Vì sao học giáo dục thường xuyên không phải là sự lựa chọn của nhiều phụ huynh?

(GDVN) – Có lẽ bắt nguồn đầu tiên từ hai chữ “bổ túc” nên khá nhiều người có suy nghĩ và cái nhìn thiếu thiện cảm với việc học ở trung tâm giáo dục thường xuyên.

LTS: Trước những ưu điểm của việc đào tạo tại các trung tâm giáo dục thường xuyên nhưng nhiều em học sinh và phụ huynh lại không mấy mặn mà với hệ đào tạo này, tác giả Phan Tuyết đã có bài viết chỉ ra nguyên nhân.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Mấy ngày qua, chúng ta chứng kiến cuộc đua cân não của nhiều phụ huynh khi tìm kiếm cho con chỗ học vào lớp 10 công lập.

Có người cha, người mẹ đã phải nghỉ việc chầu chực suốt cả ngày chỉ mong hồ sơ của con được nhận.

Cái nóng hầm hập như thiêu như đốt của đất trời không nhằm nhò gì với nỗi chờ mong đến khắc khoải con mình có tên trong danh sách chốt sau cùng.

Những giọt nước mắt đã rơi nhưng cuối cùng mọi hy vọng cũng vụt tắt. Lời khẩn cầu tha thiết của người mẹ:

“Em xin các chị, nhà em chỉ có 3 mẹ con. Con không đỗ được vào trường chắc em chết mất” có lẽ cũng là nỗi lòng chung của không ít phụ huynh khi có con bị trượt lớp 10 năm nay.

Số lượng tuyển sinh ít mà nhu cầu lại quá nhiều. Thế nên nhiều địa phương đã có hàng nghìn em mất cơ hội vào học tập tại lớp 10 công lập.

Học sinh trượt sẽ đi học nơi nào? Đâu sẽ là lựa chọn phù hợp nhất với những gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn?

Trường tư thục, tư thục chất lượng cao đương nhiên sẽ là lựa chọn tốt nhất. Nhưng vào học nơi đây, phải là gia đình có điều kiện.

Chương trình giáo dục thường xuyên có thuận lợi gì?

Hiện nay, các huyện thị đều có trung tâm giáo dục thường xuyên mở các lớp dạy Bổ túc văn hóa.

Nếu so với nhiều năm về trước, hệ bổ túc hiện nay đã có rất nhiều thay đổi có lợi cho người học.

Về chương trình học, các em sử dụng cùng một loại sách giáo khoa theo chương trình cơ bản của phổ thông để học nhưng đã được bỏ bớt một số nội dung cho vừa sức.

Về môn học, không học nhiều môn như học sinh phổ thông. Có 7 môn học bắt buộc như Toán, Vật lý, Hóa học, Văn, Sinh học, Lịch sử, Địa lý.

Hiện nay, phần lớn các trung tâm đều tổ chức dạy thêm môn Anh văn và Giáo dục Công dân và cấp luôn chứng chỉ.Một tuần học từ 18 đến 20 tiết, được chia làm 5 buổi/tuần.

Vì sao học giáo dục thường xuyên không phải là sự lựa chọn của nhiều phụ huynh? ảnh 2

Với thời lượng học như thế, sẽ không chiếm nhiều thời gian và học sinh có thể sử dụng thời gian nghỉ để tự học hoặc học thêm nhằm ôn luyện, củng cố kiến thức được vững chắc hơn.

Về học phí, phụ huynh không phải đóng góp nhiều. Mức đóng học phí tùy thuộc vào vùng miền nhưng tuyệt đối sẽ thấp hơn rất nhiều so với các khoản đóng góp ở trường trung học phổ thông hiện nay.

Về quyền lợi, sau khi các em học xong chương trình lớp 12, sẽ được tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông cùng một ngày với học sinh học tại các trường trung học phổ thông.

Nếu thi đỗ sẽ được cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, phôi bằng do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và không có sự phân biệt hệ giáo dục thường xuyên hay trung học phổ thông.

Với bằng tốt nghiệp này, học sinh được đăng ký dự thi vào đại học ở bất cứ ngành học nào, bất cứ trường nào trong cả nước.

Về chế độ ưu tiên khuyến khích trong kỳ thi tốt nghiệp là mỗi em được ưu tiên cộng tối đa 4 điểm vào tổng điểm thi.

Nếu có chứng chỉ Tin học A cộng 1 điểm,  Anh văn A cộng 01 điểm, chứng chỉ nghề phổ thông loại giỏi cộng 2 điểm.

Những loại chứng chỉ này hiện các trung tâm giáo dục thường xuyên đang tổ chức dạy và trực tiếp cấp chứng chỉ cho người học. Đây là một lợi thế mà học sinh phổ thông không có.

Nếu không may thi tốt nghiệp trung học phổ thông hỏng thì các môn thi đạt điểm 5 trở lên sẽ được bảo lưu lại ở năm thi sau không phải thi lại, chỉ thi lại những môn dưới 5 điểm mà thôi. 

Vì sao học sinh không hào hứng, phụ huynh không mặn mà?

Với nhiều ưu điểm như thế nhưng vì sao học sinh không hào hứng, phụ huynh vẫn không mặn mà với hệ đào tạo này?

Có lẽ bắt nguồn đầu tiên từ hai chữ “bổ túc” nên khá nhiều người có suy nghĩ và cái nhìn thiếu thiện cảm với loại hình đào tạo này.

Trong mắt của không ít người phải học “bổ túc văn hóa” là những người học dốt vì “không thể thi đỗ vào trường công lập nào”.

Và tấm bằng tốt nghiệp với dòng chữ “hệ bổ túc” cũng luôn là sự kỳ thị với nhiều người.

Trước đây, đã từng có trường đại học trong phần tuyển sinh từ chối nhận những học sinh có bằng tốt nghiệp hệ bổ túc.

Hệ bổ túc còn bị mang tiếng về cách dạy và cách học của nhiều năm về trước do kỉ luật học tập nơi đây khá lỏng lẻo.

Nhiều giáo viên đã du di cho học sinh vắng học cả tuần. Lên lớp, các em muốn học hay chơi thầy cũng chỉ nhắc nhở qua loa.

Sinh hoạt chuyên môn để nâng cao chất lượng từng giờ dạy của giáo viên cũng hạn chế. Trò đã không muốn học, thầy cũng chẳng muốn dạy. Vì thế, chất lượng thật sự của hệ này khá thấp.

Nhiều năm trở lại đây, để thu hút học sinh, các trung tâm giáo dục thường xuyên đã có nhiều đổi mới trong cả việc dạy và học.

Vì thế, chất lượng học tập nơi này đã được nâng lên rõ rệt thể hiện bằng việc tỉ lệ học sinh tốt nghiệp khá cao trong các kỳ thi trung học phổ thông quốc gia.

Như vậy, nhiều giáo viên đã đưa ra lời khuyên những em nào không được tuyển vào lớp 10 tại các trường trung học phổ thông công lập, thì con đường vào học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục thường xuyên là tốt nhất.

Đây là cách lựa chọn hoàn toàn đúng đắn. Việc lựa chọn này không chỉ phù hợp với sức học còn phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình các em.

Phan Tuyết

Rate this post

Viết một bình luận