Cuộc đàm phán “giữa đường đứt gánh” sẽ ảnh hưởng như thế nào tới cơ hội giải quyết bất đồng giữa hai quốc gia vốn luôn tranh giành ảnh hưởng tại Trung Đông và điều đó tác động thế nào tới khu vực?
Saudi Arabia và Iran là hai đối thủ lớn và luôn đối đầu nhau ở khu vực Trung Đông. Căng thẳng leo thang đến mức hai bên đã cắt đứt quan hệ ngoại giao vào năm 2016 và tiếp tục đối đầu trong cuộc chiến ủy nhiệm ở Yemen, cũng như vấn đề hạt nhân… Trong bối cảnh căng thẳng như vậy, việc hai nước ngồi vào bàn đàm phán trực tiếp thời gian qua được cho là một tín hiệu tích cực góp phần tạo dựng ổn định và an ninh trong khu vực. Hai nước đã tổ chức bốn vòng đàm phán trực tiếp tại Iraq và đạt được rất ít tiến bộ, vốn chủ yếu tập trung vào các vấn đề Yemen. Cuộc đàm phán thứ 5 dự kiến vào tuần tới vừa bị phía Iran đơn phương đình chỉ và không nêu chi tiết lý do, cũng như chưa đưa ra ngày ấn định tiếp tục.
Ảnh minh họa: Tehran Times
Theo truyền thông khu vực, Iran tạm thời đình chỉ các cuộc đàm phán do Iraq làm trung gian được cho là liên quan tới việc Saudi Arabia vừa hành quyết 81 người bị kết án với tội danh giết người và tham gia các nhóm chiến binh. Người Saudi Arabia theo Hồi giáo dòng Sunni trong khi người Iran theo Hồi giáo dòng Shi’ite và trong số những người mới bị Saudi Arabia hành quyết có 41 người Hồi giáo dòng Shi’ite. Thứ hai, việc ngừng đàm phán có thể liên quan tới các cuộc đàm phán hạt nhân ở Vienna, Áo đang bế tắc mà Iran muốn tập trung vào vấn đề này hơn. Thứ ba, việc ngừng đàm phán này có thể do yêu cầu từ một đồng minh nhằm làm chậm việc nối lại quan hệ với Saudi Arabia, đồng minh chiến lược của Mỹ ở Trung Đông.
Mấu chốt trong việc giải quyết mâu thuẫn giữa Iran và Saudi Arabia?
Trên các diễn đàn quốc tế mới đây, hai nước đều bày tỏ thiện chí sẵn sàng nối lại đàm phán và xây dựng quan hệ. Tuy nhiên, Saudi Arabia mô tả các cuộc đàm phán là thân mật nhưng mang tính thăm dò, trong khi Tehran nói rằng họ đã đi được một chặng đường hiệu quả.
Để giải quyết mâu thuẫn, Iran và Saudi Arabia có rất nhiều việc cần làm. Iran và Saudi Arabia là hai nước lớn trong khu vực, có nhiều ảnh hưởng cả về chính trị, văn hóa, kinh tế, quân sự. Quan hệ hai nước được đánh giá là “kẻ thù không đội trời chung” và “đối thủ địa chính trị”.
Trước hết, đó là hai quốc gia theo hai dòng giáo phái lớn của đạo Hồi là Shi’ite và Sunni. Tại Trung Đông, sự kết hợp mạnh mẽ giữa tôn giáo và chính trị đã làm sâu sắc thêm sự chia rẽ giữa người Hồi giáo Shi’ite của Iran và người Hồi giáo Sunni ở Saudi Arabia. Mâu thuẫn văn hóa, tôn giáo này rất khó có thể hòa giải một sớm một chiều. Đó là chưa kể việc hai bên có thể bị các lực lượng, thế lực lợi dụng để kích động gây xung đột và chia rẽ.
Thứ hai, trong khi Iran thân Nga và Syria thì Saudi Arabia lại thân Mỹ và Israel. Cả Nga và Mỹ đang cạnh tranh ảnh hưởng ở Trung Đông và can dự vào các cuộc chiến ủy nhiệm ở khu vực. Do đó, quan hệ hay mâu thuẫn giữa Iran và Saudi Arabia cũng có những tác động và ảnh hưởng từ đồng minh Nga và Mỹ.
Thứ ba, Saudi Arabia cũng lo ngại mối đe dọa hạt nhân từ Iran nên dường như nước này không thể ủng hộ Iran phát triển vũ khí hạt nhân trong khu vực.
Thứ tư, trên mặt trận Yemen, dường như đây là cuộc đối đầu chưa có hồi kết trong gần 7 năm qua giữa Iran hậu thuẫn cho Houthi và Saudi Arabia hậu thuẫn cho chính phủ được quốc tế công nhận. Ngay cả cuộc chiến này cũng chưa được giải quyết và còn căng thẳng.
Do đó có thể nói, việc hai nước nối lại đàm phán là một dấu hiệu tích cực nhưng để đi tới những đồng thuận hoặc giải quyết hết những căng thẳng, đối địch giữa hai bên là rất khó.
Iraq yêu cầu Iran giải thích về vụ tấn công tên lửa vào Erbil
VOV.VN – Trong một tuyên bố, chính phủ Irắc vừa yêu cầu Iran giải thích một cách “thẳng thắn và rõ ràng” thông qua các kênh ngoại giao về vụ tấn công tên lửa đạn đạo nhằm vào miền Bắc Iraq ngày 13/3.
Tầm ảnh hưởng ở Trung Đông của Iran và Saudi Arabia
Cả Iran và Saudi Arabia đều có ảnh hưởng rất lớn về kinh tế, văn hóa, chính trị, tôn giáo trong khu vực. Do đó, nhiều nhà phân tích khẳng định rằng, muốn giải quyết quan hệ hai nước này trước hết phải giải quyết cuộc “chiến tranh lạnh” đang diễn ra giữa hai nước được thúc đẩy bởi sự khác biệt về tôn giáo. Điều này cũng tác động tới các nước trong khu vực.
Thứ hai, Riyadh và Tehran cũng đang tranh giành ảnh hưởng trong khu vực. Sự cạnh tranh này tác động không chỉ tới giá dầu mà còn cả những ảnh hưởng do các cuộc chiến ủy nhiệm gây ra.
Một lĩnh vực quan tâm chung thứ ba giữa Iran và Saudi Arabia là giải quyết xung đột giữa Israel và Palestine. Cả Riyadh và Tehran vẫn lo ngại về việc Israel kiểm soát các thánh địa Hồi giáo và mở rộng sang Bờ Tây, cũng như khả năng vũ khí hạt nhân chưa được công bố của Israel. Mối quan hệ này cũng có thể gây ra những tác động làm mất ổn định trong khu vực.
Do đó, có thể nói an ninh và lợi ích của Trung Đông phụ thuộc vào cả Saudi Arabia và Iran. Nếu Riyadh và Tehran tập trung vào lợi ích chung của họ, các nước láng giềng sẽ nhanh chóng làm theo. Điều này sẽ giúp dập tắt hầu hết các ngọn lửa trong và xung quanh khu vực và cho phép chung sống hòa bình với Israel.
Mối quan hệ được cải thiện giữa Riyadh và Tehran sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho Trung Đông mà còn cho cả Bắc và Đông Phi, giúp các nước Hồi giáo tập trung vào việc xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy hòa hợp tôn giáo, chống khủng bố./.