Vị trí địa lý, địa – kinh tế, địa – chính trị, địa – chiến lược của biển đảo Việt Nam

Trang chủBiển, đảo

Vị trí địa lý, địa – kinh tế, địa – chính trị, địa – chiến lược của biển đảo Việt Nam 

Biển Đông là một biển rìa lục địa, ở phía Tây Thái Bình Dương, là vùng biển nửa kín trải rộng từ Singapore tới eo biển Đài Loan, bao phủ một diện tích khoảng 3,5 triệu km2. Đây là biển lớn thứ tư thế giới, sau biển Philippines, biển San Hô và biển Ả Rập, có vị trí quan trọng về địa – chính trị, địa – kinh tế, địa – chiến lược… của khu vực và quốc tế. Vì thế, Biển Đông và các quần đảo của nó là đối tượng tranh chấp và xung đột giữa nhiều quốc gia trong vùng, nhất là trong bối cảnh hiện nay.

Vị trí địa lý của biển Đông
Biển Đông nằm ở phía Đông Việt Nam, trải dài từ vĩ tuyến 3 Bắc đến vĩ tuyến 26 Bắc và từ kinh tuyến 100 Đông đến kinh tuyến 121 Đông. Có 9 nước và một vùng lãnh thổ tiếp giáp biển Đông, gồm Việt Nam, Trung Quốc và Philippines, Indonesia, Brunei, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Campuchia và Đài Loan.
Việt Nam giáp với biển Đông từ 3 phía: Đông, Nam và Tây Nam. Bờ biển Việt Nam dài 3.260km, từ tỉnh Quảng Ninh đến tỉnh Kiên Giang, với các vùng biển và thềm lục địa, trung bình cứ 100km đất liền thì có 1km bờ biển. Biển Đông có khoảng vài nghìn đảo lớn nhỏ, trong đó có trên 250 cấu trúc địa lý mà mỗi cấu trúc có diện tích khoảng 1km2 gồm các đảo san hô, rạn san hô, rạn san hô vòng, bãi cạn và bãi ngầm, phần lớn không có người sinh sống, đa phần bị ngập trong nước biển khi triều cường, một số nằm ngầm dưới mặt nước. Các cấu trúc được chia thành 3 nhóm quần đảo là: quần đảo Đông Sa ở phía Bắc, quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Trong đó hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cùng hơn 2.570 hòn đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam ở giữa biển Đông hợp thành phòng tuyến bảo vệ đất nước từ hướng biển.
Biển Đông là một trong những khu vực có tầm quan trọng chiến lược đối với các nước thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương, châu Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới. Biển Đông có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của khoảng 300 triệu người.
Biển Đông được coi là con đường huyết mạch chiến lược để giao thông thương mại và vận chuyển quân sự quốc tế.
Biển Đông nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương, châu Âu – châu Á, Trung Đông – châu Á. Biển Việt Nam là điều kiện thuận lợi để ngành giao thông vận tải biển nước ta phát triển, thúc đẩy giao lưu kinh tế, văn hóa giữa Việt Nam với các nước khác trong khu vực và trên thế giới.

 

Biển Việt Nam có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của đất nước
Thềm lục địa Việt Nam có nhiều bể trầm tích chứa dầu khí và có nhiều triển vọng khai thác nguồn khoáng sản này. Tổng trữ lượng dầu khí ở biển Việt Nam lớn. Tuy mới ra đời, nhưng ngành dầu khí của ta đã trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, có tiềm lực kỹ thuật, vật chất lớn và hiện đại nhất trong những ngành khai thác biển, đồng thời cũng là một trong những ngành xuất khẩu và thu nhiều ngoại tệ nhất cho đất nước. Ngành công nghiệp khai thác dầu khí phát triển kéo theo sự phát triển của một số ngành khác như công nghiệp hóa dầu, giao thông vận tải, thương mại trong nước và khu vực. Ngoài dầu mỏ, biển Việt Nam còn có nhiều mỏ sa khoáng và cát thủy tinh có trữ lượng khai thác công nghiệp và làm vật liệu xây dựng…tiềm năng về khí-điện-đạm và năng lượng biển cũng rất lớn như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, thủy triều, sóng và cả thủy nhiệt.
Vùng biển nước ta có điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên thuận lợi cho phát triển nhiều loại hình du lịch
Đất nước Việt Nam chạy dài trên 15 vĩ độ địa lý nhưng lại hẹp về chiều ngang, khí hậu phân hóa, phong phú về tập quan dân tộc, bờ biển dài có nhiều bãi cát rộng, vũng, vịnh, hang động tự nhiên đẹp, các dãy núi đá vôi vươn ra sát bờ biển tạo nhiều cảnh quan thiên nhiên sơn thủy rất đa dạng, các bán đảo và các đảo lớn nhỏ liên kết với nhau thành một quần thể du lịch hiếm có trên thế giới, tiêu biểu là quần thể núi và hang động đá vôi ở Vịnh Hạ Long đã được UNESCO xếp hạng là di sản thiên nhiên của thế giới.
Ngoài ra còn có các thắng cảnh tự nhiên trên đất liền nổi tiếng như Phong Nha – Kẻ Bàng, Thiên Đường, Sơn Đoòng, Bích Động, Non Nước… Ngày nay sức thu hút của du lịch biển, đảo đã vượt ra ngoài các loại hình du lịch truyền thống, phát triển với nhiều loại hình đa dạng hơn, phong phú hơn. Biển Việt Nam có đầy đủ điều kiện để phát triển như:
– Nghỉ ngơi, dưỡng bệnh, tắm biển, tham quan ở vùng duyên hải hay ở ngoài đảo;
– Du lịch sinh thái nghiên cứu khoa học vùng duyên hải, hải đảo trong lòng biển;
– Du lịch thể thao với các hoạt động ngoài trời như: bơi, lặn sâu, lướt ván, nhảy sóng, đua thuyền..Loại hình du lịch này ngày càng hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách vì sự gắn kết giữa rèn luyện sức khỏe và nghĩ dưỡng;
– Du lịch hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế.
Biển Việt Nam còn là địa bàn quan trọng để phát triển kinh tế đất nước
Hiện có trên 31% dân số cả nước sinh sống ở 28 tỉnh thành phố ven biển, Đa số các thành phố, thị xã đều nằm ở ven sông, cách biển không xa, nhất là thành phố, thị xã ở miền Trung Việt Nam nằm ven biển, có đường quốc lộ 1A chạy qua. Khu vực ven biển cũng là nơi tập trung các trung tâm công nghiệp lớn có nhiều sân bay, cảng biển quan trọng, các căn cứ hải quân, kho tàng, các công trình kinh tế, quốc phòng khác. Các tỉnh, thành phố ven biển có các cảng, cơ sở sửa chữa, đóng tàu, đánh bắt hoặc chế biến hải sản, làm muối… thu hút hơn 13 triệu lao động, giải quyết công việc làm ăn, góp phần to lớn vào việc ổn định tình hình kinh tế, chính trị, xã hội và an ninh quốc phòng.
Biển Việt Nam có vai trò quan trọng trong xây dựng thế trận quốc phòng – an ninh của đất nước
Với các vùng biển rộng lớn, bờ biển dài, địa hình bờ biển quanh co, khúc khủy, có nhiều dãy núi chạy ra biển, chiều ngang đất liền có nơi chỉ rộng khoảng 50km (tỉnh Quảng Bình) nên việc phòng thủ từ hướng biển luôn mang tính chiến lược. Mạng lưới sông ngòi chằng chịt chảy qua các miền của đất nước, chia cắt đất liền thành nhiều khúc, cắt ngang các tuyến giao thông chiến lược Bắc – Nam. Ở nhiều nơi, núi chạy lan ra sát biển, tạo thành những địa hình hiểm trở, những vùng kín, xen lẫn với những bờ biển bằng phẳng, thuận tiện cho việc trú đậu tàu thuyền và chuyển quân bằng đường biển.
Hệ thống quần đảo và đảo trên vùng biển nước ta cùng với dải đất liền ven biển thuận lợi cho việc xây dựng các căn cứ quân sự, điểm tựa, pháo đài, trạm gác tiền tiêu, hình thành tuyến phòng thủ nhiều tầng, nhiều lớp, với thế bố trí chiến lược hợp thế trên bò, dưới nước, tạo điều kiện thuận lợi để bảo vệ, kiểm soát và làm chủ vùng biển nước ta. Biển là chiến trường rộng lớn để ta triển khai thế trận quốc phòng toàn dân – thế trận an ninh nhân dân trên biển để phòng thủ bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn trật tự an ninh từ xa đến gần, trong đó có các khu vực biển trọng điểm như Vịnh Bắc Bộ, vùng biển quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa; khu du lịch kinh tế kỹ thuật dầu khí DK1, DK2, vùng biển Tây Nam.

Những bãi biển du lịch nổi tiếng của Việt Nam
Một số bãi biển đẹp của các tỉnh như là: Trà Cổ (Quảng Ninh), Quan Lạn (Quảng Ninh), Thanh Lân (Quảng Ninh), Cát Cò (Hải Phòng), Đồ Sơn (Hải Phòng), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Cửa Lò (Nghệ An), Cửa Hội (Nghệ An), Thiên Cầm (Hà Tĩnh), Đá Nhảy (Quảng Bình), Cửa Tùng (Quảng Trị), Lăng Cô (Thừa Thiên Huế), Mỹ Khê (Đà Nẵng), Quy Nhơn (Bình Định), Nha Trang (Khánh Hòa), Ninh Chữ (Ninh Thuận), Mũi Né (Bình Thuận), Bãi Trước (Vũng Tàu), Bãi Sau (Vũng Tàu), Phú Quốc (Kiên Giang)…
Bãi biển là yếu tố rất quan trọng đối với phát triển du lịch biển ở một xứ sở nhiệt đới, đặc biệt là bãi biển nhỏ nhưng gắn với hải đảo hoang sơ, các vùng biển tĩnh lặng như ở quần đảo Cát Bà (Hải Phòng). Mỗi bãi biển đều có những nét đẹp và lợi thể riêng, thu hút du khách trong và ngoài nước. Nằm trong vùng nhiệt đới, ấm nóng quanh năm nên vùng ven biển và hải đảo nước ta quanh năm chan hòa ánh nắng mặt trời, cùng với các bãi cát trắng mịn trải dài ven sóng. Vì thế, việc quy hoạch sử dụng hợp lý và quản lý hiệu quả các bãi biển sẽ góp phần duy trì được lợi thế trong phát triển du lịch biển, đảo bền vững.
Hệ thống đảo, quần đảo và đặc điểm của chúng
Việt Nam không chỉ có phần lục địa “hình chữ S” mà còn có các đảo, quần đảo, các vùng biển và thềm lục địa rộng lớn trong biển Đông thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia.
Các đảo của vùng biển Việt Nam phân bố không đều, nằm rải rác từ gần bờ đến xa bờ. Hệ thống đảo hình thành vòng cung rộng lớn chạy suốt từ Vịnh Bắc Bộ đến quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, quần đảo phía Nam và Tây Nam của đất nước.
Tổng diện tích các đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam vào khoảng 1.636,6 km2, trong đó có khoảng 82 đảo có diện tích lớn hơn 1km2, chiếm 92% tổng diện tích các đảo; 23 đảo có diện tích trên 10km2 và 3 đảo có diện tích trên 100km2.
Có thể phân hệ thống đảo, quần đảo thành 3 tuyến:
– Tuyến xa bờ: Là những đảo nằm ở vị trí tiền tiêu, cửa ngõ, phên dậu quốc gia, là hệ thống phòng thủ từ xa, ở đó có thể bố trí mạng thông tin tiền tiêu, đặt các trạm quan sát, các trận địa phòng không…để kiểm tra, kiểm soát bảo vệ lãnh thổ quốc gia, bao gồm vùng đất, vùng biển, vùng trời của Tổ quốc. Những đảo, những quần đảo lớn trong hệ thống này như: quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, Bạch Long Vĩ, Côn Đảo, Thổ Chu…
– Tuyến giữa: là những đảo có diện tích khá lớn và điều kiện tự nhiên thuận lợi, có thể xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ tốt cho đời sống nhân dân và phát triển cho việc xây dựng các công trình chiến đấu phòng thủ, các hải cảng, sân bay…
– Tuyến ven bờ: Gồm những đảo gần đất liền, thuận lợi cho phát triển ngư nghiệp, nông nghiệp, tạo thành nơi trú đậu, tránh bão cho tàu thuyền, có vai trò quan trọng trong việc giữ gìn trật tự an ninh trên vùng biển ven bờ. Những đảo lớn trong hệ thống này là các đảo: Cái Bầu, Cát Bà, Cồn Cỏ, Hòn Tre, Hòn Khoai…
Mỗi vùng biển nước ta đều có từng cụm đảo khá liên hoàn, cả ba hệ thống đảo trở thành thế trận phòng thủ nhiều lớp nhiều tầng, giàu tiềm năng về kinh tế và vững về thế trận quốc phòng, an ninh của Tổ quốc.
Một số nhiệm vụ chủ yếu trong Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020
Để đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, Đảng và Nhà nước ta đã định hướng triển khai các nhiệm vụ cơ bản, lâu dài và xuyên suốt là:
– Hình thành một số lĩnh vực kinh tế mạnh gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế hướng biển, làm động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước.
– Giải quyết tốt các vấn đề xã hội, từng bước nâng cao đời sống dân cư vùng ven biển, trên các đảo và những người lao động trên biển.
– Phát triển kinh tế biển gắn với quản lý và bảo vệ biển đảo.
Nhiệm vụ trước mắt đến năm 2020, tiếp tục phát triển thành công, có bước đột phá đối với các ngành kinh tế biển, ven biển như:
– Khai thác và chế biến dầu khí, kinh tế hằng hải, khai thác chế biến hải sản, du lịch biển và kinh tế hải đảo, xây dựng các khu kinh tế, các khu công nghiệp tập trung và khu chế xuất ven biển gắn với phát triển các khu đô thị ven biển.
– Tạo điều kiện cần thiết đảm bảo an ninh, an toàn cho những người dân sinh sống ở những vùng thường bị thiên tai.
– Xây dựng các cơ sở bảo vệ môi trường biển.
Giải pháp chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020:
– Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng, thường xuyên và có hệ thống trong nhân dân nhằm nâng cao và tạo sự chuyến biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân về vị trí vai trò của biển đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, bảo vệ Tổ quốc.
– Cơ cấu lại ngành, lĩnh vực kinh tế biển hợp lý gắn với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân. Khuyến khích nhân dân định cư ổn định trên đảo và làm ăn dài ngày trên biển.
– Đẩy mạnh điều tra cơ bản và phát triển khoa học công nghệ biển mạnh và hiện đại, tăng cường năng lực giám sát quan trắc, giảm thiểu và xử lý các thảm họa thiên tai, sự cố môi trường biển, ven biển và hải đảo.
– Triển khai quy hoạch khai thác, sử dụng biển, hải đảo ở cấp độ khác nhau đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tiến tới chấm dứt việc khai thác tự phát, giảm thiểu mâu thuẫn lợi ích trong sử dụng.
– Quản lý nhà nước có hiệu lực và hiệu quả về biển và hải đảo trên cơ sở hoàn thiện hệ thống pháp luật về biển, làm cơ sở xác lập chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia, quản lý khai thác sử dụng các vùng biển, ven biển và hải đảo.
– Tăng cường hội nhập quốc tế về biển để tranh thủ công nghệ tiên tiến, thu hút thêm nguồn lực cho phát triển kinh tế, khoa học và công nghệ biển, cho khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên biển, quản lý và bảo vệ môi trường biển. Nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành kinh tế biển và sản phẩm biển Việt Nam trên trường quốc tế.
– Đảm bảo chất lượng môi trường biển cho phát triển bền vững kinh tế – xã hội. Phòng ngừa và sẵn sàng ứng cứu các sự cố môi trường biển.

Thanh Nhàn

[Trở về]

Các tin đã đăng

  • Những tên gọi thông dụng của biển Đông và những lưu ý khi sử dụng các tên gọi khác nhau của biển Đông 
  • Ban Chỉ đạo biên giới tỉnh thăm và chúc Tết các gia đình cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên Quần đảo Trường Sa 
  • Hội nghị biển, đảo năm 2018 
  • Ban Chỉ đạo biển, đảo tỉnh thăm gia đình cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên Quần đảo Trường Sa 
  • Họp Ban Chỉ đạo biển, đảo tỉnh 
  • Ban Chỉ đạo biển, đảo tỉnh thăm gia đình cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên Quần đảo Trường Sa 
  • Hội nghị tuyên truyền về chính sách đối ngoại và biển đảo quốc gia năm 2016 

Rate this post

Viết một bình luận