Trẻ hay bị muỗi đốt có thể do nguyên nhân như trẻ có nhóm máu O, thích chơi đùa ở những nơi có bóng râm – muỗi thích ẩn nấp,… Với những trẻ thường bị muỗi đốt, cha mẹ cần chú ý đề phòng nguy cơ trẻ bị sốt xuất huyết hoặc mắc hội chứng Skeeter.
1. Tại sao trẻ hay bị muỗi đốt?
Thức ăn chính của muỗi là máu người và trẻ nhỏ thường là nạn nhân của loại côn trùng này. Khi bị muỗi đốt, vết cắn trên da bé có thể không xuất hiện ngay lập tức mà thường phải sau một lúc hoặc thậm chí là sau vài giờ, đi kèm với triệu chứng ngứa và sưng vết đốt.
Trẻ hay bị muỗi đốt do nhiều nguyên nhân như:
- Trẻ em có sự trao đổi chất nhanh hơn người lớn, vận động nhiều, dễ đổ mồ hôi hơn. Trong trường hợp đó, trẻ là mục tiêu dễ thấy và hấp dẫn muỗi hơn, dễ bị đốt hơn;
- Những trẻ có nhóm máu O hay bị muỗi đốt hơn;
- Trẻ mặc quần áo tối màu;
- Trên da của trẻ có nhiều loại vi khuẩn tự nhiên trú ngụ;
- Trẻ thích chơi đùa ở trong bóng râm – những nơi muỗi ẩn nấp;
Trẻ mắc hội chứng Skeeter cũng có xu hướng thu hút muỗi hơn.
2. Nguy cơ khi trẻ bị muỗi đốt
Trẻ bị muỗi đốt có thể đối diện với một số nguy cơ như:
2.1 Nhiễm trùng da, hình thành sẹo
Nếu bị muỗi chích, biểu hiện của trẻ sẽ khác nhau tùy thuộc cơ địa và loại muỗi truyền bệnh. Muỗi cắn ở trẻ có thể đỏ trên da rồi hết nhưng nếu trẻ bị ngứa nhiều rồi gãi thì có thể khiến vùng da đó bị trầy xước, tạo cơ hội cho virus, vi khuẩn tấn công, gây nhiễm trùng da và hình thành sẹo.
2.2 Nguy cơ sốt xuất huyết
Muỗi là một trong những vật truyền nhiễm nguy hiểm, có thể gây ra nhiều bệnh dịch, trong đó có bệnh sốt xuất huyết.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây ra bởi virus Dengue, có thể bùng phát thành dịch. Bệnh lây lan nhanh do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus Dengue rồi truyền bệnh sang người lành qua vết đốt. Bệnh thường bùng phát thành dịch vào mùa mưa, đặc biệt là vào các tháng 7 – 10.
Trẻ em dễ mắc sốt xuất huyết hơn người lớn do trẻ ham chơi, thích chơi ở chỗ râm mát, bụi rậm nên dễ bị muỗi tấn công. Đồng thời, trẻ thường chơi đùa, ra nhiều mồ hôi nên muỗi dễ phát hiện và đốt. Ngoài ra, khi bị muỗi đốt thì sức đề kháng của trẻ cũng yếu hơn người trưởng thành nên dễ mắc bệnh hơn.
Bệnh sốt xuất huyết có nhiều biểu hiện, diễn biến nhanh từ nhẹ đến nặng. Nếu không phát hiện sớm và xử trí kịp thời thì bệnh có thể dẫn đến tử vong.
2.3 Nguy cơ mắc hội chứng Skeeter
Hội chứng Skeeter là tình trạng cơ thể phản ứng dị ứng với các protein có trong nước bọt của muỗi. Biểu hiện của người mắc hội chứng Skeeter là sau khi bị muỗi đốt, vị trí vết đốt sẽ bị viêm (sưng, nóng, đỏ, ngứa hoặc đau). Một số trường hợp có phản ứng khá nghiêm trọng như sưng phù mặt, mắt, chân, tay, bầm tím, nôn mửa, sốt hoặc khó thở,…
Những người mắc hội chứng Skeeter có nguy cơ bị nhiễm trùng da vì vết đốt của muỗi dễ bị trầy xước, tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh. Vì vậy, nếu trẻ bị sốt sau khi bị muỗi đốt hoặc vết đốt bị sưng, đỏ, không đỡ sau vài ngày thì cha mẹ nên đưa trẻ đi khám để loại trừ nguy cơ nhiễm trùng.
Ngoài ra, muỗi còn là trung gian lây truyền nhiều căn bệnh nguy hiểm khác như sốt rét, viêm não Nhật Bản, nhiễm virus Zika, sốt vàng da,…
3. Bé hay bị muỗi đốt phải làm sao?
Với những trẻ hay bị muỗi đốt, cha mẹ cần chú ý những điều sau:
- Thường xuyên cắt móng tay cho trẻ hoặc cho trẻ mặc quần áo dài để lỡ bị muỗi đốt thì trẻ cũng sẽ không gãi mạnh tới mức làm trầy xước da;
- Không bôi dầu gió vào nốt muỗi đốt bởi dầu gió nóng có thể làm vết đốt đỏ hơn, gây phồng da, bọng nước;
- Nếu nốt muỗi đốt khiến trẻ khó chịu, muốn gãi thì cha mẹ có thể chườm mát cho bé (chú ý không chườm đá trực tiếp vì có thể gây bỏng lạnh). Cha mẹ nên chườm bằng cách bọc 1 miếng vải bên ngoài viên đá rồi mới chườm lên da trẻ;
- Không tự ý bôi bất kỳ loại thuốc nào lên da trẻ. Bởi một số loại kem bôi da có chứa corticoid liều cao sẽ không tốt cho trẻ. Thậm chí, một số loại kem bôi da có thể gây dị ứng da, khiến tình trạng của bé càng trầm trọng hơn. Do đó, cha mẹ chỉ bôi thuốc cho trẻ khi có chỉ định của bác sĩ;
- Khi vết muỗi đốt bị trầy xước do trẻ gãi, cha mẹ cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bôi thuốc để tránh nguy cơ nhiễm trùng da.
Nếu nghi ngờ trẻ mắc hội chứng Skeeter, sốt xuất huyết hoặc các bệnh lý khác do muỗi đốt, cha mẹ nên đưa bé đi khám để được bác sĩ chẩn đoán chính xác tình trạng của trẻ và có phương án điều trị thích hợp.
4. Cách phòng ngừa nguy cơ trẻ bị muỗi đốt
Diệt muỗi, loăng quăng, bọ gậy,… là biện pháp hữu hiệu để phòng chống muỗi đốt. Một số lưu ý gồm:
- Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách đậy kín các dụng cụ chứa nước để muỗi không để trứng vào được. Bên cạnh đó, các gia đình nên thả cá vào các dụng cụ chứa nước như chum, vại, giếng,… để diệt loăng quăng, bọ gậy. Đồng thời, các gia đình nên chú ý lau rửa dụng cụ chứa nước như lu, vại,… hàng tuần;
- Thu gom và tiêu hủy phế thải trong nhà và quanh nhà như mảnh chai, chai lọ, vỏ dừa, ống bơ, hốc tre, bẹ lá,… lật úp các dụng cụ chứa nước chưa dùng đến;
- Thay nước bình hoa thường xuyên;
- Khi cho trẻ ra ngoài chơi nên mặc quần áo dài tay cho bé. Khi ngủ, cần ngủ trong màn để tránh muỗi. Đồng thời, các gia đình nên sử dụng bình xịt diệt muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi,… để tiêu diệt muỗi. Với gia đình có người sốt xuất huyết, cần cho bệnh nhân nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây bệnh cho người khác.
Từ thực tế cho thấy trẻ hay bị muỗi đốt hơn so với người lớn. Vì vậy, cha mẹ cần chú ý đề phòng nguy cơ muỗi đốt cho trẻ để tránh trường hợp bé mắc sốt xuất huyết hoặc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác do muỗi gây ra.
Để có thêm kiến thức dinh dưỡng và chăm sóc trẻ theo từng độ tuổi, cha mẹ hãy thường xuyên truy cập website vinmec.com và đặt hẹn với các bác sĩ, chuyên gia Nhi – Dinh dưỡng hàng đầu của Bệnh viện Đa Khoa Quốc Tế Vinmec khi cần tư vấn về sức khỏe của trẻ.
Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY. Tải ứng dụng độc quyền MyVinmec để đặt lịch nhanh hơn, theo dõi lịch tiện lợi hơn!