Thông tư 43 của Bộ TT&TT về “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất – phần truy cập vô tuyến” chính thức có hiệu lực từ 1/7. Trong đó quy định tất cả điện thoại di động được sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu vào Việt Nam từ thời điểm này phải tích hợp công nghệ E-UTRA (4G). Đây là giải pháp đầu tiên của kế hoạch tắt sóng 2G, 3G bằng hàng rào kỹ thuật. Việt Nam dự kiến dừng công nghệ 2G vào quý I/2022.
Theo ông Hoàng Minh Cường, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), từ cuối năm 2019 đến cuối quý III/2020, số lượng điện thoại 2G đã giảm khoảng 6 – 7 triệu máy. Đây là xu hướng giảm tự nhiên, chưa hề có sự can thiệp bằng các giải pháp thúc đẩy người dùng chuyển sang smartphone.
Thống kê của GFK cho thấy, trung bình mỗi năm thị trường Việt Nam tiêu thụ hơn 20 triệu điện thoại. Trong đó 60% là smartphone, 40% còn lại là feature phone (điện thoại cơ bản). Cả nước hiện có khoảng 25.6 triệu thuê bao sử dụng thiết bị chỉ hỗ trợ 2G hoặc 3G. Trong đó, khoảng 630 nghìn người trên 70 tuổi chỉ sử dụng điện thoại 2G.
Việc tắt sóng điện thoại 2G, 3G trước đây gặp nhiều bất cập do người lớn tuổi gặp khó khăn trong việc sử dụng smartphone. Ngoài ra người nghèo cũng khó tiếp cận điện thoại hỗ trợ 4G trở lên do giá sản phẩm cao. Tuy nhiên hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có thể sản xuất được smartphone 4G giá rẻ. Khi tắt sóng 2G, 3G, người dùng trong nước có thể mua được smartphone 4G với giá từ 600 nghìn đồng nhờ sự hỗ trợ của các nhà mạng.
Tính đến tháng 4/2021, các doanh nghiệp viễn thông như Viettel, VNPT, Mobifone, đã hỗ trợ người dân gần 80.000 chiếc smartphone giá rẻ thông qua các chương trình, như hợp tác với nhà sản xuất. Chủ trương hỗ trợ smartphone tới các hộ nghèo và cận nghèo đã được đưa vào Dự thảo Chương trình viễn thông công ích giai đoạn 2021 – 2025 trình Chính phủ. Dự kiến các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên toàn quốc sẽ được hỗ trợ 2.1 triệu smartphone.
Ngoài những quy định về cấm sản xuất, nhập khẩu điện thoại không hỗ trợ 4G, đến tháng 9/2024, giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông di động và giấy phép tần số để triển khai mạng di động 2G, 3G hết hạn sẽ không được gia hạn.
2G là thế hệ mạng di động thứ hai. Công nghệ này có khả năng phủ sóng rộng khắp, giúp người dùng nghe, gọi ở nhiều vùng địa hình. Tuy nhiên, công nghệ 2G không hỗ trợ truyền cả dữ liệu ngoài thoại như tải dữ liệu, email, truy cập Internet…
Hiện nay, mạng viễn thông Việt Nam tồn tại đồng thời 3 công nghệ di động mặt đất, gồm GSM (mạng 2G) triển khai từ năm 1990, IMT 2000 (3G) triển khai từ năm 2009 và LTE – A (4G) triển khai từ năm 2016.
Việc tắt sóng 2G nhằm giải phóng tần số, để dùng cho các công nghệ mới. Việc tắt sóng 2G cũng giúp tiết kiệm tài nguyên, chi phí vận nhà cho nhà mạng và quốc gia, đồng thời tập trung nhân lực vào việc phát triển các công nghệ mạng mới.
Theo dự đoán của Hiệp hội Thông tin di động toàn cầu (GSMA), lượng thuê bao 2G trên toàn cầu sẽ giảm từ 40% năm 2017, xuống còn 6% vào năm 2025. Số lượng thiết bị đầu cuối 2G bán ra trên toàn cầu cũng giảm nhanh, dự kiến chỉ còn chiếm 15.1% vào năm 2023.
Bạn có còn đang sử dụng điện thoại 2G, 3G không?
Xem thêm: 3 smartphone dưới 4 triệu, màn hình lớn, bộ nhớ trong cao giảm quá đã