Vì sao cá ngủ không nhắm mắt? Thời gian ngủ của cá

Vì sao cá ngủ không nhắm mắt? Đôi điều thú vị về loài cá và giấc ngủ của chúng

Nhà các bạn có nuôi cá không? Có hả? Không hả? Ừ thì sao cũng được, quan trọng là từ nhỏ đến giờ bạn đã từng thấy cá chưa? Rồi hả? Chưa hả? Nếu chưa thì trên núi mới kết nối cáp internet hở bạn?

[​IMG]

Đùa thế thôi! Cá không phải là loài xa lạ, dẫu không được thấy chúng bằng xương bằng thịt thì ít nhiều cũng từng thấy qua tranh ảnh, sách báo nhỉ? Nếu chưa từng thấy những chú cá tung tăng trong hồ thì ít nhất cũng từng thấy chúng tung tăng trong chảo chứ nhỉ?

Thế, hỡi những cá nhân may mắn đã từng thấy cá bơi lội tung tăng!

Các bạn có bao giờ tự hỏi lũ cá kia có ngủ không hay chưa? Và liệu lúc ngủ bọn chúng có nhắm mắt không nhỉ?

Cùng tìm hiểu thôi nào!

“Định nghĩa đơn giản của giấc ngủ là hoạt động mà mí mắt khép kín và tồn tại một mẫu sóng não đặc biệt trong vỏ não; vì thế, để xác định khi nào một người, một động vật có vú khác hoặc một con chim đang ngủ là rất dễ dàng.”

Và thế là việc vốn vô cùng đơn giản là định nghĩa giấc ngủ của một người lại trở nên khó nhằn khi áp dụng với một con cá. Sinh vật này còn chẳng vỏ não hay thậm chí là mí mắt nữa chứ!

Phải thừa nhận là thậm chí các nhà khoa học còn không thể chắc chắn rằng tất cả các loài động vật đều đi ngủ nữa, nhưng giả thuyết là hầu hết động vật đều ngủ thì quay lại với loài cá, câu hỏi to bự lại hiện ra rằng có loài nào ngủ không nhắm mắt hử?

Có! Có đấy!

Các nhà khoa học thực sự đã tìm thấy bằng chứng cho thấy một vài loài vật thực sự đã ngủ mà không cần nhắm mắt lại đấy!

Vậy thì chẳng có lý do gì là cá không thể ngủ cả!

Kỳ thực, hầu hết các loài sinh vật đều ngủ, ngoại trừ một vài trường hợp ngoại lệ, bao gồm người mù, sinh vật sống trong hang tối và các giống loài bơi sâu dưới nước liên tục, tức là sống ở đáy đại dương ấy! Như đã biết, giấc ngủ là khi bộ não xử lý thông tin và hình ảnh được ghi nhận và tổng hợp lại sau một ngày dài. Tuy nhiên, những loài vật sống trong hang tối, bơi sâu dưới đáy biển hoặc người mù gần như không có thông tin để xử lý, chính vì thế, về lý thuyết, cơ thể sẽ không tạo ra nhu cầu cần đi ngủ.

Cá ngủ như thế nào?

Không giường không chiếu không gối kê đầu, lũ cá vẫn ngủ nhưng khác với con người và một số động vật có vú khác. Trong khi chúng ta thường yên vị nghỉ ngơi sau một ngày dài hoạt động,

hầu hết cá khi ngủ vẫn cử động và không nhắm mắt khi đang ngủ, mà thật ra có muốn cũng không được vì vốn dĩ cá không thể nhắm mắt vì chúng đâu có mí

.

[​IMG]

Một số loài cá khi ngủ vẫn tiếp tục nổi theo dòng nước và thỉnh thoảng sẽ đánh nhẹ vây một cái để đưa oxi (O2) chảy vào mang. Những chuyển động nhẹ nhàng này còn để giúp chúng giữ thăng bằng nữa đấy! Tuy nhiên, khi ngủ, chuyển động bơi của cá thường chậm hơn và chúng sẽ trôi sâu xuống phía dưới mặt nước thay vì bơi ở độ cao bình thường, nên thông thường khi ngủ, chúng sẽ ngủ trong khi đang bơi sát đáy.

Cũng tương tự con người, hầu hết loài cá thường thức vào ban ngày và nghỉ ngơi vào ban đêm, tuy nhiên vẫn có một số loài hoạt động về đêm. Một điểm khác biệt đáng chú ý giữa con người và các sinh vật sống dưới nước là các sinh vật này vẫn có xu hướng tỉnh táo trong khi đang ngủ nhằm có thể cảnh giác và kịp thời phát hiện, thoát khỏi những kẻ săn mồi. Cho nên nhiều bạn thấy tụi nó nằm yên định cho tay vào bắt thì nó bơi mất tiêu—

Hụt hẫng!

Ngoài ra, giấc ngủ của cá còn có điểm không giống giấc ngủ của người, ở chỗ, cá dường như không tuân theo nhịp sinh học nghiêm ngặt như cơ thể người. Chúng có thể dễ dàng điều chỉnh thói quen ngủ của mình theo nhiệt độ nước, môi trường sống, nguồn thức ăn sẵn có, các yếu tố di cư và thậm chí còn phụ thuộc vào việc chúng có “con mọn” hay không, có chăm em bé cá nào hay không? Cũng tương tự như con người, việc trở thành phụ huynh cũng sẽ khiến chúng ta có khả năng cao phải bỏ lỡ giấc ngủ và không bù đắp lại được!

Một vài điều “kỳ cục” khác về cá:

Ừ thì cái vụ ngủ mở mắt thao láo đã đủ “dị” rồi, nhưng mà bọn này còn nhiều thứ quái đản hơn nữa đó!

Thứ nhất, như mình đã đề cập, chúng không có mí mắt, cũng có một ngoại lệ là cá mập, tuy nhiên mí mắt của cá mập chỉ là một lớp màng mỏng với chức năng tương tự một mí mắt thông thường thôi.

Mà tại sao cá không có mí hả? Con người cần mí mắt để bảo vệ khỏi các tác nhân bụi bẩn và chủ yếu là giữ độ ẩm cho mắt. Còn cá, tụi nó sống trong nước đó, cần quái gì cái lớp da mỏng dính để quét một lớp nước mỏng tang lên mắt làm gì nhỉ!

“Chết” mọi lúc:

[​IMG]

Nếu một con cá sắp chết, bạn thấy điều gì? Cái bụng của nó! Chính xác! Bởi lúc đó nó đang bơi ngửa! Thế mà lại có một loài cá thích kiểu bơi này – một loài cá trê nhỏ ở sông Nile. Theo nghiên cứu thì lũ này bơi như thế để tiết kiệm năng lượng và dễ dàng trao đổi khí đấy!

Tướng ngủ quái đản:

[​IMG]

Cá rô phi sẽ ngủ ở vùng nước thấp nhất trong môi trường sống của chúng.

Cá da trơn như cá đối nâu nằm ở một góc 10-30 độ so với đáy, đuôi để phẳng và vây kéo dài ra.

Nhiều loài lại nằm im trên cát nhờ tài hóa trang lẫn vào môi trường xung quanh như cá đuối. Mấy con này ngủ như kiểu đặt mìn vậy á! Đi chơi biển đạp trúng thì ăn cho đủ! Nhất là mấy con có đuôi gai, còn có độc nữa chứ!

[​IMG]

Đáng nể nhất, đúng hơn là “dị” nhất, là cá vẹt, ban đêm loài cá này tiết chất nhầy thành “cái túi ngủ” để che mắt kẻ thù.

Thấy có vẻ che mắt hiệu quả ghê— nhìn vô hông thấy gì hết trơn, hông thấy con cá đâu luôn á trời!

Chết đuối!

Ừ! Không có đọc nhầm đâu! Cá có thể chết đuối ấy! Có gì ngạc nhiên đâu, như người chết trên cạn thôi!

Nếu nước không đủ oxi thì cá ngoẻo! Hết!

[​IMG]

À mà cá mập cũng sợ chết đuối đấy, tuy ngoài biển thì không lo vụ oxi, nhưng cá mập không có bong bóng cá, và chúng sẽ chìm tận đáy nếu một ngày đẹp trời chúng ngưng đuôi để nghỉ mệt!

Do đó bọn nó phải bơi liên tục cả đời!

Và dù

vận động cả đời nhưng nó vẫn là cá “mập”

! Đừng có buồn về cân nặng của mình nữa nha, hãy lấy con vật tội nghiệp chăm chỉ vận động này làm minh chứng cho việc “tao đã cố gắng nhưng nó không giảm“, và “nó” ở đây chính là con số điện tử hiện lên màn hình cân sức khoẻ nhà bạn!

Vấn đề về con cá mập thích vận động và nỗ lực giảm cân của nó cũng như lý do khiến nó bơi mãi sẽ được mình xâu xé ở bài viết khác nhé!

Hẹn gặp lại các bạn ở những bài tới! Với những thứ thú “dị” mới!

 

Rate this post

Viết một bình luận