Vàng miếng SJC chênh quá cao, người dân chuyển sang mua vàng nhẫn 9999

Vàng miếng SJC chênh quá cao, người dân chuyển sang mua vàng nhẫn 9999 - Ảnh 1.

Người dân chuộng mua vàng nhẫn hơn sau khi giá vàng miếng SJC chênh với giá vàng thế giới gần 20 triệu đồng/lượng – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Cuối ngày hôm nay, 13-7, giá vàng thế giới ở mức 1.729,6 USD/ounce, quy đổi theo tỉ giá niêm yết tại ngân hàng tương đương 49 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, giá bán vàng miếng SJC chiều nay ở mức 68,2 triệu đồng/lượng, tức chênh lệch lên đến 19,2 triệu đồng/lượng. Giá mua vào ở mức 67,6 triệu đồng/lượng.

Công ty PNJ cũng niêm yết giá mua – bán vàng miếng SJC ở mức tương tự. Tại tiệm vàng Mi Hồng, giá bán vàng miếng SJC cũng ở mức 68,2 triệu đồng/lượng nhưng giá mua vào nhỉnh hơn, ở mức 67,75 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó giá bán vàng nhẫn 9999 lại thấp hơn nhiều. Tại Công ty SJC, giá bán vàng nhẫn 9999 ở mức 52,95 triệu đồng/lượng, giá mua vào ở mức 52,05 triệu đồng/lượng.

Tại Công ty PNJ, giá vàng nhẫn 9999 niêm yết ở mức 52,9 triệu đồng/lượng, mua vào 51,9 triệu đồng/lượng; còn giá tại Công ty DOJI là 51,5 triệu đồng/lượng (mua vào), 52,55 triệu đồng/lượng (bán ra).

Như vậy dù cùng là vàng 9999 nhưng giá vàng nhẫn đang thấp hơn giá vàng miếng SJC đến 15,25 triệu đồng/lượng.

Theo chuyên gia Trần Duy Phương, chính chênh lệch quá lớn trên đã kích thích người dân chuyển sang mua vàng nhẫn trong những ngày gần đây. Nhất là sau khi có nhiều ý kiến đặt vấn đề vì sao tồn tại chênh lệch quá lớn giữa vàng miếng SJC và giá vàng thế giới quy đổi trong suốt thời gian dài.

“Họ mua vì hai lý do, một là tranh thủ tích trữ trong lúc giá vàng ở mức thấp, hai là lo mua vàng miếng SJC lúc này rủi ro quá cao nếu có sự thay đổi về chính sách khiến giá vàng miếng “sập” về ngang giá vàng nhẫn”, ông Phương nói.

Đồng thời ông cho biết không chỉ người dân mà nhiều tiệm vàng cũng tranh thủ gom vàng nguyên liệu để làm vàng nữ trang, mỹ nghệ…

Giá vàng “đốt nóng” giá USD tự do

Chính lực mua vàng 9999 tăng trong những ngày gần đây đã “đốt nóng” giá USD tự do. Từ mức giá bán ra là 24.070 đồng/USD cuối tuần trước, giá bán USD tự do chiều nay đã lên mức 24.350 đồng/USD, tức tăng đến 280 đồng/USD. Giá mua USD tại thị trường tự do cũng lên mức 24.200 đồng/USD.

Nguyên nhân là giới kinh doanh gom USD tự do để nhập vàng theo đường biên mậu đẩy giá USD tự do tăng lên.

Còn tại các ngân hàng, giá bán USD cũng không ngừng tăng. Ngân hàng Vietcombank niêm yết giá bán USD chiều nay ở mức 23.530 đồng/USD, tăng khoảng 40 đồng/USD so với cuối tuần trước, mua vào ở mức 23.200 đồng/USD.

Tại Ngân hàng Sacombank, giá bán USD lên đến 23.724 đồng/USD, mua vào 23.272 đồng/USD.

Giá USD liên tục tăng trong những ngày gần đây trong khi giá EUR đi xuống khiến cho giá bán USD và EUR tại các ngân hàng đang “sát lại gần nhau”.

Theo giá niêm yết tại Ngân hàng Sacombank cuối ngày hôm nay, giá bán USD chỉ còn thấp hơn giá EUR 226 đồng. Giá bán USD ở mức 23.724 đồng/USD, trong khi giá bán EUR là 23.950 đồng/EUR. Ở chiều mua vào, giá mua USD cũng chỉ còn thấp hơn EUR 186 đồng.

Việc đồng USD được giao dịch gần bằng với giá EUR là chuyện chưa từng xảy ra trong 20 năm nay. Suốt thời gian qua đồng EUR liên tục mất giá trong khi USD lại không ngừng mạnh lên.

Trước đó vào đầu tháng 1-2021, giá bán EUR tại Ngân hàng Sacombank lên đến 28.140 đồng/EUR, mua vào ở mức 27.581 đồng/EUR. Đến ngày này năm ngoái, tức 13-7-2021, giá bán EUR tại Sacombank xuống mức 27.604 đồng/EUR, nhưng vẫn cao hơn giá bán USD cùng thời điểm đến 4.479 đồng.

Một số tiệm vàng cho hay việc đồng USD giao dịch gần ngang với EUR và nhiều ngoại tệ khác như CAD, AUD cũng giảm giá đã kích thích nhu cầu mua những đồng ngoại tệ này để tích trữ do đây cũng là những ngoại tệ phổ biến với người Việt Nam sau USD.

Euro lao xuống gần bằng USD Euro lao xuống gần bằng USD

TTO – Ngày 11-7, đồng euro giảm giá sâu nhất trong 20 năm qua, về mức gần bằng đồng USD trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng có nguy cơ kéo dài và đe dọa làm trầm trọng tình trạng suy thoái kinh tế tại châu Âu.

Rate this post

Viết một bình luận