Các tour đang HOT giá RẺ, đúng thời điểm
Du khách khi đến thăm Tử Cấm Thành – Bắc Kinh thường thắc mắc: Tại sao Tử Cấm Thành rộng lớn, đẹp và nguy nga thế lại không có một bóng cây nào? Sao họ không trồng cây cho mát?
Vào Tử Cấm Thành đã rộng, đi mỏi cả chân đã đành, mà trời nắng nóng nếu có cây để khách ngồi dưới nghỉ chân có hợp lý hơn không?
Và lý do mà từ xưa đến nay người ta không trồng cây trong Tử Cấm Thành là đây:
Theo giả thuyết, đường vào Tam Đại điện không một bóng cây, quan lại chỉ thấy cung uy nghi, sẽ cảm thấy sợ hãi mà trung thành với hoàng đế.
Tử Cấm Thành hay Cố Cung là một trong những di sản lớn nhất của Trung Quốc. Cố Cung rộng 720.000 m2 và được chia thành 2 phần là Tiền triều và Hậu cung. Tam Đại điện ở Tiền triều là nơi hoàng đế làm việc, chiếm 1/10 tổng diện tích cung, lại hoàn toàn không có một bóng cây. Mặc dù lời giải cho điều này vẫn là ẩn số, người đời sau đã đưa ra 4 giả thuyết dưới đây.
Tôn lên vẻ uy nghi của triều đình
Tiền triều là nơi hoàng đế tổ chức các nghi lễ và thực thi quyền lực. Đồng thời, đây cũng là nơi thể hiện uy quyền tối cao, biểu tượng của quyền lực đế quốc. Trong triều nhà Minh và nhà Thanh, hoàng đế được coi là “thiên tử” hay con của trời. Vì vậy, không một vật nào được phép cao hơn điện Thái Hòa, kể cả cây xanh.
Đặc biệt, khi bước vào từ cổng Thiên An Môn, không gian rộng lớn không một bóng cây sẽ tạo bầu không khí nghiêm nghị. Vì vậy, quan lại khi đi trên con đường này, chỉ nhìn thấy những mái nhà cao, sẽ sinh ra những áp lực và sợ hãi, để một lòng tôn thờ hoàng đế. Ngoài ra, cây xanh còn thu hút nhiều chim chóc và những loài động vật khác, làm mất vẻ tôn nghiêm của triều đình.
Đề phòng thích khách
Lý do thứ 2 để không trồng cây xanh trong tam đại điện là để triệt tiêu chỗ ẩn nấp cho kẻ gian, thích khách. Vào năm Gia Khánh thứ 18, triều nhà Thanh (1813), một nhóm phiến quân nổi loạn đã bí mật tấn công Tử Cấm Thành qua cổng Đông Hoa Môn và Tây Hoa Môn.
Dưới sự truy đuổi gắt gao của binh lính triều đình, phiến quân đã chạy tới Long Tông Môn. Tuy nhiên, cánh cổng ở đây đã đóng kín, nên những tên thích khách đã trèo lên cây lớn xung quanh, cắt cành và chuẩn bị phóng hoả trạm gác tại cổng này. Mặc dù thất bại, cuộc tấn công của phiến quân đã gây ra những bất an cho hoàng đế Gia Khánh. Lo ngại những cây đại thụ có thể trở thành nơi ẩn nấp cho kẻ gian, các kiến trúc sư lúc bấy giờ không trồng cây quanh Tam Đại điện để phòng trừ trường hợp thích khách đột nhập.
Đề phòng hỏa hoạn
Xuyên suốt chiều dài lịch sử nhà Thanh và nhà Minh, ba cung ở Tam Đại điện liên tiếp có hỏa hoạn và phải đổi tên nhiều lần. Cây xanh trong cung có thể hút sét, khiến lửa lan rộng và khó khống chế hơn khi có hoả hoạn. Vì lý do này, trong Tử Cấm Thành cũng có nhiều bể chứa nước lớn để dập lửa.
Ngày nay, trong khuôn viên Cố Cung có hệ thống vòi phun nước ngầm và gần 5.000 bình chữa cháy. Ngoài ra, ở đây còn có một đội lính cứu hỏa riêng, làm nhiệm vụ kiểm tra các thiết bị mỗi ngày và tập luyện dọc theo các bước tường thành để ghi nhớ đường đi khi xe cứu hỏa không thể vào đây.
Yếu tố phong thủy
Ngoài vẻ đối xứng, các điện được bố trí dọc theo trục nam, bắc và thiết kế tuân thủ theo thuyết âm dương ngũ hành. Vào thời nhà Minh, Tam Đại điện nằm ở trung tâm nên được coi là thổ. Tuy nhiên, nếu sử dụng hoàng thổ (đất sét vàng) để xây dựng điện thì sẽ gây ra lụt lội, bùn sình sau các trận mưa. Vì vậy, các kiến trúc sư đã thiết kế 3 khoảng sân ở đây tạo thành một chữ “thổ”, tượng trưng cho đất ở trung tâm. Theo quy luật của ngũ hành, mộc khắc thổ và có thể đem lại vận xấu nên Tam Đại điện không trồng cây xanh.