Vì sao chuyến đi Bắc Hàn dẫn tới cái chết của Otto Warmbier? – BBC News Tiếng Việt

Vì sao chuyến đi Bắc Hàn dẫn tới cái chết của Otto Warmbier?

  • Kevin Ponniah & Tom Spender
  • BBC News

20 tháng 6 2017

Otto Warmbier và các thành viên đi cùng tới Bắc Hàn

Nguồn hình ảnh, Danny Gratton

Chụp lại hình ảnh,

Otto Warmbier (áo xanh, giữa) và các thành viên đi cùng tới Bắc Hàn

Mọi người trong khuôn hình tươi cười trong cái lạnh của Bắc Triều Tiên. Otto Warmbier, cũng như bất kỳ khách du lịch nào khác, nặn một quả bóng tuyết, hình ảnh quay chậm có vẻ như qua ống kính của máy ảnh điện thoại.

Đây là trò chơi ngây thơ mà chúng ta vẫn thường thấy ở một nhóm du khách trẻ tuổi. Otto quay sang phải, miệng mở to, cười lớn.

“Đó chính là Otto mà tôi biết và yêu quý. Đó là anh trai tôi,” Austin Warmbier, người tải đoạn video được quay trong chuyến du lịch ba đêm ở Bắc Triều Tiên vào cuối năm 2015.

Hai tháng sau đó, Otto lại xuất hiện trên video, nhưng với hoàn cảnh hoàn toàn khác. Đầu cúi gằm và tay khư khư đoạn giấy “thú tội” đã viết sẵn, sinh viên 21 tuổi bước ra trước máy quay truyền hình Bắc Triều Tiên, giải thích vì sao bị bắt vào cuối chuyến du lịch đó, khi tất cả mọi người đều đã được phép rời đi.

Từ trên tường nhòm xuống là chân dung quá khổ của hai cựu lãnh tụ Bắc Hàn, Kim Il-sung và Kim Jong-il.

Máy của bạn không hỗ trợ nghe xem

Chụp lại video,

Otto Warmbier: Chuyến du lịch sinh mạng ở Bắc Hàn

Warmbier mặc chiếc áo vest màu kem, đeo cà vạt. Trước khi bắt đầu nói, anh đứng dậy và cúi gập người xuống chào.

Otto cảm ơn chính quyền Bắc Triều Tiên đã cho “cơ hội xin lỗi về tội ác của tôi, để cầu xin được tha thứ và cầu khẩn được hỗ trợ để cứu lấy mạng sống của tôi”.

Anh nói đã định lấy trộm một tấm biển tuyên truyền từ khách sạn làm “chiến lợi phẩm” cho một nhà thờ ở Hoa Kỳ với sự “đồng lõa của chính quyền Mỹ” để “làm tổn hại đạo đức và động lực của người dân Triều Tiên”.

Sau đó anh ta bật khóc: “Tôi đã có quyết định tồi tệ nhất trong đời mình, nhưng tôi cũng chỉ là con người mà thôi.”

Ngày 13/06, Otto Warmbier được trả về Hoa Kỳ sau 17 tháng bị giam cầm ở Bắc Hàn. Nhưng anh trở về trong tình trạng hôn mê, không còn khả năng giao tiếp và não bị tổn thương nặng.

Một tuần sau, Warmbier qua đời. Gia đình lên án “cách đối xử tra tấn tàn nhẫn khủng khiếp” mà họ nói anh phải chịu trong thời gian ở Bắc Triều Tiên.

Vua vũ hội

Otto Warmbier and friends pose in front of statues in North Korea

Nguồn hình ảnh, Danny Gratton

Chụp lại hình ảnh,

Danny (ngoài cùng bên phải) là người cuối cùng trong nhóm chứng kiến lúc Otto bị đưa đi

Vẫn còn nhiều điều bí ẩn xung quanh việc vì sao sức khỏe của Otto suy kiệt đến như vậy. Bác sỹ ở Trung tâm Y tế Cincinnati nói họ thấy không có dấu hiệu nào về việc hành hạ thân thể nhưng họ và gia đình anh cũng không tin vào phiên bản câu chuyện mà Bắc Hàn đưa ra, là anh bị ngộ độc và hôn mê sau khi dùng thuốc ngủ.

Nhưng làm thế nào mà một sinh viên xuất sắc từ vùng ngoại ô Ohio tràn đầy hy vọng sẽ làm trong mảng ngân hàng đầu tư lại bị tù đày ở một đất nước cô lập?

Gia đình Warmbier đến từ vùng ngoại ô Wyoming ở Cincinnati, Ohio, nơi cha anh, Fred là chủ một công ty nhỏ.

Otto học ở trường trung học tốt nhất bang, và từng được bầu là nam sinh được yêu chuộng nhất tại vũ hội của trường, cũng như tại vũ hội cho cựu học sinh của trường.

Anh ta không chỉ được nhiều người biết đến và yêu mến mà còn rất chăm học – anh tốt nghiệp ở bậc Salutatorian (sinh viên có điểm cao thứ hai trong toàn khóa) – và còn rất giỏi thể thao. Huấn luyện viên bóng đá nói anh là cầu thủ tài năng và có tư chất lãnh đạo.

Otto theo học ngành kinh tế và thương mại với môn phụ là phát triển bền vững toàn cầu ở Đại học Virginia và rất thành công, theo báo Washington Post.

Otto Warmbier smiles for the camera with a friend

Nguồn hình ảnh, Danny Gratton

Chụp lại hình ảnh,

Danny nói đùa khi bạn bị giải đi, không lường được rằng đó cũng là lần cuối hai người nhìn thấy nhau

Bài báo phỏng vấn bạn cùng lớp với Otto trong lễ tốt nghiệp của họ hồi tháng Năm, nơi nhãn dán in chữ #FreeOtto được phân phát. Sinh viên 22 tuổi đang học năm thứ ba đại học thì bị bắt giữ ở Bắc Triều Tiên. Đây đáng ra cũng là lễ tốt nghiệp của anh.

Bạn bè gọi anh là “fan thể thao có khả năng nói không ngừng về bất kỳ đội nào, một người miền trung tây nhưng cắt nghĩa được lời các bài hát rap không chính thống (và thậm chí còn tự sáng tác thêm), một người suy nghĩ sâu sắc, tự chất vấn mình và những khác về vai trò của họ trong thế giới này, một chàng trai từ gia đình kinh doanh, thích ăn sushi giảm giá, người có trí tò mò một cách tự nhiên với đạo đức làm việc mạnh mẽ và thích thú những gì gây cười,” bài báo viết.

Otto được cho là đã muốn theo đuổi ngành ngân hàng đầu tư từ rất sớm.

Trang LinkedIn của Warmbier viết, anh từng trong hội đồng quỹ đầu tư sinh viên và tới London năm 2015 để hoàn thành khóa học kinh tế lượng cao cấp ở trường London School of Economics (Trường Kinh tế London).

Tinh thần chăm chỉ học tập của anh – và yêu thích du lịch – là l‎ý do đưa anh tới châu Á. Otto đã có kế hoạch theo học ở đại học Hong Kong trong một chương trình du học vào tháng Một năm 2016, và quyết định ghé thăm Bắc Triều Tiên.

Anh tới Trung Quốc qua Young Pioneer Tours (Thanh niên Tiền phong), công ty lữ hành tự quảng cáo là cung cấp dịch vụ “du lịch giá rẻ tới những điểm đến mà mẹ bạn sẽ cấm đi”.

‘Họ muốn bắt người Mỹ’

Otto Warmbier takes a selfie in North Korea

Nguồn hình ảnh, Danny Gratton

Chụp lại hình ảnh,

Otto (đeo bịt tai), đã xuất hiện ‘không đúng lúc và không đúng chỗ’, theo bạn cùng phòng Danny

Danny Gratton, từ Staffordshire, Anh Quốc, từng ở cùng phòng với Otto trong chuyến đi ba đêm ở Bắc Triều Tiên – là hai thành viên duy nhất trong đoàn tách ra riêng.

“Ngay từ lần đầu tiên gặp cậu ấy chúng tôi đã hợp nhau. Cậu ấy thông minh, sáng sủa và rất dễ mến,” Gratton nói với BBC.

Đêm mà Otto bị cho là định lấy biển tuyên truyền từ khu vực chỉ giành riêng cho nhân viên ở khách sạn 1.000 phòng, Yanggakdo International Hotel, là đêm mừng năm mới 2015, đêm thứ hai của chuyến du lịch.

Trước đó, nhóm đã đi tới biên giới với Hàn Quốc trước khi quay trở về, ăn một bữa nhẹ và đi xe buýt tới quảng trường chính ở Bình Nhưỡng, nơi có trình diễn pháo hoa. Họ ăn tối và uống bia, Gratton kể.

Nhưng không có hoạt động ồn ào nào – “Đây là đi du lịch kiểu khác,” Gratton nói. “Chúng tôi tuân theo quy tắc.” Anh kể “không có bất kỳ dấu hiệu nào” cho thấy Otto đã lấy biển hiệu tuyên truyền và Otto cũng không hề nhắc gì tới điều đó.

Chính quyền Bắc Hàn cho đăng đoạn video mờ mịt cho thấy hình một người không nhìn rõ mặt lấy một tấm biển trong hành lang.

US student Otto Frederick Warmbier bows during a press conference in North Korea

Nguồn hình ảnh, AFP

Chụp lại hình ảnh,

Otto ‘thú tội’ trước truyền thông Bắc Hàn

Otto bị bảo vệ đưa đi khi hai người tới khu vực kiểm tra giấy tờ ở sân bay Quốc tế Bình Nhưỡng vào hôm 02/01/2016.

“Chúng tôi là hai người cuối cùng đi qua cửa kiểm tra hộ chiếu. Chúng tôi đưa hộ chiếu cho họ và một người chỉ vào Otto rồi chỉ ra cửa. Hai bảo vệ tới và đẩy cậu ấy đi.”

“Tôi còn nói đùa với cậu ấy. Tôi nói ‘Thôi thế chắc là sẽ chẳng bao giờ gặp lại nhau nhỉ’. Cậu ấy cười với tôi và đó là lần cuối chúng tôi nhìn thấy nhau.”

“Họ quyết định bắt một người Mỹ. Giờ của cậu ấy đã điểm, cậu ấy xuất hiện không đúng nơi, không đúng lúc.”

‘Khủng bố’

Yanggakdo hotel in Pyongyang

Nguồn hình ảnh, AFP/Getty

Chụp lại hình ảnh,

Otto bị buộc tội ăn cắp biển tuyên truyền tại khách sạn Yanggakdo International Hotel (tòa nhà trái ảnh)

Những người còn lại trong nhóm tới Bắc Kinh, một trong những hướng dẫn viên được cho là đã nói chuyện với Otto trên điện thoại, cho biết anh “bị đau đầu nặng và muốn được chở đi bệnh viện,” Washington Post dẫn lời một du khách khác trong đoàn.

Troy Collings từ công ty lữ hành Young Pioneer Tours nói với BBC rằng không một nhân viên nào của công ty liên lạc với Otto sau khi anh bị đưa đi. Một hướng dẫn viên du lịch ở lại Bình Nhưỡng đã cố gắng liên hệ và đề nghị được giúp đỡ nhưng không thành, ông Collings nói.

Vụ bắt giữ Otto là lần duy nhất chính quyền Bắc Triều Tiên thấy có vấn đề với một du khách, ông Collings bổ sung thêm.

Trong một thông cáo sau khi Otto qua đời, Young Pioneer Tours nói không còn muốn đưa du khách Mỹ tới Bắc Hàn.

“Cách họ đối xử khi giam giữ cậu ấy thật tồi tệ và thảm kịch như thế này không bao giờ nên bị lặp lại.”

“Tuy liên tục gửi yêu cầu được gặp mặt, chúng tôi bị từ chối cơ hội được gặp cậu ấy hay bất kỳ ai khác từng tiếp xúc với cậu ấy ở Bình Nhưỡng, dù chỉ để biết được xem cậu có ổn không.”

A person believed to be Otto Warmbier is transferred from a medical transport airplane to an awaiting ambulance at Lunken Airport in Cincinnati, Ohio, U.S., June 13, 201

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh,

Otto được xe cứu thương chở thẳng vào bệnh viện sau khi hạ cánh ở Cincinnati

Bắc Triều Tiên chỉ xác nhận rằng Otto bị bắt giữ vài tuần sau đó, vào ngày 22/01. Anh xuất hiện trên truyền hình vào cuối tháng Hai và đến tháng Ba thì bị tuyên án 15 năm lao động cải tạo đối với tội chống chính quyền.

Các nhà quan sát nói mức án cao bất thường đối với một người nước ngoài và có thể liên quan tới căng thẳng ngày lớn giữa Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ đối với chương trình hạt nhân trước đó.

Không rõ điều gì đã xảy ra với Otto giữa giai đoạn bị kết án và ngày chính quyền Hoa Kỳ thông báo anh được thả hôm 14/06.

Nhưng cha anh, ông Fred cho rằng cậu đã bị hôn mê “vào ngay hôm sau ngày bị kết án” – tức hơn một năm trước.

Phát biểu trong một cuộc họp báo, mặc chiếc áo vest mà con trai ông đã mang trong ngày “nhận tội” ở Bình Nhưỡng, ông nói chính quyền Bắc Hàn đã “tàn bạo và khủng bố” Otto.

Bắc Triều Tiên thì tuyên bố đã thả anh vì lý do “nhân đạo”.

Cơ quan tình báo Bắc Hàn có thể đã gắng giữ bí mật về tình trạng sức khỏe của anh, từ các quan chức cấp cao nhất, vì sợ hãi, Stephan Haggard, giám đốc Chương trình Triều Tiên – Thái Bình Dương từ Đại học California, San Diego nói.

Có lẽ một ai đó bỗng nhận ra rằng, “điều tồi tệ nhất có thể xảy ra, là có người chết trong khi bị giam giữ,” nên họ bắt đầu điên cuồng tìm cách đưa cậu ấy ra ngoài bằng con đường ngoại giao, ông nói với hãng tin AFP.

Fred Warmbier, father of Otto Warmbier, speaks during a news conference in Cincinnati, Ohio, U.S. June 15

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh,

Fred Warmbier, cha Otto, mặc chiếc áo của con trai khi cậu đọc lời ‘thú tội’, trong một cuộc họp báo ở Cincinnati

Bác sỹ Daniel Kanter, một trong những người chăm sóc Otto ở Cincinnati, nói hồi tuần trước rằng anh “trong tình trạng tỉnh nhưng vô thức”. Anh không nói gì nhưng “đôi mắt vẫn mở và chớp mắt”, bác sỹ cho biết.

Chứng ngừng thở được cho là do tổn thương não gây ra, nhưng không rõ đâu là nguyên nhân gây tổn thương. Không hề có dấu hiệu cho thấy Otto bị đánh đập.

Khi máy bay chở Otto hạ cánh hồi tuần trước, nhiều người chờ đón ở sân bay đã reo mừng.

“Cậu ấy ở đó đã quá lâu nên nghe tin cậu ấy được về nhà thật tuyệt vời,” Emmett Saulnier, bạn cùng phòng ở trung học nói với CNN trước khi Otto máy bay hạ cánh.

Otto xuất hiện, mũi cắm ống thở và được xe cứu thương đưa thẳng tới bệnh viện.

Daniel Kanter (C) of the University of Cincinnati Medical Center speaks during a press conference regarding the condition of Otto Warmbier at the hospital in Cincinnati, Ohio, USA on 15 June 2017.

Nguồn hình ảnh, EPA

Chụp lại hình ảnh,

Bác sỹ Kanter (giữa) nói Otto trong tình trạng “tỉnh nhưng vô thức”

Đại học Virginia chào đón anh về nhà nhưng Chủ tịch Teresa Sullivan nói cộng đồng “lo lắng và buồn sâu sắc” khi được biết về tình trạng sức khỏe của anh.

“Tôi quỳ xuống bên con, ôm con và tôi nói với con rằng tôi đã nhớ nó bao nhiêu, tôi hạnh phúc khi thấy con về nhà,” cha anh, Fred Warmbier nói.

“Những gì đã xảy ra thật khó có thể lý giải nhưng con đã về với chúng tôi và chúng tôi cố hết sức để con được thoải mái nhất có thể, và trở thành một phần trong cuộc sống của con.”

Nhưng vào ngày 19/06, gia đình Warmbier thông báo Otto đã “đi trọn con đường của mình” tại đất mẹ và qua đời ở bệnh viện với người thân xung quanh.

Họ nhắc đi nhắc lại rằng chính Bắc Triều Tiên đã giết chết con mình.

“Cách đối xử vô cùng tàn tệ mà con trai tôi phải chịu dưới tay Bắc Triều Tiên khiến không còn kết cục nào ngoài kết cục đau thương chúng tôi phải trải qua hôm nay.”

Các doanh nghiệp địa phương ở Wyoming thay vì để quảng cáo đã đề thông điệp chia buồn cùng gia đình Otto

Nguồn hình ảnh, EPA

Chụp lại hình ảnh,

Các doanh nghiệp địa phương ở Wyoming thay vì để quảng cáo đã đề thông điệp chia buồn cùng gia đình Otto

Rate this post

Viết một bình luận