Văn nghị luận

KHÁI NIỆM VỀ VĂN NGHỊ LUẬN

[edit]

  • Nghị luận là một hình thức hoạt động ngôn ngữ phổ biến trong đời sống và giao tiếp của con người để nêu ý kiến, đánh giá, nhận xét, bàn luận về các sự việc, hiện tượng, vấn đề xã hội, tác phẩm nghệ thuật hay về ý kiến của người khác.

  • Trong đời sống, ta thường gặp văn nghị luận dưới dạng các ý kiến nêu ra trong cuộc họp, các bài xã hội luận, bình luận, bài phát biểu ý kiến trên báo chí,…

  • Văn nghị luận là văn được viết ra nằm xác lập cho người đọc, người nghe một tư tưởng, quan điểm nào đó. Muốn thế, văn nghị luận phải có luận điểm rõ ràng, có lí lẽ, dẫn chứng thuyết phục.

  • Những tư tưởng, quan điểm trong bài văn nghị luận phải hướng tới giải quyết những vấn đề đặt ra trong đời sống thì mới có ý nghĩa.

ĐẶC ĐIỂM CỦA VĂN NGHỊ LUẬN

[edit]

  • Vấn đề của văn nghị luận đặt ra nằm ở đề bài. Văn nghị luận bao giờ cũng nêu ra một vấn đề để bàn bạc và đòi hỏi người viết bày tỏ ý kiến của mình đối với vấn đề đó. Ngoài ra, đề bài còn cung cấp tính chất của đề như ngợi ca, phân tích, khuyên nhủ, phản bác,… đòi hỏi bài làm phải vận dụng các phương pháp phù

    hợp. Từ đó, y

    êu cầu của việc tìm hiểu đề là xác định đúng vấn đề, phạm vi, tính chất của bài nghị luận để làm bài khỏi sai lệch.

  • Mỗi bài văn nghị luận đều phải có luận điểm, luận cứ và lập luận. Trong một bài văn có thể có một luận điểm chính và các luận điểm phụ.

          – Luận điểm là quan điểm, là cách giải quyết, là tư tưởng cụ thể của người viết đối với vấn đề đem ra nghị luận, được diễn đạt sáng tỏ, dễ hiểu, nhất quán. Luận điểm là linh hồn của bài viết, nó thống nhất các đoạn văn thành một khối. Luận điểm phải đúng đắn, chân thật, đáp ứng nhu cầu thực tế thì mới có sức thuyết phục. Trong đó, luận điểm xuất phát đóng vai trò lí lẽ, luận điểm kết luận là cái đích hướng tới.

          – Luận cứ là lí lẽ, dẫn chứng đưa ra làm cơ sở cho luận điểm. Luận cứ phải chân thật, đúng đắn, tiêu biểu thì mới khiến cho luận điểm có sức thuyết phục.

          – Lập luận là cách vận dụng luận cứ để dẫn người nghe tới kết luận hoặc quan điểm mà người nói muốn đạt tới. Trong đó, luận cứ phải phù hợp với luận điểm, hay luận điểm định hướng cho việc lựa chọn luận cứ. Lập luận phải chặt chẽ, hợp lí thì bài văn mới có sức thuyết phục. Hệ thống từ lập luận được sử dụng trong văn nghị luận như là: thật vậy, tuy thế, cho nên, vì vậy, không chỉ… mà còn, có nghĩa là, giả sử, nếu như, trước hết, sau cùng, một mặt, mặt khác, nói chung, tóm lại, tuy nhiên, nhưng, bên cạnh đó,

 Trong văn bản “Tinh thần yêu nước của nhân dân ta” (Ngữ Văn 7, tập hai, Tr.24), ta thấy ngay ở đầu bài văn là luận điểm chính: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước”. Sau đó, tác giả giải thích để nêu bật tầm quan trọng của luận điểm. Tiếp theo là các luận điểm phụ: lòng yêu nước trong quá khứ và lòng yêu nước hiện tại. Các dẫn chứng được cung cấp bằng các đưa ra các ví dụ lịch sử (cho luận điểm phụ 1) và liệt kê các tầng lớp nhân dân (cho luận điểm phụ 2). Cuối cùng, rút ra kết luận về bổn phận của chúng ta: “làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến”. Các luận điểm, dẫn chứng để dẫn tới kết luận như vậy gọi là lập luận.

  • Sau khi tìm hiểu đề, xác định được vấn đề, luận điểm, luận cứ và cách lập luận cho bài làm thì bắt đầu lập ý.

BỐ CỤC VÀ PHƯƠNG PHÁP LẬP LUẬN KHI LÀM MỘT BÀI VĂN NGHỊ LUẬN

[edit]

  • Bố cục chung của bài văn nghị luận gồm có ba phần:

            – Mở bài: Nêu vấn đề có ý nghĩa đối với đời sống xã hội (luận điểm xuất phát, tổng quát).

            – Thân bài: Trình bày nội dung chủ yếu của bài (có thể có nhiều đoạn nhỏ, mỗi đoạn có một luận điểm phụ).

            – Kết bài: Nêu kết luận nhằm khẳng định tư tưởng, thái độ, quan điểm của bài.

  • Để xác lập luận điểm trong từng phần và mối quan hệ giữa các phần, người ta có thể sử dụng các phương pháp lập luận khác nhau:

            – Phương pháp suy luận nhân quả là phương pháp lập luận theo hướng ý trước nêu nguyên nhân, ý sau nêu hệ quả. Các ý thường được sắp xếp liền kề và theo trình tự “nhân” trước, “quả” sau. Tuy nhiên, trong thực tế, trình tự ấy có thể thay đổi: hệ quả nêu trước, nguyên nhân nêu sau (nhằm lí giải vấn đề).

 “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến này, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bãn nước và lũ cướp nước.” (Ngữ Văn 7, tập hai, Tr.24)

Đoạn văn trên cho thấy phương pháp suy luận nhân quả khi tác giả chỉ ra:

Nguyên nhân: Lòng yêu nước là truyền thống của nhân dân ta

Kết quả: Nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và cướp nước.

            – Phương pháp suy luận tổng – phân – hợp là phương pháp lập luận theo quy trình đi từ khái quát đến cụ thể, sau đó tổng hợp lại vấn đề.

 “Đồng bào ta ngày nay cũng rất xứng đáng với tổ tiên ta ngày trước. Từ cụ già tóc bạc đến các cháu nhi đồng trẻ thơ, từ kiều bào ở nước ngoài đến những đồng bào ở vùng tạm chiếm, từ nhân dân miền ngược đến miền xuôi, ai cũng một lòng nồng nàn yêu nước, ghét giặc. Từ những chiến sỹ ngoài mặt trận bám lấy giặc đặng tiêu diệt giặc, đến những công chức ở hậu phương nhịn ăn để ủng hộ bộ đội, từ những phụ nữ khuyên chồng con đi tòng quân mà mình thì xung phong giúp việc vận tải, cho đến các bà mẹ chiến sĩ săn sóc bộ đội như con đẻ của mình. Từ những nam nữ công nhân và nông dân thi đua tăng gia sản xuất , không quản khó nhọc để giúp một phần nào vào kháng chiến, cho đến những đồng bào điền chủ quyên ruộng đất cho Chính phủ ,….Những cử chỉ tuy khác nhau nơi việc làm, nhưng đều giống nhau nơi lòng nồng nàn yêu nước.” (Ngữ Văn 7, tập hai, Tr.24)

Đoạn văn trên cho thấy phương pháp suy luận tổng – phân – hợp khi tác giả đưa ra nhận định chung: “Đồng bào ta ngày nay cũng rất xứng đáng với tổ tiên ta ngày trước”. Sau đó, tác giả dẫn ra các dẫn chứng cụ thể từ mọi giai tầng, lứa tuổi, giới tính… Và kết luận lại: Mọi người đều có lòng nồng nàn yêu nước.

            – Phương pháp suy luận tương đồng là phương pháp suy luận trên cơ sở tìm ra những nét tương đồng nào đó giữa các sự vật, sự việc, hiện tượng. Chẳng hạn như suy luận tương đồng theo dòng thời gian, suy luận tương đồng trên trục không gian,…

 “Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quí. Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy. Nhưng cũng có khi được cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm. Bổn phẩn của chúng ta là làm cho nhưng của quí kín đáo ấy đều được đưa ra trưng bày. Nghĩa là phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến”. (Ngữ Văn 7, tập hai, Tr.24)

Đoạn văn trên cho thấy phương pháp suy luận tương đồng của tác giả khi từ truyền thống yêu nước suy ra bổn phận của chúng ta là phát huy lòng yêu nước.

            – Phương pháp suy luận tương phản là phương pháp suy luận trên cơ sở tìm ra những nét trái ngược nhau giữa các đối tượng, sự vật, sự việc, hiện tượng (so sánh tương phản bằng cách dùng cặp từ trái nghĩa, hoặc dùng các hình ảnh, các cụm từ có ý nghĩa trái ngược nhau).

 Trong cuộc sống không thiếu những người cho rằng cần học tập để thành tài, có tri thức hơn người khác mà không hề nghĩ tới việc rèn luyện đạo đức, lễ nghĩa, vốn là giá trị cao qúy nhất trong các giá trị của loài người. Những người luôn hợm mình, tự cao tự đại, nhiều khi trở thành những kẻ có hại cho xã hội. Đối với những người ấy, chúng ta cần giúp họ hiểu rõ lời dạy của người xưa: “Tiên học lễ, hậu học văn”.

(Nguyễn Quang Ninh)

Đoạn văn trên cho thấy phương pháp suy luận tương phản khi tác giả chỉ ra bên cạnh những người coi trọng đạo đức lễ nghĩa thì không thiếu những người có tài năng nhưng không có đạo đức.

Lưu ý: Trong quá trình lập luận, một văn bản, một đoạn văn có thể dùng một hoặc nhiều phương pháp suy luận.

CÁC PHÉP LẬP LUẬN TRONG BÀI VĂN NGHỊ LUẬN

[edit]

1. PHÉP LẬP LUẬN CHỨNG MINH

  • Khái niệm

Nói một cách đơn giản: “chứng” là những bằng cớ, “minh” là sáng tỏ, “chứng minh” là dùng những bằng cớ cụ thể để làm sáng tỏ một vấn đề nào đó.

  • Mục đích và phương pháp chứng minh

            – Trong đời sống, người ta dùng sự thật (chứng cứ xác thực) để chứng tỏ một điều gì đó là đáng tin.

            – Trong văn nghị luận, chứng minh là một phép lập luận dùng những lí lẽ, bằng chứng chân thực, đã được thừa nhận để chứng tỏ luận điểm mới (cần được chứng minh) là đáng tin cậy.

            – Các lí lẽ, bằng chứng dùng trong phép lập luận chứng minh phải được lựa chọn, thẩm tra, phân tích thì mới có sức thuyết phục.

            – Muốn làm bài văn lập luận chứng minh thì phải thực hiện bốn bước: tìm hiểu đề và tìm ý, lập dàn bài, viết bài, đọc lại và sửa chữa.

            – Dàn bài:

                    + Mở bài: Nêu luận điểm cần được chứng minh

                    + Thân bài: Nêu lí lẽ và dẫn chứng để chứng tỏ luận điểm là đúng đắn.

                    + Kết bài: Nêu ý nghĩa của luận điểm đã được chứng minh. Chú ý lời văn phần Kết bài nên hô ứng với lời văn phần Mở bài.

            – Giữa các phần và các đoạn văn cần có phương tiện liên kết.

2. PHÉP LẬP LUẬN GIẢI THÍCH

  • Khái niệm

Giải thích trong văn nghị luận là làm cho người đọc hiểu rõ các tư tưởng, đạo lí, phẩm chất, quan hệ,… cần được giải thích nhằm nâng cao nhận thức, trí tuệ, bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm cho con người.

  • Mục đích và phương pháp giải thích

            – Trong đời sống, giải thích là làm cho hiểu rõ những điều chưa biết trong mọi lĩnh vực.

            – Người ta thường giải thích bằng các cách: nêu định nghĩa, kể ra các biểu hiện, so sánh, đối chiếu với các hiện tượng khác, chỉ ra các mặt lợi, hại, nguyên nhân, hậu quả, cách đề phòng hoặc noi thoi,… của hiện tượng hoặc vấn đề được giải thích.

            – Bài văn giải thích phải có mạch lạc, lớp lang, ngôn từ trong sáng, dễ hiểu. Không nên dùng những điều không ai hiểu để giải thích những điều người ta chưa hiểu.

            – Muốn làm được bài giải thích tốt, phải học nhiều, đọc nhiều, vận dụng tổng hợp các thao tác giải thích phù hợp.

            – Muốn làm bài văn lập luận giải thích thì phải thực hiện các bước: tìm hiểu đề và tìm ý, lập dàn bài, viết bài, đọc lại và sửa chữa.

            – Dàn bài:

                    + Mở bài: Giới thiệu điều cần giải thích và gợi ra phương hướng giải thích.

                    + Thân bài: Lần lượt trình bày các nội dung giải thích. Cần sử dụng các cách lập luận giải thích phù hợp.

                    + Kết bài: Nêu ý nghĩa của điều được giải thích đối với mọi người.

            – Lời văn giải thích cần sáng sủa, dễ hiểu. Giữa các phần, các đoạn cần có liên kết.

CÁC DẠNG BÀI VĂN NGHỊ LUẬN

[edit]

1. NGHỊ LUẬN VỀ MỘT SỰ VIỆC, HIỆN TƯỢNG ĐỜI SỐNG

  • Tìm hiểu bài nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống

            – Nghị luận về một sự việc, hiện tượng trong đời sống xã hội là bàn về một sự việc, hiện tượng có ý nghĩa đối với xã hội, đáng khen, đáng chê hay có vấn đề đáng suy nghĩ.

            – Yêu cầu về nội dung của bài nghị luận này là phải nêu rõ được sự việc, hiện tượng có vấn đề; phân tích mặt sai, mặt đúng, mặt lợi, mặt hại của nó; chỉ ra nguyên nhân và bày tỏ thái độ, ý kiến nhận định của người viết.

            – Về hình thức, bài viết phải có bố cục mạch lạc; có luận điểm rõ ràng, luận cứ xác thực, phép lập luận phù hợp; lời văn chính xác, sống động.

  • Cách làm bài nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống

            – Muốn làm tốt bài văn nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống, phải tìm hiểu kĩ đề bài, phân tích sự việc, hiện tượng đó để tìm ý, lập dàn bài, viết bài và sửa chữa sau khi viết.

            – Dàn bài chung:

                    + Mở bài: Giới thiệu sự việc, hiện tượng cần bàn luận

                    + Thân bài: Liên hệ thực tế, phân tích các mặt; nêu đánh giá, nhận định.

                    + Kết bài: Kết luận, khẳng định, phủ định, lời khuyên.

            – Bài làm cần lựa chọn góc độ riêng để phân tích, nhận định; đưa ra ý kiến, suy nghĩ và cảm thụ riêng của người viết.

2. NGHỊ LUẬN VỀ MỘT VẤN ĐỀ, TƯ TƯỞNG ĐẠO LÍ

  • Tìm hiểu bài nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lí

            – Nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lí là bàn về một vấn đề thuộc lĩnh vực tư tưởng, đạo đức, lối sống,… của con người.

            – Yêu cầu về nội dung của bài nghị luận này là phải làm sáng tỏ các vấn đề tư tưởng, đạo lí bằng cách giải thích, chứng minh, so sánh, đối chiếu, phân tích… để chỉ ra chỗ đúng (hay chỗ sai) của một tư tưởng nào đó, nhằm khẳng định tư tưởng của người viết.

            – Về hình thức, bài viết phải có bố cục ba phần; có luận điểm đúng đắn, sáng tỏ; lời văn chính xác, sinh động.

  • Cách làm bài nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lí

            – Muốn làm tốt bài văn nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lí, ngoài các yêu cầu chung đối với mọi bài văn, cần chú ý vận dụng các phép lập luận giải thích, chứng minh, phân tích, tổng hợp.

            – Dàn bài chung:

                    + Mở bài: Giới thiệu vấn đề tư tưởng, đạo lí cần bàn luận.

                    + Thân bài: Giải thích, chứng minh nội dung vấn đề tư tưởng, đạo lí.

                                          Nhận định, đánh giá vấn đề tư tưởng, đạo lí đó trong bối cảnh của cuộc sống riêng.  

                    + Kết bài: Kết luận, tổng kết, nêu nhận thức mới, tỏ ý khuyên bảo hoặc tỏ ý hành động.

            – Bài làm cần lựa chọn góc độ riêng để giải thích, đánh giá và đưa ra được ý kiến của người viết.

3. NGHỊ LUẬN VỀ TÁC PHẨM TRUYỆN (HOẶC ĐOẠN TRÍCH)

  • Tìm hiểu bài nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích)

            – Nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích) là trình bày những nhận xét, đánh giá của mình về nhân vật, sự kiện, chủ đề hay nghệ thuật của một tác phẩm cụ thể.

            – Những nhận xét, đánh giá về truyện phải xuất phát từ ý nghĩa của cốt truyện, tính cách, số phận của nhân vật và nghệ thuật trong tác phẩm được người viết phát hiện và khái quát.

            – Các nhận xét đánh giá về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích) trong bài nghị luận phải rõ ràng, đúng đắn, có luận cứ và lập luận thuyết phục.

            – Bài nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích) cần có bố cục mạch lạc, có lời văn chuẩn xác, gợi cảm.

  • Cách làm bài nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích)

            – Bài nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích) có thể bàn về chủ đề, nhân vật, cốt truyện, nghệ thuật của truyện.

            – Bài làm cần đảm bảo đầy đủ các thành phần của một bài văn nghị luận:

                    + Mở bài: Giới thiệu tác phẩm (tùy theo yêu cầu cụ thể của đề bài) và nêu ý kiến đánh giá sơ bộ của mình.

                    + Thân bài: Nêu các luận điểm chính về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm; có phân tích, chứng minh bằng các luận cứ tiêu biểu và xác thực.

                    + Kết bài: Nêu nhận định, đánh giá chung của mình về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích).

            – Trong quá trình triển khai các luận điểm, luận cứ, cần thể hiện sự cảm thụ và ý kiến riêng của người viết về tác phẩm.

            – Giữa các phần, các đoạn của bài văn cần có sự liên kết hợp lí, tự nhiên.

4. NGHỊ LUẬN VỀ MỘT ĐOẠN THƠ (BÀI THƠ)

  • Tìm hiểu bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ

            – Nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ là trình bày nhận xét, đánh giá của mình về nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ, bài thơ ấy.

            – Nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ, bài thơ được thể hiện qua ngôn từ, hình ảnh, giọng điệu,… Bài nghị luận cần phân tích các yếu tố ấy để có những nhận xét, đánh giá cụ thể, xác đáng.

            – Bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ cần có bố cục mạch lạc, rõ ràng; có lời văn gợi cảm, thể hiện rung động chân thành của người viết.

  • Cách làm bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ

               – Bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ cần có bố cục mạch lạc theo các phần:

                    + Mở bài: Giới thiệu đoạn thơ, bài thơ và bước đầu nêu nhận xét, đánh giá của mình. (Nếu phân tích một đoạn thơ nên nêu rõ vị trí của đoạn thơ ấy trong tác phẩm và khái quát nội dung cảm xúc của nó).

                    + Thân bài: Lần lượt trình bày những suy nghĩ, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ, bài thơ.

                    + Kết bài: Khái quát giá trị, ý nghĩa của đoạn thơ, bài thơ.

             – Bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ cần nêu lên được các nhận xét, đánh giá và sự cảm thụ riêng của người viết. Những nhận xét, đánh giá ấy phải gắn với sự phân tích, bình giá ngôn từ, hình ảnh, giọng điệu, nội dung cảm xúc,… của tác phẩm.

Rate this post

Viết một bình luận