Về học và làm theo Bác như nào cho có hiệu quả

 Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh dễ hay khó, như thế nào cho hiệu quả? Trả lời được câu hỏi này, mới có thể nhận thức đúng và có hành động đúng, không rơi vào sự giáo điều, máy móc, dẫn đến mất phương hướng trong chỉ đạo, và trong thực hiện học tập và làm theo Bác.

         DỄ HAY KHÓ

      Thực sự, ai đó đặt mục tiêu, học, làm theo Bác để trở thành một người như Bác – điều đó là khó có thể. Bởi để trở thành một người dành trọn niềm tin, sự tôn kính của cả dân tộc cũng như của nhân loại tiến bộ như Bác là cả một quá trình học tập, rèn luyện vất vả và quá trình ấy cũng phải diễn ra trong hoàn cảnh lịch sử rất đặc biệt.

Nhưng học và làm theo Bác chắc chắn không phải là cái gì đó quá cao siêu. Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người là chuẩn mực của tất thảy những việc diễn ra trong cuộc sống thường ngày, khi thật tâm, thì soi chiếu vào đó, ai cũng đều có thể thấy được những việc mình có thể học theo, làm theo Người.

      Đó có thể là một thái độ ứng xử, hoà nhã, đúng mực của người cán bộ trong mỗi lần tiếp xúc với dân; là sự nêu cao trách nhiệm, làm hết việc, chứ không làm hết giờ trong thực thi công vụ hàng ngày của mỗi người. Đó cũng có thể là một hành động sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ đồng nghiệp cùng hoàn thành nhiệm vụ; hay chỉ là sự sẵn lòng chia sẻ khó khăn với người khó khăn hơn mình… Làm tốt những điều này chính là mỗi người đã học làm theo tấm gương hết lòng phục vụ nhân dân; tình đoàn kết, thương yêu đồng chí, thương yêu con người – những giá trị đạo đức tốt đẹp được kết tinh trong con người của Bác. 

     Những điều học Bác thời gian qua đã được hiển thị trong nhiều công việc trong cuộc sống của người dân. Có thể kể gần đây nhất, trong những ngày tháng, khi cả nước gồng mình chống chọi với dịch COVID-19, biết bao tấm gương sống đẹp, sống trách nhiệm với xã hội đã xuất hiện, và những tấm gương này ở mọi lứa tuổi, mọi hoàn cảnh, điều kiện. Có cụ già ngoài 80, không quản mệt nhọc đã mang góp quả bí đao, mớ rau muống nhà trồng được; có em nhỏ nhịn ăn sáng để góp 100.000đ; người có điều kiện hơn thì góp tiền mua gạo, mua thiết bị y tế, mua thuốc men để trợ giúp người nghèo, người bệnh…; và, có người góp công, góp sức, ngày đêm không quản nắng mưa canh chốt, nhắc nhở người dân chấp hành kỷ luật trong đợt dịch… Còn nhiều việc tốt lớn, nhỏ khác của người dân, của người cán bộ trong đời thường, trong công việc không thể kể hết. Nhưng tất cả đều toát lên ở đó là trái tim nhân hậu, một lòng giúp đỡ, yêu thương đồng bào với mong mỏi đại dịch qua mau để đất nước từ bắc chí nam, để thế giới lại bình an như ngày nào. Đó là những việc làm từ tâm, là sự yêu thương con người, tinh thần đoàn kết, là tư duy độc lập, sáng tạo, là cách ứng xử văn hóa, tinh tế, đầy tính nhân văn… Những việc làm tưởng chừng giản dị đời thường ấy nhưng đó chính là những việc làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác.      

Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác là vô cùng rộng lớn, nhưng nói học và làm theo Người không khó là như thế.

      Học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không khó. Ai cũng có thể làm. Thế nhưng tại sao, mỗi khi đánh giá, chúng ta lại tỏ ra lúng túng? Tại sao vẫn khó khăn trong phân biệt việc học Bác, làm theo Bác và những việc tốt bình thường ngày? Đây cũng là lý do thời gian qua, có địa phương đơn vị nhận định, việc làm theo tư tưởng tấm gương đạo đức của Người vẫn chưa đi vào chiều sâu, và chưa thực chất.

 

Tư tưởng Hồ Chí Minh là hệ thống các quan điểm toàn diện, sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam. Đó là tư tưởng dân tộc, mối quan hệ dân tộc – giai cấp và cách mạng giải phóng dân tộc; tư tưởng về chủ nghĩa xã hội và con đường quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội; tư tưởng về đại đoàn kết dân tộc; về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; tư tưởng về Đảng Cộng sản Việt Nam; về xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân; tư tưởng nhân văn và văn hóa.

 

      

         ĐỂ THỰC SỰ HIỆU QUẢ

         Để thực hiện học tập và làm theo Bác thực sự hiệu quả, có 3 việc cần lưu tâm:

       Thứ nhất về học tập, cần tổ chức và đổi mới hình thức học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác hơn nữa. Phải hiểu Bác mới làm theo Bác đúng được. Phải hiểu tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác là gì thì mới tự giác làm theo Bác hiệu quả. Thực tế, cũng có những điển hình được khen thưởng trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở nhiều cấp, nhưng khi được hỏi đã học và làm theo Bác ở điểm nào thì lại rất lúng túng. Chính vì vậy, chưa thể nói nhiều đến việc làm sao làm theo Bác cho hiệu quả khi chưa hiểu thật sâu sắc về Người. Đây là điểm rất cần được khắc phục tới đây.

    Việc học là sự nghiệp suốt đời của mỗi người. Học theo Bác cũng vậy, cần là việc học thường xuyên liên tục. Đó là việc tự học, tự trau dồi mỗi ngày; học từ tổ chức, từ tập thể nơi mình sinh sống, làm việc; có thể học qua sách vở, học qua các tấm gương, qua các mô hình điển hình; học qua truyền miệng, qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Đã có nhiều cách làm sáng tạo, linh hoạt từ các địa phương và các tổ chức. Bên cạnh những cách học truyền thống như vậy cũng có một số cách học đơn giản, dễ hiểu, dễ tiếp thu đó là học tập, truyền dạy thông qua việc khai thác những câu văn, thơ, câu nói ngắn gọn, những điển ngữ mà Người đã sử dụng để người học dễ nhớ, dần thẩm thấu tu tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Và trong từng lĩnh vực cụ thể, trong từng thời điểm cụ thể, Bác cũng có những câu nói trở thành chân lý của thời đại. Kho tàng tư tưởng, đạo đức, phong cách của của Chủ tịch Hồ Chí Minh những câu nói dễ nghe và dễ nhớ; khi nhớ thì dễ ngấm và khó quên. Nếu khai thác tốt nguồn tư liệu này, các cá nhân, các đơn vị, tổ chức tiếp tục tổ chức vận dụng trong những hoàn cảnh cụ thể, phù hợp, điều này sẽ khiến cho cán bộ, quần chúng thêm hiểu sâu, từ đó ngấm dần tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, từng bước làm theo và đặc biệt dần hiểu mình đã vận dụng, làm theo Bác được điểm nào.

       Cùng với đó việc học tập có thể bằng cách các tổ chức, đơn vị khai thác, tận dụng tối đa các diễn đàn, các nền tảng công nghệ để lồng ghép, hướng dẫn và “lôi kéo” công chúng cùng tham gia tương tác về những chủ đề cụ thể liên quan đến tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chỉ khi tiếp xúc thường xuyên bằng nhiều cách, công chúng sẽ phải liên tục tìm đọc, nghe, xem… và cứ đều đặn như vậy, tư tưởng, đạo đức, phong cách, những câu nói giản dị nhưng sâu sắc, mang tầm thời đại của Người sẽ thấm dần vào tâm trí người được tác động và đó là cơ sở để biến những điều trên giấy tờ thành những hành động cụ thể. 

      Thứ hai về làm theo,học, hiểu tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác rồi, nhưng điều đó chỉ thật sự có giá trị khi những điều đã học được hiện thực hóa trong cuộc sống, trong từng công việc. cần phải tiếp tục đổi mới, sáng tạo hơn trong cách làm, đặc biệt là cần phải gắn chặt với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương, đơn vị. 

       Ví dụ: các cơ quan làm công tác ngoại giao có thể học tập làm theo tư tưởng: Dĩ bất bất biến ứng vạn biến, lấy lợi ích quốc gia, dân tộc trong đối ngoại; học về Đạo đức đó là: Tinh thần quốc tế trong sáng “giúp bạn là tự giúp mình”; học về Phong cách đó là: Giản dị, quần chúng trong hoạt động đối ngoại của Bác sẽ hiệu quả hơn việc học Bác tiết kiệm so với các đơn vị sản xuất. Hay, các cơ quan hành chính học làm theo Bác, về tư tưởng học: lấy dân là gốc; về đạo đức, học: cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; về phong cách, học: gần dân, lắng nghe dân, quan tâm đến vấn đề thiết yếu của dân sẽ hiệu quả hơn việc học làm theo đạo đức: yêu thương con người như các cơ quan làm công tác nhân đạo.

     Tư tưởng, tấm gương, đạo đức của Bác chỉ phát huy hiệu quả khi tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã thấm sâu vào trong suy nghĩ và trở thành hành động tự giác của mỗi người, mỗi cơ quan đơn vị. Mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân nên chọn ra một số nội dung trọng tâm, trọng điểm trong tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác phù hợp với nhiệm vụ chính trị của mình, phù hợp với bối cảnh cụ thể để học tập sâu, tổ chức thực hiện kỹ. Như vậy, kết quả làm theo Bác sẽ thiết thực và hiệu quả hơn so với cách làm hiện tại. 

Thứ ba,đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không phải tự nhiên mà có. Đấy là kết quả nêu gương, nói đi đôi với làm, xây đi đôi với chống, và đặc biệt là phải rèn luyện bền bỉ, hàng ngày, rèn luyện suốt đời của Bác. Để học và làm theo Bác hiệu quả, cùng với học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách, cũng cần phải nắm chắc, và làm theo nguyên tắc, phương pháp rèn luyện đạo đức, phong cách của Người. Điều này là hết sức quan trọng tránh tình trạng học và làm Bác kiểu phong trào.

Đạo đức Hồ Chí Minh là tuyệt đối trung thành, kiên định lý tưởng cách mạng, đặt lợi ích của Đảng, đất nước, dân tộc lên trên tất cả… là cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; đó là độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội; yêu thương con người, tinh thần đoàn kết quốc tế trong  sáng. 

 

       Trong việc rèn luyện đạo đức, tác phong, Người không chỉ nêu lên những nội dung của việc tu dưỡng để có đạo đức, tác phong cách mạng mà Người còn chỉ rõ những nguyên tắc trong rèn luyện. Muốn có đạo đức, tác phong cách mạng, trước hết nói phải đi đôi với làm và luôn nêu gương. Việc nêu gương phải được thực hiện trong mọi lĩnh vực, mọi bối cảnh. Trong gia đình, đó là tấm gương của bố mẹ đối với con cái, của anh chị đối với các em; trong nhà trường thì đó là tấm gương của thầy, cô giáo đối với học sinh; trong tổ chức, tập thể, Đảng, Nhà nước đó là tấm gương của những người đứng đầu, phụ trách, lãnh đạo, của cấp trên đối với cấp dưới; trong xã hội thì đó là tấm gương của người này đối với người khác… 

      Cùng với nêu gương, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cần phải rèn luyện tinh thần “xây đi đôi với chống”, “muốn xây phải chống, chống nhằm mục đích xây”. Trong khi xây dựng, bồi dưỡng những phẩm chất đạo đức mới phải đồng thời chống lại cái xấu, cái sai, cái vô đạo đức. Để xây và chống có hiệu quả phải tạo thành phong trào quần chúng rộng rãi. Có phong trào, có cuộc vận động cho toàn Đảng, toàn dân; nhưng lại có phong trào, có cuộc vận động riêng cho từng ngành, từng giới. Thông qua đó, lôi cuốn mọi người vào cuộc đấu tranh nhằm “xây” gì, “chống” gì rất cụ thể, rõ ràng để mọi người phấn đấu, tự bồi dưỡng và nâng cao phẩm chất, đạo đức cách mạng.

Cùng với hai nguyên tắc nêu trên, việc học và làm theo phải được tiến hành thường xuyên, suốt đời. Hôm nay làm tốt, ngày mai và ngày kia cùng nhiều ngày sau vẫn phải rèn rũa, giữ gìn để làm tốt hơn. Theo Bác, mỗi người phải thường xuyên chăm lo tu dưỡng đạo đức như việc rửa mặt hàng ngày, đó là công việc kiên trì, bền bỉ suốt đời. Và việc rèn luyện này phải thường xuyên và ở mọi môi trường, được thực hiện trong hoạt động thực tiễn, trong đời tư cũng như trong đời công, sinh hoạt, học tập, lao động, chiến đấu; trong mọi mối quan hệ xã hội từ hẹp đến rộng, từ nhỏ đến lớn, từ gia đình đến nhà trường, đoàn thể, xã hội; từ quan hệ bạn bè đến đồng chí, anh em, cấp trên, cấp dưới, với Đảng, với nước, với dân và cả trong quan hệ quốc tế. Có rèn luyện công phu theo các nguyên tắc trên đây thì con người mới có được phẩm chất đạo đức tốt đẹp, những phẩm chất ấy sẽ ngày càng được bồi đắp và nâng cao

      Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh luôn là tài sản tinh thần vô giá của Đảng ta, nhân dân ta. Điều quan trọng, và cũng là trách nhiệm của thế hệ hôm nay là phải thiết thực, trách nhiệm và sáng tạo trong hành động để tài sản vô giá ấy tiếp tục sinh sôi, lan toả và thấm sâu vào đời sống của mỗi một cá nhân, mỗi một địa phương đơn vị. Làm tốt điều này sẽ là động lực để bàn tay chúng ta chạm gần hơn tới mục tiêu đưa đất nước thành một quốc gia phồn vinh hạnh phúc. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng đã chỉ rõ: “Kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh bằng các biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. 

Phong cách Hồ Chí Minh là tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, làm việc dân chủ, khoa học, là ứng xử văn hóa, tinh tế, đầy tính nhân văn, nói đi đôi với làm, là giản dị, gần gũi với quần chúng…

 

       Để có thể học và làm theo Bác hiệu quả và để hiện thực hóa lời kêu gọi của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng đã chỉ ra về học tập, làm theo Bác thì mỗi cá nhân, mỗi tập thể luôn phải không ngừng nghiên cứu, thấm nhuần, tận tâm, nhiệt huyết áp dụng những tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người bằng cả trái tim chân thành trước mỗi sự việc cụ thể, có như vậy học mới không khó, và làm mới chân thành, hiệu quả./.

                                                                                                    Theo Tạp chí Tuyên giáo

                                                                                                         

Rate this post

Viết một bình luận