở bài bằng lời giới thiệu tình huống để đối tượng xuất hiện. (Cái Thư bạn tôi lạ lắm! Lần nào ngồi cùng nhau nó đều kể về mẹ nó, mẹ nó là một công nhân sửa đường. Một buổi sáng được nghỉ học, chúng tôi đến chỗ mẹ Thư làm việc.)

2. THÂN BÀI

Trình bày các đặc điểm và hình ảnh tiêu biểu của đối tượng cần miêu tả theo thứ tự hợp lí.

  • Tả hình dáng:

      – Tả bao quát về tuổi tác: Đối tượng được tả trông như thế nào? (già hay trẻ), tầm vóc (cao lớn hay nhỏ nhắn), dáng điệu (duyên dáng, nhanh nhẹn hay chậm chạp), nghề nghiệp (bác sĩ, công nhân,…), trang phục, cách ăn mặc,…

       – Tả chi tiết: Lựa chọn những nét nổi bật nhất của đối tượng để đặc tả (khuôn mặt, mái tóc, đôi mắt, cái miệng, làn da, chân tay,…)

  • Tả tính tình – hoạt động:

       – Tính tình của người đó như thế nào? (chất phác, vui nhộn hay dễ cáu gắt,…).

       – Giọng nói ra sao? (nhẹ nhàng, dịu dàng hay sang sảng) Từ giọng nói ấy, nhận xét một phần tính cách ra sao?

       – Tư thế, cử chỉ, điệu bộ, cách cư xử với người khác (ân cần, chu đáo, hời hợt…) => Việc làm bộc lộ rõ đạo đức, tình cảm và tính nết của người được tả.

      – Hoạt động cụ thể: Đối tượng được tả đang làm gì? Làm như thế nào? Qua hoạt động ấy nhận xét về tính cách ra sao?

LƯU Ý: Xây dựng những nét đặc sắc của đối tượng cần miêu tả: nếu tả chân dung thì cần làm rõ đặc điểm ngoại hình và tính cách; nếu là tả người trong hoạt động thì cần tập trung vào cử chỉ, động tác. Từ đó lựa chọn hình ảnh tiêu biểu cho đối tượng.

3. KẾT BÀI

  • Nêu cảm nghĩ về đối tượng miêu tả (yêu quý, biết ơn, kính trọng, nể phục, sung sướng, hạnh phúc,…)

  • Một số cách kết bài: 

       – Kết bài bằng một câu tả. (Dáng hình nhỏ nhắn, xinh xắn của mẹ luôn khiến tôi cảm thấy yêu thương và gần gũi.)

       – Kết bài bằng một lời mở ý hoặc để lửng. (Và mỗi sáng, mỗi chiều, cậu bé có đôi chân kì diệu ấy vẫn cùng lũ trẻ chơi đùa trên bãi cỏ. Theo đôi chân cậu, trái bóng cứ lăn tròn, lăn tròn)

       – Kết bài bằng một vài lời tâm tình trực tiếp với đối tượng được miêu tả. (Con yêu mẹ biết bao. mẹ ơi!)

DẠNG 2.

VĂN TẢ CẢNH

1. MỞ BÀI

  • Giới thiệu đối tượng cần miêu tả 

       – Đối tượng là gì? (cảnh thiên nhiên hay cảnh sinh hoạt)

       – Cảnh ở đâu? Thời gian tả cảnh vào lúc nào?

  • Một số cách mở bài sáng tạo: 

       – Mở bài bằng một thông báo ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề. (Ngày chưa tắt hẳn, trăng đã lên rồi)

      – Mở bài bằng lời giới thiệu tình huống để đối tượng xuất hiện. (Ai đã một lần được ngắm cảnh mặt trời lên trên biển thì sẽ chẳng bao giờ quên được, đó là những khoảnh khắc vô cùng hùng vĩ của thiên nhiên ban tặng cho con người. Thiên nhiên vốn có nhiều cảnh đẹp, nhưng có lẽ hình ảnh mặt trời mọc trên biển ở đảo Cô Tô để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc khó quên.)

2. THÂN BÀI

  • Có thể lựa chọn trình tự miêu tả phù hợp (không gian, thời gian) tùy theo cách miêu tả của người viết; lựa chọn các chi tiết phù hợp với nội dung và dụng ý miêu tả.

      – Đối với văn tả cảnh thiên nhiên cần có sự chuyển động, thay đổi để tạo nên sự hấp dẫn cho bài miêu tả, tuy nhiên cần đảm bảo các tiêu chí sau:

             + Tả bao quát chung (hình dáng, màu sắc, khung cảnh chung, thời tiết,… nhìn từ xa đến gần, từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, từ mùa này qua mùa khác…)

             + Tả chi tiết, cụ thể những đặc điểm nổi bật của cảnh theo từng góc nhìn, thời điểm.

      – Đối với văn tả cảnh sinh hoạt, cần chú trọng tả theo trình tự thời gian và trình tự hoạt động của đối tượng:

             + Quan sát và lựa chọn những hình ảnh cụ thể trước, trong và sau hoạt động được miêu tả, không gian từ ngoài vào trong, từ xa đến gần, từ khái quát đến cụ thể hoặc ngược lại.

             + Âm thanh, trang phục, hành động, cử chỉ, nét mặt, điệu bộ của con người…

3. KẾT BÀI

  • Nêu cảm nghĩ về đối tượng miêu tả.

  • Một số cách kết bài: 

       – Kết bài bằng một câu tả. (Cánh đồng lúa ngào ngạt hương thơm. Lan xa. Lan xa…)

       – Kết bài bằng một lời mở ý hoặc để lửng. (Huế trở mình thức dậy trong nhịp chuyển động mới, nhộn nhịp hơn.)

       – Kết bài bằng một vài lời tâm tình trực tiếp với đối tượng được miêu tả. (Cảm ơn mùa xuân! Cảm ơn những điều kì diệu mà trời đất đã ban tặng cho con người!)


CÁC YẾU TỐ NGHỆ THUẬT TRONG VĂN MIÊU TẢ

[edit]

1. TRÌNH TỰ TRONG VĂN MIÊU TẢ

Việc sắp xếp trình tự trong văn miêu tả rất linh hoạt. Lựa chọn trình tự nào là tùy thuộc vào đối tượng được miêu tả hoặc điểm nhìn của người tả. Có một số trình tự sau:

1.1. Trình tự thời gian 

Trình tự này thường được dùng trong các dạng văn tả cây cối, tả cảnh thiên nhiên, tả cảnh sinh hoạt. Trong một năm thì tả theo trình tự mùa; trong ngày thì tả theo buổi; khi tả một sự việc thì tả theo diễn biến từ mở đầu đến kết thúc. 

 Cho đoạn văn bản sau: 

“Tuy rét vẫn kéo dài, mùa xuân đã đến bên bờ sông Lương. Mùa xuân đã điểm các chùm hoa đỏ mọng lên những cành cây gạo chót vót giữa trời và trải màu lúa non sáng rực lên khắp mặt đất mới cách ít ngày còn trần trụi đen xám. Trên những bãi đất phù sa mịn hồng mơn mởn, các vòm cây quanh năm xanh um đã dần dần chuyển màu lốm đốm, như được rắc thêm một lớp bụi phấn hung vàng. Các vườn nhãn, vườn vải đang trổ hoa. Và hai bên ven con sông nước êm đềm trong mát, không một tấc đất nào bỏ hở. Ngay dưới lòng sông, từ sát mặt nước trở lên, những luống ngô, đỗ, lạc, khoai, cà … chen nhau xanh rờn phủ kín các bãi cát mùa này phơi cạn.

Mùa xuân đã đến. Những buổi chiều nắng ấm, từng đàn chim én từ dãy núi biếc đằng xa bay tới, lượn vòng trên những bến đò, đuổi nhau xập xè chung quanh những mái nhà tỏa khói. Những ngày mưa phùn, người ta thấy trên bãi soi dài nổi lên đây đó giữa sông, những con giang, con sếu cao gần bằng người, không biết từ đâu bay về, theo nhau lững thững bước thấp thoáng trong bụi mưa trắng xóa. Có những buổi cả một quãng sông phía gần chân núi bỗng rợp đi vì hàng ngàn đôi cánh của những đàn sâm cầm tới tấp sà xuống, chẳng khác nào từng đám mây bỗng rụng xuống tan biến trong các đầm bãi rậm rạp lau sậy.

Mùa xuân đã đến hẳn rồi, đất trời lại một lần nữa đổi mới, tất cả những gì sống trên trái đất lại vươn lên ánh sáng mà sinh sôi nảy nở với một sức mạnh không cùng. Hình như từng kẽ đá khô cũng cựa mình vì một lá cỏ non vừa xòe nở, hình như mỗi giọt khí trời cũng rung động không lúc nào yên vì tiếng chim gáy, tiếng ong bay.”

(Nguyễn Đình Thi)

Trong phần văn bản trên, nhà văn đã khéo léo làm nổi bật những đổi thay của cảnh vật thiên nhiên từ khi mùa xuân chớm về xua tan cái rét mùa đông (Mùa xuân đã điểm các chùm hoa đỏ mọng lên những cành cây gạo chót vót giữa trời và trải màu lúa non sáng rực lên khắp mặt đất mới cách ít ngày còn trần trụi đen xám), rồi mùa xuân về thật và cho đến khi mùa xuân đã đến hẳn rồi.

1.2. Trình tự không gian

Trình tự này thường được dùng trong dạng văn miêu tả cảnh thiên nhiên và cảnh sinh hoạt. Có thể theo trình tự từ xa đến gần, từ bao quát đến cụ thể; có thể đi từ trái qua phải, từ trên xuống dưới, từ trước ra sau, từ ngoài vào trong,… tùy theo điểm nhìn và vị trí quan sát của người miêu tả. 

Ngoài hai trình tự trên, người viết có thể sắp xếp theo trình tự đặc điểm của đối tượng; trình tự cảm xúc cá nhân hoặc kết hợp cả hai trình tự trên.

 Cho đoạn văn bản sau: 

Luỹ làng là một vành đai phòng thủ kiên cố! Luỹ làng có ba vòng bao quanh làng. Màu xanh là màu của luỹ:

Luỹ ngoài cùng, trồng tre gai, thứ tre gốc to, thân to nhưng ngoằn ngoèo không thẳng, cành rậm, đan chéo nhau. Mỗi nhánh tre lại có những gai tre nhọn hoắt, rất cứng, mà những ai bén mảng vào ven luỹ, vô ý giẫm phải, khêu nhổ cũng khá phiền.

Luỹ tre ngoài cùng này không đốn, tre đời nọ truyền đời kia. Tre cụ, tre ông, tre bà, tre cha, tre mẹ, tre con, tre cháu, chút chít, chằng chéo bằng ngọn bằng tán, bằng cách ấy khiến con sẻ bay cũng không lọt … Những gốc tre cứ to bự lên, chuyển thành màu mốc, khép kín vào nhau, thành bức tường thành bằng tre, mà với chiến tranh giáo mác, voi ngựa thủa xưa, muốn đột nhập vào làng chẳng dễ gì!

Luỹ giữa làng cũng toàn tre nhưng là loại tre thẳng (tre hoá). Luỹ trong cùng tre càng thẳng hơn. Tre óng chuốt vươn thẳng tắp, ngọn không dày và rậm như tre gai. Suốt năm tre xanh rờn đầy sức sống. Và đến mùa đổi lá thì toàn bộ tán xanh chuyển thành một màu vàng nhạt. Khi một trận gió mùa lay gốc, tầng tầng lá nối nhau bay xuống tạo thành một rải vàng… Tre luỹ làng thay lá… Mùa lá mới oà nở, thứ màu xanh lục, nắng sớm chiếu vào trong như màu ngọc, đẹp như loài cây cảnh quần thể, báo hiệu một mùa hè sôi động. Thân tre cứng cỏi, tán tre mềm mại. Mưa rào ập xuống, rồi trời tạnh, mối cánh, chuồn chuồn đan cài trong bầu trời đầy mây xốp trắng. Nhìn lên, những ngọn tre thay lá, những búp tre non kín đáo, ngây thơ, hứa hẹn sự trưởng thành, lòng yêu quê của con người được bồi đắp lúc nào không rõ!…

Dưới gốc tre, tua tủa những mầm măng. Măng trồi lên nhọn hoắt như một mũi gai khổng lồ xuyên qua đất luỹ mà trỗi dậy, bẹ măng bọc kín thân cây non, ủ kĩ như áo mẹ trùm lần trong lần ngoài cho đứa con còn non nớt. Ai dám bảo thảo thảo mộc tự nhiên không có tình mẫu tử?…

(Ngô Văn Phú)

Đoạn văn bản trên miêu tả lũy tre làng theo trình tự không gian: từ ngoài vào trong, từ lũy tre ngoài cùng với “những gốc tre to bự, khép kín vào nhau thành vức tường thành bằng tre” cho đến lũy giữa làng và lũy trong cùng; từ trên xuống dưới, từ tán lá tre cho đến thân tre và gốc tre.

2. NGÔN NGỮ TRONG VĂN MIÊU TẢ

  • Ngôn ngữ trong văn miêu tả phong phú, giàu hình ảnh và có sức biểu cảm lớn. Thông thường các từ láy, từ tượng hình hay tượng thanh đáp ứng được yêu cầu này.

  • Phải đảm bảo được tính chính xác. Phải chọn đúng từ ngữ diễn tả chính xác cái thần, cái hồn của đối tượng miêu tả.

  • Ngôn ngữ phải có sự liên tưởng, khơi gợi trí tưởng tượng của người đọc. Các từ ngữ trong văn miêu tả không chỉ mang nghĩa đen mà còn có nhiều lớp nghĩa bóng.

  • Câu văn tả không chỉ cần đúng mà còn phải hay. Có thể đan xen câu bình thường với câu đặc biệt, câu đơn với câu phức, câu dài với câu ngắn,… cũng có thể dùng câu đảo ngữ để gây ấn tượng. 

3. YẾU TỐ TRỮ TÌNH TRONG VĂN MIÊU TẢ

3.1. Khái niệm 

Hình ảnh thiên nhiên và con người được phản ánh trong văn miêu tả thông qua cảm nhận của người viết. Người viết không nên sao chép bức tranh cuộc sống một cách máy móc, khô khan mà phải có thái độ rõ ràng, có tấm lòng, tâm hồn nhạy cảm và biết rung động trước cái đẹp. Đó là chất trữ tình trong văn miêu tả.

3.2. Phân loại

Có hai cách bộc lộ chất trữ tình trong văn miêu tả:

  • Trực tiếp:  

    – Bằng những câu cảm thán hay trần thuật 

                      – Bằng những lời bình, lời nhận xét

  • Thông qua nghệ thuật sử dụng từ ngữ, câu văn

    Gián tiếp: –

Cũng có thể sử dụng kết hợp cả hai cách trên.

 Cho đoạn văn sau:

“Đến bấy giờ tôi mới kịp nhận ra mẹ tôi không còm cõi xơ xác quá như như cô tôi nhắc lại lời người họ nội của tôi. Gương mặt mẹ tôi vẫn tươi sáng với đôi mắt trong và nước da trắng mịn, làm nổi bật màu hồng của hai gò má. Hay tại sự sung sướng bỗng được trông nhìn và ôm ấp cái hình hài máu mủ của mình mà mẹ tôi lại tươi đẹp như thuở còn sung túc? Tôi ngồi trên đệm xe, đùi áp mẹ tôi, đầu ngả vào cánh tay mẹ tôi, tôi thấy những cảm giác ấm áp đã bao lâu mất đi bỗng lại mơn man khắp da thịt. Hơi quần áo mẹ tôi và những hơi thở ở khuôn miệng xinh xắn nhai trầu phả ra lúc đó thơm tho lạ thường.”

Đoạn văn trên miêu tả tâm trạng bé Hồng khi gặp mẹ thấm đẫm chất trữ tình. Có thể nhận thấy chất trữ tình thể hiện qua những điều mà bé Hồng nghĩ và đánh giá về mẹ của mình, về cảm xúc dành cho mẹ: “tôi mới kịp nhận ra mẹ tôi không còm cõi xơ xác quá”, “sự sung sướng bỗng được trông nhìn và ôm ấp cái hình hài máu mủ của mình mà mẹ tôi lại tươi đẹp như thuở còn sung túc”, “tôi thấy những cảm giác ấm áp đã bao lâu mất đi bỗng lại mơn man khắp da thịt”, “thơm tho lạ thường”.

Rate this post

Viết một bình luận