Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Nhật – Chuyên khoa truyền nhiễm – Khoa Khám bệnh & Nội khoa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng
Như mọi người đều biết Vitamin C là một chất có rất nhiều ích lợi đối với sức khỏe con người. Thế nhưng không phải cứ uống vitamin C càng nhiều là càng tốt. Vitamin C nên được sử dụng đúng theo liều khuyến cáo và liều giới hạn của các bác sĩ.
1. Công dụng của vitamin C
Vitamin C có vai trò quan trọng đối với cơ thể và có mặt trong nhiều quá trình chuyển hóa:
- Vitamin C tham gia tạo collagen và một số thành phần khác với vai trò tạo nên các mô liên kết ở răng, xương, mạch máu. Do đó, những người thiếu vitamin C thường hay bị sưng nướu răng, chảy máu chân răng, răng dễ rụng.
- Tham gia quá trình chuyển hóa protid, lipid, glucid,…
- Tham gia tổng hợp các chất như hormone vỏ thượng thận, catecholamin,…
- Là chất xúc tác phản ứng chuyển Fe+++ thành Fe++ để có thể hấp thu sắt ở tá tràng. Đó là lý do vì sao thiếu vitamin C cũng dẫn đến tình trạng thiếu máu do thiếu sắt.
- Giúp tăng sức đề kháng, hệ miễn dịch của cơ thể bằng cách tạo interferon và làm giảm độ nhạy cảm của cơ thể đối với histamin.
- Kết hợp với vitamin A và vitamin E tham gia vào quá trình chống oxy hóa, trung hòa các gốc tự do được sản sinh ra từ các phản ứng chuyển hóa, từ đó bảo toàn các màng tế bào.
Ngoài ra, vitamin C còn có thêm nhiều công dụng khác. Để biết rõ, bạn có thể hỏi bác sĩ để nhận được thông tin chi tiết và chính xác nhất.
2. Liều giới hạn của Vitamin C
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, giới hạn tối đa của vitamin C mà cơ thể có thể chấp nhận được là 2.000mg đối với người trên 19 tuổi. Mức giới hạn dành cho phụ nữ mang thai và đang cho con bú cũng tương tự như vậy.
Đối với trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh, mức vitamin C giới hạn hàng ngày cụ thể là:
- Trẻ 1 – 3 tuổi: 400mg
- Trẻ 4 – 8 tuổi: 650mg
- Trẻ 9 – 13 tuổi: 1.200mg
- Trẻ vị thành niên 14 – 18 tuổi: 1.800mg
Bên cạnh đó cũng có liều giới hạn vitamin C cho một số trường hợp ngoại lệ cụ thể. Tuy nhiên, liều giới hạn ngoại lệ thường chỉ được áp dụng khi có sự đồng ý của các chuyên gia y tế.
3. Liều khuyên dùng vitamin C
Liều lượng vitamin C được khuyên dùng mỗi ngày đối với người ở từng nhóm tuổi cụ thể như sau:
- Trẻ từ 1 – 3 tuổi: 15mg
- Trẻ từ 4 – 8 tuổi: 25mg
- Trẻ từ 9 – 13 tuổi: 45mg
- Trẻ vị thành niên 14 – 18 tuổi: 75mg (với nam) và 65mg (với nữ)
- Người lớn trên 19 tuổi: 90mg (với nam) và 75mg (với nữ)
Một số trường hợp đặc biệt cần bổ sung thêm vitamin C như:
- Người hút thuốc lá nên bổ sung thêm 35mg/ ngày so với liều khuyên dùng
- Phụ nữ khi mang thai nên bổ sung 85mg vitamin C mỗi ngày
- Phụ nữ đang cho con bú nên bổ sung 120mg vitamin C mỗi ngày
Cho đến nay, chưa có nghiên cứu về liều lượng vitamin C dành cho trẻ dưới 1 tuổi. Các chuyên gia có đưa ra số liệu ước chừng:
- Trẻ dưới 6 tháng: 40mg
- Trẻ 7 – 12 tháng: 50mg
Tuy nhiên, cơ thể không hấp thụ toàn bộ vitamin C được nạp vào cơ thể. Nếu lượng vitamin C được dùng mỗi ngày là 30 – 180mg thì chỉ 70 – 80% lượng vitamin C đó được cơ thể hấp thụ. Tỷ lệ hấp thụ vitamin C chỉ còn khoảng 50% nếu một người dùng nhiều hơn 1g vitamin C mỗi ngày. Lượng vitamin C còn lại không được hấp thụ sẽ đào thải qua đường tiểu.
4. Uống vitamin C như thế nào?
Người dùng nên sử dụng vitamin theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý tăng hoặc giảm liều lượng so với khuyến cáo.
Tùy thuộc vitamin C được bào chế dưới dạng nào mà có cách sử dụng phù hợp:
- Kẹo cao su vitamin C: có thể nhai lâu tùy thích, lưu ý vứt đi sau khi nhai chứ không được nuốt.
- Vitamin C dạng viên nhai: trước khi nuốt cần nhai hoàn toàn viên vitamin C, kết hợp uống nhiều nước.
- Vitamin C dạng viên phóng thích kéo dài: nuốt trọn và không được nhai, nghiền nát hay đập vỡ viên.
- Vitamin C dạng lỏng: sử dụng muỗng đo hoặc ly đo để đong liều lượng vitamin C vừa đủ.
- Vitamin C dạng viên rã nhanh: chỉ mở bao bì khi sẵn sàng uống. Cần giữ tay khô khi lấy viên vitamin C ra khỏi bao bì và đặt vào miệng. Không nuốt ngay mà ngậm để vitamin tan rã trong miệng. Khi thuốc tan nên nuốt vài lần.
Bạn tuyệt đối không được đột ngột tạm dừng sử dụng vitamin C nếu đang trong tình trạng thiếu vitamin C hoặc đang dùng vitamin C một thời gian dài. Bạn nên tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định của bác sĩ để tránh dẫn đến các tác dụng không mong muốn.
5. Tác dụng phụ khi sử dụng vitamin C
Ngoài các tác dụng chính điều trị bệnh, Vitamin C cũng có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn như:
- Khó thở
- Phát ban
- Sưng môi, lưỡi, họng hoặc mặt
- Tiêu chảy, co rút dạ dày
- Ợ nóng, buồn nôn
Nếu bệnh nhân gặp phải một trong những biểu hiện kể trên, thì nên ngay lập tức và đến cơ sở y tế gần nhất để theo dõi thêm, không nên cho qua một số biểu hiện nhẹ mà có thể dẫn đến những biến chứng khó lường hơn.
XEM THÊM:
- Tác dụng phụ của vitamin C
- Tác hại khi thừa hoặc thiếu vitamin C
- Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ của Vitamin C