Ngày nay, nhiều người sẵn sàng bỏ ra phần lớn thời gian mỗi ngày để tham gia mạng xã hội. Nguyên nhân dẫn đến nghiện mạng xã hội của giới trẻ bắt nguồn từ nhu cầu được thuộc về (belonging), được kết nối với những tương tác ảo và tự thể hiện bản thân.
1. Thực trạng nghiện mạng xã hội của giới trẻ
Mạng xã hội được xem như một công cụ quý giá giúp con người giải trí và giao tiếp với nhau dù ở khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên bên cạnh những ích lợi tích cực, nghiện sử dụng mạng xã hội sẽ dẫn đến một số tác động tiêu cực ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dùng, cụ thể là suy giảm sức khỏe tinh thần ở phần lớn giới trẻ.
Trong một nghiên cứu gần đây, 85% người có dùng mạng xã hội truy cập vào những trang này ít nhất một lần mỗi ngày và 70% người thừa nhận rằng họ phải đăng nhập vào mạng xã hội đầu tiên ngay khi vừa mở máy tính hoặc thiết bị di động. Đối với nhiều người, nhu cầu được sử dụng mạng xã hội thậm chí còn cao hơn cả ham muốn được ngủ và nghỉ ngơi. Thực tế, mạng xã hội sẽ dễ dàng gây nghiện hơn cả rượu bia và ma túy bởi vì chúng phổ biến hơn, được cộng đồng chấp nhận rộng rãi và gần như là hoàn toàn miễn phí.
Theo các chuyên gia xã hội học, mạng xã hội luôn có những tính năng và dịch vụ hấp dẫn để níu chân các thành viên. Chính vì vậy, người dùng tuy có quyền tự do ngừng tham gia mạng xã hội bất kỳ lúc nào nhưng lại rất khó thực hiện được. Mạng xã hội còn trở thành phòng “thí nghiệm ảo” để ghi lại toàn bộ phản ứng của người dùng trước các kích thích mới, như một kiểu nghiên cứu thị trường và khách hàng mà các doanh nghiệp đối tác đang nhắm tới.
2. Nguyên nhân nghiện mạng xã hội
2.1. Nhu cầu thể hiện bản thân
Thông qua chụp cộng hưởng từ MRI, các nhà khoa học khám phá ra rằng khi con người nói tự về bản thân mình, não bộ cũng có cảm giác hài lòng và tạo ra những trải nghiệm thú vị, tương tự như khi quan hệ tình dục hoặc được ăn uống. Theo một nghiên cứu khác, những đứa trẻ khoảng 9 tháng tuổi thường có những hành động để cố gắng thu hút sự chú ý từ người thân trong gia đình. Vì vậy khi lớn lên, con người vẫn muốn cung cấp thông tin về bản thân mình và tự thể hiện với người khác. Nếu thông thường mọi người dành gần 40% thời gian để nói về bản thân họ, thì con số này đạt tới 80% nhờ vào những tính năng đặc trưng có trong các mạng xã hội.
Giống như cơ chế nghiện các chất kích thích khác, việc kích hoạt hệ thống tưởng thưởng của não bộ thông qua tự thể hiện bản thân có thể làm tăng mức độ dopamine, tạo ra thời gian sử dụng quá mức và là nguyên nhân giới trẻ nghiện mạng xã hội.
2.2. Nhu cầu được kết nối và thuộc về
Mạng xã hội đem đến cho người dùng cảm giác được tương tác với bất kỳ ai, từ bạn bè, đồng nghiệp, gia đình cho đến những người nổi tiếng và thần tượng. Nhưng thực chất, người dùng chỉ đang tương tác với nền tảng được xây dựng bởi đa dạng các nội dung do nhiều người sáng tạo nên. Mạng xã hội là nơi tiếp nhận thông tin, lưu dữ liệu, sau đó tập hợp lại và thể hiện trên giao diện đặc trưng. Nói cách khác, đây là không gian tương tác của một dự án sáng tạo nội dung mở, ở đó người dùng tự nguyện sáng tạo, thu hút các thành viên khác tiếp tục tham gia và đem lại lợi nhuận cho các công ty chủ quản.
Nhu cầu được kết nối và thuộc về còn thể hiện qua lời mời và chấp nhận kết bạn, lượt chia sẻ hay lượt “like”, bình luận… Dễ thấy, mạng xã hội khuyến khích người dùng phải đăng nội dung thường xuyên và có sức lan tỏa mạnh. Nếu không, vô số những bài viết mới khác sẽ được cập nhật và xuất hiện trên giao diện bảng tin rất nhanh, và điều đó khiến bài đăng của chúng ta nhanh chóng bị rơi vào quên lãng.
Ngoài ra, để kết nối người dùng, mạng xã hội còn đưa ra tính năng “tag” – gắn tên để gửi thông báo tới những người bạn khác, và “hashtag”. Điều này lôi kéo và thu hút các “con nghiện” cùng nhau bàn luận trên một chủ đề mà tất cả đều quan tâm, biến không gian mạng xã hội trở thành “ngôi nhà chung” cho những người dùng có quan điểm giống nhau thuộc về.
2.3. Mạng xã hội tạo tâm lý như đánh bạc
Mạng xã hội được ví như một “sòng bạc”, trong đó mỗi người dùng là “con bạc” có nhiệm vụ đặt cược vào nội dung bản thân sáng tạo mỗi ngày. Ai cũng có mong muốn thu hút được nhiều lượt like, bình luận tích cực và chia sẻ đồng tình. Do đó họ cần tính toán xem phải viết gì để vừa lòng cộng đồng mạng, nhưng không đoán trước được kết quả tương tự như trước mỗi ván bài. Mặc dù đầu tư rất chỉnh chu cho mỗi bài đăng, song đôi lúc người dùng lại nhận được sự thờ ơ thay vì tán dương ủng hộ như tưởng tượng, thậm chí một số trường hợp còn là sự phẫn nộ từ phần lớn “cư dân mạng” khác.
Ngoài ra, những sòng bài thường tìm cách khiến các khách chơi quên mất ý thức về thời gian và lao vào các cuộc vui đen – đỏ vô độ. Họ giảm bớt ánh sáng mặt trời vào trong phòng, không có cửa sổ, đồng hồ, và liên tục phục vụ đồ ăn thức uống. Tương tự, mạng xã hội cũng dùng cách khiến thành viên liên tục phải dán mắt vào điện thoại bởi vì nỗi sợ bị lạc hậu. Các luồng thông tin mới cập nhật thay vì được ghi rõ ngày giờ, mạng xã hội có xu hướng hiển thị khoảng thời gian đo đếm kể từ khi bài viết được đăng, ví dụ “5 phút trước”, “10 giờ trước”… Bên cạnh đó, người dùng tìm đến mạng xã hội để có được cảm giác trốn thoát thực tại, rời xa bữa ăn cô độc, vấn đề trục trặc trong những mối quan hệ và công việc, … Trong khi đó, thế giới ảo trên mạng không có sự tồn tại của hiện thực và hứa hẹn sẽ mang lại nhiều niềm vui, thú vị cho người dùng.
Ngay cả khi mạng xã hội là công cụ hàng đầu giúp con người giải trí và duy trì các mối quan hệ, nghiện mạng xã hội của giới trẻ đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng cần được nghiên cứu và điều trị. Các nguyên nhân dẫn đến nghiện mạng xã hội có thể liên quan đến các cơ chế tưởng thưởng và hài lòng của bộ não khi được chú ý hoặc thể hiện bản thân. Bên cạnh đó, việc sử dụng quá mức mạng xã hội còn là do những tính năng hấp dẫn, chiếm hết thời gian của người dùng tương tự như cơ chế nghiện đánh bạc.
Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY. Tải ứng dụng độc quyền MyVinmec để đặt lịch nhanh hơn, theo dõi lịch tiện lợi hơn!
Nguồn tham khảo: Ncbi.nlm.nih.gov; Medscape.com và Psychologytoday.com