Chăm sóc vết thương không đúng cách khiến làn da non mới tái tạo bị thâm đen. Nếu không có phương pháp điều trị tích cực sau đó thì vết thương lên da non bị thâm có thể kéo dài vĩnh viễn, hay còn gọi là sẹo thâm.
1. Vết thương lên da non bị thâm có trắng lại được không?
Nếu biết cách chăm sóc chuẩn y khoa, kết hợp các loại thuốc điều trị và biện pháp thúc đẩy tái tạo da tại nhà thì vết sẹo thâm có thể mờ dần và biến mất. Tuy nhiên, hiệu quả tốt nhất khi chữa sẹo thâm chỉ có thể đạt được nếu xử lý sớm trong vòng 6 tháng đầu tiên hình thành da non. Còn nếu quá 6 tháng thì vết sẹo thâm khó có thể làm trắng lại được. Kể cả khi tích cực điều trị thì vết sẹo cũng chỉ có thể mờ đi đôi chút chứ không biến mất hoàn toàn.
Bên cạnh đó, khả năng hồi phục ở mỗi người cũng khác nhau do cơ địa, thể chất vào thời điểm đó, cũng như mức độ tổn thương của làn da. Bởi vậy, để biết được vết sẹo thâm vừa hình thành có trắng lại được không thì cần tìm đến bác sĩ da liễu để được tư vấn ngay từ sớm.
2. Những nguyên nhân khiến cho vết thương lên da non bị thâm
Nguyên nhân chủ yếu khiến cho sẹo thâm hình thành là do cách chăm sóc vết thương không đúng. Nhiều người thậm chí áp dụng các biện pháp trị sẹo dân gian và tưởng rằng sẹo sẽ mau lành nhưng hậu quả là để lại sẹo thâm, sẹo lồi xấu xí. Dưới đây là những yếu tố khiến cho vết thương bị thâm khi lên da non:
-
Bôi nghệ tươi lên da khi vết thương còn chưa kín miệng, chưa hình thành da non
Nhiều người cho rằng sử dụng nghệ tươi sẽ giúp vết thương mau liền miệng, không để lại sẹo thâm sau này. Tuy nhiên đây lại là phương pháp sai lầm mà phần lớn người bị thương đều áp dụng. Sử dụng nghệ tươi khi vết thương chưa liền miệng dễ sinh ra tình trạng viêm nhiễm, lở loét vết thương, tăng khả năng bị dị ứng và khiến cho vết thương sau này bị đen cứng lại.
-
Sức đề kháng bị suy yếu
Không chú ý tăng cường sức đề kháng cho cơ thể khiến cho các vết thương khó liền miệng, tế bào da khó tái tạo hơn. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho các vết thương bị nhiễm khuẩn, khó lành và sản sinh hắc sắc tố gây thâm.
-
Không bảo vệ da khi ra ngoài trời nắng
Các vết thương luôn rất nhạy cảm với tác động của tia UV. Dù chỉ số tia UV cao hay thấp thì đều có thể ảnh hưởng đến sự tái tạo của các tổ chức dưới da. Trong quá trình liền sẹo, nếu như vết thương không được chăm sóc cẩn thận, thường xuyên để lộ ra ngoài và tiếp xúc với ánh nắng mặt trời thì cũng bị thâm đen lại khi da non mới nhú.
3. Làm thế nào để vết thương lên da non bị thâm trắng trở lại?
Có thể thấy, da non bị thâm chính là do cách chăm sóc vết thương và cơ thể chưa chính xác. Để khắc phục các vết sẹo thâm, bạn cần áp dụng các phương pháp sau:
-
Thường xuyên sử dụng kem dưỡng ẩm hoặc thuốc mỡ để bôi lên vết thương
Đây là phương pháp đơn giản mà hữu hiệu nhất với các vết thương đang lên da non. Đầu tiên, cần phải giúp cho các vết thương đang lên da non chóng lành, không còn yếu và dễ bị tổn thương nữa. Việc bôi kem dưỡng ẩm hoặc thuốc mỡ sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các vết thương liền miệng lại nhanh chóng. Đồng thời, các sản phẩm đó cũng ngăn chặn các tác nhân xấu gây hại ngoài môi trường.
-
Sử dụng kem trị sẹo khi vết thương đã lành hoàn toàn
Khi lớp da non đã trở nên khỏe mạnh, kết nối được với các tổ chức xung quanh thì bạn có thể sử dụng kem hoặc thuốc trị sẹo theo chỉ dẫn của bác sĩ da liễu. Tham khảo thêm bài viết này để hiểu rõ hơn về các phương pháp y khoa trị sẹo thâm: Sẹo lâu năm có trị được không nếu chỉ bôi thuốc?
-
Tăng cường sức đề kháng cho da bằng các loại thực phẩm
Không thể coi nhẹ chế độ dinh dưỡng trong việc điều trị các loại bệnh ngoài da, trong đó có sẹo thâm. Các thực phẩm như rau củ quả tươi có chứa vitamin A, C, E và khoáng chất là vô cùng hữu ích cho sức khỏe tổng quát, sự đàn hồi của làn da và khả năng tái tạo những thương tổn. Bởi vậy, để cải thiện các vết thương lên da non bị thâm đen, bạn cần chú ý bổ sung nhiều loại rau củ quả vào trong khẩu phần ăn hàng ngày.
>> Xem thêm: 2 Cách làm hết thâm mụn cho từng vị trí trên cơ thể
4. Các nguyên liệu tự nhiên có giúp trị sẹo thâm được không?
Nhiều người cho rằng sử dụng các biện pháp tự nhiên, như nghệ tươi kể trên chẳng hạn, có thể giúp cho các vết thâm sẹo dần mờ đi. Thực tế, các phương pháp tự nhiên đó chỉ hiệu quả tương đối trong trường hợp vết thương cực nhỏ, nông và không bị sưng viêm mà thôi. Với các vết thương lên da non bị thâm thì hầu hết các phương pháp tự nhiên chỉ có thể hỗ trợ với các phương pháp y khoa như thuốc hoặc kem trị sẹo, chứ không có công dụng trị thâm.
Bởi vậy, khi vết thương bị thâm thì bạn nên điều trị theo các bước mà bác sĩ da liễu đã tư vấn. Không nên tự tìm các nguyên liệu tự nhiên để bôi, đắp lên vết thương. Đôi khi, các phương pháp đó không đem lại hiệu quả gì mà còn khiến cho vết thương bị nhiễm trùng, lở loét nghiêm trọng hơn.
Vết thương lên da non bị thâm có trắng lại được không phụ thuộc rất nhiều vào phương pháp chăm sóc và điều trị. Nếu không chăm sóc vết thương đúng cách, chuẩn y khoa mà tự tìm các biện pháp thiên nhiên, chưa được khoa học kiểm chứng thì có thể khiến vết thâm còn lại vĩnh viễn.