Có một sự thật không thể chối cãi là ai cũng muốn được yêu, khát khao có được hạnh phúc trong tình yêu. Thế nhưng những phút giây thăng hoa từ tình yêu mang lại thường vô cùng ngắn ngủi. Chỉ những thất vọng, chán chường, giận hờn, đau khổ là dài đằng đẵng.
Vì sao tình yêu lại mang đến nhiều đau khổ như vậy?
Đa số chúng ta đến với tình yêu vì hai lẽ sau:
Một là khát khao được chiếm hữu. Hai là hài lòng vì được tán dương, ca ngợi, yêu chiều.
Khao khát được chiếm hữu bản chất là lòng tham ái. Mà cái gì xuất phát từ lòng tham thì rốt cuộc chỉ đi đến khổ đau.
Lý do thứ hai khiến người ta yêu, đến với tình yêu đó là vì được yêu chiều, được tán dương, được ca ngợi. Bản chất của tình yêu xuất phát từ sự hài lòng nhờ được “yêu” dưới hình thức tán dương, ngợi ca và yêu chiều này là sự ngã mạn. Ngã mạn là nghĩa là sự kiêu ngạo, tự đại về bản thân mình, thấy mình là to lớn, là quan trọng, là vĩ đại, là hơn người.
Đến với tình yêu vì nghĩ rằng mình quan trọng với người đó, người đó sống không thể thiếu mình. Thế nhưng trên thực tế chưa chắc điều đó là đúng mà chỉ là sự lầm tưởng của cả hai người. Hơn nữa, vì tình yêu mà sự ngã mạn tăng trưởng thì tình yêu đó sẽ là mầm mống của những bất hòa và bi kịch về sau.
Vậy yêu theo cách nào thì chúng ta mới có thể có được hạnh phúc bền vững và dài lâu?
Giáo lý nhà Phật đưa ra những lời dạy rất sâu sắc và đúng đắn về tình yêu. Nếu yêu theo cách đó thì chắc chắn đôi lứa sẽ có được hạnh phúc bền vững.
Hạnh phúc sẽ hiện diện khi có sự thấu hiểu trong tình yêu. Ảnh minh họa
Tình yêu theo lời Phật dạy phải xuất phát từ sự thấu hiểu. Bởi có hiểu mới có thương”, từ bi phải gắn liền với trí tuệ. Không hiểu thì không thể có sự yêu thương sâu sắc, không hiểu cũng không thể có tình yêu thương đích thực, nói cách khác, tình thương yêu cần được xây dựng trên nền tảng của sự hiểu biết. Mỗi người đều có những nỗi niềm riêng, hạnh phúc riêng và cả sự đau khổ riêng. Nếu không hiểu thì sẽ giận hờn, trách móc, ảnh hưởng xấu tới chuyện tình cảm. Nếu không hiểu thì sự yêu thương của mình sẽ làm cho người khác cảm thấy khó chịu, phiền toái. Nếu không hiểu sẽ làm cho người mình yêu thương phải đau khổ suốt đời. Trong cuộc đời này, người ta thường vô tình mà làm khổ nhau. Càng là người thân trong gia đình, chúng ta càng làm khổ nhau nhiều nhất.
Tình yêu theo lời Phật dạy, vừa là trí tuệ, vừa là nhân ái.
Yêu ai là phải làm cho người ta bớt khổ
Trong cõi đời này, đôi khi người ta thường nhân danh tình yêu mà làm khổ nhau. Yêu mà chẳng thương thì yêu để làm gì?
Được hiểu và được thương vốn là một nhu cầu muôn đời của con người. Nhiều người thường cảm thấy không ai hiểu mình. Họ “đói” thương, “đói” hiểu. Họ thơ thẩn, lang thang trong cuộc đời tìm người hiểu mình, thương mình. Gặp được người hiểu mình, thương mình là may mắn lớn của cuộc đời. Tình yêu nảy nở, lớn lên từ đó.
Chính vì thế, trót yêu ai rồi, thì hãy thương lấy người ta nữa, đừng nhân danh tình yêu khiến người ta áp lực, người ta đau khổ.
Tình yêu phải có đủ bốn từ: Từ, bi, hỷ, xả
“Từ” là khả năng hiến tặng hạnh phúc cho người mình yêu. Yêu mà làm khổ nhau không phải tình yêu. Có những người yêu nhau, ngày nào cũng khổ, đó là tình yêu hệ luỵ, chỉ mang tới sự khổ đau. Yêu thương ai đó thực sự, nghĩa là làm cho người ta hạnh phúc, mỗi ngày.
“Bi” là khả năng khiến đối phương không còn khổ nữa. Tình yêu đích thực chỉ có thể làm người ta hạnh phúc và tốt đẹp hơn. Thứ ái tình mà lúc nào cũng chìm đắm trong đau khổ và nước mắt thì không phải tình yêu thực sự.
“Từ bi” chính là khả năng mang lại hạnh phúc cho nhau, cứu rỗi nhau khỏi những nỗi đau trần tục. “Từ bi” trong tình yêu không phải tự dưng mà có. Phải học, phải “tu tập”. Cần nhiều thời gian để quan sát, để lắng nghe, để thấu hiểu những nỗi khổ niềm đau của người yêu, để giúp người ta vượt qua, tháo gỡ, bớt khổ đau, thêm hạnh phúc.
“Hỷ” là niềm vui, tình yêu chân thật sẽ mang lại niềm vui cho con người. Càng yêu, càng vui, niềm vui lớn, cả gia đình cùng hạnh phúc. Cuộc nhân duyên như thế là thành công.
“Xả” là không phân biệt, kì thị trong tình yêu. Mình yêu ai, hạnh phúc của người ta là của mình, khó khăn của người ta là của mình, khổ đau của người ta là của mình. Nói cách khác, là việc mình sẵn sàng được sống vì người khác. Tất cả những gì mình phải làm coi đó là vấn đề của hai người, chuyển hoá nỗi khổ đau, làm lớn thêm hạnh phúc.
Ngân Khánh/Báo Gia đình & Xã hội