Vì sao bạn lười?

Lười biếng là thói quen xấu nhưng đôi khi lại là dấu hiệu cảnh báo một vấn đề tâm lý nào đó, ví dụ như trầm cảm.

“Trầm cảm và lười biếng có rất nhiều điểm chung nên có thể khiến nhiều người hiểu nhầm”, chuyên gia tâm lý Brynn Johnson (Mỹ) nhận định. Chúng đều ảnh hưởng đến động lực, sự tập trung, mức năng lượng và chất lượng công việc. Trên thực tế, trầm cảm tác động đến sức khỏe tinh thần và tâm trạng của con người, còn lười biếng là mất động lực bởi những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát, thiếu sự tự nhận thức và không biết điều gì thúc đẩy mình.

Vậy làm sao có thể biết mình trầm cảm hay lười biếng?

“Theo kinh nghiệm của cá nhân tôi, trầm cảm đem tới cảm giác u ám”, bà Johnson cho biết. “Bạn sẽ thấy khó rời khỏi giường vào buổi sáng, không phải vì bạn muốn tận hưởng thêm những giây phút nghỉ ngơi mà vì bạn buồn bã, chán nản và tuyệt vọng”.

Trầm cảm có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng, dù cho bạn được nghỉ ngơi nhiều. Còn lười biếng mang tính tình huống nhiều hơn. Đôi khi, bạn lười biếng vài ngày vì đã quá mệt mỏi sau một tuần bận rộn.

Ảnh: Indian Times.

Ảnh: Indian Times.

Theo chuyên gia, lười biếng thường là dấu hiệu cho thấy sức khỏe thể chất và tinh thần đang gặp vấn đề. Nữ chuyên gia đưa ra các nguyên nhân khiến con người lười biếng, bao gồm:

Gặp vấn đề về liên kết giá trị

Liên kết giá trị là việc bạn có cảm thấy nhiệm vụ/công việc đang làm không phù hợp với các giá trị của bản thân.

Ở cơ quan, chúng ta thường được giao một số nhiệm vụ có vẻ vô ích. Nếu gặp khó khăn về liên kết giá trị, bạn sẽ không muốn hoàn thành những nhiệm vụ này, ngay cả khi chúng quan trọng với sếp của bạn. Với suy nghĩ nhiệm vụ này chẳng mang ý nghĩa gì, bạn dễ để mặc nó, cho dù ngày hôm sau là hạn hoàn thành.

Hầu hết chúng ta sẽ bỏ qua suy nghĩ của bản thân, gán cho công việc kia một giá trị nào đó để làm hài lòng cấp trên. Tuy nhiên, một số người không làm thế.

Nếu rơi vào trường hợp này, bạn hãy nói chuyện với cấp trên để hiểu tại sao nhiệm vụ ấy lại quan trọng. Hãy đào sâu cho đến khi bạn cảm thấy công việc đó xứng đáng với công sức mình bỏ ra. Đừng mãi từ chối và trì hoãn, nếu không bạn sẽ bị gắn nhãn “lười biếng”.

Nghiện mạng xã hội

Nghiện xã hội là một vấn đề của xã hội hiện đại, đem tới cả lợi ích lẫn tác hại đối với sức khỏe tinh thần.

Nếu nhận thấy mình dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội, bạn hãy tập trung vào việc giảm bớt sự chú ý cho Internet. “Bạn có thể xóa ứng dụng mạng xã hội vào cuối tuần hoặc sau giờ làm việc”, bà Johnson gợi ý. Điều này có thể khiến bạn mất thời gian để cài đặt lại nhưng sẽ giúp bạn dần dần “cai nghiện”.

Bên cạnh đó, hãy cân nhắc tắt thông báo hoặc hủy theo dõi những tài khoản khiến bạn thấy tệ về bản thân.

Lạm dụng chất kích thích

Lười biếng và trầm cảm có thể là triệu chứng của vấn đề lạm dụng chất kích thích. Do cần thời gian tìm mua và sử dụng chất kích thước, bạn có thể đến muộn hoặc lỡ hẹn với người khác, từ đó mang tiếng lười biếng.

Có quá nhiều việc để làm

Khi làm việc từ xa, chúng ta càng ngập chìm trong công việc. Máy tính, điện thoại, đồng hồ đều có thể trở thành công cụ làm việc và nhắc nhở chúng ta về những thứ chưa làm xong. “Như vậy là quá sức chịu đựng”, bà Johnson nhận định.

Bà Johnson từng gặp những khách hàng vì cảm thấy quá căng thẳng với khối lượng công việc mà quyết định đi trốn. “Họ dùng sự né tránh để nói rằng mình bị quá tải”, nữ chuyên gia lý giải.

Gọi một người nào đó là lười biếng có thể khiến họ thêm suy sụp, nhất là khi họ bị trầm cảm. “Nếu thấy ai đó có vẻ lười biếng ở cơ quan, hãy dừng lại và nghĩ cách truyền cảm hứng cho họ”, bà Johnson khuyên. Nữ chuyên gia cũng khuyến khích mọi người bỏ từ “lười biếng” ra khỏi từ điển cá nhân bởi nó dễ đem tới những cảm xúc gây hại.

Bên cạnh đó, theo bà Johnson, mỗi người nên có những khoảng thời gian “không làm gì” và ghi chúng vào lịch làm việc. Những khoảng thời gian này không phải dấu hiệu của sự lười biếng mà chúng cho phép bạn nghỉ ngơi, lấy lại năng lượng để tiếp tục làm việc.

Thu Nguyệt (Theo Psychology Today)

VnExpress đang tổ chức chương trình chia sẻ kinh nghiệm với chủ đề “Trầm cảm tuổi vị thành niên” trên nền tảng eBox. Chương trình giúp các bậc phụ huynh và nhà làm giáo dục lắng nghe kinh nghiệm, chia sẻ từ 3 diễn giả TS Đặng Hoàng Giang, Viện trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa và Nguyễn Lâm Thảo Tâm đại diện cho tiếng nói của người trẻ. Độc giả quan tâm có thể tìm hiệu tại đây.

Rate this post

Viết một bình luận