Vi khuẩn ăn thịt người lan tràn Melbourne, Úc
- Harriet Constable
- BBC Future
17 tháng 5 2021
Nguồn hình ảnh, Annette Ruzicka
Adam Noel nghĩ anh chỉ bị muỗi cắn. Anh để ý vết mẩn đỏ hơi sưng ở phần sau cổ chân một tuần trước đó, nhưng vết sưng không đỡ chút nào.
Các bác sĩ nghĩ đó chỉ là một dạng kích ứng da. Hai tuần trôi qua, giờ thì gót chân anh có hẳn một cái lỗ.
“Có gì đó rất bất thường đang xảy ra,” anh nghĩ, và lái xe đến Bệnh viện Austin ở Melbourne để khám lại.
Đó là tháng 4/2020 và dịch virus corona sau đó lây lan ở Úc. Nhân viên bệnh viện bị quá tải. Bác sĩ bảo anh vết thương sẽ sớm lành thôi.
Thế nhưng chỉ vài ngày sau, bạn có thể nhìn thấy gân gót chân Achilles của anh qua một lỗ to như quả bóng bàn trên trong phần da thịt.
Anh quay lại bệnh viện, lần này là bệnh viện St Vincent’s, một trong những bệnh viện hàng đầu ở Úc.
Họ yêu cầu anh nhập viện một tuần để lấy mẫu sinh thiết trước khi kết luận bệnh gì đã gây đau đớn cho Noel. Đó là vết lở Buruli: một bệnh do vi khuẩn gây ra có thể tạo thành vết thương hở lớn, và nếu không chữa trị kịp thời, sẽ gây ra tình trạng biến dạng vĩnh viễn.
Mất khoảng sáu tuần kể từ khi Noel để ý thấy có dấu hiệu bất thường cho đến khi anh có kết quả sinh thiết chắc chắn và uống đúng thuốc điều trị. Các bác sĩ nói lẽ ra anh có thể bị ăn mất cả bàn chân.
Trước khi chú ý đến vết sưng ban đầu, Noel dành nhiều thời gian làm việc trong vườn, đào đất để lấy chỗ dựng một nhà kho lớn.
“Tôi chặt một số cây đã mọc ở đó, không bị ai đụng đến từ khoảng 20 năm nay,” anh kể lại. “Tôi tin là [mình bị vết lở] trùng hợp với việc phá cây và nơi sinh sống của chồn túi possum.”
Vâng – chồn túi possum. Các nhà khoa học tin rằng những sinh vật ăn đêm với bộ lông dày này có thể đóng vai trò chính lây truyền bệnh lở ăn da Buruli cho con người.
Chúng cũng có thể nhiễm bệnh, và vi khuẩn Buruli – còn gọi là Mycobacterium ulcerans – có mặt trong phân của loài động vật này với số lượng lớn.
Hầu hết môi trường sinh sống tự nhiên của loài thú có túi sống về đêm này đã biến mất vì quá trình phát triển trong những năm gần đây, khiến con người và chồn túi sống gần nhau hơn, cạnh tranh nhau để giành không gian sống, và có thể đây là nguyên nhân làm gia tăng số ca nhiễm bệnh.
Nguồn hình ảnh, Annette Ruzicka
Chụp lại hình ảnh,
Bệnh lở loét Buruli do một vi khuẩn lây nhiễm ghê tởm gây ra, có thể hủy hoại các vùng mô mềm nếu không chữa trị kịp thời
Từng chỉ có ở vùng nông thôn, giờ đây bệnh lở ăn da Buruli đã tiệm cận gần hơn đến thành phố Melbourne, và bác sĩ cùng các nhà khoa học đang cố gắng ngăn chặn bệnh trước khi nó tràn đến vùng có dân số 5 triệu người.
Số người nhiễm bệnh gia tăng
Noel sống ở Melbourne nhưng gia đình anh có một ngôi nhà ven biển ngoài bán đảo Mornington, cách thành phố khoảng 100km (62 dặm).
Đó là vùng sung túc chỉ nằm ngoài rìa đại lục, với phần mũi bán đảo hướng về phía tây.
Là địa điểm du lịch nổi tiếng cho dân thành phố, tại những bãi biển nơi đây có nhiều các căn lều du lịch biển đầy màu sắc và những con đường đi bộ bằng gỗ quanh co qua những con đồi với tầm nhìn hướng về đại dương. Đường đi bộ dẫn đến những nơi như “Vịnh Kim Cương” và dọc theo “Con đường Triệu Phú”. Nhà ở đây rất to và hiện đại, nhiều nhà có vườn rộng và hồ bơi.
Đây không hẳn là nơi bạn nghĩ sẽ nghe về căn bệnh vi khuẩn ăn da thịt người đang lan rộng, nhưng các ca bệnh lở da Buruli ở bang Victoria có vẻ như đều đến từ vùng này.
Trên toàn bang, số ca bệnh đã tăng gấp ba lần trong vài năm qua: vào năm 2014, bác sĩ cho biết có 65 ca, năm 2019 có 299 ca, và năm ngoái là 218 ca.
Khi có ca bệnh nghi lở da vì vi khuẩn ăn thịt, bệnh nhân hầu hết sẽ được chỉ định đến khám ở chỗ Daniel O’Brien, bác sĩ về bệnh truyền nhiễm và là chuyên gia về bệnh lở da Buruli, người có một phòng mạch gần Geelong.
Ông thường bắt chuyến phà 40 phút qua biển hàng tuần để khám cho số lượng bệnh nhân bị lở da ngày càng tăng. Ông cho biết mỗi tuần ông khám khoảng từ 5 đến 10 bệnh nhân mới.
Bệnh lở da Buruli có thể nhanh chóng phá hủy da và phần mô mềm nếu không được chữa trị bằng cách kết hợp một số loại kháng sinh và steroid đặc thù trong nhiều tuần, và với nhiều ca bệnh có thể phải điều trị nhiều tháng.
“Dù bị vết thương nhỏ hay lớn, không có ai mà không bị ảnh hưởng đáng kể vì căn bệnh này,” O’Brien nói.
Tác động đến cơ thể rất đáng kể: vết lở hung hãn có thể gây biến dạng cơ thể, buộc phải làm đại phẫu và dẫn đến tình trạng khuyết tật về lâu dài. “Nó có thể ăn hẳn cả một chi trên người,” O’Brien nói.
Danh sách bệnh nhân của ông có cả những em nhỏ phải phẫu thuật đến 20 lần vì căn bệnh này.
Bệnh cũng gây ra tác động kinh tế.
Noel làm việc cho chương trình phim truyền hình Neighbours và anh phải nghỉ làm nhiều tháng vì lỗ thủng xuất hiện trên chân có nghĩa là anh không thể đứng quá lâu.
Phương thức chữa trị cũng có thể khiến người bệnh rất mệt mỏi. Các steroid mà Noel dùng khiến anh ‘cực kỳ căng thẳng’. “Tôi hết sức vui mừng khi ngưng dùng thuốc,” anh chia sẻ. Bảy tháng sau, anh vẫn còn phải uống kháng sinh.
Các bệnh nhân khác nói kháng sinh khiến họ phát bệnh, bị lở ở miệng và bộ phận sinh dục và bị đau bao tử.
“Đó là tiến trình khó khăn. Cực kỳ khó chịu, và cực kỳ không vui vẻ gì,” Cheryle Michael, một người đã nghỉ hưu và mắc chứng lở da Buruli trên mặt vào tháng 8/2020 và đến giờ vẫn phải dùng thuốc, nói.
“Các steroid khiến tôi cực kỳ trầm cảm, mệt mỏi và chẳng có động lực gì,” bà kể lại. Kháng sinh khiến bà bị đau bụng và bà hồi hộp lo lắng nếu phải rời khỏi nhà. “Tôi thực sự không muốn đi đâu quá xa khỏi nhà vệ sinh, thành thật mà nói là vậy,” bà chia sẻ.
Nguồn hình ảnh, Annette Ruzicka
Chụp lại hình ảnh,
Daniel O’Brien có 5 – 10 bệnh nhân mới bị chứng lở da Buruli mỗi tuần
Chứng lở da ăn thịt Buruli được điều trị bằng cách sử dụng hai loại kháng sinh mạnh liều cao, mà người bệnh phải uống trong nhiều tuần và thường là vài tháng: đó là rifampicin, là loại kháng sinh cũng được dùng để trị các loại nhiễm khuẩn nghiêm trọng khác như bệnh lao và bệnh phong; và moxifloxacin, dùng để trị bệnh dịch hạch.
Tùy thuộc vào tình trạng nghiêm trọng của vết lở, người ta cũng kê thêm steroid liều cao, cũng như phẫu thuật. “Tôi sẽ không nói bất cứ cách chữa trị nào là dễ dàng. [Bệnh nhân] đều phải chịu khổ sở ở mức độ nào đó,” bác sĩ O’Brien nói.
Bệnh lở loét chưa được biết đến
Trong khi bệnh lở Buruli ăn các mô mềm trên cơ thể nạn nhân đến mức khiến họ khổ sở vì nó, thì vấn đề mà các nhà khoa học và bác sĩ phải đối mặt là tìm cách ngăn không cho bệnh lây nhiễm cho nhiều người khác.
“Chúng tôi không biết đủ thông tin về căn bệnh. Có một số câu hỏi khoa học cực kỳ quan trọng như bệnh này xuất phát từ đâu trong môi trường, bọn động vật mang vi khuẩn ký sinh ra sao, và con người nhiễm bệnh qua đường nào,” O’Brien nói. “Nếu ta không tìm được câu trả lời cho những câu hỏi quan trọng, chúng ta sẽ thực sự gặp khó khăn khi tìm cách kiểm soát căn bệnh.”
Hiện thời, các nhà khoa học đang tìm hiểu giả thiết rằng vi khuẩn này lây lan nhanh hơn do chồn túi possum và phân của nó.
Muỗi và các côn trùng đốt khác mang vi khuẩn này từ chồn túi possum hoặc từ môi trường và lây cho con người, đốt trên da và để lại vi khuẩn gây bệnh lở Buruli.
Nhưng đây vẫn còn là lý thuyết, và không ai biết chắc liệu con người lây bệnh này từ muỗi, từ đất hay từ bản thân loài chồn túi possum.
Bệnh lở Buruli bị tổ chức Y tế Thế giới (WHO) coi là căn bệnh “bị bỏ quên”; không được chú ý đúng mức và người ta không mấy biết đến.
Người ta lần đầu biết đến bệnh vào năm 1897 ở Uganda, nhưng chủ yếu là vì bệnh chỉ ảnh hưởng đến cộng đồng dân nghèo ít được chăm sóc về y tế.
“Chỉ là bởi không có tiền để thực sự bỏ công sức, nỗ lực và tài nguyên vào nghiên cứu,” O’Brien nói. Chuyên môn của ông bắt nguồn từ nhiều năm làm việc ở Tây Phi chữa trị bệnh nhân mắc bệnh lở Buruli và các bệnh liên quan như bệnh phong và bệnh lao.
Khi bệnh ở Buruli lần đầu xuất hiện ở bang Victoria năm 1948, lúc đó chỉ có vài ca bệnh. Nhưng các chuyên gia cho rằng, giờ đây ở Úc căn bệnh này trở nên ngày càng phổ biến hơn.
Không ai biết rõ bệnh lây lan từ bao giờ. Thậm chí một số người sống ở giữa vùng bán đảo cho biết họ chưa bao giờ nghe nói về căn bệnh, Kim Blasdell, nhà khoa học chính tại CSIRO, cơ quan khoa học quốc gia Úc, cho biết. Bà lãnh đạo nhóm nghiên cứu tìm hiểu về sự liên đới có thể có giữa chồn túi possum, bệnh lở Buruli và con người.
Nguồn hình ảnh, Annette Ruzicka
Chụp lại hình ảnh,
Kim Blasdell cố gắng quan trắc hàm lượng vi khuẩn Buruli trong chồn túi possum Bán đảo Mornington
“Nếu mọi người sống trong tâm dịch vẫn chưa biết gì về bệnh này, thì hầu hết mọi người sống ngoài khu vực cũng chẳng hay biết gì về bệnh,” bà chia sẻ.
Đó có thể là vấn đề lớn: bệnh nhân không biết mình mắc bệnh, và việc phải đợi nhiều tuần chẩn đoán có thể sẽ dẫn đến thảm họa, như cách Noel phát hiện bệnh ở chân anh. “Vì vậy, bạn thực sự muốn làm sao để có thể phòng tránh bệnh,” O’Brien giải thích.
Lây lan
Phần quan trọng trong phòng tránh bệnh nằm ở chỗ hiểu điều gì có thể đã xảy ra khiến số lượng ca bệnh tăng cao. Tìm hiểu những thay đổi trong môi trường địa phương là cực kỳ quan trọng, theo Blasdell. “Có rất nhiều biến đổi tiếp diễn trong khu vực nơi nhiều người nhiễm bệnh,” bà chia sẻ.
Con người đã thay đổi bán đảo Mornington từ khi người Châu Âu đến vào năm 1803 và chặt sạch hầu hết rừng trong khu vực để có củi đốt cho thành phố mới Melbourne.
Khi dân số nơi đây tăng trong vài năm vừa qua, sự phát triển ngày càng gia tăng và sinh cảnh tự nhiên bị mất ngày càng nhiều.
“Khi mọi người dọn sạch đất đai để xây nhà mới hoặc chặt sạch cây cối bản địa, nghĩa là động vật bản địa sống trên khu đất đó, trong đó có chồn túi possum, sẽ phải di chuyển đến sống trong phần đất có cây cối còn lại trong khu vực. Điều này khiến số lượng thú có túi tập trung đông hơn,” Blasdell giải thích.
Điều này có thể dẫn đến tập trung số lượng vi khuẩn như Mycobacterium ulcerans trong khu vực hẹp.
Quá trình phát triển của con người cũng có nghĩa là mọi người tiếp xúc gần hơn với loài động vật này. Chồn túi possum có thể sống trên cây bản địa như cây chè, nhưng những động vật lông xù này có thể thích nghi tốt trong môi trường đô thị nếu chúng buộc phải sống ở đó – ví dụ như sống trong vườn nhà của con người.
Tại nơi ở mới, chồn túi possum cũng có thể tiếp cận được nhiều thứ hơn trước đây so với môi trường trong tự nhiên.
Chúng thích các loại cây nhiều lá, từ lá cây sồi trong công viên đến hoa hồng, đến cây mộc lan và cây ăn trái có mặt trong vườn nhà trong vùng. Một cây cho hoa có thể bị chồn túi possum đang đói ăn sạch, khiến người làm vườn ở vùng quê khó chịu.
“Rất nhiều nhà trong khu vực có nhiều cây trồng và cây bản địa. Chồn túi possum rất thích, chúng sống trên cây và ị đầy mặt đất. Chúng chạy quanh mái nhà và trong cả garage để xe,” Blasdell nói.
Điều này nghe có vẻ phiền toái, kể cả khi chưa nhắc tới bệnh lở da Buruli, nhưng chồn túi possum là loài được bảo vệ ở Úc – có nghĩa là việc giết hay gây hại cho chúng là bất hợp pháp.
Thông thường, mọi người cố gắng dọa chồn túi possum bằng cách rung cây để chúng chạy đi, hoặc thậm chí sử dụng “dung dịch xịt nước mắm ớt”, Blasdell giải thích. Khi làm vậy, mọi người càng có nguy cơ tiếp xúc gần hơn với chồn túi possum, khiến họ càng dễ có nguy cơ nhiễm bệnh hơn.
Bên cạnh việc xóa sạch môi trường sống bản địa và vô tình đẩy động vật hoang dã và con người đến sống gần nhau hơn, tình trạng phát triển mới cũng có thể vô tình dễ làm lây bệnh hơn, Blasdell nói.
Cách khu vực phát triển mới ở Bán đảo Bellarine, nằm ở phía đối diện với Bán đảo Mornington về phía bên kia của vịnh, là nơi có nhiều hồ nước và sông suối. Quang cảnh trông thì đẹp, nhưng lại không hề tốt gì cho bà và đồng nghiệp.
Thay vào đó, bà chia sẻ, nhóm của bà lập tức nghĩ đến muỗi có thể trở thành yếu tố truyền vi khuẩn gây bệnh lở loét Buruli, cũng như là vật trung gian truyền các mầm bệnh khác.
Bà nói, tương tự như cách các nhà phát triển đô thị phải làm với đánh giá tác động môi trường, họ cũng nên cân nhắc yếu tố rủi ro về sức khỏe.
Nguồn hình ảnh, Annette Ruzicka
Chụp lại hình ảnh,
Chồn túi possum thích sống ở môi trường có cây nhiều lá, nơi chúng có thể dễ dàng tìm thức ăn trong vườn
Một người dân địa phương chú ý đến thay đổi là bà Cheryle Michael, người đến sống ở vùng này với gia đình vào đầu thập niên 1990.
“Chúng tôi thường nói ở đây thật dễ chịu vì không có muỗi, nhưng số lượng muối đã tăng lên trong nhiều thập niên vừa qua,” bà nói.
Cũng tương tự như số ca nhiễm bệnh Buruli: “Bệnh lở da Buruli chỉ mãi tới gần đây mới xuất hiện. Trước đây, đây không phải là điều gây lo lắng cho chúng tôi,” bà nói.
Bệnh lở da Buruli không phải là ví dụ duy nhất. Một báo cáo năm 2018 cho thấy có nhiều mối liên hệ giữa tình trạng mất thực vật bản địa và thay đổi mục đích sử dụng đất với tình trạng khẩn cấp là nhiều bệnh dịch xuất hiện ở Úc.
Quá trình phát triển bệnh là quá trình con người có nhiều liên đới, Rosemary McFarlane, phó giáo sư về sức khỏe cộng đồng từ Đại học Canberra và là một trong số đồng tác giả của nghiên cứu, nói.
“Chúng ta gây cực kỳ nhiều áp lực lên thế giới tự nhiên; chúng ta có nhiều người và gia súc hơn rất nhiều so với động vật hoang dã, và hai bên lấn chiếm lẫn nhau để cạnh tranh, giành tài nguyên. Đó là vấn đề ta tự gây ra,” bà giải thích.
Vì vậy, vấn đề không phải do bản thân chồn túi possum gây ra – đó còn là vì ta sống gần chúng hơn bao giờ hết. Đây là phần lớn lý do ta không nên đổ tội cho loài này. Đó là chưa nói đến việc chồn túi possum là một phần quan trọng trong hệ sinh thái ở Úc: phân của chúng làm giàu cho đất.
Bên cạnh đó, Blasdell chỉ ra, nếu đổ tội cho chồn túi, thì lẽ ra ta đã thấy bệnh lở ra Buruli khắp các vùng phát triển quá mức ở Úc, nơi cũng có loài vật này sinh sống. Thế nhưng bệnh này chỉ tập trung gần Melbourne và Geelong.
Sự kết hợp giữa phát triển và các yếu tố môi trường có vẻ như là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bệnh lây lan. Việc hiểu lý do vì sao và bằng cách nào bệnh tồn tại – cả ở loài chồn túi possum và cả trong môi trường bang Victoria – là điều quan trọng để hiểu liệu bệnh có lan rộng khắp quốc gia này hay không.
Truy tìm câu trả lời
Sau khi bối rối trước tình trạng bệnh nhân tăng nhanh, vào năm 2018, ông O’Brien công bố một bài báo trên Tạp Chí Y Khoa Úc, kêu gọi lập quỹ phản ứng khoa học khẩn cấp đối với tình trạng các ca bệnh gia tăng.
Cũng vào thời gian đó, một bé gái 13 tuổi có tên là Ella Crofts ra thỉnh nguyện thư, kêu gọi chính phủ cấp quỹ sau khi cô bé bị lở loét nặng nề ở đầu gối, phải phẫu thuật ba lần và điều trị nhiều tháng.
Chỉ trong vòng một tuần sau khi bài báo được đăng, O’Brien đã gom được nguồn quỹ trên 3 triệu đô la Úc (khoảng 2,3 triệu đô la Mỹ).
Với quỹ này, O’Brien phối hợp với các chuyên gia khác để nghiên cứu câu hỏi quan trọng: sự lây truyền bệnh diễn ra thế nào?
“Đây là căn bệnh có tương tác phức tạp giữa môi trường, động vật và con người,” ông giải thích. Nhưng nếu không hiểu rõ hơn về quá trình truyền bệnh, thì việc phòng tránh bệnh vẫn rất khó khăn.
O’Brien hợp tác với các nhà nghiên cứu môi trường, nhà khoa học nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm và chuyên gia về hành vi con người để họ có thể ráp những mảnh nhỏ vào bức tranh ghép giải mã vấn đề đang xảy ra là gì.
Một trong số các nhà nghiên cứu ông làm việc cùng trong hai năm qua là Blasdell.
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Chồn túi possum được bảo vệ ở Úc, nhưng chúng sống gần khu vực người sống khiến nguy cơ lây bệnh tăng cao
Vào một buổi sáng trong xanh tháng 10/2020, Blasdell đang dạo quanh con đường ngoại ô ở Bán đảo Mornington, có đeo khẩu trang, găng tay xanh và cầm túi nhựa màu vàng.
Bà dừng lại ở một cây có lớp vỏ cây mỏng và mềm đong đưa trước gió, và ngước nhìn lên tán cây.
Cây moonah (còn được gọi là cây chè đen, có tên khoa học là Melaleuca preissiana) – một loài cây bản địa ở nơi đây – là nơi chồn túi possum ưa thích, và – biết ngay mà – bà phát hiện một cái tổ.
Bên dưới lớp cỏ, bà nhanh chóng nhận ra thứ bà muốn tìm: những viên phân nhỏ màu nâu đậm mà chồn túi possum thải ra.
Từ túi nhựa, Blasdell lấy một ống xét nghiệm nhỏ và một cái nhíp bé màu xanh. Bà nhặt vài viên phân bỏ vào ống xét nghiệm, dán nhãn và thả vào túi cùng các mẫu khác.
Trong khi đó, nhóm của bà đã gửi bảng hỏi đến cho người dân ở Bán đảo Mornington – cho cả người đang bị bệnh và người chưa nhiễm bệnh.
Họ muốn tìm hiểu hành vi của mọi người, chẳng hạn như: người dân có đeo găng tay khi làm vườn không, họ có sống cạnh khu vực nước đọng mà muỗi hay sinh sôi không?
Blasdell và nhóm nghiên cứu cũng đến thăm nhà người dân và lấy mẫu xét nghiệm môi trường để xem có tìm thấy vi khuẩn trong khu vực đất quanh nhà không.
Liên kết tất cả những thông tin này lại, họ hy vọng hiểu rõ hơn căn bệnh này lây lan ra sao từ môi trường đến con người.
Sau đó, khi mặt trời lặn, Saras Windecker và nhóm của bà bắt đầu ra ngoài.
Trong bóng tối của khu ngoại ô yên tĩnh trên bán đảo, Windecker, nhà nghiên cứu từ Đại học Melbourne, đi chậm chạp xuống giữa con đường, đèn pin đeo đầu của bà tỏa sáng đến cây cối xung quanh, bà bắt đầu đếm.
Bà đang làm khảo sát đếm ước tính xem có bao nhiêu chồn túi possum sống trong khu vực.
Bà bắt đầu ở phía bắc Melbourne, nơi bà có thể phát hiện 30 con trong một buổi tối.
Nhưng khi bà càng đến gần Bán đảo Mornington, “chúng tôi bắt đầu thấy số lượng cực kỳ nhiều, hơn 100 con chồn túi trong một đêm đi đếm,” bà nói.
Nguồn hình ảnh, Annette Ruzicka
Chụp lại hình ảnh,
Saras Windecker khảo sát bằng cách ước lượng có bao nhiêu chồn túi possum sống trong khu vực quanh Melbourne
Vì các nhà khoa học tin rằng muỗi cũng góp phần vào chuỗi truyền bệnh phức tạp này, nên cùng với việc đếm chồn túi possum, họ cũng làm khảo sát về muỗi.
“Chúng tôi có thể sử dụng những thông tin này để xây dựng bản đồ không gian nơi có nhiều muỗi nhất và khoảng thời gian chúng hiện diện,” Windecker chia sẻ.
Thông qua quá trình thu thập thông tin này, như số lượng chồn túi possum đông đúc, lượng vi khuẩn trong phân và trong môi trường, và độ dày đặc của muỗi, Windecker có thể xây dựng hệ thống cảnh báo cho cộng đồng và nhân viên y tế.
“Chúng tôi có thể [xây dựng] bản đồ không gian dự báo nguy cơ rộng hơn ở những nơi vi khuẩn có khả năng lây nhiễm cho con người cao nhất trong tương lai,” Windecker giải thích.
Việc tìm ra lời giải đáp cho các câu hỏi cũng hữu ích ở tầm vượt ra bên ngoài khu vực bán đảo Mornington: trên khắp thế giới có gần 3.000 người mắc bệnh lở da Buruli mỗi năm.
Nghiên cứu vẫn đang tiến hành tốt cho đến khoảng mùa xuân năm 2020, sau đó đại dịch virus corona đã cản trở dự án, và khó có thể tìm được nguồn quỹ duy trì nghiên cứu.
Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được chắn chắn vi khuẩn lây bệnh này cho con người bằng cách nào.
Trong khi đại dịch toàn cầu vẫn đang tiếp diễn, O’Brien lo lắng bệnh lở ăn da Buruli có thể một lần nữa lại rơi vào quên lãng.
Ông lo sợ chúng ta quá dại khờ khi phớt lờ căn bệnh.
“Covid-19 cho thấy ta không thể xem xét các loại bệnh một cách biệt lập. [Virus corona] có thể là bệnh hô hấp và Buruli là bệnh nhiễm khuẩn, nhưng chúng đều bắt nguồn từ thiên nhiên, chúng đều cảnh báo ta về cách thức tương tác của con người với thiên nhiên, chúng đều đe dọa nghiêm trọng sức khỏe con người,” ông nói.
“Bài học cho bệnh này có thể cực kỳ quan trọng với bệnh khác.”