Vì cá mập không hề… bơi lùi

Điểm khác biệt của loài cá khổng lồ và khỏe mạnh này so với những loài cá khác chính là nó không thể bơi lùi. Ngay cả khi có kẻ thù trước mặt thì cá mập cũng chỉ có một lựa chọn duy nhất chính là bơi tiến. Vì cá mập không bơi lùi, nên ai ai trong chúng ta cũng có quyền tiến về phía trước thay vì ngoái lại day dứt mãi những sai lầm đã qua, những câu chuyện đã thuộc về quá khứ!

Hơn một năm để xóa bỏ thành kiến

Thùy Dung (THPT HT) kết thúc 4 năm học cấp 2 với bảng thành tích khá dày và phong phú, đủ để cô bạn tự tin đăng kí vào trường chuyên của tỉnh. Vượt qua vòng thi tuyển đầu vào, Dung và các bạn cùng lớp phải trải qua thêm một kì kiểm tra sát hạch khá gắt gao, đề thậm chí còn khó hơn trước. Vì một chút lo lắng và run, nên cô bạn đã không thể tận dụng tối đa những kiến thức đã có. Cách duy nhất Dung nghĩ ra lúc ấy chỉ là… hỏi cô bạn bàn trên. 

Thế nhưng, thật không may mắn cho Dung vì cô bạn đã bị giám thị đánh dấu bài khi còn chưa nhận được một lời hồi đáp nào. Dung ngậm ngùi chấp nhận điểm 8 do chính mình tạo ra bị hạ thành điểm 0 với tội danh “gian lận trong thi cử”!

 

Dung nói:

“Đó là lỗi của tớ, tớ nhận và bằng lòng không ngừng cố gắng ở những bài kiểm tra sau để bù lại. Nhưng cái tớ không thể bù, không thể xóa đi chính là định kiến của các thầy cô, đặc biệt là cô chủ nhiệm dành cho tớ. Cô thường xuyên nói bóng gió về việc có những bạn thiếu trung thực trong thi cử và vào được trường này có thể nhờ… “ô dù”. Tất cả mọi người đều quay sang nhìn tớ. Những lần tớ giơ tay phát biểu, cô chỉ đưa mắt qua chứ không bao giờ gọi. Khó khăn như thế, nên phải mất hơn 1 năm trời, tớ mới có thể chứng minh với mọi người, với cô rằng khả năng của tớ là có thật và câu chuyện đầu năm học lớp 10 chỉ là một sai lầm vụng dại.”

Không thực sự chăm chỉ và tích cực học tập ngay từ đầu như Dung, Mạnh Quân (THPT Lê Văn Thịnh) đã phải nhận học lực và hạnh kiểm trung bình cho hai năm học cuối ở cấp 2. Bước vào ngưỡng cửa cấp 3, Quân vấp phải một cú sốc lớn khi bố mẹ bạn ấy đột nhiên ly dị. Bố Quân đi theo một người đàn bà khác, bỏ mẹ con Quân ở lại với bao đau đớn. Thương mẹ, thương chính mình, Quân quyết tâm học tập cẩn thận để không làm mẹ buồn nhiều hơn nữa, để có thể chăm sóc mẹ tốt hơn trong tương lai. Thế nhưng, dường như sự thay đổi ấy không được người khác đón nhận, đặc biệt là những giáo viên đã từng đọc qua “hồ sơ tiền án, tiền sự” của Quân. Cậu thường xuyên bị nhiếc móc về thái độ lười học, thiếu tôn trọng giáo viên, khinh rẻ vì đánh nhau với bạn bè, giao du với bạn xấu, dù tất cả những điều đó đã chấm dứt từ khá lâu. Bài tập cậu hoàn thành, những ý kiến cậu đưa ra rất tốt, song đều bị các thầy cô gạt đi vì cho rằng cậu đã đi ăn cắp của người khác.

“Đôi khi, tớ cảm thấy rất nản và không muốn cố gắng nữa. Cố gắng làm gì khi mọi người không thèm đoái hoài và công nhận nó…” –

Quân buồn rầu và nói.

Đừng bắt tớ “bơi” ngược

Những tâm sự như của Dung, của Quân tràn ngập các trường học. Người ta thường quá lưu tâm đến những sai lầm của một thời nông nổi để rồi bỏ qua, xóa sổ tất cả những cố gắng và đôi khi “giết chết” cả những niềm tin vào cuộc sống này. Vì nhiều thành kiến khác nhau, mà thầy cô lắm lúc cũng đã quên mất rằng học trò đến trường để được học, được sai lầm, được thất bại và được trưởng thành, chứ không phải đến để bị kì thị, bị trói vào người những sai lầm đã có thể được lãng quên.

Trong truyện ngắn “Khi tôi mười sáu” của tác giả Susie Morgenstern, Hoch – nhân vật chính có hai chị gái chểnh mảng chuyện học hành đến mức, ngày đầu tiên nhập học, sau khi biết họ của Hoch, thầy giáo đã nói:

“Em có nhìn thấy tóc tôi đã bạc trắng không, nửa bên này là do chị cả của em, nửa bên này là do chị hai của em, tôi không còn tóc nào cho em nữa đâu!”.

Hoch coi đó như một câu nói đùa thay cho lời chào thân thiện và đó thực sự là một câu nói đùa. Thầy đã không áp đặt những sai lầm của các cô chị để đánh giá Hoch một cách phiến diện. Hoch được quyền học tập bình thường, được tôn trọng những tài năng mà cô có.

Thế nhưng, đâu phải ai cũng có được may mắn như Hoch, nhiều bạn đã bị “dìm” đến mức không muốn “ngóc đầu lên”, bị “trù” đến mức tin rằng mình chẳng bao giờ có thể khá lên được. Những câu chuyện như thế gieo vào lòng các bạn học sinh những nghi kị về thế giới mà người lớn vẫn thường miêu tả bằng hai chữ “công bằng”. Liệu có là công bằng không trong những lớp học như thế?

Lời nhắn cuối cùng

Các bạn học sinh luôn muốn sống ở một môi trường công bằng, nơi mà các bạn sau khi thất bại cũng được đón nhận như thành công. Vì cuộc sống còn đang ở phía trước và đừng bắt, cũng như đừng để chính bản thân mình phải… bơi lùi.

Rate this post

Viết một bình luận