Từ điển thuật ngữ văn học (Lê Bá Hán chủ biên, NXB ĐHQG HN, H.2000) định nghĩa “độc thoại nội tâm” là “lời phát ngôn của nhân vật nói với chính mình, thể hiện tiếp quá trình tâm lí nội tâm, mô phỏng hoạt động cảm xúc, suy nghĩ của con người trong dòng chảy trực tiếp của nó”, còn “dòng ý thức” là “biểu hiện đặc biệt, cực đoan của độc thoại nội tâm trong tiểu thuyết thế kỉ XX, khi mà các mối liên hệ khách quan với môi trường thực tại khó bề khôi phục lại”.
Theo tài liệu do PGS.TS Đặng Anh Đào cung cấp thì Độc thoại nội tâm là một sự miêu tả mở rộng trong độc thoại thường thấy của sự phối hợp giữa tư duy và cảm xúc trong một nhân vật hư cấu. Những tư tưởng này có thể hoặc là có quan hệ một cách lỏng lẻo cảm tưởng gần giống như sự liên tưởng tự do hoặc là sự phối hợp giữa tư duy và cảm xúc được sắp xếp một cách có lí trí hơn. Độc thoại nội tâm bao gồm một vài hình thức, kể cả sự xung đột bên trong đã được kịch hoá, sự lý giải bản thân, cuộc đối thoại tưởng tượng, và sự giải thích duy lý. Một độc thoại nội tâm có thể là một sự diễn đạt ý nghĩ trực tiếp của ngôi nhân xưng thứ nhất, hình như không có sự lựa chọn và kiểm tra của tác giả, hoặc có sự luận bàn của ngôi thứ ba mà bắt đầu bằng một nhóm từ kiểu như “anh ấy nghĩ” hay “những suy nghĩ của anh ấy đã bắt đầu”. Thuật ngữ độc thoại nội tâm thường được dùng hoán đổi với “dòng ý thức”. Nhưng trong lúc một độc thoại nội tâm có thể phản ánh tất cả những suy nghĩ nửa vời, những cảm giác, và những sự liên tưởng tác động vào ý thức của nhân vật, nó cũng có thể bị hạn chế bởi một trật tự phô diễn của tư duy dựa trên lí trí trong nhân vật. Dòng ý thức là phương pháp kể chuyện trong tiểu thuyết không gây cảm xúc (nondramatic) nhằm diễn tả dòng chảy của vô số những cảm giác – thị giác, thính giác, xúc giác, liên tưởng, và tiềm thức – cùng với tư duy lí trí tác động tới ý thức của một cá nhân. Thuật ngữ này được nhà tâm lí học William James sử dụng lần đầu tiên trong “Những yếu tố cơ bản của tâm lí học” (1890). Với sự phát triển của tiểu thuyết tâm lí ở thế kỉ XX, một số tác giả đã cố gắng nắm bắt toàn bộ dòng chảy của ý thức nhân vật của họ, đúng hơn là giới hạn chúng bằng tư duy lí trí. Tượng trưng cho toàn bộ sự phong phú, sự mau lẹ, và sự tinh tế của trí tuệ khi sáng tác, nhà văn có thể kết hợp chặt chẽ nhiều đoạn của tư duy rời rạc, nhiều cấu trúc câu sai ngữ pháp, nhiều ý nghĩ và hình tượng được liên tưởng tự do. Tiểu thuyết dòng ý thức thường sử dụng phương pháp kể chuyện của độc thoại nội tâm.
Dưới đây, chúng tôi phân tích một đoạn độc thoại nội tâm trong một cuốn tiểu thuyết thế kỉ XIX và một đoạn độc thoại nội tâm trong một cuốn tiểu thuyết thế kỉ XX để so sánh hai lối viết và lý giải vì sao các nhà lí luận ở thế kỉ XX có khuynh hướng đồng nhất “độc thoại nội tâm” với “dòng ý thức”.
Đoạn 1: “Về đến nhà, Pier nằm giờ lâu không ngủ được, cứ suy nghĩ về những điều vừa xảy ra với chàng. Việc gì xảy ra thế nhỉ? Chả có việc gì cả. Chỉ có điều là chàng đã hiểu ra rằng người đàn bà mà chàng đã biết từ hồi chàng còn là một cậu bé, người mà mỗi khi nghe ai ca ngợi sắc đẹp chàng chỉ lơ đễnh trả lời: “Vâng, đẹp”, thì nay chàng đã hiểu rằng người đàn bà đó có thể thuộc về mình.
“Nhưng cô ta đần, chính mình cũng vẫn nói rằng cô ta đần – Pier nghĩ thầm – Trong cái cảm giác mà cô ta gây ra trong lòng mình, có một cái gì xấu xa, có một cái gì không phải ấy. Nghe nói em ruột cô ta là Anatôl phải lòng cô ta, mà cô ta cũng cảm Anatôl. Nghe đâu đây là cả một câu chuyện rất lôi thôi, và chính vì thế cho nên người ta mới phải cho Anatôl đi nơi khác. Anh cô ta là Ippôlit… Cha cô ta là công tước Vaxili… không tốt” – chàng nghĩ; và trong khi suy luận như vậy (vả chăng những điều suy luận này cũng chỉ dở chừng) chàng bất chợt thấy mình đang mỉm cười và nhận ra rằng ở phía sau những suy luận này lại ló ra một loạt những suy luận khác, rằng mình đang cùng một lúc vừa nghĩ đến những cái xấu xa, vô vị của Êlen, vừa mơ tưởng đến khi nàng sẽ là vợ mình, chàng mơ tưởng rằng nàng có thể sẽ yêu mình, nàng có thể biến thành một người khác hẳn, rằng tất cả những điều mà chàng nghĩ và nghe nói về nàng đều có thể sai sự thật”. L.Tônxtôi – “Chiến tranh và Hoà bình” – Cao Xuân Hạo, Nhữ Thành, Hoàng Thiếu Sơn, Trường Xuyên dịch. NXB Văn học, H.2001, Tập I, Trang 442.
Đoạn 2: “Ý nghĩ đó làm anh thấy vui. Anh mỉm cười nhìn lưng hai người cúi gập dưới hai chiếc ba lô đang đi trước mặt anh, len lỏi qua các hàng cây. Cả ngày hôm nay đây là lần đầu tiên anh tự nói đùa với mình và cảm thấy dễ chịu. Anh tự bảo: “Mình cũng trở thành như mọi người mất rồi. Mình cũng đang bi đát đây”. Chắc chắn là với Gonzơ, anh đã có vẻ trịnh trọng và bi đát. Anh cảm thấy nhiệm vụ có phần nặng nề. Hơi nặng nề. Quá nặng nề. Gonzơ thì vui và có ý muốn anh cũng vui lên trước khi ra đi nhưng anh đã không vui được.
Cứ ngẫm ra, những người cứng nhất bao giờ cũng vui. Tốt hơn cả là cứ vui đi và điều đó còn là một dấu hiệu chứng tỏ một cái gì nữa đấy. Như là một thứ bất tử trong lúc đang còn sống. Thật là phức tạp! Mà những người như thế cũng chẳng còn lại được bao nhiêu, không, những người như thế chẳng còn lại được bao nhiêu. Còn quá ít ỏi. Và mình mà cứ nghĩ vơ vẩn kiểu này thì rồi mình cũng sẽ không còn nữa. Thôi, nghĩ chuyện khác đi thôi, anh bạn già của tôi, anh đồng chí của tôi ơi! Bây giờ anh là một kẻ đi phá cầu. Không phải là một nhà tư tưởng. Anh bạn đang đói đấy. Mong rằng Pablô là một tay thích ăn ngon.” E.Hemingway – “Chuông nguyện hồn ai” – Nguyễn Vĩnh, Hồ Thể Tần dịch. NXB Văn học, H.2001, Trang 49.
Đoạn 1: Tâm trạng của nhân vật Pier Bêdukhôp lúc một mình trong phòng riêng, sau khi rời phòng khách của công tước Vaxili. Pier lúc này đang ở trong giai đoạn “bóng tối” của cuộc đời mình, chàng đang bị những hào nhoáng giả dối của xã hội thượng lưu làm cho choáng ngợp, cho nên chàng trở thành ngây ngô, khờ khạo, thậm chí “đần độn” trước âm mưu của cha con Vaxili. Mặc dù trong thâm tâm, chàng có ý thức được rằng gia đình Vaxili là “không tốt”, rằng cảm giác mà Êlen mang đến cho chàng là “có một cái gì xấu xa, có một cái gì không phải ấy” nhưng chàng vẫn tưởng tượng hão huyền “rằng nàng có thể sẽ yêu mình, nàng có thể biến thành một người khác hẳn”. Cuộc đấu tranh nội tâm diễn ra trong Pier khá căng thẳng, có một cuộc đối thoại ngầm của hai giọng nói, hai cách nhìn về cùng một sự việc. Hay nói cách khác, ở đây, con người khờ khạo, ngờ nghệch và con người tốt bụng, tỉnh táo trong Pier đã xung đột với nhau. Chàng không tự quyết định được. Và cuối cùng thì con người khờ khạo đã chiến thắng, thực chất là nó đã bị đánh bại trước những âm mưu thâm độc, xấu xa của xã hội thượng lưu.
Đoạn 2: Tâm trạng của Robert Jordan sau khi gặp Pablô, lúc chuẩn bị khởi đầu cho công việc phá cầu của mình. Ấn tượng ban đầu của anh về Pablô là không tốt, có một chút nghi ngại, một chút lo âu. Và anh miên man suy nghĩ về điều đó. Thực chất đây là một dòng tư tưởng của Robert, anh nghĩ về Pablô và những cảm giác tồi tệ bi quan mà anh ta gây nên trong lòng anh, anh nghĩ về nhiệm vụ sắp tới mà anh thấy là quá nặng nề, anh nghĩ về người trực tiếp trao nhiệm vụ cho anh, rồi ngẫm rộng ra về đời người, cuối cùng lại quay trở lại với công việc trước mắt. Không có xung đột, mâu thuẫn hay đấu tranh nội tâm, chỉ có sự trôi chảy của dòng ý nghĩ trong anh. Các ý nghĩ cứ nối tiếp nhau hiển hiện, các ý nghĩ mà chính Robert cũng nhận ra là “vơ vẩn” khiến anh phải tự mình đánh thức mình.
Có thể xác định một cách rõ ràng, mặc nhiên rằng độc thoại nội tâm thuộc phạm vi ngôn từ của nhân vật, như ý kiến của Motilova: “nó xuất hiện như diễn từ không biểu đạt thành lời của các nhân vật hoặc như diễn từ của tác giả, nhân danh mình mà nói, nhưng có thể coi như đã mượn từ vựng và giọng điệu của nhân vật” (Dẫn theo PGS.TS Đặng Anh Đào – Đổi mới nghệ thuật tiểu thuyết phương Tây hiện đại, NXB ĐHQG HN,H.2001,Tr 69-70). Cũng nhằm thể hiện những diễn từ không biểu đạt thành lời ấy nhưng lối viết của Tônxtôi và Hemingway có sự khác biệt rõ rệt.
Trong đoạn độc thoại nội tâm của Pier, lời của nhân vật có một khoảng cách nhất định với lời kể chuyện của tác giả (dù lời tác giả có mang hơi hướng, giọng điệu của nhân vật). Sự giao hoà giọng điệu của hai chủ thể phát ngôn (người kể chuyện và nhân vật) chỉ mới nửa chừng. Những lời thể hiện cái nhìn tỉnh táo của Pier đối với gia đình Vaxili được diễn tả trực tiếp, những lời thể hiện cái nhìn mơ hồ, sai lạc được thể hiện gián tiếp qua giọng văn kể chuyện của tác giả. Hai cách diễn đạt này được phân biệt bởi những quy ước chuyển tiếp (mở ngoặc kép, gạch nối, hai chấm, lời dẫn “Pier nghĩ thầm”…). Nhưng người đọc vẫn hiểu đó là cuộc đấu tranh nội tâm của Pier, dù là cách nghĩ nào thì vẫn là của một mình chàng, không phải của Tônxtôi. Còn trong độc thoại nội tâm của Robert, lời kể chuyện của nhà văn được đan cài, xen lẫn với những suy nghĩ của nhân vật, những quy ước chuyển tiếp được lược bỏ, khiến cho dòng chảy của suy nghĩ trào ra, tự nhiên, giống như thật. Giọng điệu và từ vựng của nhân vật đi thẳng vào văn bản : “Thật là phức tạp! Mà những người như thế cũng chẳng còn lại được bao nhiêu, không, những người như thế chẳng còn lại được bao nhiêu. Còn quá ít ỏi. Và mình mà cứ nghĩ vơ vẩn kiểu này thì rồi mình cũng sẽ không còn nữa. Thôi, nghĩ chuyện khác đi thôi, anh bạn già của tôi, anh đồng chí của tôi ơi!”. Độc thoại nội tâm ở đây được biểu hiện một cách trực tiếp không chỉ do lời phát ngôn được đặt ở ngôi thứ nhất mà còn do hình như những ý nghĩ của Hemingway và Robert Jordan đã hoà vào làm một, đặc biệt, nó cứ trôi chảy không ngừng, đúng như một chuỗi suy nghĩ, đang hình thành và tức thời hiển hiện.
Một sự khác biệt nữa có thể nhận ra là trong đoạn văn của Hemingway, tính chất hướng về hành động hiện lên rất rõ dù nhà văn chủ yếu miêu tả thế giới bên trong. Dòng suy nghĩ của Robert thể hiện một dự định hành động, nó gắn với sự phát triển của cốt truyện: “Thôi, nghĩ chuyện khác đi thôi, anh bạn già của tôi, anh đồng chí của tôi ơi!Bây giờ anh là một kẻ đi phá cầu. Không phải là một nhà tư tưởng. Anh bạn đang đói đấy. Mong rằng Pablô là một tay thích ăn ngon”. Còn đoạn độc thoại của Tônxtôi thì thuần tuý hướng nội, nhân vật hoàn toàn chìm trong suy nghĩ, trong những mâu thuẫn nội tâm (không gian nghệ thuật ở đây cũng góp một phần quan trọng trong việc bộc lộ đời sống tinh thần của nhân vật: Pier một mình suy nghĩ trong căn phòng riêng khép kín cửa của chàng, trong khi đó Robert ở giữa cảnh đồi núi bao la, đang đi bộ cùng với hai nhân vật khác).
Việc các nhà lí luận thế kỉ XX có xu hướng đồng nhất “độc thoại nội tâm” và “dòng ý thức” không phải là không có cơ sở. Điều này bắt nguồn từ sự đổi mới nghệ thuật viết độc thoại nội tâm so với các thế kỉ trước. Theo PGS.TS Đặng Anh Đào, “các nhà viết tiểu thuyết ngày nay đã khiến dòng suy nghĩ được hình dung lại ngay trên lối viết. Bởi vậy, nhiều khi không chỉ giọng điệu và từ vựng của nhân vật được khôi phục nguyên si, chẳng những các ý nghĩ thầm kín, mơ hồ lộn xộn nhất của nhân vật được ghi lại, mà cách viết bất chấp cú pháp, quy ước văn phạm còn là một cố gắng mới mẻ của nhà văn nhằm thể hiện trung thành ý nghĩ của nhân vật” (SĐD, tr 77). Chúng ta có thể thấy, ngoài ý nghĩa là tiếng nói không thốt lên thành lời của con người bên trong, là sự giao hoà của ngôn ngữ, giọng điệu giữa người nói và người đọc đã có trong truyền thống, “độc thoại nội tâm” còn là tiếng nói của ý nghĩ đang được hình thành mà khía cạnh này lại được các nhà viết tiểu thuyết thế kỉ XX đặc biệt chú ý khai thác. Các tác giả quan tâm nhiều đến hiện tại của ý thức, cho nên bằng nhiều biện pháp nghệ thuật đã cố gắng diễn tả một cách chân thực, chính xác đến mức tỉ mỉ nhất sự đang hình thành, đang vận động của tư tưởng bên trong con người (người ta gọi quá trình này là phân tích tâm lí chứ không đơn thuần chỉ là miêu tả tâm lí nữa). Sự đổi mới này của “độc thoại nội tâm” đã khiến nó gần với dòng tâm tư hơn, vì thực chất các nhà văn muốn thể hiện sự đồng hành của mình cùng ý thức nhân vật, tác giả không phải là người biết trước, hướng dẫn và kể lại nữa, tư tưởng tác giả cũng vận động cùng lúc với ý thức nhân vật, cảm giác mà tác phẩm mang lại cho người đọc là cảm giác mới mẻ, bất ngờ. Sự đứt đoạn, ngắt quãng, rời rạc của dòng ngôn từ chính là một cách biểu hiện chân thực dòng trôi chảy lộn xộn, mơ hồ trong ý thức nhân vật. Và những điểm này đã khiến các nhà lí luận văn học đồng nhất “độc thoại nội tâm” với “dòng ý thức”.
Đỗ Thị Hà Giang