Cúm núm bày bán nhiều nơi ở các tuyến đường miền Tây mùa nước về. Ảnh:Đ.X.
Cùng với vô vàn các sản vật mùa nước nổi khác, những ngày này, nhiều người dân ở Đồng Tháp, An Giang, Long An rủ nhau đi săn cúm núm (còn gọi là gà nước). Cũng như chim cu gáy, chích cồ hay le le, vịt giời… nghề săn cúm núm có nhiều nét thú vị, độc đáo mà cũng không dễ thực hiện.
Lang thang trên đồng vắng
Cúm núm là loài chim sống theo cặp, và thường chỉ có một đôi duy nhất gồm con trống và mái đi với nhau. Mặc dù có tên gọi là gà nước nhưng chúng lại sống chủ yếu ở nơi khô ráo, trên cạn dù vẫn có thể bơi được. Chính vì thế, khi mùa nước nổi tràn khắp các bưng đồng, cúm núm thường di chuyển lên những bờ ruộng, bãi đất cao hơn để ngủ nghỉ và đẻ trứng. Chúng rất giỏi giấu mình trong những lùm cây gốc rạ nên rất khó phát hiện. Tuy nhiên, đó lại chính nhược điểm của loài vật này, cũng như tên gọi của chúng khi thường xuyên phát ra tiếng kêu nghe trầm khàn khàn như từ “núm”, “núm”, “cúm”… Đó cũng chính là lý do nhiều thợ săn cúm núm lành nghề có thể tìm và định vị được khu vực sinh sống của những chú cúm núm tinh ranh.
Ông Nguyễn Văn Năm, 61 tuổi, một nông dân ở xã Bình Phong Thạnh (Mộc Hóa, Long An), người nhiều năm làm nghề săn cúm núm kể: “Gác cúm núm phải có nhiều kinh nghiệm và am hiểu vùng đất này, nếu không có ngồi cả ngày cũng không dính con nào đâu. Trong đó, chọn địa điểm là quan trọng nhất. Như vùng này, những khu vực rừng tràm bên khu bảo tồn dược liệu hay ruộng lúa có bờ cỏ um tùm thì kiểu gì cúm núm cũng nhiều. Nhưng nhiều không có nghĩa là bắt được chúng. Bắt cúm núm bây giờ rất khó. Phần vì chúng ít đi, phần vì loài chim này không đi theo đàn. Mỗi cặp có khu vực sống riêng rẽ, bắt xong cặp này lại phải tìm tới khu vực khác.
Có hôm tôi ngồi ở bên kênh Bù Hút, Quốc Phòng nhưng có hôm phải đi sâu vào tuốt mạn kênh Bến Tre, Lâm Trường rồi có hôm lại vòng về kênh Mồi Gọ, Hồng Đức nơi có nhiều cánh đồng hoang vắng, có cỏ bàng mọc cao ngút ngàn mới có chim. Nói chung, chỗ nào vắng người, hoang dã thì chim mới ở. Và cũng là nơi chúng tôi tìm tới. Mà người đi săn phải kiên nhẫn bởi cúm núm khôn lắm. Chúng nghe tiếng kêu của máy ghi âm nhưng có khi ròng rã mấy tiếng đồng hồ mới chịu tìm tới. Nếu mình tắt máy bỏ đi sớm thì không tài nào bắt được chúng”.
Ông Năm cũng chia sẻ luôn, trước đây thường chỉ gác (bẫy) cúm núm chỉ bằng cách thủ công, là sử dụng con cúm núm làm mồi, để chúng phát ra tiếng kêu như tiếng gọi bầy khiến cho những con khác tìm tới và bị dính lưới thì ngày nay, việc này được sự trợ giúp nhiều của… máy ghi âm. Đó là những chiếc máy có ghi âm sẵn tiếng kêu tha thiết của cúm núm mùa sinh đẻ nhằm dụ các cúm núm khác tìm tới. Đặc biệt, máy ghi âm phát ra tiếng kêu vang xa, to hơn tiếng cúm núm thật khiến cho cả cánh đồng đều bị thu hút.
“Bây giờ, người ta còn làm cả chim cúm núm giả. Đó là chim bằng nhựa nhưng có lông là của cúm núm thật. Sau đó đặt chúng ở những nơi thuận lợi, bật máy ghi âm lên, cho vài chú cúm núm giả đứng gần đó. Làm kiểu này tuy tốn tiền đầu tư nhưng kiếm được nhiều hơn. Có hôm bẫy cả chục con dính lưới chứ không ít”.
Tuy nhiên, theo người nông dân có nhiều năm săn cúm núm, bây giờ ít người coi bắt cúm núm là một nghề như trước nữa. Họ đa phần chỉ săn vào mùa nước nổi, khi cúm núm tập trung ở các khu vực nhất định. Các mùa khác, do địa hình rộng lớn, rất khó để tìm bắt loài chim này.
Kiếm tiền triệu nhờ cúm núm
Mặc dù khó săn bắt cúm núm nhưng thực tế, hiện nay những người thợ săn cúm cúm lại khá dễ dàng để kiếm tiền, vì giá của chúng rất cao. Mỗi con cúm núm cái nặng 3-4 lạng, có giá cũng tầm một trăm ngàn đồng. Riêng cúm núm đực lớn hơn, giá không dưới một trăm năm chục ngàn mỗi con. Anh Lâm Thuận, một thợ săn cúm núm khác ở thị trấn Sa Rài (huyện Tân Hồng, Đồng Tháp) kể, mỗi khi mùa nước nổi tràn về, anh thường chạy ghe dọc các cánh đồng ở Tân Hộ Cơ, Thông Bình, Tân Thành… giáp biên giới để bẫy cúm núm.
“Cúm núm bây giờ là đặc sản vì thịt chúng thơm ngon. Mùa nước nổi, con nào cũng béo nung núc thịt ăn rất thích. Các chủ vựa thu mua đặc sản dưới Hồng Ngự rất mê, có bao nhiêu mua hết bấy nhiêu rồi gửi về thành phố cho các nhà hàng, quán ăn. Nghe người ta bảo trên thành phố, một con cúm núm làm được tới bốn món nhậu, bán sáu trăm ngàn đồng. Ở đây cúm núm bán được tầm một trăm ngàn là tốt lắm rồi bởi có ngày, tôi bắt được cả chục con. Nhưng nghề săn cúm núm cũng chẳng biết trước được điều gì. Có ngày chạy ghe mấy chục cây số, tốn cả trăm ngàn tiền xăng mà không bẫy được con nào”- anh Thuận kể.
Cũng anh Thuận, hiện nay dân săn cúm núm bán kiếm sống hầu hết đều đi ban đêm chứ ban ngày khó kiếm. “Ban đêm tuy vất vả nhưng được cái dễ kiếm hơn. Vì đêm yên tĩnh, tiếng máy ghi âm vang xa khiến cúm núm dễ bị kích động và di chuyển nhiều hơn. Nhưng săn ban đêm cũng có bất lợi là mình không nhìn thấy chúng mắc lưới, phải đợi tới sáng hôm sau mới gỡ được. Khi ấy nhiều con bị chết hoặc yếu đi vì mắc lưới lâu, bán chẳng được nhiêu tiền mà chỉ để nướng ăn chơi thôi”- anh Thuận cho biết thêm.
Nghe anh Thuận kể, tôi phần nào hiểu về cuộc sống của những người săn cúm núm. Cái nghề cũng có thu nhập nhưng lại khá bấp bênh và cực nhọc. Họ không chỉ lặn lội trên những cánh đồng hoang sau mùa gặt mênh mang nước trên chiếc ghe vỏ lãi mỏng manh mà còn phải lầm lũi giăng lưới khi màn đêm trùm xuống.
Khi ấy, như anh Thuận kể thì họ gần như phải thức trắng đêm. Cũng không hẳn canh cúm núm rồi tắt máy ghi âm mà bởi, giữa mênh mông đường nước cũng chẳng tìm đâu ra chỗ ngủ. Hơn nữa, săn cúm núm là cái nghề phải liên tục di chuyển, dù có bắt được chúng hay không. Bởi không bao giờ có chuyện cả đàn cúm núm cùng dính lưới, dù đó là nơi chúng sống nhiều. Thế nên, bắt được hay không, thợ săn vẫn phải đi tìm khu vực khác để tiếp tục công việc của mình.
Đi dọc các cung đường miền Tây mùa nước nổi hiện nay, không khó để tìm các điểm bán cúm núm vì chúng có khá nhiều. Từ các tuyến quốc lộ cho tới tỉnh lộ hay những khu chợ nho nhỏ của dân địa phương. Hầu hết cúm núm khi săn bắt được đều bị buộc thành từng chuỗi, treo ngược chúng lên. Chúng được bán cùng với các đặc sản khác của mùa nước nổi như rắn, ốc, ếch hay chuột đồng, các loài khác.
“Bây giờ le le, vịt giời người ta nhân giống, nuôi công nghiệp rất nhiều nhưng cúm núm thì chưa, vẫn chủ yếu là bắt được trong tự nhiên. Nhiều người cũng thử nuôi nhưng cúm núm khó nhân giống lắm. Đó là lý do khách đi qua đây thường mua cúm núm về ăn hơn là mua le le, vịt giời vì sợ mua phải đồ nuôi công nghiệp. Dù cúm núm nhỏ hơn le le nhưng giá lại cao hơn là vì vậy. Ở trên thành phố, nhiều nơi người ta còn bắt chim cút giả làm cúm núm, ai không sành, không quen cúm núm rất dễ bị nhầm” – bà Đạm, một người bán các loại chim trời cá nước ở tuyến đường N2 đoạn qua huyện Thủ Thừa (Long An) kể.
“Nơi có nhiều cánh đồng hoang vắng, có cỏ bàng mọc cao ngút ngàn mới có chim. Nói chung, chỗ nào vắng người, hoang dã thì cúm núm mới ở. Và cũng là nơi chúng tôi tìm tới. Mà người đi săn phải kiên nhẫn bởi cúm núm khôn lắm. Chúng nghe tiếng kêu của máy ghi âm nhưng có khi ròng rã mấy tiếng đồng hồ mới chịu tìm tới. Nếu mình tắt máy bỏ đi sớm thì không tài nào bắt được chúng”- ông Nguyễn Văn Năm, 61 tuổi, nông dân ở xã Bình Phong Thạnh (Mộc Hóa, Long An) kể .