Vì sao ngày Tết người Bắc – Trung cúng chuối, người Nam thì không? – Hương sạch Marin Miền Nam

Tôi nhớ cô bạn quê Quảng Bình kể, mỗi năm cứ giáp Tết là cha mẹ cô đi mua chuối cúng rất đắt tiền mà không có được nải chuối to, đẹp. Vì vậy làm việc trong Sài Gòn, lấy chồng miền Tây mà về Bắc Trung Bộ ăn Tết thì cô quày quả cả thùng chuối làm quà cho cha mẹ và người thân. Có năm cô còn định gom chuối miền Tây về quê bán kiếm lời vì nghe đâu một nải ngày Tết người ta bán đến cả 100 ngàn.

Theo phong tục của người miền Trung nói chung, người Huế nói riêng, chuối để thờ cúng được chọn rất kỹ. Người Huế không cúng chuối tiêu, chuối lùn nên chẳng ai bán trong dịp Tết. Chuối thờ phải là chuối cau, chuối mật mốc, mật lá, tốt nhất là chuối ngự (tức loại chuối ngày xưa dùng để tiến cho vua).

Chuối ngự có nhiều giống, người Huế thường thờ giống chuối ngự cau, quả nhỏ và đều, ngọt thơm. Khi chín vỏ có màu vàng xanh rất đẹp.

Người miền Nam, trái lại, ngày Tết không cúng chuối. Vì theo họ, “chuối” đọc chệnh thành “chúi” “chúi nhủi”. Đầu năm đầu tháng thờ chuối thì cả năm không ngóc đầu lên được.

Người Trung, người Bắc thì lại quan điểm rằng: Nải chuối như bàn tay hứng lấy những gì tinh túy của trời và đất. Đắt nhất là những nải chuối to, quả xòe đều tượng trưng cho bàn tay Phật che chở chúng sinh (Phật thủ).

Các gia đình ở Huế dịp Tết phải chuẩn bị ít nhất 12 nải chuối để thờ. Có nhà đến vài chục nải chưng từ bàn thờ tổ tiên, trang bà, trang bếp, trang thờ sân thượng, am thờ ngoài trời, trên bàn thờ Phật, mâm ngũ quả… Rồi cúng tiễn ông Táo, cúng tất niên, cúng giao thừa, cúng mùng Một….

Chuối thờ là chuối chưa chín nhưng cũng không được xanh quá, tròn cạnh, lành lặn không dập hay xây sát.

Rate this post

Viết một bình luận