Vì sao Iran từ chối trao trả chiếc máy bay do thám của Mỹ? | Web Bảo Hiểm

Sau khi giới lãnh đạo Mỹ lên tiếng yêu cầu Iran trao trả cho mình chiếc máy bay không người lái siêu bí mật RQ-170 Sentinel bị rơi vào tay quân đội nước này, đến lượt Tổng thống Barack Obama phải “xuống nước” khi đích thân đưa ra đề nghị trên. Nhưng ngay cả lần này, Tehran vẫn kiên quyết không “nể mặt” cả ông chủ Nhà Trắng.

alt

Đối với Washington, việc để chiếc máy bay siêu hiện đại trên rơi vào tay Iran rõ ràng là một nguy cơ rất lớn để lộ những công nghệ quân sự mới vào tay một quốc gia thù địch với mình. Trong khi đối với Iran, đây lại là một “món quà vô giá” cả về ý nghĩa chính trị lẫn quân sự – Tehran cũng đang đẩy mạnh chương trình sản xuất máy bay không người lái, sau khi nhận ra hiệu quả của phương tiện quân sự này.

Chiếc máy bay không người lái của Mỹ đã bị bắt giữ nhờ những nỗ lực xuất sắc của lực lượng tác chiến vô tuyến điện tử của Iran. Theo đó, các chuyên gia quân sự Iran dường như đã thành công trong việc vô hiệu hóa hệ thống điều khiển điện tử của chiếc máy bay, sau đó điều khiển nó hạ cánh xuống một khu vực đồi núi phía đông đất nước (cách biên giới Afghanistan 225 km) mà không phải chịu hư hại đáng kể nào.

Nhiều khả năng, chiếc RQ-170 được điều khiển trinh sát các cơ sở hạt nhân, cũng như mạng lưới phòng không tại phía đông Iran. Theo Iran, quân đội nước này ban đầu đã phát hiện chiếc máy bay cho dù nó đã được “tàng hình” trước con mắt radar bằng một lớp bao phủ đặc biệt, sau đó họ tìm được cách giành quyền điều khiển và cho nó hạ cánh.

Một giả thuyết khác cho rằng, Iran đã điều khiển được chiếc RQ-170 hạ cánh là nhờ một tổ hợp tác chiến vô tuyến điện tử 1L222 Avtobas mới được Nga cung cấp hồi tháng 10. Tổ hợp di động này dùng để tìm kiếm các mục tiêu phát xạ, kể cả các loại radar lắp trên máy bay.

Riêng người Mỹ đã phủ nhận khả năng lực lượng tác chiến điện tử của Iran đã thành công trong việc bắt giữ chiếc máy bay. Họ chỉ cho rằng, chiếc RQ-170 đơn giản vì một lý do nào đó đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát của các chuyên gia CIA, sau đó đã rơi khi bị cạn nhiên liệu. Mỹ cũng phủ nhận cả giả thuyết chiếc RQ-170 bị bắn rơi.

Các chuyên gia độc lập lại nghiêng về khả năng cho rằng, người Iran có thể đã phát hiện ra chiếc máy bay tàng hình, sau đó sử dụng các phương tiện điện tử để làm nhiễu kênh điều khiển của nó từ CIA. Khi bị mất liên lạc, chiếc RQ-170 có thể đã hạ cánh khẩn cấp (theo chương trình đã lập sẵn) hoặc bay lượn cho tới khi hết nhiên liệu và rơi xuống đất.

Điều quan trọng là không hiểu tại sao người Iran lại thu được một chiếc máy bay siêu bí mật của Mỹ trong tình trạng gần như còn nguyên vẹn. Điều này đồng nghĩa với việc, một trong những phương tiện tình báo tinh xảo nhất của CIA đã rơi vào tay một kẻ thù tiềm năng của Washington.

Không có gì ngạc nhiên khi Tehran không thể bỏ qua cơ hội này. Phát biểu trong cuộc trả lời phỏng vấn của Press TV, Phó chủ tịch Hội đồng an ninh và đối ngoại quốc gia Hossein Ebrahimi đã tuyên bố, các chuyên gia Iran đang lập kế hoạch chế tạo loại máy bay không người lái của riêng mình dựa trên cơ sở công nghệ tiên tiến của chiếc máy bay vừa thu được.

Hơn nữa, theo giải thích của Parviz Sorouri (một quan chức thành viên khác trong ủy ban này), các máy bay tàng hình không người lái mới của Iran sẽ có khả năng cơ động cao hơn của Mỹ(!?).

Cần nói thêm, Iran hiện cũng đang sở hữu một số loại thiết bị bay không người lái nội địa do Công ty Qods Aeronautics Industries sản xuất (bao gồm các phiên bản máy bay Tallash, Saeqeh, Mohajer và Hadaf).

Đó là cơ sở để tin rằng, các chuyên gia Iran không phải không có khả năng lĩnh hội những công nghệ mới được áp dụng trong chiếc RQ-170: các loại cảm biến, trang bị dẫn đường điện tử, lớp vỏ bọc tàng hình v.v…

Trước mắt theo các phương tiện truyền thông đại chúng Iran, Tehran đã hoàn tất việc giải mã các dữ liệu được lưu trên chiếc RQ-170 và dự định sử dụng thông tin nhận được trên để chống lại Mỹ.

Hiện chưa rõ những thông tin mật cụ thể nào được lưu trữ trong các vật mang tin trên chiếc RQ-170. Nhiều khả năng, đó là thông tin về tất cả các cơ sở quân sự và hạt nhân của Iran đang khiến Washington lo ngại, được nhắc tới trong báo cáo mới nhất của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).

Theo đánh giá, việc mất chiếc máy bay siêu bí mật RQ-170 là thất bại nặng nề thứ hai của CIA trong cuộc đối đầu với Iran chỉ trong vài tháng gần đây. Hồi cuối tháng 11, cũng chính quan chức Parviz Sorouri đã tiết lộ với báo chí Iran về việc, cơ quan mật vụ đã bắt giữ được 12 gián điệp của CIA đang âm mưu hỗ trợ tình báo Israel tấn công phá hoại các cơ sở quân sự và hạt nhân trên lãnh thổ Iran.

Những phản ứng ban đầu của Washington đã cho thấy, họ sẽ không dễ dàng từ bỏ ý định lấy lại được chiếc máy bay. Thậm chí theo như tờ The Wall Street Journal, chính quyền Mỹ đã tính toán nghiêm túc tới khả năng sử dụng lực lượng đặc nhiệm để tham gia một chiến dịch giải cứu chiếc máy bay. Ý tưởng trên tuy nhiên đã tạm bị gạt sang một bên sau khi xuất hiện những động thái ngoại giao.

Những động thái ngoại giao dù ít mạo hiểm hơn nhưng cũng có cơ hội thành công rất thấp. Điều này không chỉ xuất phát từ thực tế giữa Washington và Tehran không có quan hệ ngoại giao trực tiếp. Mối nghi ngờ về khả năng lấy lại được chiếc RQ-170 cũng được các quan chức cao cấp của Mỹ nhắc tới: Bộ trưởng Quốc phòng Leon Pennetta (theo Los Angeles Times) và Ngoại trưởng Hillary Clinton (theo ABC News).

Hơn nữa, bản thân Iran trong vấn đề trên vẫn luôn nhất quán thể hiện một thái độ cứng rắn. Như đại diện của Iran tại LHQ Mohammad Khazaee đã gọi việc xuất hiện của chiếc RQ-170 trên không phận Iran là một hành động xâm lược và khiêu khích của Mỹ.

Nhân sự kiện trên, ông Khazaee đã chính thức nộp đơn tố cáo lên Tổng thư ký Ban Ki Moon, cũng như Hội đồng bảo an và Đại hội đồng LHQ. Số phận sắp tới của công cụ do thám hiện đại trên của người Mỹ về cơ bản đã được xác định. Bộ trưởng Quốc phòng Iran Ahmad Vahidi trong bài trả lời phỏng vấn mới đây của Hãng thông tấn ISNA đã tuyên bố: “Chiếc máy bay do thám không người lái của CIA đã trở thành tài sản của nước Cộng hòa Hồi giáo”.

(Baomoi.com)

Rate this post

Viết một bình luận